Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Lược khảo mô hình dạy học tiền "Dạy học theo lý thuyết kiến tạo"

                                      (phụ lục chuyên đề "Phát triển ý tưởng...")
1. Dạy học thông báo với năng lực hạn chế cá tính sáng tạo
− Phương châm học thuật trong mô hình dạy học thông báo: cần cù bù thông minh.
− Dạy học thông báo
Mô hình dạy học cổ điển nhất, trong đó nội dung học tập là những tri thức có sẵn với cấu trúc mô phỏng các mối liên hệ tâm lý

Đặc trưng của mô hình dạy học thông báo.
+ Mục tiêu và nội dung dạy học chỉ là nhằm vào việc cung cấp cho người học những tri thức cho sẵn, được cấu trúc theo quy luật liên kết.
+ Cơ chế học tập là làm hình thành, củng cố, lưu giữ và khôi phục các mối liên tưởng. Người học sử dụng các giác quan để thu nhận các hình ảnh cảm tính; sàng lọc và liên kết các hình ảnh mới và cũ để tạo nên ý tưởng được định hướng; sử dụng các cơ chế của trí nhớ để lưu giữ hình ảnh được tri giác và các kinh nghiệm đã có nhờ liên tưởng, khôi phục các kinh nghiệm.
+ Dạy học là sự tác động vào các giác quan và trí nhớ của người học; cung cấp các sự kiện, các hình ảnh, các tri thức để người học có cảm giác, hình thành các hình ảnh; tạo ra các kích thích để người học xác lập các mối liên tưởng; giúp người học ôn luyện, củng cố và khôi phục các mối liên tưởng.
Phương châm dạy học ở đây là cung cấp càng nhiều hình ảnh, sự kiện cho người học càng tốt, giúp người học có nhiều cơ hội tạo ra mối liên tưởng.
Đặc điểm quá trình hình thành tri thức và kỹ năng trong mô hình dạy học này
+ Sự tái hiện một cách hời hợt các thông tin.
Goethe: Tôi ghét mọi thứ chỉ truyền đạt cho tôi mà không làm tăng thêm… phạm vi hoạt động của tôi.
+ Sơ đồ hóa kỹ năng.
Khiến các hoạt động thường mang tính miễn cưỡng.
Thuyết liên tưởng qua mô hình dạy học thông báo
Phương pháp thuyết trình, giảng giải trong dạy học truyền thống có cơ sở tâm lí từ lí thuyết Liên tưởng.
Cơ sở tâm lý: thông qua giác quan con người tiếp nhận thông tin về đối tượng thì cũng tiếp nhận thông tin về mối liên kết giữa các đối tượng.
+ Tâm lí được cấu thành từ các cảm giác, các cấu thành cao hơn như biểu tượng, ý nghĩ, tình cảm... là cái thứ hai, xuất hiện nhờ liên tưởng các cảm giác và các ý tưởng.
+ Điều kiện để hình thành các liên tưởng là sự gần gũi các quá trình tâm lí: ngạc nhiên; chưng hửng; vui / buồn; thất vọng…
+ Sự liên kết các cảm giác và ý tưởng để hình thành ý tưởng mới sẽ tựa hồ như sự kết hợp của các nguyên tố hóa học để tạo nên tính chất mới (sự biến đổi hình thức tổ chức cấu trúc).
+ Các mối liên hệ bị quy định bởi sự linh hoạt của các cảm giác và các ý tưởng thành phần được liên tưởng và tần số nhắc lại của chúng trong kinh nghiệm.
+ Các liên tưởng được hình thành theo một số quy luật: Quy luật tương tự; Quy luật nhân quả, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình nhận thức và phát triển trí tuệ.
+ Sự phát triển nhận thức là quá trình tích lũy các mối liên tưởng.
Tính phản diện của mô hình dạy học thông báo dựa trên lý thuyết liên tưởng:
+ Phải sử dụng khá nhiều vật liệu mới có được ý tưởng mới.
+ Người học quá kỳ vọng vào người dạy, mà người dạy không phải lúc nào cũng thỏa mãn được kỳ vọng ấy một cách đồng thời ở tất cả đối tượng.
Nhà sư phạm biết cách hạn chế tác dụng tiêu cực của mô hình dạy học này khi kết hợp với và vận dụng phát huy mô hình dạy học tạo tác!

