Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Phân tâm học với “chính từ”

Cả mệnh đề “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân” lẫn mệnh đề “Nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” đều đề cập đến những việc không chút tương đồng nên không thể đồng thời “cùng đứng”. Phải có ít nhất một sai nên cả hai sẽ cơ hồ như “Trạng chết thì Vua cũng băng hà”… Từ cũng xuất hiện trong ngữ cảnh đối chiếu “dưa gang đỏ đít” thì cũng thế  khiến cho chúng có cùng kết cục! Hai mệnh đề nếu hòa điệu mà không lâm vào “lưu đãng” thì “Xử lý chuyện của cải cần sửa lời nói cho chính đáng, cấm dân làm bậy, đó gọi là nghĩa1 coi như mất hết ý nghĩa thâm viễn của từ. 

Nhằm thể hiện thuyết “chính danh, chính từ” và cũng là để “ngăn mối loạn, về đường chính”, Khổng tử đã soạn ra sách Xuân thu. Trong sách, không nhiều, Khổng tử chỉ đề xuất ba nguyên tắc i) Sử dụng ngôn ngữ nghiêm cẩn; ii) Gửi gắm phán đoán về mặt luân lý; iii) Phân biệt địa vị xã hội (chính danh tự; định danh phận; tôn quân quyền).
Gửi gắm về mặt luân lý, Khổng tử quan niệm rằng then chốt của việc “ngăn mối loạn về đường chính” nằm ở chỗ dùng “danh” và “từ” để xây dựng lại tư tưởng xã hội. Rằng từ ngữ phải biểu đạt được sự vật và ngăn chặn được chế độ mà trên thực tế đã tách khỏi nguồn gốc ban đầu một cách cay đắng trong khi nó vẫn cứ phải miễn cưỡng tiếp cận với ý tượng và lý tưởng. Mệnh đề mà không trở thành phán đoán chân thực đúng đắn và ngay thẳng thì không bao giờ “khuyến khích hành động của thiên hạ” mà “cấm dân làm bậy”. Với những người theo chủ nghĩa Marx, đã là những tín điều đạo đức thì bao giờ chúng cũng mang ý thức hệ, thứ mà người giàu luôn nhấn mạnh vào tính vô đạo đức của hành vi ăn cắp, thì đạo đức của người nghèo là tước đoạt lại kẻ đi tước đoạt. Cho nên chừng nào chưa nhất trí với nhau được đâu là hành vi chấp nhận được, đâu là hành vi không chấp nhận sẽ không có cách nào để thoát được bộ luật hợp đạo đức dẫu người giàu có hay kẻ mạnh bao giờ cũng là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ sự dàn xếp này.
Cho nên, việc xử lý chuyện của cải là không thể nếu chỉ dựa vào quan sát. Những gì mà con người tri giác trên thực tế đều đã là những biến thái của cổ mẫu. Vì thế mà có sự khác biệt lớn lao giữa “có những cảm giác” với “có ý thức trí tuệ” nên bậc quân tử - những người nắm quyền hành xã hội, đối với sự vật không được để xảy ra chút nào cẩu thả mà phải hết sức “chính từ”. Phải “chính từ” là bởi mệnh đề gồm các tên gọi có thật khác nhau để bàn ra một ý, bàn ra một việc! Chữ từ, từ nguyên gồm “từ” (chỉnh đốn, sửa sang) và “tân” (tội hành) ghép lại thành từ dùng chỉ lời “phán quyết”, nên về ý nghĩa, từ là sự phán đoán, đoán định về sự vật.
Việc sử dụng chữ nghĩa nghiêm cẩn, có kiến thức trở thành tôn chỉ, mục đích trong giới nho học. Tuy có tính máy móc và cổ hủ nhưng là chỉ đối với đám hủ nho, còn ý nghĩa triết học logic của nó mang tính lập pháp là rất rõ. Vì lẽ đó, người viết bài này, sẽ không dụng đến nghĩa đúng hoặc sai vào các mệnh đề xuất phát trên kia rằng mệnh đề nào đúng mệnh đề nào sai hay vừa thế này vừa là thế kia, bởi hai lẽ.
