Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Tiếng đồng vọng đến từ vô thức

1.     Haizzz/ “Bài văn lạ về Thánh Gióng…”
“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!
Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ô mai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!
Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán.Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì cái*tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.
Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…
Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì ém nhanh làm người lớn.
Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo… Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.
Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.
Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?
Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzz…”.

(Copy bài văn này từ trang của nhà văn Văn Chinh. Có một chữ “quá” sửa lại thành “cái*” để “dễ đọc”, xin lỗi tác giả).

2.     Thăng hoa
Nước Nam có một đứa bé được phong Thánh”; “Đứa bé ấy tên là Gióng”; “Thánh Gióng có con ngựa, con ngựa cũng có công nên cũng được phong Thần”; “Ngựa Thần cũng không có Tâmnhững tiền giả định cho hành vi của Nhà nước Việt Nam tại Lễ “Yểm Tâm vào tim…, ngày 23-9-2010 (tức 16-8  Canh Dần) nhân “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội”.
Tâm” là biểu trưng tinh thần nhân hậu cho ức vạn sinh linh khi đã trót đa mang lấy thân nghiệp con người. “Đã mang lấy nghiệp…” thì phải có Tâm có Đức! Cho nên, Tâm Đức đến từ tiền kiếp. Mà đến thì ở lại luôn với đời sống trần tục. Chẳng nhẽ bỏ. Chừng nào “nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn biển lớn”…
Điều chưa hết phân vân là chàng chiến binh làng Phù Đổng” kia đã lấy “nghiệp sắt” làm “thân” cùng lệ bộ “khởi nghiệp” toàn sắt, bây chừ “thành sự” lại rặt những đồng! Có thể, đồng là thứ kim loại màu mà nó có giá trị hơn sắt (?!). Nhưng khí cụ của giặc Ân khi ấy chỉ rặt những thứ không phải bằng sắt. “… Ngày nay, chưa tìm được một tài liệu nào khác để chứng minh từ cuối thời Tây Chu đã có sắt”1. Có phải vì vậy mà cậu bé làng Phù Đổng chỉ xin với nhà vua ban cho chàng một “vị thần hộ mệnh” thuần sắt là sắt:  giáp sắt, nón sắt, gậy sắt cả “ngựa nữa, cũng bằng sắt luôn! Như thế mới là “đồng bộ”. Chắc cái đầu óc non nớt của cậu trai làng Phù Đổng khi ấy về “đồng bộ” có nghĩa là, để giành thắng lợi trong giao tranh, thì ngoài việc “đi guốc trong bụng” kẻ thù, là phải… “rắn” hơn đối thủ! Khi đã “không có trâu bắt bò lội nước”, thì nỗi mặc cảm thường trực là nỗi mặc cảm về thân phận “nhược tiểu”. Trong khi chưa thể trông cậy vào sự học để mở mang mà sánh cùng cường quốc thì chỉ có thể phải viện đến thứ “lệ bộ” hơn được thứ “lệ bộ” của đối thủ vốn là đối thủ của thế hệ trước, thế hệ ông cha! Cậu đã nghĩ vậy, nên mới chả cần khách sáo, một mình tì tì “đánh” gọn “bảy nong cơm với ba nong cà” do dân làng… tựa hồ như bà con Đồng Tâm Mỹ Đức góp cơm cho các chiến binh cơ động mấy ngày qua ấy… Nên thoắt cái mà cậu “lớn vổng” hẳn ra!
“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!”
Mọi việc đã diễn ra đúng như ý của Sigmund Freud, “giấc mơ tỉnh thức là sự sản xuất thơ ca trong trạng thái thô phác”. Với tài chế biến của một người có thiên chức bếp núc, “Cô bé với tiếng Haizzz” đã bày ra một sân chơi, một sàn diễn cho những cảnh tượng đượm sắc màu bi kịch:
“Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc.
Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?
Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzz…”
Động cơ “học tập” của “Thánh Haizzz” rõ là chỉ “nhanh để trở thành người lớn”. Không biết tự khi nào, trẻ em chúng mình “chỉ muốn có nhiều tiền”, vả lại chúng cũng còn rất sính cả cách kiếm tiền nữa chứ! “Ai mà coi trọng con nít” khi mà túi chẳng đồng nào! Nỗi mặc cảm cộng đồng về sự nghèo khó đến nỗi tiếp một “vị thần có công với kháng chiến” cũng chỉ với “canh rau muống cà dầm tương” cứ ghì chặt lấy tuổi thơ, khiến cho cái tuổi muốn sớm có tiền nhưng lại nuối với “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” nên cứ lần khân việc trở thành người lớn!
Ừ nhỉ, mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?” Cấm người ta gọi bằng “anh”, cũng được! Nhưng cũng phải có lý do chứ, nhỉ!
Phóng chiếu, và cấu trúc hóa các huyễn tưởng, “nhà ngôn ngữ Haizzz” đã xây nên một hình tượng văn học “tuổi thơ dữ dội” chỉ với những đối lập của riêng mình. Đó là cách thức một đứa trẻ mường tượng ra mình là một đứa con, nhưng không phải là “con ngoan trò giỏi”, mà là một đứa con “ăn hại” hay ít ra cũng đang trước nguy cơ trở thành kẻ vô tích sự, không làm nên trò trống gì. “… Đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn”. Còn “sở thú” thì “đi riết” đến “chán ốm” mà vẫn “chẳng có gì để xem”. Ngoài “một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết”…
Cái Eros (bản năng sống) bấy nay đã bị bỏ quên bỗng nhiên bị đánh thức rồi lại bị… cấm! Nỗi ám ảnh về người cha, do, có lẽ “không được ưu đãi” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường chứng khoán hay đất đai gì đó, mà hễ cứ về tới nhà là “quạu”!
Một con voi vừa mới chết, chắc là “nó đói”, “thế này thì có mà chết đói cả lũ”.
Ám thị về “con voi bị bỏ đói” khiến nhà thơ tuổi teen của chúng ta cứ tự dày vò, mà lấy cớ ruồng bỏ bản thân để “nhanh thành người lớn”. Nỗi sợ hãi cổ sơ về một chỗ dựa vững chắc từ cha với “ba tuổi không biết nói cười” do thiếu sự “truyền giọng điệu mình cho con tập nói” (Nguyễn Khoa Điềm) từ mẹ, khiến “bé Haizz” phải nhiều phen trở nên bấn loạn với sự xuất hiện ngày một tăng các triệu chứng lâm sàng nhất là nỗi sợ hãi bị bố mẹ bỏ rơi hắt hủi. Nhiếu lúc, em như muốn sán lại để chia sẻ cùng người lớn những lo toan, những tính toán, những hạch toán lỗ lã trong cuộc chơi tìm kiếm các đối tượng tình yêu nhưng cứ… lại chỉ thấy… “quạu”. Đúng! Em có “quá nhiều lý do để bực bội”.
Cái này thì năm 1920, khi Freud cố “Vượt lên nguyên lý hạnh phúc” đã nhận ra quá trình sống chả là gì ngoài kết quả của mối cân bằng căng thẳng giữa hai đối thủ Eros – khát vọng sống với Thanatos – thiên hướng chết. Cái tuổi thơ của “nhà thơ” thấy rặt những tiếng “Haizzz” là “Haizzz”. “Dồn nén” đã khiến “lò lửa tâm năng” phải liên tục “phát xạ” để chống lại sự kìm giữ của Thanatos. Không chỉ thế, thái độ “cau có” của bố mẹ như một nỗ lực can thiệp vào những khát khao mãnh liệt, những rạo rực, những “đòi bỏi bạt mạng” của Eros khiến tuổi thơ không ít lần  “dính chưởng”, nhưng cũng không hiếm lần bị bỏ quên trong “thùng thuốc nhuộm” với mênh mông một thứ đặc quánh và đen ngòm, mặc cho “trên trời thì không có sao còn trong người thì không có phao” cũng tựa hồ như một sự bị trừng phạt!
