Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

KHỔNG TỬ/ XÃ HỘI “VU GIÁO”/ VIỆN KHỔNG/ NHÀ CHUNG

Tiếp cận Nho giáo, đặc biệt Khổng Tử có lẽ cần phải khác với cách làm truyền thống. Thực tế đang cho chúng ta thấy, cũng là xã hội Nho giáo song Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại vượt lên nước ta. Đi theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, không lẽ là chúng ta không đã/ đang thoát khỏi chiếc bóng quá khứ của chính mình? Vậy điều còn lại ở đây là gì? Phải chăng cái mảnh đất sản sinh ra, nuôi dưỡng, dung dưỡng Nho giáo! Nếu thế thì cần phải có “sấm sét tư tưởng đánh vào cái mảnh đất nhân dân hãy còn nguyên vẹn ấy” để công cuộc giải phóng người Việt Nam ta thành con người…

Tôi viết tiểu luận này không nhằm cuộc cách mạng sấm sét tư tưởng. Thực ra tôi không có sức. Hơn nữa vấn đề này thực sự to tát. Điều tôi có thể làm là được góp vào việc chỉ ra cái mảnh đất cằn cỗi ấy để “nhử” sự tập trung của những tia sét hòng thoát ra sớm hơn cái bóng của chính mình thay vì giãy dụa trong cái bóng ấy.
Bài viết đây tôi lấy cảm hứng từ ý tưởng của GS. Trần Đình Hượu. Sẽ không có gì là lạ nếu tôi tiếp tục được những ý tưởng của ông trên nền học thuật của cá nhân tôi tích lũy được. Tất nhiên tôi không thể  khỏi những ảnh hưởng của những nhà tư tưởng, những học giả uyên thâm về Nho học, chẳng hạn, cụ Trần Trọng Kim.
Xin cảm ơn tác giả các tập giáo trình về Lịch sử triết học Đông Phương.
Tiểu luận này tôi đưa vào nhãn HỌC THUẬT là có ý tiếp nhận mọi sự phê bình. Được như thế thật không gì bằng bởi nó đã hoàn thành nhiệm vụ của nó: thu hút sấm sét tư tưởng…

[1]. Sự tan rã của những quan hệ thị tộc bộ lạc từ thời nhà Thương-Ân đã đưa Trung Hoa cổ đại thành một xã hội liên hợp có vua chung – người cha của các thị tộc, mà tộc trưởng của một thị tộc trong liên minh các thị tộc, bộ lạc có thế lực lần lần “thay nhau” làm thủ lĩnh cũng là vị đại giáo chủ tuyệt đối tối thượng.
Cho đến “Đại cách mạng Văn hóa” với “bài phong, đả Khổng”, diễn tiến lịch sử của xã hội Trung Hoa như vẫn chỉ làm sâu sắc thêm xu hướng này, một khi nó khư khư bám víu  vào ngọn cờ Nho giáo!
Không phải vì thuận theo “phép tiên vương” mà nó cứ phải hoài niệm mãi với quá khứ xa xăm về thanh gươm với tấm choàng đạo đức như chiếc kim trong giẻ còn mải chịu nằm yên. Nó duy trì mãi được tình trạng này là bởi Trung Quốc ngày nay chưa là gì với Trung Quốc thời sản sinh ra những tư tưởng tân kỳ“Con đường và các biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc chỉ có thể được tìm thấy trong chính Trung Quốc” (Tập Cận Bình).
Tinh thần cơ bản của nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ (10-2015) “dĩ pháp trị quốc” nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách kĩ thuật về pháp lý ở Trung Quốc bằng cách vô hiệu hóa các yếu tố nguy hại đối với trung ương, đặc biệt sự phân tán quyền lực và các lực lượng pháp lý độc lập, thay vào đó là sự cổ súy cho hoạt động quản trị tập trung một thiên hướng truyền thống ngày càng được phủ dày thêm lớp tuyết Trung Hoa cổ kính.

