Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Đàm đạo với Khổng tử

Canh hai: “Loạn ngôn”

- Đức Khổng! Ngài từng bảo cho Nhan Hồi, …phàm đã “phi Lễ” thì “đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm”… Chẳng hay, phải khi thế “chẳng đặng đừng” thì sao?
- Có đâu lại thế! Biết là “trái Lễ” mà vẫn nhắm mắt làm thì bừa chỉ có kẻ mục hạ vô nhân, số này ta không giáo hóa được! Vả cũng hiếm thay! Khi bậc thái thượng lấy đức dạy dân, lấy “lễ” tề dân, bậc thứ nhì lấy “chính sự” mà khiến dân, lấy “hình” mà ngăn dân, chỉ khi giáo hóa mà dân không theo, đến mức hại nghĩa nát tục thì mới lâm thế “chẳng đặng đừng”. Nhưng phải khi đến mức ấy thì phải rất kính cẩn và thận trọng, “vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi; dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành”. Vậy nên “Tiên hữu tư, xá tiểu quá, cử hiền tài”. Thời Đông Hán, các thuộc hạ của Đổng Trác được trưng dụng không sót đứa nào, nên có đâu “chó càn cắn giậu”, quá quắt đến mức đã phải chẳng đặng đừng!
- Thưa! Là đệ tử muốn tham vấn Ngài xung quanh chữ Lễ. Chả là…, nhà nọ anh bố bắt trộm con dê, anh con liền dắt con dê vào vườn sau tính giấu; nước nọ có anh vua quan liêu vì dòng chính thống mà sính chuyện chuyên chế, gặp sự thể chẳng đặng đừng, đám quần thần hợp sức với đám nội thị đêm ngày mưu kế tính bề quy thuận...
- Phàm đã là cha thì phải làm điều tránh tử, khi đó thân không hãm vào điều vô lễ; phàm đã làm ông vua phải làm điều tránh hữu, để thân không dấn vào điều bất nhân. “Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu là trung vậy”.
- Ôi, biết được cái đáng theo giữa khi “thiên hạ nhao nhao, đều như thế cả” hà tất phải lao tâm khổ tứ đến Ngài. Ngài từng bảo cho: “Bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không phải một sớm một chiều, cứ dần dà mà tới, từ chỗ phải thu xếp mà không thu xếp sớm. Kinh dịch nói: Đi trên sương, biết sắp đến lúc băng cứng, đại khái lời ấy là thuận”… Dám hỏi, cái thứ phải thu xếp mà không sớm làm có phải là sự rệu rã về tinh thần, sự sa sút về tín nghĩa, sự lơi lỏng về chức phận… sự đó chẳng phải là việc chẳng đặng đừng đấy sao?
- “Ồ, bọn người như cái thưng cái đấu, đâu đáng nói tới”. Có ông người tây, Saint-Simon nói thế này: “Bổng lộc to tát xứng với nhà cầm quyền là sự tin yêu của xã hội” nên Nguyễn Trãi “Khứ thực, khứ binh, tín bất khả khứ” cũng là vì lẽ ấy. Đã là người ai cũng phải lo liệu lấy miếng ăn, nhưng phàm đã làm “phụ mẫu chi dân” thì lại không nên như vậy. Như anh bố nói trên kia đáng lẽ dạy con cày ruộng thì lại bày nó trò kiếm ăn.
- Trong Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, có đoạn (11) thuật cuộc đối thoại giữa Ngài với Tề Cảnh công, Công nói: “Hay quá! Vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con, tuy có thóc, liệu ta có ăn được không?”. Dám hỏi lại Ngài: Có ăn được không?