 2. Thuyết hành vi và mô hình dạy học điều khiển hành vi
 Luận điểm cơ bản của Thuyết hành vi
+ Đối tượng nghiên cứu, hình thành, kiểm soát và điều khiển các hành vi của cá thể, là các phản ứng có thể quan sát và lượng hóa được từ bên ngoài, chứ không phải là các hiện tượng ý thức bên trong.
+ Quan hệ giữa tính kích thích (S) của môi trường với sự hình thành các phản ứng (R) của cá thể diễn tiến theo lược đồ nhân – quả.
Nguyên lý chung là các kích thích nhất định sẽ tạo ra ở cá thể các phản ứng tương ứng. Do vậy, nguyên tắc nghiên cứu và hình thành các hành vi của cá thể được bắt đầu từ nghiên cứu và hình thành các kích thích từ môi trường.
+ Sự hình thành, điều chỉnh và/ hoặc làm biến mất các hành vi của cá nhân sẽ bị chi phối bởi một số yếu tố, một số quy luật, mà nội dung của chúng thường được phát biểu và khai thác với nhiều tình thái, tùy các lí thuyết khác nhau.
− Vận dụng vào hoạt động dạy học, định nghĩa khái quát về học tập là biểu hiện của phương pháp hành vi (ứng xử) nhất định trong điều kiện tác động của các kích thích cụ thể.
Những việc làm trên và một số hành động dạy học khác của giáo viên thường được đề cập trong các mô hình dạy học dựa trên lý thuyết điều khiển hành vi.

a. Mô hình dạy học điều kiện hóa cổ điển.
+ Cơ sở sinh lí của việc hình thành hành vi là các phản ứng trong phản xạ có điều kiện cổ điển (lý thuyết I.P.Pavlov).
Cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện: từ một kích thích không điều kiện dẫn đến một phản ứng không điều kiện của cơ thể.
+ Nguyên lí chung của dạy học theo điều kiện hóa cổ điển là sự phản ứng R chỉ xuất hiện khi có tác động của một kích thích S nhằm đáp ứng lại kích thích đó / một kích thích bất kì sẽ mang lại một hành vi tương ứng.
Công thức S → R. Có thể phân giải kích thích thành các thành phần S1 Sn; sẽ có R1 Rn tương ứng.
+ Việc hình thành và củng cố các hành vi được điều khiển trực tiếp bởi các kích thích. Việc duy trì hoặc làm mất các hành vi đã có bằng cách củng cố hoặc làm mất các điều kiện tạo ra kích thích.
 + Các loại điều kiện hóa cổ điển thường vận dụng trong dạy học
* Khái quát hóa: Hành vi được hình thành bởi kích thích tương tự với kích thích có điều kiện ban đầu (nếu đã học được phản ứng đèn đỏ / dừng lại ! thì sẽ có xu hướng chậm lại với các kích thích có màu đỏ);
* Phân biệt: Hình thành các phản ứng khác nhau với những kích thích gần nhau;
 * Sự dập tắt phản xạ: Làm mất phản ứng đã được hình thành bằng cách giảm hoặc làm mất kích thích không điều kiện (kích thích có điều kiện không được củng cố).
 Mô hình dạy học này giúp người học học cách hình thành các phản xạ đơn giản, chẳng hạn, năng lực tập trung chú ý, khi được giáo viên tác động kích thích.

 b. Mô hình dạy học tạo tác của B.F.Skinner
− Hành vi tạo tác
Là hành vi được hình thành từ một hành vi trước đó của chủ thể, do tác động vào môi trường và được củng cố, đóng vai trò là tác nhân kích thích.
Cơ sở tâm sinh lý của hành vi tạo tác là phản xạ tạo tác.
Trong sơ đồ cổ điển S R, các kích thích (S) đóng vai trò tín hiệu, còn trong sơ đồ tạo tác, vai trò này được chuyển vào trong hành vi củng cố (do cá thể tự tạo ra) đóng vai trò kích thích (S) trong sơ đồ S R.
Có thể diễn đạt mối quan hệ này bằng lược đồ S → r/ s → R.
Lược đồ làm cơ sở của đường lối dạy học tích cực, hướng vào người học.
− Đặc trưng của dạy học hành vi tạo tác
+ Cá thể tự tạo ra hành vi cho mình, tức là người học tự tạo ra hành động học, nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình: học tập nhằm thỏa mãn nhu cầu của người học.
Dấu hiệu nhận biết tính chủ động của việc học: Mức 1, nhu cầu định nghĩa đối tượng; Mức 2, hiểu biết phương thức tổ chức đối tượng; Mức 3, hiểu ý nghĩa, hàm ý/ thông điệp của đối tượng; Mức 4, hiểu giá trị…
+ Việc học tập được thiết kế bởi nội dung chứa đựng các yếu tố lựa chọn theo hướng củng cố phản ứng thành công và loại trừ các phản ứng không phù hợp (thử và sai).
Công thức kích thích ® củng cố ® hành vi lặp lại theo cơ chế thử – sai. (Củng cố / thỏa mãn nhu cầu nhận thức làm nảy sinh nhu cầu mới).
Từ công thức này, kết hợp với phương pháp thử sai: công nghệ hành vi / công nghệ dạy học chương trình hóa, vơi ưu điểm cơ bản.
* Đáp án đúng được củng cố ngay tức thì;
* Logic tài liệu cho phép sự kiểm soát..., trong đó một số vấn đề sẽ phụ thuộc vào kết quả trả lời vấn đề trước (sẽ diễn ra sự kiểm soát bên trong và bên ngoài người học);
* Tiến độ thực hiện hành vi bộ phận nhanh / chậm tùy thuộc vào khả năng mỗi người, nhưng kết quả cuối cùng ở mỗi người đều đạt được như nhau.

