Tính cách “dĩ hữu đạo chi quân quý tĩnh, bất trọng biến pháp” của truyền thống văn hóa chính trị Trung Hoa coi như tìm thấy lại bản thân và duy trì địa vị của nó dưới hình thức tươi mới, “Ổn định áp đảo tất cả”! Từ một nguyên nghĩa được đặt làm kiến giải trung tâm trong thuyết trị bình gắn với tâm lý “đánh dẹp”, chính sách kinh tế “đại nhảy vọt” khi này như đã hiển hiện đầy đủ tính chỉnh thể của toàn hệ thống trong hành trình từ tiềm năng về những thay đổi mạnh mẽ và bất ngờ trong môi trường kinh doanh trở thành điển phạm. Nói đơn giản thì là, tương quan với mô hình phát triển,“văn dĩ tải đạo” – “trí tuệ siêu việt” nhờ dựa vào việc tự dán lên chiếc nhãn Thánh Vương mà trở nên “điển phạm” làm nguyên tắc cao nhất cho tất thảy các hoạt động - chẳng hạn “Cách mệnh của Thang, Vũ vừa thuận ý trời lại hợp lòng người”. Từ nay, để đảm bảo được sự ổn định của đại cục chính trị, giới cầm quyền chỉ có thể và cần phải đảm bảo chắc chắn rằng, toàn bộ hoạt động tư pháp phải được đặt dưới sự kiểm soát của phe phái chính thống, bao gồm cả các biện pháp kiểm soát quyền hành pháp, làm tiền đề cho việc đưa pháp lệnh “đánh dẹp” vào chế áp mọi chỉ trích có tính ồn ào phe nhóm vào cùng giuộc với “thế lực thù địch”.
Phương thức vận hành chủ yếu của xã hội
khống chế xưa nay vẫn là dùng kinh điển mà nội dung của nó là cố định, bất chấp
mọi tác động nội hóa, vào giáo dục nhà nước. Dưới góc độ thể chế hóa thông thường,
“trí tuệ siêu phàm” là sự biểu hiện “phép tiên vương” mô phỏng theo những mô
hình đúc sẵn, làm phát sinh ra khuynh hướng tái sinh năng lực ổn định hóa. Hóa
ra trí tuệ siêu phàm là “siêu phẩm” chỉ bởi nó “không thể chạy trốn khỏi cái
hơi của chính nó” là những thành quả tư tưởng của giới tinh hoa đạo thống! Tuồng
như nó không chỉ chứng tỏ tính siêu đẳng của Thánh Đặng, không hẳn là “đặc sắc”
với riêng một Trung Hoa “công xã nhân dân”, nơi nền chuyên chế của tập quán sớm
hoàn tất triệt để ngay từ những ngày còn thuần phác. Rằng, lý tưởng chính trị
Nho gia trong các nhà tư tưởng không phải không bao hàm những đặc điểm không thể
phân biệt được với cũng nó, ở những người khác hoặc nơi khác. Điều kỳ quái là ở
chỗ trên cơ sở khoa học của thời đại “trăm hoa đua nở”, “muôn vật đều có chủng
loại, vì khác hình tướng mà thành riêng biệt” bao giờ cũng đặt ra cho nhiệm vụ của
nhận thức trong bất kỳ tình huống nào cũng ngay lập tức, phải tách được chúng
ra! Chẳng hạn phép chứng minh, khi thuyết trình phải dùng được phương pháp
nguyên lý diễn giải làm tiên đề, nhưng cũng nó, trong tự do ý chí thì lại phải
sử dụng được phương pháp lấy sự thực thực nghiệm để quy nạp giả thiết. Ở đây, tập
quán cũng là tiếng nói quyết định cuối cùng nên công lý và quyền năng, đơn thuần
chỉ như là một thứ ám thị.