[2]. Lịch sử nhân loại thời cổ đại cho thấy điều gì nếu không phải sự phát triển cộng đồng là quá trình thường xuyên phá vỡ tính tự nhiên và mối liên hệ thống nhất của sản xuất dựa trên các mối liên hệ cộng đồng. Quá trình này được bắt đầu cùng với sỡ hữu tư nhân, sự hình thành con người cá nhân tư hữu và sự tan rã của các công xã – những cộng đồng tự nhiên của con người. Nguyên nhân chủ yếu của quá trình này là sự di cư của các thị tộc bộ lạc, hay của liên minh các thị tộc bộ lạc hòng chiếm cứ (sau dần là chiếm đoạt) những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc tổ chức lao động, khiến con người tự nhiên lần lượt rơi vào những điều kiện lao động mới. Đó là việc sản xuất ra những công cụ phục vụ nông nghiệp, mở rộng chiến tranh – một hiện tượng sinh hoạt bình thường của xã hội nguyên thủy, và thỏa mãn nhu cầu thực hành, bành trướng tín ngưỡng, tôn giáo…
Trung Hoa cổ đại đã diễn ra quá trình thị tộc, bộ lạc do chiếm cứ được những điều kiện tự nhiên cho việc tổ chức đời sống công xã, mà một thực thể cộng đồng tự nhiên nghiễm nhiên giành được các điều kiện để buộc con người lệ thuộc vào lao động nô dịch, tức thực hiện hành vi bạo lực. Việc tổ chức lao động cưỡng bức không hoàn toàn là kết qủa của sản xuất mà là những điều kiện tự nhiên bên ngoài đã làm hình thành chế độ nô lệ gia trưởng với tính đặc trưng là không có chế độ tư hữu về ruộng đất, chỉ có hình thức sở hữu cộng đồng, nhà vua chuyên chế được xem là người cha của các cộng đồng ấy. Về cơ cấu xã hội và đặc điểm cơ bản của thể chế xã hội là tính chất khép kín mà biểu tượng âm- dương trong nhất thể thái cực, khó có được một ẩn dụ nào hơn thay thế được!
Tộc trưởng cai quản mọi người trong họ tại một địa vực nào đó, gọi là hậu – vua một xứ, với ngàn vạn xứ thuở bấy giờ nên kho từ vựng của Trung Hoa cổ kính đã xuất hiện từ “vạn bang”. Các hậu cùng nhau chọn ra một hậu lập làm đế gọi là nguyên hậu. Nguyên hậu sau xưng làm thiên tử, khiến các hậu kia có tên gọi là chư hầu. Chư hầu trị nước còn đế trị thiên hạ. Thời Xuân Thu, nhà Chu giữ ngôi thiên tử đã chia thiên hạ làm hơn 70 nước để phong cho các công thần và con cháu (trong đó chỉ riêng họ Cơ chiếm tới 53 nước). Nước lớn (Lỗ, Vệ, Tấn, Tề, Yên…) có diện tích cỡ như một tỉnh; nước nhỏ cỡ một quận/ huyện như bây giờ. Thiên tử thì kích thích “thói tham lam biển lận, tính bủn xỉn hèn hạ, nạn ăn cắp của chung làm của riêng, bạo lực xảo trá và phản bội” để duy trì ngôi thiêng, Đạo Khổng lại lấy cương thường mà tiết chế nhân dục hòng giữ gìn trật tự cho thiên hạ vững bền.
Thiên hạ là tất cả những gì dưới gầm trời do thiên tử trông coi nên thiên tử được coi là Hạ đế. Uy quyền của thiên tử là vô hạn, “Lễ nhạc, chinh phạt thiên tử xuất” (Luận ngữ, Quý Thị) vì ông chỉ giữ bổn phận với… Trời. Khi dời đô đến đất Ân, Bàn Canh khuyến thị: “Ta khuyên các ngươi như vậy vì muốn tiếp nhận sinh mạng của các ngươi mà trời giao cho ta làm cho các ngươi được tiếp tục sống… Nếu có kẻ nào không biết nghe điều phải, không biết nghĩ đến điều lợi lâu dài, hoặc không phục tùng mệnh lệnh, gian ngoan dối trá thì ta sẽ giết chết, tiêu diệt bằng hết mới thôi, để cái xấu không sinh sôi trên ấp mới” (Thượng thư, Bàn Canh, trung).