  c. Mô hình học tập nhận thức của E.C.Tolman.
Chú ý nhiều đến yếu tố nhận thức của người học.
Những đặc điểm của mô hình học tập này:
+ Tính mục đích của hành vi. Hành vi là một phản ứng tổng thể không thể chia cắt và luôn hướng tới mục đích nhất định. Bất kì hành vi nào cũng hướng vào đạt mục đích nào đó, vì một lợi ích nào đó của cá nhân, dựa trên cơ sở một số phương tiện.
Kết quả của những thao tác, trở thành cơ sở của các thao tác tiếp, theo s – r/ s – r/ s…
+ Biến trung gian. Các hành vi được hình thành còn chịu sự chi phối bởi các yếu tố chủ quan của cá thể – các yếu tố trung gian. Yếu tố trung gian là những nhân tố không quan sát được, nhưng trên thực tế chúng là yếu tố quy định hành vi.
 Theo tác giả mô hình, có 5 yếu tố là nguyên nhân tạo ra hành vi: các kích thích của môi trường; các động cơ tâm lí; di truyền; sự dạy học từ trước; và tuổi tác. Hành vi là hàm số (thứ hàm lấy giá trị là các số) của tất cả những biến số như vậy và được biểu thị bằng phương trình toán học. Công thức của hành vi là: S – O – R. Các biến trung gian là tất cả những gì gắn với O, tức là gắn với cơ thể và hình thành phản ứng đối với kích thích đã cho.
+ Sự hình thành bản đồ / cấu trúc nhận thức
Bản đồ nhận thức là một cấu trúc tâm lí được hình thành bởi các “điểm tọa độ” có thể định hướng hành vi của chủ thể đến kết qủa cuối cùng.
Chức năng của bản đồ nhận thức là giúp cá thể thực hiện mục đích (ý định) bằng con đường ngắn nhất. Theo E.C.Tolman, thực chất của mọi sự dạy học là hình thành được bản đồ ấy (chẳng hạn, bài toán xác định cạnh của một hình vuông khi diện tích nó bằng diện tích hình chữ nhật với cạnh 3,5; 14. Hoặc, giải pháp tránh ùn tắc tại các giao lộ…).
+ Sự học ngầm – quá trình diễn ra không thể quan sát.