Thứ ám thị tạo nên giềng mối cơ cấu
xã hội Nho giáo, gia tộc chủ nghĩa – gốc gác của chủ nghĩa chuyên chế, trong đó
quan hệ cha con là trục chính, mọi sự sắp đặt “lễ” [“trước hết là chuyện ăn uống”
(Kinh Lễ); nghĩa: phân chia quyền lợi] phải đi theo một lề lối được căn chỉnh
theo thứ bậc trên dưới do các nguyên lão định đoạt. Một cơ tầng xã hội được thể
chế hóa chặt chẽ và tinh vi kiểu này thì tất nhiên phải dựa vào “hiếu kính”:
yêu cha mẹ; tôn thờ vua; không dấy loạn; không bè đảng, làm quy phạm luân lý để
duy tu quyền lực “thân thân”. Theo đó, thái độ hợp đạo là “vô cố” (không nhất định
đúng sai) mà chỉ phải đi theo nguyên lý âm dương để sắp đặt hành vi theo cách
mà nhà cầm quyền ám thị. Có như vậy, các đấng bậc “phụ mẫu” khi nhất quyết đi
theo chính sách của nhà nước trung ương, nhưng để an thân thì lại phải định đoạt
được cho đồng bào mình phần sở hữu một khi trách nhiệm cá nhân ông ta coi như là
phù hợp với lợi ích gia tộc.
Điều phiền toái trong một nền chính sự
không có đúng, không có sai, chỉ có “hợp”, “không hợp” lại mới sinh ra sự nhiêu
khê trong thưởng phạt! Đương nhiên nhiễu nhương nào thì rồi cũng đều phải gắn được
vào với sai lầm, mà chẳng có sai lầm nào lại không đi ra từ sai lầm trong ban
thưởng và khen ngợi. Do bất xứng, mà có thưởng quá công. Kẻ hưởng lợi, chẳng hạn
như tác giả thi ca “Đất nước ở trong tim” đành phải chuốc lấy sự gièm pha, vì thế
mới không “khuyến khích được hành động của thiên hạ”. Còn thì những hành vi
đáng bị trách phạt, nói đâu xa, như là vụ việc xảy ra ở Công ty Việt Á, mà lại
được xưng tán tụng ca. Đã vậy lại còn huy động được cả các phương tiện truyền
thông gần xa, đổ xô vào mà tha hồ vỗ về, săn đón.
Công và tội vì không được phân định, khiến
cho những hình phạt làm ra mới lại không đủ sức răn đe! “Pháp lệnh càng tăng
thì trộm cướp càng có nhiều” là Lão Tử muốn nói về tính hiệu lực. Còn như “thiên
hạ nhao nhao cả lên”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, là bởi cái tập quán “trong
họ ngoài làng” do thứ chức năng cộng đồng mà ra nông nỗi! Bởi “quân gia như cây nêu” mà đem “thân” ra làm kiến giải
trung tâm, suy xét thuận nghịch, ước đoán gần xa, cân bằng
nặng nhẹ… thì dân tình cứ thế mà “sáng ngả bóng Đông, chiều dựa bóng Tây”
lại mới sinh nhờn. Do “nhờn” mà phải cần đến sức mạnh dường như có thể áp chế một
cách hiệu quả hoạt động tự do của người khác, ấy là ám thị! Mới có giai thoại
thế này: một lần Lỗ Ai công bày hết ra những lo sợ của bản thân, đem hỏi Khổng
Tử: “Có một câu nói nào làm mất thiên hạ không?”. “Một câu nói mà làm mất thiên
hạ ư?” Trong vai “thầy của vua”, còn kiêm giữ bổn phận vấn an, khi gặp thế,
đáng lẽ cứ phải là gạt phăng: “làm gì có chuyện đó”(!); đằng này, đức ngài Khổng
Tử, người khởi xướng đạo Nho - trụ cột tinh thần của xã hội phong kiến Trung
Hoa, vì sốt sắng quá đà, không chút đắn đo mới bèn quả quyết: “Thế thì là câu,
“Anh phải nghe ta”.
Điều lý thú không phải là hoàn cảnh
xuất hiện giai thoại hay văn cảnh ẩn chứa trong nó các sự việc không được nhắc
đến, mà là ở sự gợi ra cách “đọc vị” đem áp dụng vào các sản phẩm do con người.
Và tất nhiên không phải chỉ là những vật phẩm. Nó trước hết phải hướng vào
chính bản thân chủ thể của những sản phẩm ấy, tức tư duy và tính cách tâm lý,
các quan hệ của nó, các lĩnh vực hoạt động… để từ đó “đọc” lên cái bị che giấu
từ cái được nói ra. “Cái sâu kín nhất của thiên hạ nằm trong “quái”, cái khuyến
khích hành động của thiên hạ nằm trong từ”. Có như thế, mới phải nên “Xử lý
chuyện của cải cần chính từ, cấm dân làm bậy, đó gọi là nghĩa” [Hệ từ, thượng,
6; hạ, 1].