Sáng tạo nên một vũ trụ bất hoàn, “nhà thơ Haizzz” nhìn vào những nhu cầu trưởng thành của bản thân mà chỉ thấy toàn những thương tích là thương tích. Một thế giới mới lạ, thật hoàn toàn mới lạ như những phản ứng vọt lên từ những dồn nén mặc cảm Oedipe: Chống đối lại người cha về thái độ và trách nhiệm ứng xử của ông trước gánh nặng gia đình và khẳng định ý chí cá nhân với toàn bộ những dự cảm về hành vi thủ tiêu hiện thực bằng cái thái độ không chịu thương thuyết giữa những ham muốn bị bỏ quên với những ham muốn khác hoặc với đạo đức.
Chắc là đã có sự “nảy ra” hay tương tự như một ý nghĩ chợt lóe: “thân này ví thử làm trai nhỉ”… “Anh Gióng” sẽ không bay về trời. Mà có bay về thì người ta cũng “yểm tâm” để “ghì” anh “ở lại thành đại gia là [cái] chắc”… Có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ”. Ấy là lúc ấy! Còn như bây giờ mà không bao gồm các thủ đoạn như một triệu chứng lâm sàng của bệnh “nhiễu tâm” thì chỉ có là: “thánh thật!” Thanh tao như trên chín tầng cao nhưng hễ có kẻ định dòm vào “túi khôn” của mình là “quạu”! Thì ra,“thần tượng của em” bay lên trời làm mây, nhưng không phải là đám mây blue mà là “đám mây điện toán”. Đám mây đang được sở hữu bởi Tập đoàn viễn thông ấy! Sang trọng lại lắm tiền. Phải có tiền. Nhiều tiền!
Chàng chiến binh ngày nào “không tơ hào” đến “cái kim sợi chỉ của dân” thì dạo này bỗng giở chứng ra hay sao mà cứ về đến nhà là “quạu”. “Quạu”  đến sốt cả ruột! Haizzz! Thế này mà không dịch chuyển sang tìm “kiếm được mấy cha đại gia” thì có đến “mục thất” cũng chưa hẳn đã vị tất “bao cả nhà ăn chơi” một buổi cho đến lúc… “nhòe”!
Kẻ có tiền thì lúc đó muốn gì mới được. Kể cả không cần tuổi. Mà nhất là “tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ô mai như tụi em” có thời được “ký hiệu” bằng “búp măng non” cũng vậy. Tuy không có chiến tranh nhưng vẫn “được” “làm người lớn” như đó mới là cái quyền được làm chính mình vậy! Làm trẻ thơ mới khó! Trẻ thơ rất đòi sự chăm bẵm. Mà “bà cô vọt con cháu” – bà Tây Vương Mẫu ấy thì lại “không ưa trẻ con” (Lưu Quang Vũ)… Còn thì  “làm người lớn dễ ợt chứ có gì đâu”.
“Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận.”
“Khai man”, cái hình thái quái thai của sự dối trá, thế mà cũng “rút gọn” được toàn bộ cái “quy trình” trở thành đại gia (!). Tuy có làm cho “bé teen” “ngơ ngác”, nhưng đâu có gì đâu? Ngơ ngác chưa đủ gây ra cho con người ta sự “chưng hửng”, nó còn làm gia tăng cái sự “thật manly, thật cool – thần tượng của em!”
Trả cho tuổi thơ bị đánh xoáy bằng tiền đô… thiên hạ chỉ cái trò “diễn ngôn” là không ai bằng! “Cuối tuần trăng khuyết, trăng già/ Đầu tuần trăng khuyết gọi là… trăng non” (!). Cái đầu là cái cuối ở dạng tiềm tàng, cái cuối là cái đầu ở dạng biến hóa đầy đủ! Nhà cái ông Hegel thế mà đáo để lắm chứ chẳng phải vừa!