- “Cái cô mà không phải là cái cô, thì là cái cô sao! Là cái cô sao!”. “Chính (chính trị) là chính (ngay thẳng); người trên ngay thẳng, ai dám không ngay thẳng?” được sao (!). Nếu một bọn người vô đạo, mà chính trị của họ cũng nói lấy được rằng, đã khiến người ta đi vào con đường ngay thẳng, thì “nói vậy mà không phải vậy” cũng là vậy sao? Ta lại có nghe ông người tây Arixtotle chế ra “cái quy, cái củ, cái chuẩn, cái mực” để dùng cho lúc lập ngôn. Sinh thời ta cũng thể ông ấy lấy cái đó làm kiến văn mỗi khi xét vật. Từ ngữ phải biểu đạt đúng sự vật để “ngăn mối loạn, về đường chính”. Vấn đề là ở dụng cái “danh” cái “từ”. Một khi ý tượng được “xướng xuất” thì phải ngay thẳng về mặt luân lý để “khích lệ thiên hạ” “cấm dân làm bậy”.
- Có chuyện đó sao? Có một kẻ quê đem bán mật… Vì là mật nên mới có ruồi. Mật ngọt càng chết ruồi, đó là luật thương trường chứ không có đâu mà thuận mua vừa bán… Anh mua lại báo quan tuần… Quan tuần nghĩ đó là “mỡ” liền bỏ tù kẻ bán mật. Rốt cuộc người “mua” được mật thì chẳng mất đồng nào còn kẻ có mật thì không thu được lấy một… cắc, trừ cái “cắc” lạnh ngắt của chốt tù… Thế ra, nào là cái mà chẳng đặng đừng?
- Ông Mặc tử từng bảo cho: “Điều bất nghĩa lớn nhất là đánh nước người ta, thì không biết là sai, lại phụ họa khen đó là nghĩa, thật tình không biết đó là bất nghĩa nên ghi vào sách để lưu lại cho đời sau. Nếu biết là bất nghĩa thì làm sao ghi vào sách là bất nghĩa để lưu lại cho đời sau? Nay chuyện làm bậy nhỏ thì biết là sai, mà chuyện sai lớn là đánh nước người ta thì không biết là sai lại phụ họa khen đó là nghĩa, thế thì có thể nói là biết phân biệt nghĩa và bất nghĩa không?”. Chuyện nước lớn hiếp nước nhỏ, nhà lớn hiếp nhà nhỏ, mạnh lấn yếu, đông hiếp ít, láu lừa ngu, sang khinh hèn, đó là điều đại bất nghĩa cho thiên hạ!
- Nho Lễ nói: “Xử lý chuyện của cải cần chính từ, cấm dân làm bậy đó gọi là nghĩa”. Cái thể chế phân phong làm xã hội thành tầng lớp hưởng trọn đặc quyền mà chỉ chịu sự tiết chế của lễ. Còn pháp điển có ngũ hình với ba ngàn cấp bậc áp dụng vào cho tầng lớp còn lại với tất cả nghĩa vụ mà nó có bổn phận phải lo. “Lễ không tới kẻ thứ nhân, hình phạt không lên tới đại phu”. “Xử lý chuyện của cải cần sửa lời nói cho chính đáng, cấm dân làm bậy” có tính lập pháp sao mà nhỏ nhen; chẳng ngay thẳng tý nào! Làm khốn cái biết, làm cùn cái biện… dân tình không có chỗ đặt cái tay cái chân… “Sửa lời cho chính đáng” thì đúng sửa được thành phi, phi thành đúng lễ rồi, cái nào mà chẳng đặng đừng!
- Hồ đồ lắm anh kia! Đạo học của Nho gia là để tỏ cái đức sáng, biết phải quấy mà sửa sang bản thân chứ không phải vụ lấy biết nghề kiếm chác, “nhân bất học, bất tri đạo”. “Trung tín, sở dĩ tiến đức dã: tu từ, lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp dã/ Trung tín để tiến đức: tu tỉnh ngôn từ, lập cái thành thực cho mình, để vững bền nghiệp”.
Chính trị bao giờ cũng khinh suất. Đã thế, làm chính trị mà còn không làm đúng chức trách ngay thẳng thì đó là ta muốn nói về lời nói không thuận. Cái đó chính là hành vi, nghĩa vụ, quan hệ, thói tục đã không hợp với danh nó mang, thì là tình trạng hỗn loạn tư tưởng. Khi này mọi bàn luận và phán đoán về thật giả, phải quấy thường ngày làm sao mà thỏa đáng. Một vật đựng rượu không có góc mà vẫn khăng khăng nói nó là “cái cô” thì còn quyền năng nào mà đoán định cái này sai, cái kia đúng, đáng đừng mà chẳng đặng đừng?