Đem áp dụng vào xem xét mối quan hệ
giữa những mục tiêu phát triển kinh tế và bộ máy quan liêu chính trị [*], qua văn phẩm “Giải pháp tinh giản biên chế” [mục
Diễn đàn, Tạp chí Xây dựng Đảng, số tháng 4/ 2020], người đọc cứ phải rối tinh
mỗi khi chạm đến “điểm mù”, lại y rằng thấy tác giả của nó, phó trưởng Ban Kinh
tế Trung ương, cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh, khéo léo tạo nên một
“nút thắt thể chế” trên tấm mền kinh tế, tựa những “mấu chần”! Rồi cứ thế mà cứ
từng danh ngữ, vì phải kiểm soát sự mất kiên nhẫn đối với cơ chế, phần vì đang
sốt sắng với thuyết “làm giàu”, đức truyền nhân này của thánh Đặng, đã khiến
các từ nguyên bỗng nhiên nín bặt. Song, cũng lại chính cái việc làm cầu kỳ ấy, một
phương diện riêng tư khác của con người được hé lộ ra. Sự áp chế đối với cách xử
trí cục diện lợi ích, hoàn chỉnh đến mức những thỏa hiệp ngầm bỗng chốc định
hình, những đồng thuận kín đáo cũng theo đó mà được chung quyết. Trong suốt bài
viết, dẫu chả đoạn nào nói gì về phe nhóm có ảnh hưởng gì hay phản ứng ra sao đến
cục diện lợi ích từ việc tư nhân hóa dần các tài sản do nhà nước kiểm soát để lại.
Nhưng từ những nỗ lực đề xuất giải pháp trong xu hướng tháo gỡ khó khăn bởi chính
sách cổ đông, mới lại lộ ra sự đáp ứng nhu cầu tự do cởi mở trước cuộc chuyển
di việc kiểm soát các điều kiện vật chất của sản xuất (sở hữu tư bản và sở hữu
đất đai) vào tay các “thái tử” dõng dõi hoặc bảo trợ là “hồng phúc dân tộc” của
lãnh đạo cấp cao các tập đoàn nhà nước, là có vấn đề. Từ đây mà chính quan niệm
cho rằng cái chung là bộ phận còn cái riêng là cái chỉnh thể trở thành một chỉ
dấu rõ ràng trong nguyên lý thống nhất. Giờ thì chúng ta cùng thử xét đoạn văn
dưới đây, đoạn mở đầu:
“Mục tiêu của hầu hết những người đi
làm ở cả khu vực công và tư là có thu nhập để bảo đảm cuộc sống của gia đình và
thăng tiến trên con đường nghề nghiệp. Do vậy, hầu hết mọi người sẽ hướng tới cả
2 mục tiêu này nên các chính sách cần được thiết kế sao cho mục tiêu của tập thể
cùng hướng với mục tiêu của cá nhân. Nếu 2 điều này ngược nhau thì phần thiệt
thường nghiêng về tập thể. Điều không may là rất nhiều chính sách trong thực tế
thường ở trong “vùng xám” và những người thực thi có 3 lựa chọn. 1- Bước
vào “vùng xám” để làm những việc tốt cho cái chung nhưng có khả năng phải chịu
những rủi ro và không có nhiều lợi ích. 2 - Lợi dụng “vùng xám” để trục lợi. 3
- Không làm gì và đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc nơi khác.” [**]
Khung cảnh “hoạt động cơ bản người” ở
cả khu vực công lẫn tư với “3 lựa chọn” đến toát mồ hôi của “hầu hết những người
đi làm”, chung quy lại vẫn là “cuộc vật lộn vì miếng ăn đến kiệt sức”! Trong
khuôn khổ “chỉ vừa đủ cho những tư liệu sinh hoạt cần thiết”, - “kiếm vừa đủ sống”
thì “lao động chỉ hiện diện dưới hình thức hoạt động nhằm có được tiền công”
[42, 82]. Cùng với lợi nhuận, tư bản và địa tô, tiền công cũng là hình thức thu
nhập, và là hình thức căn bản, nhưng chỉ đặc trưng riêng cho hoạt động lao động
làm thuê. Thành ra, tiền công đâu còn giữ được nguyên nghĩa “chính từ” như “mục
tiêu” bởi nó bị phó mặc hết cho sự mặc cả! Khi còn chưa “trả lại cho thị trường
chức năng định giá sức lao động” (đoạn 8) thì tiền công là không thể lựa chọn. Đã
không thể… thì sao mà có thể đủ bù đắp cho những trang trải cá nhân riêng biệt
hoặc gia đình riêng biệt và sự thăng tiến! Nhất lại là sự thăng tiến về danh vọng
và quyền lực, sự giàu sang và sự quyến rũ. Dưới hình thái này, lao động tuy có
làm cho con người “tự phân biệt” với súc vật và là “hành động lịch sử đầu tiên”
mà nhờ đó con người “khác với loài vật”. Nghĩa là “[Cố nhiên] con vật cũng sản
xuất. Nó xây dựng tổ, chỗ ở của nó, như con ong, con hải ly, con kiến, v.v..