Khi so sánh nhà thơ như một đứa trẻ đang chơi, Freud coi việc sáng tạo ra thế giới tưởng tượng dẫu là nghiêm túc đến mức nào thì nó vẫn khăng khăng mà không chịu pha lẫn với thế giới hiện thực. Vì vậy, sáng tạo văn học cũng chỉ là lĩnh vực của huyễn tưởng. Nó là giấc mơ tỉnh thức. Là ký hiệu các ham muốn bị dồn nén thành văn tự. Nhà thơ mượn ở vô thức tập thể những huyền thoại và truyền thuyết: những giấc mơ. Nhờ vào ngữ pháp, giấc mơ xếp chồng văn bản những hình ảnh – những ký hiệu theo trật tự tuyến tính mà những nhân vật của giấc mơ tỉnh giấc bao giờ cũng là kẻ khác. Nó xa lạ đến mức mà ngay cả đến Trang Chu cũng không biết là “Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu” (Trang Chu).

3.     Giải cấu trúc
Hành trình “trở về với Freud”, Jacques Lacan đã để lại luận đề “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”.
Hẳn là Lacan, hơn ai hết, hiểu được con người còn chưa hết lúng túng về “bản chất của ngôn ngữ là sự kết hợp các mặt đối lập, sự kết hợp ấy làm nảy sinh ra một hình thức chứ không phải một chất liệu”2
Ấy là cái hình thức cấu trúc ngôn ngữ của hai cái “biểu đạt và được biểu đạt”, mà “nội dung của một từ chỉ thực sự được xác định với sự giúp đỡ của những cái gì tồn tại ở bên ngoài từ đó”3. Điều này khiến cho những ẩn ức của Thánh Gióng phải nhờ vào hành vi “yểm tâm” để “nói” ra bằng được thứ “ngôn ngữ Haizzz” chỉ có ở những cô cậu “tuổi teen”!
Khi “tìm kiếm các mô hình cơ bản của tư tưởng trong tất cả các hình thức hoạt động của con người”, Lévi–Strauss dẫn ra “ví dụ như một bà mụ độc ác, thì khi ấy các bà mụ hết thảy đều đối xử độc ác với cháu của mình và huyền thoại sẽ được xem như sự phản ánh của cấu trúc xã hội và các quan hệ xã hội. Còn nếu như sự quan sát không ăn khớp với giả thuyết như vậy thì một giả thuyết khác sẽ được nghĩ ra, theo đó thì huyền thoại là sự thể hiện trong một biến dạng những tình cảm có thực nhưng bị dồn nén.”4
Sự kết hợp giữa hai nguyên lí “chuyển dời” và nguyên lý “khoái lạc” khiến cho một người mẹ đơn thân bị giày vò bởi những cơn “bốc hỏa” tình dục giữa một buổi chiều nào, vào đúng lúc mặt trời đang gác núi. Chiến tranh đã làm cho những gã đàn ông lực điền một đi không trở lại! Cái này đã làm cho người mẹ tội nghiệp kia mắc chứng nhiễu tâm mà sinh ra ưu uất (hystarie). Để thỏa dục, bà đã lấy chân mình “vụng trộm” ngay tại nơi “đồng không mông quạnh”, “yểm” lên dấu… “chân voi”. “Thánh Gióng” là sự thăng hoa của “cơn dục” (libido).
Nỗi u mặc ám ảnh đứa con hoang trong cái hoàn cảnh xã hội bị Nho giáo cưỡng hiếp khiến thứ tín ngưỡng phồn thực cứ phải “bẽn lẽn”, cho ta hiểu đứa trẻ không có cha. Gióng cảm thấy có một mình cùng với người mẹ vò võ và nín nhục trước những “lời ong tiếng ve” cùng với những dị nghị đầy những mặc cảm tội lỗi. Bé “Haizzz”, ai mà như mỗi khi chất lên lưng chiếc “ba-lô” sách! Lầm lũi từ nhà để về nhà! Chú lạc đà vừa mệt mỏi với cái dốc này đã nhác trông ngay đến con dốc khác! Nhà thơ “Haizzz” thấy gì? Như cố cam chịu với những dồn nén mỗi khi bị quấy rối, bị rủ rê, bị gạ gẫm, thậm chí bị “mồi chài”… cứ nhoay nhoáy như trong các hoạt động “quảng cáo” đầy sự náo nhiệt và ồn ào: nó thật sự đến “phát sợ” nhưng giả tạo đến mức cũng không muốn rời ra!