- Dám thưa! Danh chính, ngôn thuận, việc không đáng thì đừng... Chỗ chết của lập ngôn chính từ tiến đức, từ trung tín mà ra. “16 chữ tâm truyền”: “Nhân tâm duy nghi, đạo tâm duy vi; duy tính, duy nhất, doãn chấp quyết trung” của đạo thống thủ tiêu mọi nhân cách khiến cái tâm không biết thế nào là nguy, không nguy! Ông Karl Albrecht đã mà rằng, “Khi những người thông thái cùng hợp lại thành băng phái sẽ có khuynh hướng dẫn đến sự ngu ngốc tập thể”, chả hay Ngài chê trách?
- Đạo trị quốc phải lấy kính nhường: yêu cha mẹ, tôn thờ vua, không làm loạn, không bè đảng, phái nọ, nhóm kia. Kẻ cai trị phải kính nhường cả trong việc trị dân để dân không nghĩ đến điều phản loạn. Duy tu lễ là không làm cho nó trở nên gay gắt bởi xung đột, mang được nguyện vọng của cả tầng lớp thứ nhân. “Quân tử hết lòng với cha mẹ thì dân theo điều nhân”. “Người tự xử là hiếu đễ mà ham chống kẻ trên, rất ít có”. Nay ta lấy cái trung thứ mà tỏ cái biết cho anh: đành nhẽ lễ ta là để khuất phục. Nhưng chớ vì thế mà thiển nghĩ đến ngu trung. Ngu trung tuy không bất lễ, nhưng là bất tín. Tân Hiệp Phát vừa đây, chẳng hạn, làm chủ thiên hạ mà không trị là tại “vô tín bất lập”, ta đâu nệ điều chỉ trích mà chê, không chê!
- Vâng! Tính cao cả ở Ngài không bởi là nhà tuyên giáo mà là nhà giáo hóa, nên mới mạnh bạo nói ra để được bày vẽ cho… Khi Lễ đã đặt người ta vào quan hệ tôn tộc theo thang bậc đích, thứ, trưởng - ấu; vào quan hệ đẳng cấp quân tử - tiểu nhân; vào công việc chính sự thiên tử - chư hầu- bách quan, thì nó cũng xóa bỏ hết cá nhân. Việc cư xử theo khuôn há còn đáng nào không đáng! “Thiên hạ hữu đạo thì lễ nhạc, chinh phạt là do thiên tử ban ra. Thiên hạ vô đạo thì chinh phạt lễ nhạc, do vua chư hầu xuất. Từ chư hầu ban ra thì ít thấy trong mười đời, từ đại phu ban ra thì ít thấy trong năm đời, từ gia thần giữ quyền trị nước thì ít thấy trong ba đời, mà không mất. Thiên hạ hữu đạo thì việc cai trị không rơi vào tay đại phu; hạng thứ dân không có điều gì phải xì xào bàn luận”. Phép trung thứ của đạo thống khi vận vào làm cớ… Thưa Khổng Phu tử! Khi nào thì thứ dân mới không có điều gì phải xì xào vệc làm chính sự?