Nhưng con vật chỉ sản xuất cái mà bản thân nó hoặc con nó trực tiếp cần đến (…)
và bị chi phối bởi nhu cầu thể xác trực tiếp, còn con người sản xuất ngay cả
khi không bị nhu cầu thể xác ràng buộc, và chỉ khi không bị nhu cầu đó ràng buộc,
thì con người mới sản xuất theo ý nghĩa chân chính của từ này” [x. 42, 137].
Lao động, còn gọi là hoạt động tự do
sáng tạo là hoạt động có tính cộng đồng của các cá thể; một lẽ tự nhiên nó diễn
ra trong chừng mực là sản phẩm của “sự giao tiếp giữa các cá nhân với nhau”. Những
“khí quan biểu hiện sinh hoạt” này không chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ nhóm,
thậm chí cũng không còn chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ quốc gia hay dân tộc
nữa là! Hiện thời thế giới chỉ còn là những liên kết và phụ thuộc lẫn nhau đến
nỗi không ai có thể đứng ngoài và đồng thời cảm thấy tự do khi chỉ những “giao
tiếp” như vậy mới thực sự diễn ra. Những sinh hoạt diễn ra trong cái bối cảnh
giao tiếp như vậy, lao động “mới là tồn tại của con người đối với người khác và
tồn tại của người khác đối với người đó” [42, 169] rồi sau đó, đồng thời với nó
mới là “sự khôi phục lại quan hệ tình cảm của con người” đối với tất cả những
gì được dùng cho sản xuất. Theo đó thì quyền lợi chung của con người và riêng của
mọi người mới kết hợp lại đủ để tạo nên sức đề kháng trước sự xâm lấn của “kẻ
thứ ba” – quyền lợi cá thể! Sự thể này chứng tỏ rằng, sự bình đẳng về quyền và
ý thức về sự công bằng do sự bình đẳng giữa các thành viên của nó tạo nên, bắt
nguồn từ những ưu đãi mà mỗi thành viên tự tạo ra cho mình. Rằng, để có thể thực
sự là ý chí tập thể, thì ý chí đó phải có tính phổ thông với mọi đối tượng; rằng
quyền lợi thể hiện ý chí tập thể phải đi từ tất cả mọi người để áp dụng một
cách hiệu quả vào tất cả mọi người, tức thị ý chí tập thể sẽ lập tức mất đi
tính ngay thật tự nhiên khi thiên về một đối tượng cá biệt nào đó.
Hậu quả xã hội của chế độ tư hữu là chỉ
biết mỗi việc dung dưỡng cho những nhu cầu vị kỷ cá nhân và cùng với đó là sự lừa
lọc và cướp đoạt. Khi sự cướp đoạt trở nên hợp pháp, được thể chế hóa bằng luật
pháp, mà chỉ dấu nhận biết chính là phần bất lợi thuộc về đa số các thành viên,
thì nhu cầu lao động coi như đã bị hạ xuống ngang hàng nhu cầu động vật, còn
nhu cầu của người sở hữu, lúc đó sẽ nâng lên thành thứ đặc quyền chủ nghĩa của
“con đầu đàn”: lãnh thổ, thức ăn và giao phối! Sự hư nát của những điều kiện
sinh hoạt của người lao động trái ngược hẳn lối sang chảnh xa hoa của những thế
lực chiếm hữu được những tư liệu lao động và biến chúng thành thứ phương tiện
dùng vào việc cưỡng đoạt! Những “của cải chỉ dùng để hưởng lạc không làm mà có
và được đem ra phung phí, khi con người hưởng thụ của cải đó một mặt xử sự chỉ
như một cá nhân nhất thời, để cho dục vọng của mình tha hồ thể hiện và coi lao
động nô lệ của người khác, mồ hôi đẫm máu của con người là miếng mồi cho lòng
thèm muốn của mình, và do đó coi bản thân con người – và do đó cả bản thân mình
– như là thực thể bị hy sinh, nhỏ mọn” [42, 179].