“Ai mà coi trọng con nít”.“Làm chuyện người lớn”… “Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm (…) Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à”.
“Sao làm trẻ con khổ thế !?”  “lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị…dính chưởng., muốn học giỏi thì… quay toàn bị lộ… không biết dùng phao… chết đuối…”; “… đi chơi chẳng biết đi đâu… thích đi chơi ngoài thiên nhiên…  mẹ không cho…. Cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ… (cứ) suy bụng ta ra bụng người”; “thật chán… không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi… Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố!”; “Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. (Mẹ) cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn”.
Ấy vậy ra…, Gióng là Gióng muốn có tiền. Gióng làm Thánh là để trở thành “đám mây điện toán”. Ai bảo Gióng không muốn trở thành đại gia? Ai bảo Gióng không thích tiền thưởng? Chẳng nhẽ Gióng cũng không thích “thiếu gì hotgirl xin chết”!
“Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm”. Nỗi ám sợ cứ đeo đẳng khiến cho các trạng thái tâm lý ấm ức, bất hòa biểu hiện thành các triệu chứng sinh lý chỉ mong muốn thoát nhanh khỏi thân phận trẻ con.
Giao chiến giữa “bản năng sống” và “khuynh hướng chết” buộc tuổi thơ phải dồn nén những rạo rực trước những cấm kị mà không biết vì sao. Thôi thì “đói đầu gối phải bò”… Nhưng cái “nguyên lý khoái cảm” xâm chiếm toàn bộ tâm trí khiến con người không còn thời gian cho việc làm cách nào để đạt được sự khoái cảm. Soi vào “nguyên lý thực tại”, người ta có thể tạm quên đi thứ đem đến khoái cảm trong một thời gian vừa đủ để mưu tính cách thức thỏa mãn nó, nhưng đó lại là lúc chủ nghĩa cứu thế đã dang rộng cánh tay mà bấy giờ chỉ còn cách chọn Formosa hay Cá.
Bản năng sống, Eros hay chống ngoại xâm đã tạo dựng nên nét tính cách cộng đồng chất chứa đầy những mặc cảm “nhược tiểu”. Nó lật tẩy tất cả những ẩn kín trong tâm thức dân tộc, trong tâm hồn tập thể và dè dặt lôi ra tất cả những ham muốn cùng những sợ hãi khi tìm cách vượt lên chính mình.
“Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt/ Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh” (Nguyễn Khoa Điềm). Hạnh phúc cứ phải là đồng hành được với “chuyển dịch”. Người nông dân thì cứ phải thu hoạch được phần ngọn của cây lúa, phần gốc của cây lang, phần giữa của cây bắp, còn thì là phần của quỷ. Muốn thay đổi thân phận thì phải chờ đến khi “may túi ba gang” hay dịp lễ lạt hội hè sẽ có cuộc đón rước về làm hoàng hậu mỗi khi biết cách đánh rơi nỗi ước thầm trong chiếc guốc!
Thánh Gióng, chàng hoàng tử chưa hề “hợp hôn” của hầu như tất cả các hotgirl, là một dự cảm về tương lai mang hình hài “đại gia” có vẻ ngoài “quạu” bởi những tấm huy chương về công lao xóa đói giảm nghèo! Ai còn bảo Gióng là nhỏ, thì cũng chẳng sao! Vì xung quanh Thánh là những nhiều người! Mà đã nhiều người thì được gọi là “người ta”. “Người ta” làm thế này/ kia trong giáo dục trẻ em, chẳng hạn!
Giáo dục nước nhà là “bà chúa sốt ruột” bởi những nguồn cơn bốc hỏa. Nó chỉ thích nhét được vào thật nhanh “bảy” với “ba” là… “mười nong cơm cà” mà đinh ninh rằng tất cả trẻ em ta sẽ nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu “nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa”. Ai mà bảo người lớn hôm nay không còn là sản phẩm của lối giáo dục nhồi sọ? Cứ chuyển kênh VTV bất cứ lúc nào, mà chẳng thấy những màn diễn khích lệ cho cái tinh thần đầy những ham muốn, đam mê trở thành “đẳng cấp” sẽ chỉ là những trạng thái nguôi ngoai nhất thời cái ham muốn được “bao cả nhà ăn chơi” cho đến lúc… “nhòe”.