- Việc chính đáng là hợp đạo. Đạo quân tử là trung thứ. Đạo trung thứ phò dòng chính thống. Đã là quân tử thì việc nghĩa “bất nhượng ư sư” há cần phải tranh! Cho nên việc đại sự tức việc nhà nước là của thiên tử “khắp dưới gầm trời, đâu đâu chắng là đất của vua, mọi miền biên viễn, đâu đâu mà chẳng là bầy tôi của vua”. Người biết mệnh chẳng ham lạm quyền, giữ đạo trung hiếu há không tham dự là không nói vậy bao giờ. Cái phẩm giá của người làm quan chốn cung đình cũng như ở lỵ trấn không thiết phải có tài vì phò thiên tử thì có gì mà phải thay đổi, đó là yêu cầu của dòng chính thống! Cái cần là cần cái năng văn. Văn chương tao nhã phải như ông Tự Đức ấy! Dân chúng đầu tắt mặt tối đâu biết đến tài, nhưng lại phải biết đến lượt phu phen, lính tráng, thuế má… Còn khi an sinh dồn họ đến đoạn chẳng đặng đừng với cung cách “một liều ba bảy cũng liều” thì với lời văn êm tai có sức lay động họ sẵn sàng ngay cho “ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba”. Cho nên đường lối cai trị cốt sao minh kinh. Quan lại ở lỵ trấn, hào cường ở làng xã không nắm được kinh điển thì cai trị theo kinh nghiệm của Nho gia, việc hành chính là truyền chiếu chỉ, bình văn, khích lệ niềm tin yêu tôn kính bề trên để dân nghe mà theo chứ không phải làm gì. Mà làm gì để làm gì, khi “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”, đời sống thái bình, cửa ngỏ thâu đêm mà không hề có trộm cắp, chức phận theo định chế truyền hiền mà không đụng đến uy vũ… “Ánh sáng của Nghiêu rạng tỏa khắp bốn phương, làm cho các nước chư hầu liên kết, hòa thuận” há cần phải làm gì!
Bởi vậy, danh không chính, lời nói không thuận là việc không thành, theo đó mà lễ nhạc sẽ không hưng khởi. Ý tượng vậy là bởi khi không có tính xác định và lý tính của tư tưởng, thì vô đạo. Phàm đã vô đạo thì sinh loạn vị, loạn danh, loạn ngôn, loạn hành. Một khi tư tưởng đã rệu rã thì quyền lợi và nghĩa vụ tất phải suy sụp. Ấy là trạng thái tiêu điều của các mối liên hệ và nghĩa vụ chính đáng của các giai tầng. Bề tôi không chỉ không trung thực thi hành chức phận mà còn không trung thành với quốc quân. Những “phụ mẫu chi dân” không còn là người đứng đầu về đạo đức và tinh thần trong gia đình, gia tộc, rộng rãi ra nữa là phạm vi quốc gia khiến hạng tôi tớ nếu không bỏ bê thì cũng tự nó gặm nó – tính hiếu thuận lẽ ra phải thường giữ gìn. Lúc nghĩa vụ và ngôi vị thành ra lãng nhách thì lễ hay phép tắc về hành vi mà mỗi giai tầng có bổn phận cũng sẽ mất đi sức mạnh và quyền uy dẫn đạo cá nhân và xã hội.
Cho nên, không ngay thẳng mới sinh ra cái thứ chẳng đặng đừng đó là kẻ thù của Nho gia. Khi cái cô không là cái cô mà cứ là cái cô, không hỗn loạn thì chưa thấy bao giờ!
- Vậy thì?
- Đạo của ta chỉ có nhân nghĩa. Có nhân nghĩa thì mới chính danh. Có chính danh thì mới định phận. Kẻ làm vua nắm dòng chính thống lấy ngay thẳng mà dạy dân tề dân. Dân không tề là phải xem lại việc xướng xuất từ vua chư hầu.
- Nhưng mà phép thượng hiền chỉ bó gọn trong khuôn khổ thân thân, đã thân thân thì chỉ còn mỗi đạo thờ vua, nên sĩ phải là sĩ-quân tử mới được hòa vào dòng chính thống, hèn thì cũng bòn lấy được một chân thư lại. Được nhất hô bá ứng thì sáng danh tông miếu! Nới quân tử ra đến Ngài há chẳng đã biến sĩ thành quân tử, đâu phải trí thức hóa quân tử, cho nên kẻ thống trị cũng ví thể “cáo mượn oai hùm” dùng tài lực ra đè chứ đâu lấy cái tu dưỡng để dẫn đạo… Không có tu dưỡng thì sao thấy mình, không tu thân thì sao trị người. Phải chăng Ngài thấy hơn ai, đó là điều thiên hạ không tài nào kham nổi?
