Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Bài trả thi logic học (K23 QLNN)

“Được sử dụng tài liệu để trả thi” thì không còn yêu cầu gì hơn về kiến thức, dù tài liệu chỉ là một “phổ” kiến thức tuy hẹp song cũng chấp nhận được cho sự phát huy một / vài kỹ năng logic cơ bản của người học, là mục tiêu của đề thi. Không có tài liệu nào cung cấp sẵn một đáp án đúng cho các câu hỏi thi, nhất là thứ tài liệu của chính người ra đề soạn lại… Tất cả các hành vi sao chép máy móc tài liệu hay từ một “nguồn” nào đó, từ một bài làm của một ai đó chẳng hạn, đều không hợp với mục tiêu chất lượng dạy và học thông qua hình thức trả thi.

Khác với công tác hành chính, đặc biệt là ở cơ sở, nơi các kỹ năng cơ bản hầu như được mặc định hóa bởi sự bao cấp của tư duy (!), người thừa hành chỉ biết làm theo đúng lời thủ trưởng dặn dò, trừ khi họ được dặn không được có thái độ bất nhã với nhân dân!
Tham khảo những dẫn giải dưới đây, ai thấy mình bị oan sai hãy can đảm đứng ra mà tự bênh vực mình. “Khiếu nại” về cơ sở đào tạo, Khoa; giảng viên bộ môn sẽ xin phép chấm và sửa lại kết quả. Hoàn toàn công khai và minh bạch. Kể cả việc cùng sao chép của nhau mà người thì ít người thì nhiều điểm!
Tại đề thi, phần cuối đã có lưu ý người trả thi giữ lại để đối chiếu với “đáp án”. Nay để tiết kiệm không gian tiện cho quan sát, tôi không chép lại đề.

Phần I (đề số 02. K23, TTGDTX Quảng Nam)

Câu 1 (1 điểm): Dựa vào định nghĩa khái niệm nội hàm thì nội hàm số chẵn là tính chất chung của mọi số chia hết cho 2; còn đường kính là đường thẳng nối các điểm trên đường tròn qua tâm của đường tròn/ hay còn gọi là dây cung lớn nhất.
Có bài (07) không biết dẫn từ đâu ra: tất cả các số chẵn đều chia hết cho 2 thừa số! Thế vậy, số 5 và số 7 là những thừa số của số nào chia hết cho 2?
Ngoại diên của số chẵn: các số chia hết cho 2/ số chẵn; đường kính/ (tức là) dây cung lớn nhất.

Câu 2 (1 điểm): Khi định nghĩa khái niệm, hễ vi phạm quy tắc định nghĩa thì sẽ không giải quyết được nhiệm vụ định nghĩa khái niệm và khi đã không phân biệt được sự vật cần định nghĩa bằng dấu hiệu bản chất của nó (tức giải quyết nhiệm vụ khi định nghĩa) thì định nghĩa có còn là một định nghĩa tuân thủ các quy tắc của nó nữa không?
Ví dụ, 2a, nếu lấy cái đã biết (câu 1 trên đây) để biết cái chưa, thì ai không nhận ra định nghĩa này đã vi phạm quy tắc cân đối/ định nghĩa quá rộng, đó là người… không chịu biết (!). Còn điểm 2b, “tứ giác có các đường chéo cắt nhau tại điểm giữa chia đôi mỗi chúng” đâu phải chỉ mỗi hình vuông!
Bài có số 06 viết: Đường kính là đường chéo cắt nhau tại điểm giữa chia đôi mỗi chúng (!); và hình vuông là các đường thẳng nối các điểm giữa lại với nhau!

Câu 3 (2 điểm): Có nói rằng cấu tạo của nó gồm ba hoặc bốn bộ phận cũng được, vấn đề là chức năng của mỗi bộ phận ấy. Nếu chỉ vậy thì tài liệu, có chưa hoàn chỉnh thì cũng đã khá đầy đủ rồi (còn dùng từ hoặc… là ý muốn chỉ rằng lượng từ không phải ở phán đoán nào cũng được thể hiện trực tiếp, thường chỉ có ở phán đoán riêng, nhằm lưu ý mặt lượng của phán đoán/ ngoại diên của chủ từ).
Thế nào là và khi nào thì… Thế nào là một thuật ngữ chu diên/ không chu diên? Thế thì, khi nào thì thuật ngữ ấy sẽ/ được như thế, tức chu diên/ không chu diên?
Điều này thường xuyên được nhấn mạnh trong suốt quá trình thực hiện bài giảng… Rất nhiều bài thi đã chép lại y nguyên trong tập đề cương… với tới hai trang “lải nhải” như người thợ giảng logic học (!). Không ra thế nào! Đề ra nhằm lưu ý có tính cảnh báo việc nắm kiến thức để vận dụng vào những nội dung sau. Còn thì nó đã sẵn sàng trong tài liệu, can cớ gì lại đi giảng giải lại cho người đang thực hiện nhiệm vụ đánh giá/ kiểm định chất lượng học tập môn học. Nếu có khả năng tốt hơn thì đành một nhẽ, đằng này buộc người chấm ngồi dò lại xem chữ viết của người sao chép có bị mất nét không!… Qua đây chứng tỏ người trả thi đã không đến lớp thì thôi, lại còn cũng không xem lại bài qua tài liệu. Qua quýt thôi cũng được! Vì chỉ chép đúng chỗ với khoảng 4-5 dòng A4 là đủ rồi. Rốt cuộc, thì cũng chỉ sao chép của nhau từ một nguồn, tức từ một người chép lại tài liệu nhưng không đúng địa chỉ. Tâm lý dựa dẫm trong sự học hành của đào tạo không chính quy vẫn quá nặng nề. Không nên cứ tiếp tục coi thường hậu quả cực kỳ nguy hiểm của nó!

