Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Về vấn đề “mở đầu” cho một bài học


Vào đề/ mở đề/ nhập đề… là những cách nói giản tiện mang hàm nghĩa “mở đầu bài học” có tính nghiệp vụ sư phạm. Với môn Giáo dục công dân Trung học Phổ thông, người biên soạn SGK, SGV rất chú ý tới tiểu mục này. Thái độ này của các tác giả chương trình môn học như muốn lưu ý cả người dạy lẫn người học bộ môn, việc kết thúc có hậu cho một bài học có ý nghĩa không thua kém hơn so với mở đầu bài học đó vậy.

Một cách đặt vấn đề đúng đắn và sáng tạo, tự nó đã bao hàm việc giải quyết vấn đề một cách triệt để và phát triển. Do đó, việc giải quyết vấn đề chắc là sẽ không tới đâu nếu không biết cách mở đầu bài học, cũng như thái độ bàng quan đối nó. Nó thể hiện sự cẩu thả nghề nghiệp, nếu có cách nói khác thì, là sự không hiểu biết gì về công việc của mình!
Một bài dạy thành công, ngoài việc giáo viên có thể vận dụng tốt các kỹ thuật giảng dạy, thì điều căn bản bài giảng phải có nội dung mới mẻ, kiến giải độc lập. Một bài giảng mới mẻ, sinh động không nên xem nhẹ điều.
Đầu tiên, phải có một mở đầu hay, giáo viên phải cố gắng gây hưng phấn, thu hút, thậm chí là “giành giật” được sự chú ý của người học. Đó là cách làm có hiệu quả nhất để giáo viên không bị đối đầu với tình trạng tự phát vô kỷ luật trong lớp học.
Vậy làm thế nào để có một mở đầu có thể “xâm chiếm” được ngay sự chú ý của người học.
Thường thì, khi chọn cách nhập đề, người diễn giải phải đứng ở vị trí quan sát đúng đắn. Đặc biệt là trong dạy học, khi người thầy giáo luôn phải nói về những chủ đề cũ, hoặc những chủ đề mà những người khác đã và từng, cũng như đang và sẽ tiếp tục… nên phải cố gắng tránh cách hành văn mà người ta đã quen thuộc, chẳng hạn, nói ra những điều “y sì sách giáo khoa !”; phải biết tìm ra cách diễn đạt mới mẻ.
Và, vì thế mà phải chú ý đến cách dùng từ ngữ để ý tưởng của người dạy được biểu đạt một cách rõ ràng, dễ hiểu. Phải thể hiện một cách chính xác, tạo được cảm giác mới mẻ và có tính sáng tạo, phải tránh được các phương thức biểu đạt cũ kỹ nhàm chán. Nghĩa là, phải năng rèn luyện và đổi mới hình thức tổ chức ngôn ngữ mà thực ra là sắp xếp thanh điệu để thể hiện tình cảm thích hợp; phải khai thác hiệu quả các biện pháp tu từ.
Nhưng đối với giáo viên “mới vào nghề”, không thể đòi hỏi được nhiều đến thế. Kinh nghiệm đầu tiên là cần tăng cường trí nhớ. Muốn ghi nhớ một điều phải biết kiến tạo ấn tượng về đối tượng để ta được/ phải luôn suy nghĩ về nó và tăng cường liên tưởng về những trải nghiệm. Biết mượn kinh nghiệm của người khác để tăng cường thái độ tự tin. Biết “chế cảm” và cả “điều tức”! Phải có thái độ dứt khoát dẫu biết mình còn khá vụng về… Còn để giảm thiểu lúng túng thì nên quan tâm đến hình thức bề ngoài của bản thân, nếu nói năng chưa được trôi chảy thì phải biết đến thái độ ghét bỏ lối nói cứ ê/ a/ ề/ à. Dạy học mà ê/ a/ ề/ à, con kê/ con cà, thì thà bỏ đi buôn cho lắm lãi! Vì nó biểu thị thái độ do dự mà làm tiêu tan khát vọng thành công. Làm nghề dạy học mà thiếu khát vọng thành công thì coi như đã sớm đầu hàng, đọc lên cái bảng cửu chương cũng không nổi!
Thứ đến, một mở đầu hay là một mở đầu đúng cách.