Trong cái tình thế đối lập giữa những
cá nhân liên hợp làm thành đẳng cấp quan liêu chỉ biết đến mệnh lệnh, và dân
chúng bị đùn đẩy trách nhiệm pháp luật là bên còn lại, thì hoạt động xã hội cơ
bản của con người sẽ “còn khuya” mới đến được với ý nghĩa chân chính của từ
này. Khi hoạt động chỉ vì sự tồn tại thân xác thì điều đó đã ngầm giả định “sự
hiệp tác trong quá trình lao động” chỉ biết “dựa trên tình hình là mỗi cá nhân
riêng lẻ vẫn còn chưa tách khỏi cái núm rốn của thị tộc hoặc của công xã” [23,
485]. “Chưa tách khỏi” cũng tựa hồ “giới tự nhiên thứ hai” – thế giới những sản
phẩm lao động, không là “đối tượng của con người đối với con người”! Nói cách
khác, con người không hóa thân hay “tha hóa” vào sản phẩm của chính mình, nó
“vong thân” trong chính những sản phẩm đó. Có thế thì mới lại “không có nhiều
người lựa chọn phương án 1 vì không có thêm thu nhập và cơ hội thăng tiến” (đoạn
2). Chính điều này đã ngầm giả định về tính ổn định
của một lề lối sinh tồn còn ngái ngủ trong trạng thái rong ruổi vượt lên kinh tế
thị trường để trưởng thành thị trường đầy đủ! Đó chính là nguyên nhân, cũng còn
là kết quả của quá trình tiến hóa lề mề vào chính cái thời đoạn giao thoa giữa
hình thức tổ chức nguyên thủy (mà “chính sách cần được thiết kế sao cho mục
tiêu của tập thể cùng hướng với mục tiêu của cá nhân” đơn thuần là thứ cảm xúc
nhất thời) và xã hội có giai cấp. Hình thái lao động có tính chất công xã chằng
chịt với đủ thứ dây dợ đặc trưng của chế độ thị tộc, như sở hữu chung về ruộng
đất, lao động tập thể, và nhất là với ngổn ngang đủ thứ giềng mối thân tộc hay
huyết thống mà việc thừa kế và di chúc
chỉ định hướng được mỗi việc hình thành những gia đình quyền quý hòng đảm nhận một
vài chức năng cộng đồng, khiến sản xuất chẳng nhích lên được bao nhiêu so với
hình thái lao động gia đình! Ở hình thái tổ chức sinh hoạt với các thứ hạng nô
lệ trong nhà như “thần”, “bộc”, “thiếp” do “tể” (những khái niệm này, sau chuyển
dần thành các chức quan trong triều, - nói, để tiện hình dung) cai quản; đóng
vai tổ chức lao động kiểu cầm chịch (!) thì lao động là tách khỏi sở hữu! Và
trong tình hình sản xuất hàng hóa còn chưa tạo ra được dấu ấn gì rõ nét thì “sự
tồn tại của con người với tư cách là những người sản xuất hàng hóa, chỉ đóng một
vai trò thứ yếu” [23, 125], tức không đáng là tính cách của chủ thể lịch sử!
Thành thử, trong tất cả các trường hợp sống
cùng tập quán “chạy trời không khỏi nắng” (ý là điều kiện sản xuất thuần
túy chỉ là giới tự nhiên bên ngoài) thì lao động chỉ là cách đem lại cho “sở hữu
tư nhân của những cá nhân riêng biệt” những khoản lợi nhuận [x. 46 (phần I),
750 - 770] mà cùng với sự làm giàu vong mạng là sự tha hóa lao động bởi khoản
công xá chả có bao nhiêu! Hơn nữa, sản xuất là hoạt động đối tượng hóa, nó thể
hiện toàn diện “đời sống đẻ ra đời sống” với khoản “tiền lương chết đói” thì
“đi làm” chỉ là để “biến toàn bộ cuộc đời của người lao động thành thời gian
lao động” và dồn đẩy các “đối tượng ăn theo” – cha mẹ, vợ con anh ta trôi tuột vào
tình cảnh “đỏ lò thì no tắt lò thì đói”.