Câu 4 (2 điểm): Nghĩa là, xem xét xem luận ba đoạn tỉnh lược này có hợp logic không.
− Luận hai đoạn đã nêu rõ tiền đề (sau bởi vì). Phán đoán còn lại là kết luận.
+ Căn cứ vào kết luận (với thuật ngữ làm chủ ngữ hoặc vị ngữ) thì bộ phận bị lược bỏ là tiền đề nhỏ;
+ Tiền đề này sẽ bao gồm các thuật ngữ: 1/ kim loại; 2/ vàng. Sắp xếp theo trình tự: chủ ngữ - vàng; vị ngữ - kim loại với mệnh đề không thể là mệnh đề phủ định [có những kim loại không bị han gỉ! Vì sao? Chứng tỏ, vàng là kim loại thì mới có kết luận như thế chứ không thể khác (!)].
− Luận ba đoạn đầy đủ… Nhận xét… Loại hình luận ba đoạn? Phương thức đúng? Kiểm tra bằng sơ đồ Venn hoặc trình bày bằng lược đồ, phương thức EAO.

Câu 5 (2 điểm): Cấu tạo của suy luận gồm tiền đề, kết luận và lập luận. Thế thì lập luận thế nào để suy luận kia hợp hay không hợp logic. Đó là yêu cầu của đề ra.
+ Tiền đề lớn M chu diên/ chủ ngữ của phán đoán chung; P không chu diên/…
+ Tiền đề nhỏ ngoại diên cả hai thuật ngữ bị loại khỏi nhau. Vì…
+ Khi loại ngoại diên của S khỏi M, sẽ xảy ra 2 trường hợp: S vừa nằm trong P vừa nằm ngoài P. Do đó, kết luận S e P không là kết luận duy nhất và tất yếu suy ra từ các tiền đề, khiến thuật ngữ không chu diên trong tiền đề trở thành thuật ngữ chu diên trong kết luận.
+ Suy luận theo loại hình luận ba đoạn 1 với tiền đề nhỏ phủ định.
Có thể trần thuật theo lối mô tả dựa vào sơ đồ Venn (xem ví dụ minh họa cho quy tắc 3, quy tắc thuật ngữ).

Câu 6 (2 điểm): Cách mô tả tương tự như câu 5 trên đây với loại hình luận ba đoạn 3, phương thức AAI. Kết luận là, một số cây lâu năm chỉ ra hoa một lần. Suy luận này được sử dụng nhiều cho việc minh họa các quy tắc thuật ngữ, quy tắc tiền đề, quy tắc loại hình và cả về tính chu diên cũng như sơ đồ, lược đồ… trong luận ba đoạn. Ai gặp khó khăn vui lòng xem lại phần ghi chép của cá nhân.


Phần II (đề số 02. K23, TTGDTX Bình Định)

Câu 1 (1 điểm): Tương tự như câu 1, phần I, trên kia.
Câu 2 (1 điểm): Dựa vào  nhiệm vụ thì khỏi quy tắc và ngược lại. Dựa vào cả hai thì tốt quá… Nhưng căn cứ vào cách diễn đạt trong đề ra thì “hoặc” theo nghĩa tuyệt đối phân liệt, hơn nữa nó lại nằm trong “ngoặc đơn” thì chẳng nên “dại” gì mà “ôm rơm rặm bụng”. Cứ mạnh về thứ nào thì vận dụng thứ đó!
2a) Tứ giác có các góc bằng nhau và các cạnh bằng nhau, thì đến cả người thong manh cũng không bảo nó là hình chữ nhật. Như thế thì định nghĩa đâu đã phân biệt được hình chữ nhật với hình vuông bằng dấu hiệu vốn có của hình chữ nhật! Người thì bảo định nghĩa quá rộng, kẻ thì tuyên truyền rằng định nghĩa quá hẹp. Có người thì lại quả quyết rằng định nghĩa “rất đúng”. Và cũng không hề giải thích nó rộng/ hẹp/ đúng đắn hay sáng tạo ở… điểm nào!
2b) Định nghĩa này dẫn ra từ SGK GDCD 12 tr. 21… thì không thể bảo nó sai là nó… sai được! Thế mà cả trăm nhà “Quản lý NN” đều nhất tề tuyên chiến với thuật ngữ pháp luật phổ thông này. Rằng, định nghĩa thừa thãi, không rõ, lòng vòng… bởi từ... “hành vi vi phạm pháp luật” lặp lại hai lần (!). Có thể ty tỷ điều ta không biết, nhưng không tạo lập được thói quen đọc sách, học bài, suy nghĩ độc lập,… thì không thể tham dự vào công tác quản lý nhà nước đang thời kỳ cải cách hành chính được.