Trong tấm choàng “tổng biên tập”, VTV, người cha tinh thần của các cộng đồng khởi nghiệp, kiểm duyệt các ham muốn “Ai là tỷ phú”, ai “Người đương thời” xem như phương thức giáo dục con trẻ đi theo ông cha trong các buôn bán… “bất động sản”, cách giao dịch chứng khoán,  hoặc để thành công trong trong các mục tiêu trở thành đại gia trong chèo kéo các nguồn “tư bản ứng trước” bằng những thửa đất màu mỡ không dùng cho trồng trọt mà cho “thuật giả kim”.
Giống như để được “bao cả nhà ăn chơi” cho đến lúc… “nhòe”, trong vai “pháp y”, VTV đã và đang tích cực hỗ trợ các cơ quan pháp luật tìm ra sự thật các “vụ án chết voi” qua biểu hiện các triệu chứng lâm sàng nỗi căn nguyên sợ hãi cổ xưa trong thân phận “con voi bị bỏ đói”. Bằng các bữa tiệc “âm thanh và ánh sáng”, nhà đài đã khiến được những “ham muốn tập thể” bị dồn nén đến lúc vỡ òa, thay vì “giận cá chém… Formosa”, “bản năng Eros” bây giờ đang tìm ra các đối tượng từng ham muốn được “chuyển di” trong Thánh Đinh La! 
Nỗi “thèm khát đại gia” chiếm đoạt hầu như toàn bộ không gian vô thức. Nó cứ dần định hình cho bản ngã cá nhân và khuôn mẫu lý tưởng. Nó mơn trớn căn bệnh ái kỷ, thứ bệnh hoạn không bao giờ biết đếm xỉa đến trách nhiệm cộng đồng.
Nhìn vào Gióng, “bé teen” thấy mình luôn bị nhắc nhở đến cái bổn phận cộng đồng, nhìn qua “vật dịch chuyển”, Gióng dự cảm thấy sự tự do tùy khi “kiếm được mấy cha đại gia”. Lúc ấy có lẽ đã có sự “hoán đổi”, Freud gọi là “chuyển dời”, còn thì vẫn giữ nguyên cái “thật manly, thật cool – thần tượng của em!”.
Giấc mơ cũng như là sự biểu hiện không trọn vẹn một mong muốn nào đó. Nội dung ngấm ngầm của ước muốn tình dục vô thức chỉ được phép xuất hiện khi nó đã ngụy trang kĩ lưỡng thành nội dung ngoại hiện, giống như một thông điệp được kí hiệu. Trên cái “trục ẩn dụ” và “trục hoán dụ”, “ngôn ngữ trở thành phương tiện để chúng ta hiểu biết về chính chúng ta”5. Cái “dồn nén” là dồn nén không còn cách khác thành quan hệ ngữ đoạn, “theo đó thì huyền thoại là sự thể hiện trong một biến dạng những tình cảm có thực nhưng bị dồn nén”6. Ấy là vô thức tập thể.
“Trong huyền thoại, mọi việc đều có thể xảy ra: dường như sự phát triển của các sự kiện trong đó không tuân theo một logic nào cả; ở đây chủ ngữ có thể có một vị ngữ bất kỳ nào đó; mọi quan hệ có thể tưởng tượng được đều có thể xảy ra”7

…………………………………………..
1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý. Lịch sử Trung Quốc, GD, 2001, 38.
2. X. Châu Minh Hùng, Giới thiệu Phân tâm học cấu trúc của Jacques Lacan. Đề tài NCKH cấp khoa, 2011
3. X. Châu Minh Hùng, tài liệu dẫn trên.
4. Lévi–Strauss. Dẫn theo Châu Minh Hùng, tài liệu dẫn trên.
5. X. Châu Minh Hùng, tài liệu dẫn trên.
6. Châu Minh Hùng, tài liệu dẫn trên.
7. Claude Lévi-Strauss.Dẫn theo Châu Minh Hùng, tài liệu dẫn trên.