Còn thế nào nữa mới là không đói, khi
ngần ấy miệng ăn chỉ biết trông cậy vào “nhõn” khoản “thu nhập tăng thêm”! Có
thế mới khiến cái sự thể “tự phân biệt” chẳng cách nào hơn sự lầm lũi ngậm
ngùi, gắng gượng để khỏi bị nhấn chìm vào tình thế đối lập nhị nguyên không
đáng có: không “tự phân biệt”. Làm gì để khỏi lâm vào tình cảnh “mưa lúc nào
mát mặt lúc ấy” khi những giá trị cao hơn cá nhân như niềm tin vào tiền đồ xán
lạn, vào khả năng cải tổ những vấn đề xã hội, vào ý nghĩa của cuộc đấu tranh vì
chân lý và công bằng dường như chỉ còn là thứ giải pháp an ninh. Cá nhân không
được định vị với tư cách là con người hoạt động đối tượng hóa bản thân, trơ lại,
rặt chỉ là những hoài nghi giá trị về sự thăng tiến hay làm giàu được đánh cược
bằng sự vong thân với những lý tưởng mà mình theo đuổi! Lịch Vạn niên, năm
Nhâm, tháng Nhâm, ngày Giáp có lưu lại câu: “Những công việc con người làm tốt
thường được thực hiện trong căng thẳng và phải hy sinh nhiều tính cá nhân” (William
Carlos Williams) đâu phải chỉ là phân bua, nó là điều ám thị: ngoài việc phải
kiếm đủ để còn tiếp tục lao động được, nó không xem xét người lao động lúc
không thể xoay xở ở ngay tại chính quê nhà mình, mà vinh quang sẽ chỉ lăn lộn
tìm về từ nguồn “lao động di cư” hay “lao động xuất khẩu”.
Một chính sách kinh tế “cần được thiết
kế sao cho mục tiêu của tập thể cùng hướng với mục tiêu của cá nhân” như là sự
dịch chuyển học thuyết Hop-xơ về “đấu tranh của tất cả những người có mặt chống
báng lại tất cả những người có mặt” theo cung cách “xem hình tìm ngựa”! Việc đề
xuất giả thiết, coi như phát hiện ban đầu, - “mục tiêu cá nhân” với việc xây dựng
lại sau sự kiện, tức “phục dựng” lại cái ban đầu, cứ như cái gì từng xảy ra
trong lịch sử khắp nơi, phải được tái diễn trong vai trò của giám đốc hoặc
chuyên gia hay nhà chính sách! Thay vì lợi ích thu được tùy thuộc vào tài sản
đóng góp ban đầu, thì bây giờ sẽ chỉ tùy thuộc vào những quyền lực được tạo nên
từ những quan hệ làm chủ hay không, trong hoạt động tổ chức, kiểm tra và kiểm
soát. Thay vì tăng cường vị thế, tầm quan trọng của hoạt động tập thể và tinh
thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, thì thông qua các cổ đông, “cổ phần hóa” là sự
phục dựng lại khuynh hướng tự nhiên thôi thúc động cơ cá nhân và nhân tính ích
kỷ.
Chủ nghĩa Mác truyền thống coi giai cấp
của một người được quy định bởi quan hệ kinh tế xã hội của nó đối với tư liệu sản
xuất. Nói giản tiện thì là một người sở hữu tư liệu sản xuất sẽ thuộc về một
giai cấp khác với giai cấp của những ai không có những tư liệu ấy mà chỉ biết
phụ thuộc vào sức lao động của mình. Theo đó thì phân hóa giàu nghèo sẽ không
tiếp diễn với một nhà nước sau cách mạng khi tiến hành được việc quốc hữu hóa
toàn bộ tư liệu sản xuất khiến mọi người đều thuộc về một giai cấp dựa trên sở
hữu ngang nhau các điều kiện vật chất của sản xuất. Còn như mà tách người lao động
khỏi quyền sở hữu điều kiện lao động thì sinh hoạt của họ còn gì để mà không phải
là sự vật lộn vì sự tồn tại thân xác và ấy là quy luật tích lũy sự giàu có về cực
đối lập với nó. Cho nên “phần thiệt thường nghiêng về tập
thể” thì điều đó đã giả định đến việc sử dụng quyền lực đang có trong “thiết
kế chính sách” không phải vì lợi ích của các đối tượng được bảo trợ bởi quyền lực
đó, mà vì những mối lợi riêng tư của người nắm quyền trong cai quản nhưng lại
thiếu vắng luật pháp thường trực và ổn định, mà chỉ mỗi việc đi theo ý chí của “ma-ma
tổng quản”, thể hiện bên ngoài của quyền lực độc đoán chuyên chế đặt trên con
người và tài sản của họ.