Hạ đế thực hiện chế độ phong hầu kiến địa, phong chức tước, cấp đất đai cho các chư hầu và ngành nam trong thân tộc; rồi các chư hầu cũng lại làm như thế với đại phu, tạo nên hệ thống ràng buộc nhau về huyết thống, kinh tế và chính trị. Tính chất này “ẩn náu” trong các biến thái công xã nông thôn có sự phân biệt đẳng cấp và chế độ nô lệ: các “chủng tộc” là những tổ chức liên hiệp có tính chất đẳng cấp. Chính trị, do đó, không biểu hiện công khai như là một hành vi kinh tế mà “đạo mạo” trong tấm hoàng bào đạo đức, thứ đạo đức chính trị, đức trị, cực kỳ bảo thủ do lâu ngày mà càng trở nên nặng nề phản động: nó là một thứ tôn ti trật tự khắt khe mà ở đó, trong nhà con phải phục tùng cha, trong họ thì phận đàn em phải phục tùng trưởng tộc, xã hội thì dân phải tôn kính vua, còn vua chỉ phục tùng Thượng đế để mãi “nhận dân” “hưởng dân”, “an ủi dân, vỗ về dân, giúp đỡ dân, che chở dân, khiến dân tự biết vui về đạo” (Mạnh tử, Đằng Văn Công-thượng).
Vị chủ vũ trụ cai quản bách thần và vạn vật là một đấng chí nhân “rất mực” thương dân, “Hoàng hỹ Thượng đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mục” (Kinh Thi). Cho nên, tất cả đều phải sợ trời và kính trời. Kính trời phải nương theo thời mà ở thuận. Thuận trời hay hợp đạo là thứ lý luận biện hộ cho sự cai trị và tước đoạt không phải từ phương diện pháp lý mà là về phương diện đạo đức tôn giáo, Khổng Phu Tử được gọt đẽo để thành cột trụ tinh thần cho thiết chế chính trị đạo đức này.
Những tư tưởng chính trị của Khổng Tử, là những tư tưởng về đạo đức người quân tử còn chưa phát triển mà không thể phát triển, ít nhất suốt 2.500 năm, cho đến ngày nay vẫn mãi còn như vậy. Đó là một thứ ảo giác trong cơn hấp hối. Nó là những tư tưởng của chế độ xã hội đang đòi hỏi giải thể chế độ tông pháp nhưng lại cương quyết từ chối bất cứ sự đổi mới nào trong não trạng: lòng sùng tín, thành kiến và quá khứ. Những thứ tuy không hề là nhân tố quyết định nhưng người ta đã làm cho Khổng Tử trở thành bất tử khi giam cầm xã hội phương Đông giãy dụa trong sự xung đột của lý tính và tình cảm. Giới quý tộc trong tất cả các thời đại rất biết cách thọ ơn Khổng Khâu, đặc biệt dành cho Mạnh Tử và Đổng Trọng Thư, những người học trò xuất sắc của đạo Nho đã làm cho thầy mình trở nên hiển thánh.
Còn gì lý tưởng hơn đối với tầng lớp thượng lưu về một xã hội yên lắng nép bóng thánh hiền hợp đạo “yên phận” mà “không nghĩ đến việc tranh thiên chức với trời!”

[3]. Từ tôtem bộ lạc tiến triển thành tôn giáo tổ tiên với nhất nguyên tối linh thần, Trung Hoa cổ đại đã sớm hình thành xã tắc vu giáo – tôn giáo hóa chính trị. Toàn bộ quá trình này được phản ánh vào đời sống tinh thần làm hình thành ý thức đạo đức chính trị thống trị. Ấy là Khổng giáo.
Khổng giáo đã cố gắng gầy dựng một vũ trụ quan đạo lý, biện hộ cho trật tự nhà nước gia trưởng độc đoán kiểu Phương Đông.