d. Mô hình học tập nhận thức xã hội của A. Bandura
 − Cơ sở của mô hình học tập nhận thức xã hội
Hành vi có thể hình thành từ quan sát và bắt chước hành vi của người khác.
Rằng, trẻ em không làm cái mà người lớn nói, nhưng chúng lại làm cái mà thấy người lớn làm. Điều này có nghĩa là việc hình thành hành vi không chỉ nhờ củng cố trực tiếp các phản ứng có kết quả, mà có thể học qua kinh nghiệm của người khác, thông qua củng cố gián tiếp do việc quan sát hành vi của người khác và hậu quả của những hành vi đó.
− Một số đặc điểm của học tập nhận thức xã hội
+ Trong việc hình thành hành vi của cá nhân, con người do sự tương tác của ba bộ phận: hành vi; các đặc điểm nhận thức, nhân cách; và những sự kiện môi trường.
 + Có hai quá trình trong nhận thức xã hội: tiếp thu kiến thức (học tập qua hành động của bản thân) và sự thực hiện quan sát. Từ đây hình thành hai loại học tập: học tập qua hành động, qua trải nghiệm của bản thân và học tập bằng quan sát hành động của người khác.
Vì vậy, trong học tập nhận thức xã hội sơ đồ S ® r/ s® R được diễn ra theo lược đồ logic: kích thích – nhận thức – phản ứng – củng cố.
+ Trong học tập nhận thức xã hội, người học có xu hướng mô hình hóa các hành vi của người được quan sát thành các “mô hình” hành vi.
Những hành vi được mô hình hóa nhiều là hành vi của người cùng giới và cùng độ tuổi với chủ thể quan sát, nhưng đã giải quyết thành công những vấn đề giống với vấn đề mà chủ thể quan sát đang tìm kiếm. Hành vi của những “ mô hình” có “vị thế” cao trong xã hội, những người được giới quan sát ngưỡng mộ, gây ấn tượng rất mạnh mẽ (có thể vận dụng để lý giải qua một số hành vi không mong muốn từ trẻ em, hiện nay).
+ Hai hình thức học tập quan sát:
* Học tập quan sát để tạo ra củng cố thay thế.
* Bắt chước hành vi của người làm mẫu.
+ Các nhân tố quan trọng nhất tham gia vào quá trình học tập quan sát.
* Chú ý: mô hình hấp dẫn người quan sát sẽ thu hút sự quan tâm của họ, nếu mô hình nhạt nhẽo sẽ không đảm bảo thu được hành vi mong muốn.
* Ghi nhớ: việc tái tạo hành vi mong muốn hàm ý rằng học sinh duy trì hành vi quan sát được bằng biểu tượng. Việc “mã hóa bằng biểu tượng” giúp cho việc giải thích sự ghi nhớ lâu dài về hành vi đã quan sát được.
Điều đó có nghĩa là khi học sinh quan sát giáo viên, chúng cũng cần tạo ra một kiểu sơ đồ trong tưởng tượng và tư duy, phản ánh cái mà giáo viên thực tế đang làm. Nhiệm vụ của giáo viên là đòi hỏi học sinh hình thành những hình ảnh đó khi đang giảng bài.
* Các quá trình tái tạo vận động: mã hóa bằng biểu tượng tạo ra các mô hình bên trong về môi trường hướng dẫn hành vi trong tương lai của người quan sát.
* Các quá trình động cơ:
+ Ba hình thức củng cố học tập quan sát.
* Người quan sát tái tạo lại hành vi của người mẫu và nhận được sự củng cố trực tiếp.
      * Sự củng cố không phải là trực tiếp mà có thể thay thế được. Trong dạy học, hình thức dạy học làm gương sẽ phát huy tác dụng lôi cuốn học sinh.
* Tự củng cố hay tự điều khiển các tác nhân củng cố của bản thân. Dạng củng cố này rất quan trọng trong dạy học. Học sinh phát triển không phải vì phần thưởng, mà phải vì họ muốn và đánh giá cao những năng lực đang phát triển của chính họ.
+ Nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới học tập quan sát:
* Mức độ hoàn thành của “mô hình” quan sát.
* Trẻ em thường bắt chước nhiều hơn những hành động của người có năng lực, người nổi tiếng, có uy tín và sức mạnh.
* Hành vi của người làm mẫu tương tự với hành vi quan sát của người quan sát thì sẽ được bắt chước nhiều hơn các hành vi khác.
* Ngoài ra phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người quan sát.
Một số lưu ý khi vận dụng mô hình học tập quan sát
* Giáo viên phải biết làm mẫu hành vi và thái độ mà mình muốn có ở học sinh.
* Biết khai thác bạn bè, đặc biệt là cán bộ lớp làm gương.
* Đảm bảo cho học sinh nhận thấy những hành vi tích cực của chính họ đã dẫn đến củng cố cho người khác, và ngược lại.
* Tranh thủ sự giúp đỡ của người có uy tín trong lớp bởi các hành vi chuẩn xác cho cả lớp.

  e. Mô hình học tập tự điều chỉnh và biến đổi hành vi nhận thức
Mô hình phát triển đang đươc quan tâm: nhấn mạnh vào yếu tố tự quản của người học
Thứ nhất, năng lực và trách nhiệm học tập là do chính người học quyết định. Không một ai có thể học thay cho người học.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, học sinh được tiếp nhận phương pháp hành vi cổ điển hiếm khi có thể khái quát hóa học tập của họ trong những tình huống mới.
Nội dung chủ yếu của mô hình học tập tự điều chỉnh và biến đổi hành vi nhận thức được tập trung vào việc học cách tự quản lí cuộc sống của bản thân: xây dựng mục tiêu; ghi chép và đánh giá sự tiến triển của công việc; sự tự củng cố.
+ Xây dựng mục tiêu là yếu tố quan trọng nhất cho việc tự quản lí.
Giáo viên có thể giúp đỡ họ bằng cách giám sát việc xây dựng mục tiêu và củng cố chúng ở mức cao.
+ Ghi chép và đánh giá sự tiến triển hành vi sẽ cho phép học sinh kiểm soát và điều chỉnh các hành vi của mình.
+ Sự tự củng cố là bước cuối cùng của công việc tự quản lí (một số nhà hành vi học đặt trọng tâm của việc củng cố vào sự giám sát và củng cố từ bên ngoài).