Phải bám sát mục tiêu của bài học để khái quát đúng vị trí ý nghĩa của vấn đề mà người giáo viên dự định trình bày. Những nội dung trọng tâm của vấn đề mà người học sinh có nhiệm vụ phải chiếm lĩnh phải được trở thành các ấn tượng. Việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức học tập trong bài học phải theo phương pháp được ngầm chỉ định. Phải đáp ứng yêu cầu mở cho một kết cục bài giảng, khiến người học thỏa mãn nhu cầu tâm lý và làm nảy sinh nhu cầu hành vi mà mục tiêu của bài học đòi hỏi.
Có thể tham khảo hai cách mở đầu bài học dưới đây.
1/ Có thật sự có một sự thống nhất trong phát triển kinh tế nhiều thành phần không? Sự thống nhất ấy dựa trên điều gì? Vả chăng không dựa trên cơ sở của sự thuần nhất? Nhưng có sự thuần nhất kinh tế bao giờ không?
Đặc trưng của thời kì quá độ là kinh tế nhiều thành phần. Nếu vậy thì Nhà nước thực hiện chức năng tổ chức phát triển nền kinh tế ấy có tính khả thi không? Tự nhiên quy định rằng, chỉ cái không thuần nhất mới cần/ mà tiến đến sự thống nhất. Và sự thống nhất được quy định bởi tính không thuần nhất, trong đó yếu tố chủ đạo sẽ phát huy vai trò thống nhất các yếu tố, ở đây là các thành phần kinh tế trong một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa..
Bài học hôm nay (bài 7, GDCD 11) thể hiện quan điểm nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước ta.
- Học tập bài này công dân có thêm cơ hội vận dụng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ công dân khi theo đuổi các dự định hoạt động ở một hay trong tất cả các thành phần kinh tế.
- Nâng cao nhận thức về vai trò kinh tế Nhà nước nước ta, công dân có trách nhiệm tôn trọng các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đặc biệt thị trường lao động. Cùng với gia đình và người thân, mỗi người là phải tích cực hưởng ứng công cuộc cải cách hành chính bộ máy nhà nước ngay tại địa phương, quê hương, theo hướng bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phận kinh tế tại quê hương mình; chủ động bồi dưỡng nâng cao năng lực sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm hàng hóa có năng lực cạnh tranh cao nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế; góp phần củng cố và từng bước phát triển bền vững nguồn nhân lực có chất lượng của địa phương mình, đối với bản thân và cả người thân.
Đạt được yêu cầu của bài học này, các học sinh phải nỗ lực tham gia xây dựng bài, chú ý nắm vững các khái niệm và thuật ngữ kinh tế, phải phát huy óc suy luận và năng lực khái quát.
2/ Xã hội vận động không thể không đưa lại sự va chạm nhau về mặt lợi ích giữa các lực lượng, các khuynh hướng, xu hướng đối lập, nên nó cần phải có một công cụ dùng để thống nhất, đó là Nhà nước. Song chỉ có Nhà nước xã hội chủ nghĩa mới đảm nhiệm được tốt nhất vai trò này.
Bài học số 9 (GDCD 11) trên cơ sở lý giải nguồn gốc, bản chất của nhà nước sẽ đặt ra những yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta
Bởi vậy, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, luôn đặt công dân trước một trách nhiệm to lớn là tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với lứa tuổi và điều kiện của bản thân.
Tại bài học số… của chương trình GDCD 10, mỗi chúng ta đều đã được xác định quyền và nghĩa vụ công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Bài học này sẽ cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ ấy trong việc tăng cường Nhà nước pháp quyền nước ta, là tăng cường công cụ để đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với Tổ Quốc!
Bài này có 3 đơn vị kiến thức, đơn vị kiến thức 3 sẽ chỉ rõ mỗi công dân ở tuổi học đường như các em sẽ phải là gì. Những việc làm này, không phải được xác định một cách tùy ý mà nó do bản chất, chức năng và vai trò của Nhà nước pháp quyền nước ta quy định.
Đó cũng chính là các nhiệm vụ học tập của bài này ở các em. Điều này rất có thể gây nên những khó khăn nhất định đối với nhận thức học tập, nhưng không phải là điều không thể vượt qua, khi chúng ta cùng cố gắng…
Bây giờ thì chúng ta cùng hợp tác để cùng giải quyết nhiệm vụ học tập của bài này.
Nào!
Ngoài ra, các sinh viên có thể tiếp cận một vài cách “mở đề” trong tài liệu chuyên đề cho K33 “Một số kỹ năng cơ bản trong dạy học GDCD THPT”.
Chung quy lại, “mở đầu bài học” là cách thức giáo viên và học sinh cùng quán triệt các mục tiêu của bài học như một cam kết thực hiện nhiệm vụ của bài học đó!