Rất khó để có thể cưỡng lại cái chủ thuyết rằng, thời đại văn minh ở Trung Hoa được bắt đầu từ sau Tam Hoàng, Ngũ Đế, tức thời Tam Đại (khoảng từ thế kỷ XXI tr. CN). Đây là điều rất ý nghĩa. Vì nó là cơ sở để có thể giải thích tư tưởng xã hội về chính trị từ những quan hệ kinh tế mà chế độ nô lệ mới là cơ sở đầu tiên và duy nhất. Chỉ khi xã hội tiến đến sự xuất hiện lao động thặng dư, mà lao động thặng dư thì lại chỉ hình thành khi công cụ bằng sắt trở thành phổ biến, mới là cơ sở cho sự ra đời của tư tưởng chính trị. Chỉ khi đó, một bộ phận sản phẩm lao động mới mang lại ý nghĩa không hoàn toàn và tuyệt đối cần thiết cho việc tiêu dùng ngay đối với người tạo nên nó. Từ đó cho phép phát sinh ra xã hội với các giai tầng được thụ hưởng mà không phải lao động, trong đó tầng lớp trí thức đảm trách sứ mệnh bảo hộ về tư tưởng cho hiện trạng này. Để từ đây, kẻ sĩ tiến thân bằng con đường vua bán tước, tôi bán tài năng, khúm núm trước ngai vàng, cũng được vua nuông chiều như con hát (Tư Mã Thiên).
Khó để có thể tìm thấy được hơn thế một xã hội mà vai trò của kẻ sĩ sớm được đề cao như trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Những nhà Trung Quốc học nhân danh khoa học coi Trung Hoa cổ kính là xã hội trọng trí, Nho học coi xã hội của nhà Trung quốc học là xã hội trọng hiền. Cũng khó mà có thể nói khác khi xã hội nông nghiệp không có nhiều tri thức cần cho sản xuất đến thế. Vậy có lẽ là các con chữ của Trung Hoa với các biểu tượng chồng lấn lên nhau khiến việc “điều hành” chúng không ai, ngoài kẻ sĩ. Vai trò của kẻ sĩ sớm biểu thị vai trò của chân thư lại cho công việc giấy tờ. Công việc quản trị xã hội bộn bề khiến vua chúa chỉ có thể phải cầu lụy vào sự thông thạo chữ nghĩa. Từ chỗ chuyên trách về về soạn thảo và đọc hiểu công văn thư tịch, kẻ sĩ là tầng lớp duy nhất độc quyền về tri thức và truyền bá chúng. Họ đã tận dụng được cơ hội này để phục vụ chính trị. Họ phải được hoàn toàn nhàn tản, sớm thưởng trà, khuya thưởng nguyệt… để tận hưởng cái gốc của Nhạc“làm cho thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận buồn than” (Nguyễn Trãi). Họ làm ra các huyền thoại để dẫn dắt chúng sinh không nguôi ngoai niềm hi vọng vào các bậc Đế vương Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, khiến các triều đại chỉ cần dẫn ra được một câu của vua Nghiêu là thành Đế Nghiêu, một lời của Thuấn mà thành thời Thánh vương!
Triều Hạ (khoảng thế kỉ XXI-XVI tr. CN), thời Vũ, sự phân hóa tài sản trong nội bộ công xã thị tộc bộ lạc bắt đầu diễn tiến mà chỉ dấu về nó là uy quyền của thủ lĩnh thể hiện thế lực của những người giàu có ngày càng trở nên tàn khốc. Tương tuyền, một lần, Vũ triệu tập các tù trưởng của bộ lạc về họp ở Cối Kê, chỉ vì đến chậm mà tù trưởng Phòng Phong đã bị Vũ chém chết.  Hành động độc đoán này, là một lời tuyên ngôn không thỏa hiệp với xã hội đại đồng mà chế độ “thiện nhượng” vang bóng một thời vẫn đang tiếp tục được truyền tụng như một hành vi chính trị “hợp đạo” của xã hội thánh hiền.