Để tỏ được cái đúng cái sai ở đây, mà chưa phải là vào lúc này, sẽ không thể không rơi vào điều cấm kỵ vô cố của Nho giáo. Từ nhiều ngàn năm, Nho giáo đã loại bỏ mọi đối thủ tư tưởng không phải bằng thứ vũ khí phê phán. Thay vì “công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ” Nho giáo lấy sự không thể thành công hơn trong việc kiến tạo nên một trật tự xã hội vận hành theo hệ luân lý chuẩn mực điển phạm hóa. Thành công lớn lao của Nho giáo trước hết phải kể đến “phép tiên vương” trong đó tên gọi được coi là quan trọng bậc nhất; lúc mà ý nghĩa của tên gọi nhất trí với ý tượng vốn có thì danh chính, ngôn thuận nếu không thì việc không thành. Theo đó mà Nho giáo gia công cổ xúy đề cao “dân ý” nhưng là để lấy Thượng đế ra mà thay thế tất cả các cơ hội dân nguyện bằng cách dìm mọi xúc động chủ quan trong chất vấn, trong đối thoại vào nỗi sợ hãi nguyên thủy “dám tranh thiên chức với trời”. Rằng “Thượng đế sắp xếp cho con người sống trên mặt đất và cấp cho họ kẻ thống trị và dạy dỗ”2.
Khác với loại khế ước hiện đại về nguồn gốc của chính quyền như quan niệm của các Mặc giả phái Hậu Mặc:“Một kẻ thống trị là thông qua sự nhất trí tán đồng của quốc dân mà tiến hành thống trị” (Kinh thuyết thượng), Nho gia chỉ chăm chẳm vào gương sáng của người đứng đầu mà ra sức vào việc “chính” (/ Chính trị) là khiến dân chúng đi vào con đường ngay thẳng. Việc cải cách xã hội đòi hỏi phải nghiên cứu các hình thức sớm hơn, đơn giản hơn trong quá khứ “làm rõ cái đã qua để xét cái sắp tới”. Song đâu phải hễ“từ chỗ phải thu xếp mà không thu xếp sớm. Kinh Dịch nói: Đi trên sương, biết sắp đến lúc băng cứng, đại khái lời ấy là thuận”3 mà chỉnh sửa lời nói trong triều, dùng ảnh hưởng giáo hóa từ từ về đạo đức cá nhân và sự ước thúc của thể chế là có được trị bình!
Là bởi “Nói luôn luôn là nói theo người khác (…) Những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt đều có sự khúc xạ từ những tiếng nói khác (…) Khi một tiếng nói bị chinh phục bởi tiếng nói của quyền uy – tiếng nói đại diện cho một hệ tư tưởng, phát ngôn ấy trở thành đơn thanh (…) Cơ chế tạo ra tiếng nói đơn thanh là do các cấm kị (…) nói theo lời người khác là một sản phẩm vô thức”4. Bây giờ thì điều này không còn gì bí ẩn khi “cấu trúc luận” có thể đưa con người ta đến với những trải nghiệm hậu hiện đại về các diễn ngôn quyền lực là của những kẻ danh tính thường bịa đặt hoặc bị che giấu mà Khổng tử, người khởi xướng Nho gia, cái trụ cột tinh thần của xã hội phong kiến nho giáo, bấy giờ cố tình không đả động đến. Cái gọi là chỉnh sửa lời nói trong triều lấy việc phê phán những gì người khác nói để phân tích hay diễn giải thứ ngôn từ đơn thanh ấy mà bày tỏ ý mình nhằm tiếp tục che giấu danh tính mà chuyển di quyền lực thế tục thành siêu quyền lực!
Cho nên, ngay cả khi có đứng trên lập trường nhị nguyên phân lập cũng thế. Khi coi cái này là phải tức là thực hay thuận danh, thì cái còn lại, do vô thức sai khiến phải gọi nó là trái. Vậy thì phải trái mà không phải là một thứ hành vi chấp nhất thì thế nào mới là võ đoán: sự liên kết mỗi cái biểu đạt đã định sẵn với cái được biểu đạt, “…cái mà nghĩa “bao hàm” nằm trong một cái biểu đạt định sẵn và một bên là sự thừa nhận “định danh trước” về “sự khẳng định” như là sự sản sinh của nghĩa. Nghĩa của một trường hợp định sẵn về sự biểu đạt (…) cần phải được suy luận từ sự biểu lộ bề ngoài của một nghĩa mà (…): “nó ở trong chuỗi của cái biểu đạt mà nghĩa “nhất định phải” nhưng không nhân tố nào của nó “bao hàm” trong sự biểu đạt của cái mà nó có khả năng tức thời”. “Rốt cuộc chân lý không thuộc về sự thực, vì không có sự thực khách quan khi đã đi vào tinh thần chủ thể với đầy ảo tưởng và nhầm lẫn, nó chuyển dịch theo cơ chế quyền lực và tri thức, đến lúc chân lý chỉ được nhận ra bằng sự tương tác giữa các diễn ngôn như một cuộc đối thoại vô tận của cuộc sống con người5. Sách Luận ngữ có đoạn (Tử hãn, 4) thế này: “Tứ tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” là có ý nói, chấp nhất nhất định sẽ làm bại nghĩa nát tục vì nó chỉ chọn một mình ta mà bỏ đi thiên hạ. Còn bây giờ thì nhà kí hiệu học và phân tâm học, Julia Kritsteva sẽ giúp đỡ con người ta nếu muốn mô tả những kinh nghiệm Nho gia mà những cái biểu đạt không thể nắm bắt được.