- Thật quê mùa lắm anh ơi! Chỉ có Trời mới hiểu được ta… “Cái tin của Hồi, cái nhanh của Tứ, cái dũng của Do, cái nét trang nghiêm của Sư, hơn ta… Nhưng cả bốn gã đều phải tôn ta làm thầy, cũng là bởi kẻ biết tin mà không biết nghĩ lại, người biết nhanh mà không biết có lúc đáng chậm, cậy có dũng mà không biết lúc cần nhút nhát, có nét trang nghiêm mà cứ nghiêm trọng không có lúc ung dung, để cùng hòa đồng. Gộp tất cả cái nết hay của Nhan Uyên, Tử Cống, Tử Lộ, Chuyên tôn Sư mà đổi lấy cái ta không bằng bốn gã ấy, ta chẳng thuận nào!”
- Vâng! Tin mà không khi nghĩ lại thì viển vông như thể “bán hùm buôn sói”; chỉ biết “nhanh như  chong chóng, phóng như vệ tinh…” lam làm như thể quyên sinh, vị tất cũng thể nhà nông “cấy xong chiêm xuân trước Tết”; cậy có dũng tất “bạo hổ bằng hà” ỷ chân không mà qua sông chả khác làm vườn thì không cần công nghệ…; lúc nào cũng nghiêm trọng thì nhìn đâu cũng thấy ghét, sinh lòng “tẩu hỏa nhập ma”... Còn như đã dám “có danh gì với núi sông” thì phải thôi cố chấp để khỏi lâm thế “chẳng đặng đừng”. “Bất học lễ vô dĩ lập” phàm kẻ có học thức rộng rãi mà không có lễ nhượng để ước thúc mình thì nảy sinh tự mãn làm tiêu tán cái ôn hòa trang nhã, nên “bác văn ước lễ” là vậy!
- Phải! Chưa tu thân đã lo tề gia, chưa tề gia đã lo tranh thiên hạ. Chỉ mải lo dĩ thời đột nội; ôm cây đợi thỏ, thì sao biết ta biết người? Bậc quân tử là một tấm gương, nhưng chưa phải đã là to tát… bằng tấm gương của gia đình mình mới thực là “bàn thạch” của chính trị. Đạo đức của gia đình, gia tộc người quân tử có khả năng hoán cải được tất thảy, “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân; nhất gia nhượng nhất quốc hưng nhượng. Nhất nhân tham lệ, nhất quốc tác loạn. Kỳ cơ như thử”. Chính trị của Chu Công là tự túc và cống nạp: anh tự xoay xở trong đám ruộng nhà anh mà đủ nuôi anh và thực hành bổn phận đóng góp; người trông coi việc hành chính kính cẩn dạy dỗ dân chúng làm nghĩa vụ với dòng chính thống, tuy không đủ dùng thì đã “bổng hậu thay lộc bạc”. Kinh tế thời nay hướng vào chính trị: lấy cường tín mà cấm người làm bậy, thể tất sự chẳng đặng đừng!
- Đến mức này sao? Ở nước tôi có “ông vua” tính kế giam kẻ tham nhũng vào trong “cũi thiết” rồi giao về gia đình cho vợ con y kiêm chức “quản tù” hòng làm cho y xấu hổ, cho cả gia tộc y xấu hổ, noi gương cho thiên hạ được thể xấu hổ, khi đó không còn có nữa sự dấn thân vào những điều phi lễ.
- Loạn ngôn quá thể! Không lo dạy dỗ để nó tự lượng khả năng mà không dám nhận ngôi cao vì không đủ tài; không dám đảm đương việc lớn vì không đủ đức. Hành động giản dị, không gây phiền hà thì vợ con trong nhà mới nể phục, dân chúng mới nể phục… Đáng được nể phục thì dân chúng ắt vui vẻ nghe theo và thi đua bắt chước nọ phải làm nhục người ta.
- Thì Ngài đã chẳng mà rằng tài hèn đức mọn thì phải biết đừng; thế chẳng đặng đừng thì phải lấy cái ngay thẳng mà xử. Lễ ký chép: “Lễ không đến kẻ thứ nhân, hình phạt không lên tới bậc đại phu”.