Vũ chết, các quý tộc đã phò con của Vũ nối ngôi, nhờ đó mà Khải bấy giờ đã nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng quyền lực hoàn toàn trở nên xa lạ với xã hội thị tộc. Một thứ quyền lực nghiêng thiên hạ, đến nỗi giới quý tộc, những kẻ “góp gió” cho Khải tạo dựng nên thứ đạo luật đặc biệt, trong đó giới quý tộc được đặt lên trên xã hội, khiến cho bọn họ trở thành “đặc biệt thần thánh và đặc biệt bất khả xâm hại”(chữ của L. Morgan), cũng đã phải cay đắng và ngậm ngùi “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nó là một thứ thông điệp “di chúc” về sự chi phối về mặt tài sản của người giàu có ngay cả sau khi người đó đã quá cố. Sự này chính thức mở ra kỷ nguyên thế tập cha truyền con nối ngang nhiên được coi là hợp với đạo trời. Từ đây, sự làm gia tăng của cải cá nhân một cách vô hạn độ bất chấp đạo đức trở thành linh hồn của văn minh Trung Hoa được Nho gia tận tụy che giấu… Lúc đầu vua Vũ có tiến cử một đại thần là ông Ích – tể tướng của ông vũ. Nhưng khi ông Vũ chết thì dân không theo ông Ích mà theo con ông Vũ. Vì hai lẽ, ông Ích mới làm tể tướng cho ông Vũ được ít năm, thi ân cho dân chưa được lâu, dân chưa tín nhiệm; ông Khải nổi tiếng là hiền, kế thừa được đạo của cha. (Mạnh Tử, Vạn chương - thượng, 1). Nghe qua không ai lại nghĩ đã từng có một cuộc trưng cầu dân ý về vị trí của Ích và Khải giữa thời không có Internet nhưng thiên hạ không thể không có vua lấy một ngày! Ý dân là ý trời: Thiên tử tự ý nhường ngôi cho con hay cho người hiền cũng không được mà phải thuận với ý dân, lòng dân bởi chỉ dân mới có quyền lựa chọn người cai trị mình!
“Phàm việc gì mình không cố ý mà tự nhiên mình làm, đó là ý trời; mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là mệnh trời vậy. Các đời Đường Ngu thì truyền hiền, các đời Hạ, Ân, Chu thì nối ngôi, thậm chí “Vua Trụ tự tuyệt với trời mà kết oán với dân” nên chỉ “nghe nói giết một kẻ tên là Trụ, chứ chưa nghe nói giết vua” (Mạnh Tử, Vạn chương-thượng, 1) cũng ý nghĩa như nhau cả! Người nhân danh mệnh Trời để thảo phạt kẻ có tội phải tin rằng mình thuận theo ý dân, cái ý do Trời đem trao cho vua – Thiên tử
Đạo trời thì vẫn thường hằng, nhưng nội dung của nó, “đạo nhân” đã được “biến báo” để thành an phận với nó. Theo đó, mà các tổ chức chính trị, như bộ máy quan lại, quân đội, nhà tù…, từng bước được hoàn thiện. Chính quyền khi này, tuy còn giản dị đến mức nào thì nó cũng đã không bỏ qua việc cơ cấu nên chức vụ Bào chính trông coi việc dâng tiến thức ăn cho vua. Nó chứng tỏ “việc sử dụng của cải đã rộng rãi, và việc quản lý của cải vì lợi ích của những kẻ sở hữu đã khéo léo đến mức của cải đó đã thực sự trở thành lực lượng không sao khống chế nổi” (L. Morgan). Tình hình này đã hoàn toàn đánh gục lý tính, đẩy trí tuệ của con người rơi vào trạng thái hoang mang và bối rối trước vật sáng tạo của chính mình.
“Đạo lớn đã mất, thiên hạ thành riêng, người ta chỉ thân với người thân của mình, chỉ yêu con của mình, của cải là của riêng mình, cha truyền con nối cho hợp với lễ, lấy thành quách hào ao làm kiên cố, lấy lễ nghĩa làm kỷ cương để xác định địa vị vua tôi, để giữ đạo cha con, để làm cho anh em biết kính trên nhường dưới, để cho vợ chồng hòa thuận, để đặt ra các chế độ, để phân định cương giới ruộng đất, để phát huy tài năng của những người dũng cảm và những người thông thái, để mưu lợi ích cho riêng mình, do đó mưu mô được sử dụng và việc binh đao nổi lên” (Lễ kí, Lễ vận,).         