Cho nên là cái quyền tự chủ trong sản
xuất kinh doanh hệt như là “đem trống đánh cửa nhà Sấm”. Khi “mục tiêu của cá
nhân” là biểu hiện của phân quyền trong quản lý với sự hình thành nên các
“vùng” hành chính nhỏ của nhà nước có tính “đặc khu” ít nhiều tự trị, thì biên
độ quyền lực của các lãnh đạo cơ sở được phép “chệch hướng” đâu biết sẽ là được
bao nhiêu? Sự độc quyền trong các vấn đề phân bổ tài chính, đất đai, doanh nghiệp,
sự thao túng thị trường, tranh chấp lao động, tranh chấp lãi suất hoạt động tín
dụng… có nguyên nhân từ cách thức sắp đặt các quy tắc theo trình tự thống nhất
thành chỉnh thể điều chỉnh hoạt động xã hội của con người liên quan đến công việc
chung, gọi theo “cơ chế chính sách”. Có thế thì đặt ra việc tháo gỡ “các nút thắt
thể chế chung, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo động lực để
cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ,
công chức làm việc và người dân có ý chí vươn lên, dám bước vào “vùng xám” làm
tốt cái chung và cơ chế giải quyết rủi ro cũng như cách ghi nhận kết quả, coi
như lợi ích ban đầu” (đoạn 4) mới “rối như canh hẹ”! Các từ khóa, “cải cách”,
“thể chế”, “chính sách”, “tháo gỡ”, “động lực”… có thể dùng được vào đâu đều
dùng được cả! Tần suất xuất hiện phép “chính từ” như hiệu ứng tập quán đã khá thành công trong
các lập ngôn chính trị. Nó trải đều đến sốt ruột trước bối cảnh gia tăng việc
kiềm chế quyền lực mà không sử dụng được một quyền lực tương đương, ngoài việc
đem hết “nhốt vào lồng”. Giờ mà trở lại với “không nhiều người lựa chọn “phương
án 1 vì thường không có thêm thu nhập và cơ hội thăng tiến. Nếu linh hoạt giải
quyết nhanh chóng (…) có thể không đúng quy trình và xảy ra sai sót. Trong khi
quy trình bổ nhiệm và thăng tiến hiện tại với tiêu chí “không sai” được đặt lên
hàng đầu” (đoạn 2) sẽ thấy công việc làm chính
sách đã tự tổ chức thành tổ chức cầm quyền, tự phát triển cô lập và tách khỏi sản
xuất như muốn thách thức với tương lai chính trị của “hầu hết những người đi
làm”!
Dường như có một sự giảm sút vai trò
tiên phong nào đó khiến tính giai cấp bỗng đặc trưng cho tổ chức hướng nội, xa
rời quần chúng, bảo vệ lợi ích hạn hẹp của chính giới cầm quyền! “Và chúng ta cần
một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và
phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”
[***] không hẳn đã chứng tỏ, cũng không hẳn đã là chính xác khi chỉ “một bộ phận
cán bộ đảng viên” nào đó tự trở thành một tầng lớp mới mà vì vị trí và quyền lực
của họ trong chính quyền đã dần làm biến đổi nhận thức và hành động của họ.
-----
* Cách
gọi đặc quyền chỉ định, ví dụ “chủ thể nhân danh quyền lực nhà nước luôn có quyền
đơn phương đưa ra các quyết định quản lý mà bên kia có nghĩa vụ bắt buộc phải
chấp hành các quyết định đơn phương đó.” ĐHKTQD, Gtr. PLĐC. 5. 3).
** Triệu
Tài Vinh : Giải pháp tinh giản biên chế”. Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 4 -2020,
Diễn đàn.
***
Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam”. CTQGST, 2022, tr 21, 22