Chỉ vì bất đồng quan điểm, mới khiến cho mọi cái vốn có liên quan chặt chẽ trên thực tế trở thành chân lý hay sai lầm. Khi đó mà sự vật chỉ duy có tương phản chứ không hề tương giao, tương thôi, tương thành… Các khác biệt và đối lập có liên quan sẽ mãi cái nào ra cái nấy. Một cái là quyền lực thống trị sinh ra để kìm nén, một cái là quyền lực phản kháng như một thứ bản năng sinh tồn là đối tượng của quyền lực thống trị sẽ không thể nhân nhượng địa vị của nhau, và thế là điều cấm kị và việc làm bậy không ngoại trừ rơi vào chấp nhất. Chấp nhất khoét sâu sầu hận. Nho giáo biết vậy nên rất thận trọng mà cố tránh quả quyết một cái gì. Không quả quyết một cái gì cả, Khổng tử, trong Luận ngữ có thể tìm thấy rất nhiều lời tán dương chính trị “bất ngôn” “như sao Bắc Đẩu”,  kiểu như: “Kinh thi có ba trăm bài, có thể dùng một từ để khái quát: không có tư tưởng xấu và tư tưởng tà ác” (Vi chính).
Cho nên định mệnh thuyết của nhà nho mới không chủ trương dùng chân lý – sự phù hợp của cái vẻ bên ngoài với thực tại, vào chính sự. An dân nếu cứ dựa vào đúng sai chỉ có cách là đẩy dân vào tột cùng của sợ hãi đó sẽ là lúc phản thể của sợ hãi trồi lên. Sự này nếu không đẩy con người ta lâm vào sự thể “một liều, ba bảy cũng liều” thì cũng chỉ làm cho bách tính thêm lờn với pháp luật6. Thế nên nhà nho mới chủ trương kẻ cai trị phải có sự kính nhường ngay cả trong việc trị dân để dân không tác loạn. Mới có giai thoại, một người “quản trị” đàn khỉ, lúc hài lòng anh ta nói: cứ thế này sáng sáng ta sẽ cho mỗi mi ba hạt dẻ, còn chiều thì bốn hạt. Đàn khỉ nhao nhao cả lên vì tức giận. Nhà quản trị đấu dịu, thôi thì sáng bốn còn lại là chiều… Đàn khỉ vui vẻ hẳn ra. Cho nên Nho gia mới đó mà định nghĩa trị dân là trị loạn! Nhưng định nghĩa tri thức thực chất không phải vậy, trừ những người mong đợi một chính phủ mạnh tay vốn có cái nhìn bi quan về bản tính con người. Derrida đã phơi bày bản chất ẩn dụ và niềm tin vô thức mà ngay chính tác giả của những diễn ngôn cũng không biết cái ẩn giấu đằng sau các văn bản đó.