Đó là cái thời kỳ người Trung Hoa hãy còn chưa biết được gì nhiều, ngoài thứ đồng đỏ. Nông cụ vẫn phải làm từ đá, gỗ, xương, vỏ trai để xới đất, gặt hái, cắt, chặt… Cho đến thời Thương-Ân và cả Tây Chu, thậm chí còn lấn sang cả thời Xuân Thu đồ đồng thau vẫn còn rất phổ biến. Đồ sắt cũng đã bắt đầu xuất hiện. Văn tự sớm nhất đề cập đến “thiết” là phần Tần phong trong Kinh Thi, bài Tứ thiết có đoạn, “Bốn con ngựa màu sắt rất béo”. Bài này tuy được sáng tác vào cuối thời Tây Chu, nhưng cho tới nay đã chưa tìm ra thêm một cứ liệu nào khác chứng tỏ thời này đã có sắt, mà mãi đến thời Xuân Thu, tức thời kỳ Chu Bình Vương dời đô về Lạc Ấp (770 tr.CN), mới có đủ cơ sở để đảm bảo chắc chắn rằng đồ sắt, khi này mới được sử dụng đến.
Cho nên, rất khó để có thể nói rằng sự ra đời chế độ nô lệ Trung Hoa trước thời kỳ đồ sắt đến 800 năm, tức vào khoảng thế kỷ XVI - XV tr. CN, tự thời nhà Thương-Ân. Thời ấy, trong bốc từ chưa hề thấy xuất hiện chữ “thiết” mà cho mãi đến khoảng thế kỷ VII tr. CN, người ta mới thấy lẻ tẻ xuất hiện chữ này trong một số thư tịch, mà theo Quách Mạt Nhược, nguyên nhân của sự hùng cường của nước Tề là do việc tìm ra sắt. “Kim loại đẹp [ám chỉ đồng thau] để đúc gươm giáo dùng để chém chó ngựa, kim loại xấu [ám chỉ sắt] để đúc cuốc dao dùng để xới đất” (Quản Trọng). Ở nước Tấn (năm 513 tr. CN), nhà nước đã gom được rất nhiều sắt để đúc đỉnh, trên đó khắc “Hình thư” là các điều luật của Phạm Tuyên Tử. Khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một vài đồ sắt trong một ngôi mộ ở tỉnh Hồ Nam thuộc đất của nước Sở, có niên đại cuối thời Xuân Thu. Năm 1950, người ta cũng phát hiện được ở Hà Nam một ngôi mộ thời Chiến Quốc với khoảng 100 công cụ sản xuất và khoảng 70 binh khí, tất cả đều bằng sắt. Đồng thời, cũng chỉ đến thời kỳ này, người Trung Quốc mới bắt đầu biết “những súc vật làm vật hiến tế ở đền miếu có thể dùng trong công việc đồng áng” (Quốc ngữ, Tấn ngữ).
Nhưng, ngay từ cuối thời nhà Hạ, xã hội nô lệ đã bắt đầu hình thành: đất đai thuộc sở hữu của vua, mà vua thì “không tự cày cấy”, nhưng không vì thế mà vua không “có cái để ăn”. Chứng tỏ dù có thấp kém đến thế nào thì lao động nô lệ cũng đã hoàn thành: tất cả nô lệ đều phải nộp sản phẩm cho đại phu như là hình thái “con cháu” hùn hạp nhau tiến dâng lên “phụ mẫu” để hằng năm các chư hầu duy trì chế độ triều cống, triều hội theo lệnh chinh phạt của thiên tử… Phương thức phân phối này là hình thái biểu hiện tập trung tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ “vương hữu”(chữ của Trần Đình Hượu) và tổ chức sản xuất (dưới hình thức gia đình). Nói cách khác, sự khác nhau về địa vị xã hội giai cấp, bởi việc chiếm hữu các điều kiện phát triển lao động, được biểu hiện bằng sự khác nhau về phương thức phân phối và quy mô thu nhập sản phẩm. Thực tế lịch sử này hoàn toàn xác nhận giới quý tộc và tiện dân xuất hiện không do gì khác mà là kết quả của việc chiếm đoạt những điều kiện phát triển lao động. Cho nên, thực chất các quan hệ xã hội ở đây, dẫu có ẩn náu trong những xúc động đạo đức thiêng liêng của dòng huyết tộc cao quý đến thế nào cũng vẫn là quan hệ bóc lột và bị bóc lột, tình trạng chiếm đoạt và bị chiếm đoạt lao động. Lao động là hình thái lao động nô dịch của một giai tầng này đối với một bộ phận khác: người lao động thì không được hưởng nhưng phải gánh vác tất cả các nghĩa vụ, kẻ được hưởng thì không lao động song vẫn trọn quyền “mưa móc” chúng sinh là một thứ điển phạm cao nhất của nhân cách lý tưởng, nội dung cơ bản của điển lễ nhà Chu. “Cho nên người xưa có câu rằng: …người lao tâm thì làm việc cai trị, người lao lực thì bị cai trị. Người bị cai trị thì nuôi người. Người làm việc cai trị thì được người khác nuôi sống. Đây là đạo lý thông thường trong thiên hạ vậy” (Mạnh Tử, Đằng Văn Công - thượng).