- Than ôi! Quả chỉ có trời! Đành là ta chỉ định vào bậc thánh đế, quân vương! Đó là lấy đó làm gương: lấy mình ra mà xử. Được thế sao thiên hạ lại bất bình! Lấy Nghiêu Thuấn ra mà so mình ngay, há bảo thiên hạ không ngay. Đạo của ta cốt ở ngay thẳng: “Trời có nói gì đâu! Tứ thời hành yên, trăm vật sinh nở. Thiên hà ngôn tai!
- Thì ra để giúp vào việc cai trị thay cho giáo hóa dân chúng là việc của vua, Ngài đã tạo ra học thuyết của mình thế chẳng đặng đừng cốt ra được Nghiêu Thuấn.
- Phải! Khi có sự “Vĩ đại thay! Cao vời thay! Chỉ có trời là cao to nhất, mà chỉ có Nghiêu là có thể lấy trời làm chuẩn mực. Đức hạnh của ông ta rộng lớn vô bờ bến, thần dân muốn ca tụng ông mà đều không biết phải ca tụng như thế nào” đó là Nghiêu; “Diệt trừ bốn kẻ có tội mà thiên hạ cảm phục”, “Có năm người bầy tôi mà thiên hạ được trị yên” đó là Thuấn; “Tụ họp chư hầu ở Đồ Sơn, cầm ngọc mà điều khiển vạn quốc”, “Vũ và Tắc tự bản thân xuống ruộng trồng cấy, vậy mà có được cả thiên hạ” đó là Vũ; “Y doãn làm tướng cho Thang, đem vương đạo phổ biến ra thiên hạ”, là Thang; “Bận rộn đến không có thời giờ nghỉ ngơi cơm nước cốt theo đuổi việc làm cho muôn dân hòa hợp” là Văn-Vũ; “dân chúng bốn phương đại hội, hòa ái” là Chu Công... Được cả như thế, há sao ta đã phải tạo ra. Giữ yên vạn nhà, ổn định thiên hạ… để cùng được thích như Điểm: “Cuối mùa Xuân, áo đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ vu, rồi hát mà về” đâu phải là tiên nghiệm, siêu nghiệm. Đã ai bảo được ai mỗi sáng đứng trước gương soi. Người quân tử sợ nhất lúc ở một mình!
- Những điều “không biết phải ca tụng như thế nào” cũng thể như điều không biết. Ngài đã nói hết ra những điều không biết há sao không có kẻ hiểu nhầm rồi cố bắt chước mà theo. Ngài Mạnh tử mượn “cổ đế” để triến khai Tính thiện Thuyết, dùng thuật xảo để lý tưởng hóa từng cá thể cổ đế, khiến dân chúng ai cũng tin mà chẳng có việc nào thành tựu.
- Tìm tòi những điều bí ẩn, thi hành những việc lạ lùng, để đời sau có người bắt chước, ta chẳng làm như vậy. Kẻ ham điều bí ẩn chỉ là đứa hiếu kỳ, thích điều lạ lùng chỉ khi ham trò ảo thuật “buôn hùm bán sói” đấy thôi… Dù có không chủ tâm dối gạt thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho nhân quần, đem những điều như vậy ra giảng giải chỉ làm cho người ta không hiểu hết mà lại gây rối loạn, hoang mang tinh thần. Ta không tạo ra Nghiêu Thuấn cũng không tán tụng VũThang nhưng ta tham vọng những kẻ quân chủ đi vào con đường vương đạo, lánh xa bá đạo. Hạng trung nhân giúp dân phò vua, thi hành đạo… không có Nghiêu mà được như Nghiêu, không có Thuấn mà được như Thuấn, như Vũ, như Thang, Văn, Vũ… thiên hà hữu đạo… phúc đức tưới cùng thiên hạ há chẳng hơn đời sống lũ thú hoang không có cổ đế mà theo!…
- Dám thưa! Kẻ bồng bế theo Ngài cũng ức vạn, mấy ai được “thất thập nhị hiền” như Tử Uyên, Tử Lộ, Tử Trương, Tử Hữu?