Trị loạn là bổn phận giúp thiên tử “trị bình” của các đấng quốc nhân. Sứ mệnh ấy là sự mặc nhiên không chút úp mở rằng tầng lớp tiện dân chỉ có hành vi đòi thừa nhận nhân cách là thứ phản ứng nguyên thủy, là hình thái của nguyên lý thực tại của vô thức khi nó không thể không tìm kiếm bản thân. Nhưng Nho gia, về danh thì đưa ra khuyên răn vô cố nhưng kỳ thực lại coi việc này là tiếm việt. Tiếm việt là kẻ thù của lễ. Vì vậy mà Nho gia khư khư giữ bằng được cái hình thức chủ nghĩa: “Thiên hạ có đạo thì việc chính sự không trong tay đại phu, thiên hạ có đạo thì kẻ thứ dân không nghị bàn”7. Cái bẫy ngôn ngữ này, rốt cuộc cũng an bài cho một trật tự xã hội ổn định của những nghịch lý mà tính hài hước không bao giờ che giấu được của nó chỉ có thể biểu đạt bằng sự thỏa mãn theo nguyên tắc khoái cảm được ngụy trang qua biểu trưng “Trung dung”. Trung dung, về đại thể thì là cấm: cầu cạnh, nịnh bợ, coi thường người khác; ngạo mạn, tự ty, sợ hãi; thô bạo, nhu nhược; xa hoa lãng phí, hà tiện. Và nên, mà chỉ: cùng yêu thương nhau; thành thực, can đảm, khảng khái, nên cũng coi như cấm. Cũng coi như thế là bởi lấy đạo đức, luật lệ của cố nhân làm mực thước, viện dẫn uy quyền của thánh vương để biện minh cho giáo lý, bất kể thời thế chỉ “cậy người tự làm thiện thì trong nước chẳng được mười người” (Hàn Phi tử).  
Thứ hai, nếu lấy lý thuyết của phái Mặc biện: “nắm giữa vật để cân nặng nhẹ gọi là cân nhắc. Cân nhắc không phải vì đúng, cũng không phải vì sai… [mà vì] gọi là muốn… trong điều lợi thì chọn cái lớn, trong điều hại thì chọn cái nhỏ. Chọn cái lớn không phải là bất đắc dĩ. Bỏ cái lớn chọn cái nhỏ, là bất đắc dĩ. Trong điều hại chọn cái nhỏ, không phải là chọn điều hại, mà là chọn điều lợi”8. Chọn điều lợi không hề là bất đắc dĩ, cho nên là “giản” và “dị”. “Đức hạnh hằng dị dĩ tri hiểm… hằng giản dĩ tri trở/ Đức hạnh thường nhờ dễ dàng mà biết sự nguy hiểm… nhờ sự đơn giản mà biết sự vướng mắc” (Khổng tử, Chu dịch, Hệ từ hạ), đi trong sương… là “làm lúc chưa có, trị lúc chưa loạn” mà “điều gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng làm” (Hồ Chí Minh).
Vì thế mà việc lợi hay hại thì không thể chủ quan là chọn, mà phải dựa vào giá trị xã hội, tức dựa vào luân lý chung. Luân lý ấy trước sau không chủ trương lấy việc tự tư tự lợi làm chuẩn tắc, tức phải kìm nén nó lại. Không bị kiềm chế con người sẽ luôn trở lại với bản ngã tự nhiên, cái tôi nguyên thủy, khi đó ăn cắp, lừa đảo hay thậm chí còn sẵn sàng phạm những tội hình nghiêm trọng hơn, chỉ vì nó có thể thoát khỏi sự trừng phạt.
Nương theo mục đích của giáo dục đạo đức là sự đánh giá chính xác cũng như là ham muốn và ghét bỏ chính xác mà tôi, người đang viết những dòng này, sẽ không thể vội mà nói ngay được đúng và sai mà nhiều lắm cũng chỉ và mong được thể tất việc lạm dụng phép “phán quyết” chỉ để dự kiến về hiệu quả hành vi. “Trí luận chi phi tri vô dĩ dã/ Bàn về chỗ sai của trí là trí không biết lấy gì [… để suy luận]” (Mặc tử).
(Còn tiếp)
-----------------------------
1 Chu Dịch, Hệ từ hạ,1.
Khổng tử, Kinh thư.  X. Hồ Thích, Logic học thời Tiên Tần. q2, Phép ba biểu.
Chu Dịch, Khôn quái thích từ
4 Châu Minh Hùng. Phân tâm học và giải cấu trúc. Đề tài KHCN cấp trường, 2016. x. 2.3.1.
5 Dẫn trên, x 2.2.2
6  Khổng tử: “Dùng chính lệnh mà dẫn dắt, dùng hình phạt mà điều chỉnh, dân khỏi tội mà không biết hổ thẹn…” (Luận ngữ, Vi chính, 3).
7 Luận ngữ, Quý thị, 2.
8 Mặc tử, Đại thủ. X. Hồ Thích, Logic học thời Tiên Tần. q3, Mặc Biện.