Quốc gia nô lệ đã ra đời trong tình trạng lao động thặng dư không hề tương xứng với trình độ phát triển của công cụ, khiến các nhà  sử học Trung Hoa hiện đại, chẳng hạn Hầu Ngoại Lư, gọi đó là xã hội “tảo thục” (nghĩa tương tự như trái chín ép). Sản phẩm thặng dư xuất hiện trong hoàn cảnh tuy là đã qua, nhưng chưa xa với thời kỳ công cụ thô sơ, là nhờ vào hoàng thổ. Lưu vực sông Hoàng Hà Lục tỉnh tơi xốp, màu mỡ, khí hậu thời tiết phù hợp với nhiều loại cây trồng nên năng suất nông nghiệp đã dựa được vào phương thức tổ chức lao động phục dịch trong các gia tộc, mà thị tộc, bộ lạc là những đơn vị gia tộc, đại gia tộc. Điều này khiến lao động thặng dư cá thể tuy rất thấp, nhưng cũng đủ khiến cho tệ nạn rượu chè bê tha trở thành đặc trưng của xã hội biết cách hưởng lạc tự thời Ân-Thương … Vua Trụ đã biết “lấy rượu làm hồ”. Các kho lẫm của vua và con cháu vua chứa đầy lương thực, “thóc của cháu vua/ cao như nóc nhà/ kho của cháu vua/ như gò như núi (Kinh Thi, Tiểu nhã, Phủ điền). Một khi xã hội đã sa chân vào lối sống hưởng lạc, thì tư tưởng cầu an không thể dung nạp được sự khoan thư trong cái xã hội nô lệ kiểu gia trưởng mà “người ta ăn hết của dân không từ một thứ gì”(!). Năng suất lao động nông nghiệp, không do sự phát triển của nông cụ thể hiện năng lực chinh phục tự nhiên, mà thuần do ưu thế của điều kiện tự nhiên đã thuần phục được phương thức canh tác. Điều này đã/ chỉ thường xuyên gia tăng sự củng cố cơ cấu xã hội giai tầng Thiên mệnh: “Ở dưới gầm trời, đâu cũng đất của vua, khắp trên mặt đất, ai cũng dân vua” (Kinh Thi, Tiểu Nhã, Bắc Sơn).
Sang thời Xuân Thu-Chiến Quốc nhờ vào việc sử dụng đồ sắt và sức kéo của gia súc cùng với hệ thống “dẫn thủy nhập điền” làm cho việc thâm canh được mở rộng khiến năng suất lao động được cải thiện rõ ràng. Gọi là “cải thiện” bởi việc sử dụng sức lao động nô lệ đã chưa hoàn toàn chiếm được thái độ trọng thị của các nhà lập quốc: năm 293, Bạch Khởi (nước Tần) đã cho chém 24 vạn tù binh trong liên quân Hàn-Ngụy; trong trận Trường Bình, ông này còn ra lệnh chôn sống hơn 40 vạn hàng binh của nhà Triệu. Đến lúc này thì lao động thặng dư tuy cho phép việc cất trữ quân lương, tạo cơ hội cho “nhà cầm quyền đời nay chỉ cần bỏ công sức bằng một nửa người xưa cũng đã đạt thành tựu gấp đôi người xưa” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu-thượng, 1) bởi việc duy trì được những đội quân hùng hậu chuyên dụng cho chiến tranh và phát triển được tầng lớp trí thức quý tộc chỉ “học tại quan phủ”, được nuôi ăn bằng bổng lộc tùy theo cách thức và mức độ nương theo quyền lực, được vua rất đỗi yêu chiều. Nhưng việc lãng phí sức người một cách rùng rợn như vậy chứng tỏ lao động thặng dư vẫn còn rất thiếu!
                                                                                                                                (còn tiếp)