Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Thưa Tướng Trương Giang Long (tiếp)

Quả là chúng ta đã chiến thắng Đế quốc Mỹ. Nhưng “Bây giờ nó đánh ta không được rồi thì nó dùng công cụ phương tiện này để nó gây sức ép với chúng ta” lại bao hàm rất nhiều tiền giả định để chứng tỏ chiến thắng là vấn đề của hiện tại (vả lại thời gian “ba thì” chỉ là ảo giác).
Khi nói: “Thế nếu mà chúng ta mà mạnh, quan hệ chúng ta với họ mà tốt thì đó lực lượng này nó đứng im, nó ngồi tại chỗ. Còn quan hệ chúng ta với họ mà có vấn đề gì đấy trục trặc, mục tiêu đặt ra, ý đồ của họ không đạt được, nhất định họ dùng lực lượng này làm cái ngòi nổ xung kích gây ra cái điểm nóng chống lại chúng ta” (CĐ), thì

a)     Ta đâu thực có mạnh;
b)    Quan hệ với họ đâu đã tốt: “mục tiêu đặt ra, ý đồ của họ không đạt được, nhất định họ dùng lực lượng này làm cái ngòi nổ xung kích gây ra cái điểm nóng chống lại chúng ta”;
c)     Họ có cơ sở xã hội-chính trị của họ trong chúng ta.
Quan hệ với Mỹ nhưng chúng ta lại đã không chú trọng đúng mức nhập gia “văn hóa Mỹ”. Nếu chúng ta có “Ai nhất thì tôi thứ nhì/ Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba” thì họ có “Không tranh cãi với sự thành công”. Không có lý gì mà Hồ Chí Minh lại từ chối việc dẫn Hiến pháp nước Mỹ vào Tuyên ngôn Độc lập!
Bài học lịch sử “là họ gây sức ép với chúng ta, nếu mà chúng ta ngoan ngoãn mà đi theo sự chỉ bảo của họ, thì đó, chúng ta có cơ may là ổn định bình yên” là bài học nên rút ra từ quan hệ với TQ, chưa hẳn sẽ nên áp vào quan hệ với Mỹ.
Điều này chứng tỏ: “Hiện nay các nước trên thế giới thường nói đến lễ nghi thân thiện trong việc bang giao, nhưng thực ra bên trong họ chủ trương sức mạnh là tất cả (…) Cái gọi là công lý quốc tế chẳng qua là công cụ bảo vệ của các nước mạnh. Khi thấy có lợi, thì các nước mạnh đem công lý quốc tế ra, khi thấy không lợi thì họ trở mặt dùng sức mạnh.”
Bài lên lớp (trên đây) là dành cho phái đoàn Nhật Bản thời Chính phủ Minh Trị của Thủ tướng Đức, Bismark về sức mạnh và công lý quốc tế như chiếc “đinh thúc ngựa” khiến nước Nhật “lồng” lên thoát khỏi thân phận thuộc địa, mới đáng coi là kinh nghiệm lịch sử.
Cho nên, bỏ Trung “ngả” theo Mỹ cũng như từng “bỏ” Sô “ngã vào” Trung đều không thay đổi được thân phận “nước nhỏ”, trừ khi làm như Nhật Bản. Nhưng cứ thế này:
“Thưa các đồng chí một cuộc tuyên chiến rất sòng phẳng rõ ràng. Cái gì thế hệ những người Mỹ bây giờ không làm được thì thế hệ trẻ VN trong tương lai nó kỳ vọng là con cháu chúng ta sẽ làm được điều đó” (CĐ) thì không thể.
Quan hệ giữa thế hệ trẻ hai nước Việt-Trung “đã gắn bó” lại còn “đi vào chiều sâu” đang “đúng định hướng” hơn nhiều.
Thôi thì, đằng nào thì chiến lược ngoại giao cũng đã “bật mí” ít nhiều:
“Tôi bí mật nói với các đồng chí là trong chuyến đi của TT Obama, các đồng chí thấy được là người ta nói đến một bông hoa đồng đằng sau TT Mỹ với tư cách là một cố vấn an ninh quốc gia cho TT Mỹ là người gốc Việt Nam. Anh em mình mới nói chuyện là, con mẹ này nó được giao chuẩn bị tuyên bố chung giữa ta và Hoa Kỳ. Trong quá trình chuẩn bị thì thưa các đồng chí là, anh em mình tìm cách tiếp cận để cố gắng khai thác yếu tố Việt Nam, để cho những ngôn ngữ khái niệm trong bản tuyên bố chung này làm sao nó mềm mại duyên dáng có lợi cho chúng ta nhất. Thì các đồng chí thấy là, cả trong quá trình mình chuẩn bị đấy, cô ta làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không hề nói một câu tiếng Việt nào, nói tiếng anh không à. Nhưng mà sau khi chuẩn bị xong, đôi bên ký tắt rồi, ký tắt tức là về nguyên tắc xong rồi, ra 2 ông kia ký là chính thức thôi chứ công tác chuẩn bị từ bên trong, thì cô ta mới nói một câu tiếng Việt, nói rành rọt như Việt Nam, là bởi vì người Việt Nam mà, nói rất chuẩn tiếng Nam Bộ của chúng mình. Nói với anh em mình rằng: “Tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phục vụ vô điều kiện lợi ích của nước Mỹ”. Nói bằng tiếng Việt, đau như thế chứ. Một khi mà người ta đã từ bỏ, người ta đã phản bội rồi, thì câu chuyện ở phía đằng sau là cực kỳ nguy hại. Thế mà thưa các đồng chí là, trong tuyên bố chung ấy có rất nhiều điểm mà sau này nếu có thời gian tôi phân tích cho các đồng chí nghe, nhưng mà phải nói rằng rất có lợi cho chúng ta” (CĐ).
… thì nên rút ra bài học từ đoạn văn trên để uốn nắn thế hệ trẻ Việt Nam về nghĩa vụ của họ đối với Mẹ. Yêu nước không phải là yêu một “Mẫu quốc” đang chực đè nén áp bức mình mà là yêu Mẹ Tổ quốc đã sinh ra và đang ôm ấp chở che mình, nuôi dưỡng mình; Sống trung thực không phải là khuất phục trước kẻ mạnh hơn mình mà là phải có những hành vi tương ứng buộc chúng không thể tàn bạo được nữa với con người, trước hết là với làng nước mình.
Ý tưởng này là do tôi có được khi đọc Hồ Chí Minh (toàn tập; 1; 339, 340).
Chuyển sang chủ đề quan hệ Việt-Nhật – nước Mỹ Châu Á.
Nhật Bản đã chọn phương thức bang giao nhún nhường “Mỹ nhất thì Nhật thứ nhì/ Việt Nam hơn nữa, Nhật thì… thứ ba” rồi đấy, tức chơi “kèo dưới” hoàn toàn. Chả phải vì họ lép vế. Ý coi việc tiếp Tổng Bí thư ta theo nghi thức trọng thị nhất của nước Mỹ là vì ta ở “kèo trên” là không thực tế chút nào. Cũng như Obama đáp lễ thăm lại nước ta một cách “đàng hoàng” chứ không phải là “tiện thể” là thể hiện thái độ tôn trọng nhau, chứ không như Tập. Trên đường đi Sing, Tập “ghé thăm” rồi bắt Quốc Hội ta ngồi nghe nó giở “giọng tuyên giáo” xong là sang Sing nói với sinh viên ở bển rằng “Ta nói với bển vậy chứ… không phải dzậy”.
Có thể trên cương vị “sứ giả” của Nhà Trắng, Nhật Bản làm vậy “chứ không phải chỉ vậy”. Họ tôn trọng dân tộc Việt mình lắm chứ, mà tư tưởng cơ bản cuả “bài nói” của Tướng Trương đã toát hết ra rồi.

Chỉ mong sao cả hai đều mãi chỉ ăn vận “áo cà sa” mà đến với nhau cho dân chúng hai nước, mà trước hết là nước ta, đều được yên ổn để mang cái tay cái chân khỏe mà làm lụng cho nhau, cái mắt sáng cái tai rõ mà nghe trông cho nhau, kẻ có đạo được cùng dạy bảo nhau để trẻ được lớn khôn, già chung trọn tuổi.