Câu 3 (2 điểm): Câu này thì vẫn… thế nào là/ và khi nào thì... Vậy nên tham khảo câu 3 phần I, trên kia! Ví dụ dẫn ra cái thì minh họa cho thuật ngữ chu diên (tiện nhất là lấy phán đoán phủ định chung; S+ e P+); cái thì minh họa cho trường hợp đối lập cả về số và chất lượng, tức khi nó thế nào sẽ không chu diên (nên chăng dẫn ra phán đoán khẳng định riêng, S- i P-, để tiện minh họa!).

Câu 4 (2 điểm): Tham khảo câu 4/ câu 5 trên kia (phần I). Chỉ có vài người “chê” còn đa số thì vẫn kiểu tỏ ra: ta (M) là đúng (P), còn người khác (S) không phải là ta (M), thì người ấy (S) “chỉ có từ sai trở lên” (P). Thôi thì cũng được đi (!). Nhưng cũng phải cắt nghĩa thế nào để kẻ có tâm lý phản biện“khẩu phục”, còn tâm nó không phục thì đã có quyền lực!
Thử tham mưu cho lãnh đạo như thế này có được không: “Thưa ông Chủ tịch, ông nói tất cả công dân xã/ phường ta (M) đều có nghĩa vụ phải tuân thủ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước (P), mà anh này (S) thì lại không phải là công dân xã/ phường chúng ta (M). Do đó, chúng ta buộc anh ta (S) phải chịu trách nhiệm pháp lý (P) trước việc anh ta kinh doanh ở xã/ phường ta là sai đấy.”

Câu 5 (2 điểm): Thoạt nhìn, mà chưa cần phải áp các kí hiệu S, P, M vào các thuật ngữ, đã thấy ngay rằng, suy luận này theo loại hình luận ba đoạn 3, phương thức AII. Kết luận sẽ là: Một vài loài có độc là thực vật. Thế mà chỉ một người duy nhất kết luận như vậy. Còn lại thì đa số chép lại từ tài liệu… Nhưng đấy lại nơi phân tích và minh họa cho suy luận nhầm tưởng kết luận rút ra từ hai tiền đề đều là những phán đoán riêng. Nếu gọi đây là thói quen “đạo văn” của trí thức, thì e chưa đúng hoàn cảnh!
Nào thì mô tả (... với các đường tròn biểu thị ngoại diên của các thuật ngữ).
Tiền đề lớn: Toàn bộ ngoại diên thuật ngữ loài nấm (M) nằm trong ngoại diên thuật ngữ thực vật (P);
Tiền đề nhỏ: một phần ngoại diên thuật ngữ loài nấm nằm trong ngoại diên thuật ngữ chất độc (S).
Do đó, một phần ngoại diên thuật ngữ chất độc (S) theo ngoại diên thuật ngữ loài nấm(M) vào trong ngoại diên thuật ngữ thực vật(P): Một vài loài có độc là thực vật (S i P).
Loại hình luận ba đoạn 3, còn có phương thức IAI nên, ai người kết luận: Một vài loài thực vật có chất độc cũng đúng, thậm chí là một sự lanh lợi, nếu còn dè dặt với tổ hợp từ sáng tạo, khi có cách lập luận, với thực vật làm thuật ngữ nhỏ (S).

Câu 6 (2 điểm): Theo yêu cầu của đề thì chỉ cần mô tả bằng sơ đồ Venn đối với các lược đồ có kết luận.
a) S i P; 4, AAI.
b) Không; 1, với tiền đề nhỏ phủ định.
c) Không; 3, với tiền đề nhỏ phủ định.
d) S i P; 3, IAI.
e) S e P; 2, AEE.


Nhìn chung, chất lượng bài làm thấp; tâm lý cầu may, máy móc, giáo điều rất nặng nề. Lười biếng và cẩu thả cũng được hằn rõ sự… “tránh việc quan đi ở chùa”.
    Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt đâu mình chi ai