- “Trời hại ta! Trời dứt ta!”. Thành sự tại Trời. Đạo học vấn không đem được cái lao lực cho đời, mà chỉ vẽ cho dân chúng cách đủ ấm để có hiếu với cha mẹ, tôn kính vua… “Cố vi chính, tại nhân; thủ nhân dĩ thân; tu thân dĩ đạo; tu đạo dĩ nhân. Nhân giả nhân dã”. Đạo thống với “Tam cương” “Bát mục” ví như cái dây, không đem dùng thì lấy đâu có thẳng. Đạo ta đã không ra đến hạng bình dân cũng vì tông pháp nhà Chu khiến kẻ sĩ cứ phải bao gồm cả tước. Lòng thuận đạo rồi ngày mai một.  rồi cũng ngày ngày từ bỏ đạo ta đuổi theo kinh tế, lễ nghĩa thiếu kẻ săn sóc canh chừng.
- Vậy đời là đục, còn Ngài thì cố làm lặng để trong. Học thuyết của Ngài thay vì khơi dòng cho nước chảy lại cổ vũ thang bậc cá nhân mà duy tu nguyên tắc tiên nghiệm, khiến kẻ hữu đạo chỉ chú vào tôn kính mà sợ hãi đủ điều; tin vào mệnh nghiệp mà chỉ chằm chằm mỗi điều chính thống; thiên về huyền hoặc mà bỏ đi tất tật những điều mắt thấy tai nghe; ưa chuộng siêu nhân mà tiếm việc nghịch thường; câu nệ hiếu thuận mà sinh ra cố chấp; thiếu ý thức cộng đồng nên chỉ biết dựa vào luân lý bản vị; tôn ngũ luân thành kết cấu xã hội giai tầng cơ bản mà loại bỏ những đứa quê mùa; căm thù khoa học tự nhiên nên chỉ biết dựa dẫm kinh nghiệm cá thể; lấy tông tộc làm trung tâm cho tất cả hoạt động xã hội mà không có được một quan niệm công đức rõ ràng. Ôi thật là công việc dã tràng!
- Trong đục do người. Biết dạy bảo nhau lấy mình mà đối với người tựa hồ như mỗi sáng lại phân thân làm sao mà không tu được thân. Xem cái dư luận của người thiện người ác thế nào, sao không rõ được: “…vị khả dã. Bất như hương nhân chi thiện giả hiếu chi, kỳ bất thiện giả ố chi/ người mà cả làng ưa chưa hẳn đã hiền, người mà cả làng ghét cũng chưa hẳn đã ác. Không bằng người mà kẻ thiện trong làng ưa, kẻ bất thiện trong làng ghét”.
- Dựa vào sự yêu ghét để tu đạo, Ngài vẫn lại cố chấp. Làm cha mẹ dân mà “ăn của dân không từ một thứ gì” mà bảo yêu thương tuyệt đối thì chửa bao giờ. Con có khóc thì cũng không cho bú mà vẫn biết được khát vọng của con mà dành cho cửa cao nhà rộng. Trồng cây không để gây rừng vị tất phải tính mười năm, trồng người chỉ để sai bảo mà muốn tới minh kinh, năng văn…Lấy thông kinh thạo ngôn khiến người ta không yêu được thì ghét… Ỷ thế nước lớn đi hiếp nước nhỏ lại lại ép ngôn họa theo khen đó là nghĩa. Văn hóa Nho gia là làm cho điều gì không thể đều thành có thể, mà không huyền bí thì chưa thấy bao giờ.  Dám xin Ngài cho tỏ thái độ: đi với bụt và đi với ma mà vẫn y phục cà sa thì là thế nào?
- Danh chính thì ngôn thuận, ngôn thuận thì việc thành… “Thỉ ngô ư nhân dã, thinh kỳ ngôn, nhi tín kỳ thành, kim ngô ư nhân dã, thinh kỳ ngôn nhi quan kỳ hành”. Xem cái dư luận của người thiện người ác thế nào, thì rõ được… “ Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai! Nhân yên sưu tai! / trông người ta làm gì, xem người ta nói theo cái gì mà là việc ấy, xét cái vui của người ta về công việc ấy thế nào, như thế thì người ta còn che giấu sao nổi”.
- Quân tử là gắn liền quyền bính. Người nắm quyền bính trị dân theo lễ ấy là chính danh. “Sự quân sác, tư nhục hỹ; bằng hữu sác, tư sơ hỹ” là bởi chạy trời không khỏi nắng. Theo phép tiên vương… nói trong thiên hạ thì đến Nghiêu Thuấn, Vũ Thang… cũng theo không kịp. Nhưng dọn ra những điều nhân và bất nhân và bảo người quân tử chọn thì hẳn là anh ta cũng không biết gì. Sử ký, tại thiên Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: “Ngày xưa thiên hạ phân tán rối loạn, không thể dùng một cách mà trị, nên các chư hầu cùng dấy lên, đều nói chuyện xưa làm hại nay, trau chuốt lời nói suông mà làm loạn việc thực, mọi người đều lấy cái học riêng của mình chê bai điều người trên làm. Nay Hoàng đế có cả thiên hạ, phân trắng đen mà định ngôi lớn. Những kẻ theo cái học riêng của mình lại dạy cái học theo khuôn phép, nghe lệnh ban xuống thì đều theo cái học riêng của mình mà bàn tán, vào thì chê bai trong lòng, ra thì bàn bạc ngoài đường, chê vua để lấy tiếng, khác người để tỏ ra cao, dẫn đầu người dưới đơm đặt phỉ báng. Nếu như thế mà không cấm, thì ở trên uy thế nhà vua sẽ giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên, nên cấm là hơn… Ai muốn học pháp luật thì thờ quan lại làm thầy”.
- Loạn ngôn!
- Thì chính Nho gia đã đưa ra mệnh đề phổ biến mà không ngờ tới hậu quả. Các bậc vương công đại nhân cổ kim, ai không tán dương điều nhân nghĩa song cũng không ai không thuận ngôn ra công a dua cổ súy và tiến hành thảo phạt tàn bạo vì điều lợi, bất chấp dư luận, kể cả chính thống. Thì ra mệnh đề phổ biến của Nho gia chỉ là mục đích mà không có bất kỳ sự kiểm nghiệm khả dĩ mà cũng chẳng hề có bất cứ tiêu chí chỉ đạo việc ứng dụng trong bất cứ tình huống cụ thể nào hòng vấn an bản dân. Theo như học giả Hồ Thích Chi, mệnh đề ấy tách hẳn với kết quả thực tế, nên nó chỉ là những từ ngữ rỗng tuếch, dựa vào sự chỉ dẫn mù quáng của “quái tưởng” và thiên kiến. Nó vô nghĩa và vô trách nhiệm như âm nhạc đối với người điếc và hội họa đối với người mù.
- …
- Cái dùng để gọi với cái được gọi đều trống không và tối nghĩa: dùng danh để định danh. Việc dựng lại cái nguồn nguyên thủy và ý nghĩa lý tưởng của danh mà đưa tới ý nghĩa của cái danh cũ kỹ, thậm chí biến chất một cách hoàn toàn. Rốt cuộc “chính từ” chỉ là một cách truy từ nguyên học, làm cho triết học thông giải ý nghĩa cho là lý tưởng nhằm thể hiện nhiệm vụ nêu lên khát vọng của tất thảy nhân quần. Triết học chỉ là một lối thông giải ý nghĩa nguyên lý phổ quát mà không cần quan tâm gì đến thực tế của mệnh đề. Nói như Hàn Phi: “Việc trị nước ngày nay, chuyện trong dân gian, đàn ông đàn bà đều biết rõ thì không làm, mà hâm mộ lời nói của bậc thượng trí, trái hẳn với việc trị nước”.

- Lễ nhạc hoang phế là bởi thiên hạ vô đạo. Ngôi cao thể tất cho việc chẳng đặng đừng, Trung ngôn chuốc lấy sự nhục là thường, đâu phải tại Nho gia không bảo: Cái cô mà không phải là nó, là nó sao! Là cái cô sao!