Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Thay lời giải đáp…


1. Chức năng của óc – nguồn gốc tự nhiên của ý thức, là thu nhận và xử lý thông tin nhằm điều khiển mối liên hệ giữa cơ thể với môi trường. Tính quy định này khiến con người ta không thể không suy tư. Chỉ khi “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại” (Descartes). Tồn tại của con người là việc xử lý các thông tin để hình thành nên tri thức (ý thức) theo nhu cầu sinh tồn của loài “cây sậy biết tư duy” (Pascal).
Xử lý thông tin là hoạt động biến đổi các thông tin nhận ra từ một nguồn phát nào đó thành những thông tin mới có tác dụng gợi nên những giải pháp cho việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức hay thực tiễn. Bé An, trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, chắc đã thốt lên, mà có lẽ đượm buồn và rất khẽ: “Tàu hôm nay không đông nhỉ, chị nhỉ!”.
“…Liên lặng lẽ mơ tưởng (…). Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng” (Thạch Lam, Hai đứa trẻ).
Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua! Một thế giới khác hẳn với cái phố huyện, nơi sinh sống của hai chị em bé An, đang úa tàn. Rồi thì cũng chỉ để lại cho Hai đứa trẻ một không gian mênh mang và yên lặng bị bao bọc bởi “đêm của đất quê”. Tuy nhiên, rất không khó để không nhận ra khát vọng nồng nàn từ Hai đứa trẻ, sứ giả của tương lai, sớm thoát khỏi cái thế giới tàn tạ rặt còn chỉ những hơi buồn…
Từ thời xa xưa, cái bản năng sinh tồn trước một thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến những người ngư dân trên biển phải sớm biết cách dùng tù và để giao tiếp với nhau. Tiếng tù và là tín hiệu được tín hiệu hóa mang nội dung thông báo, cảnh báo, cấp báo…  tùy cung cách quy ước có tính chất nhóm / cộng đồng. Người trắc thủ tiếp nhận các tín hiệu từ màn hình ra-đa, tiến hành hoạt động “sàng lọc” để khóa mục tiêu cho việc ra mệnh lệnh! Nghe / xem các tín hiệu thính giác, thị giác từ những ngày đầu mùa lễ hội Bính Thân, tùy vào việc “giải mã” ở các “tổ chức vật chất” có lợi ích khác nhau mà dẫn đến tình hình kẻ thì tấm tắc rằng thì… cảnh sống tưng bừng của mùa trẩy hội với những nam thanh nữ tú thành kính dâng cầu cho quốc thái dân an, người thì ngao ngán thở dài trước thực trạng văn hóa đạo đức vẫn không chịu dừng cuộc “tiếp sức” để chạm đáy!
Trong dạy học, nguồn phát tín hiệu là chương trình giáo dục, sách giáo khoa. Môn học nào thì có sách giáo khoa với khung chương trình phản ánh cấu trúc tư duy của người học môn đó. Đó là hệ thống tín hiệu hóa mà chỉ khi được chủ thể tiếp nhận và xử lý tích cực chúng mới thành tri thức đáp ứng nhu cầu phát triển nhân cách người học. Khi dạy, người dạy dứt khoát phải làm cho người học biết mình dùng định nghĩa gì để tìm hiểu định nghĩa mà người học cần được sử dụng. Trong đa số trường hợp, người dạy phải sử dụng cách định nghĩa của người học để chuyển hóa thông tin thành tri thức, thành học vấn của người học. Khi ấy, người dạy tiến hành hoạt động xử lý thông tin với tư cách là cách thức mà người học phải tiến hành để hình thành tri thức. Nói một cách giản tiện, việc học diễn tiến như thế nào thì việc dạy phải được tổ chức như thế!
Không xử lý các thông tin, người dạy trở nên nguồn phát lại các tín hiệu thành chuỗi âm thanh vô cảm kế tiếp nhau. Trong hoàn cảnh này người học dường như được gắn thêm thứ công cụ trợ thính… Với thứ công cụ ấy, nó nghe được tất cả đấy nhưng chẳng thấy được gì đâu!
Dạy học không làm cái việc vô nghĩa vậy!
Vậy xử lý thông tin trong dạy học là hoạt động chuyển đổi các tín hiệu thông tin nhận ra bởi tác động từ đối tượng được phản ánh thành nội dung của mọi thay đổi được lưu giữ hoặc truyền tiếp của đối tượng phản ánh.
Trong sự liên hệ phổ biến của thế giới, bao giờ cũng đưa lại tình hình đối tượng phản ánh mang nội dung thông tin từ đối tượng được phản ánh. Nó là nội dung của tất thảy sự thay đổi tạo nên bởi tác động từ đối tượng được phản ánh, thể hiện năng lực của dạng vật chất / đối tượng phản ánh: tái hiện, ghi lại những đặc điểm của khách thể tác động đến nó.
Hoạt động xử lý thông tin bao gồm chuỗi / hệ thống các thao tác / thủ pháp logic. Chúng có thể dùng phối hợp với nhau hoặc cũng có thể dùng riêng rẽ một vài thao tác, tùy theo mức độ “che giấu” (Heraclitus) của đối tượng được phản ánh. Khi trình bày, thường thì người ta nên / phải cố gắng liệt kê nhiều nhất các thao tác ấy trước khi đặt dấu chấm lửng trong văn bản, hay “thả” từ “vân vân” khi giao tiếp ngôn ngữ! Trong trường hợp nào thì cũng không “nỡ” bỏ sót những thủ pháp vốn thuộc về sở đắc. Bởi hành vi ấy luôn phải hàm ý rằng, đây là một dạng hoạt động phức tạp, rất vất vả…, mà khó khăn vất vả là tự bản chất con người. Tự bản chất vì con người không được phép tránh né sự băn khoăn, trăn trở, thấp thỏm, âu lo…; thúc thủ trước bức màn huyền bí của thực tại. Có như thế Descartes với mệnh đề “Cogito, ergo sum” mới có được một uy quyền trong mọi lĩnh vực của tri thức (Engels). Và người có học thức cẩn thận cần phải thể hiện được quan điểm tính toàn diện. Toàn diện là có trọng tâm có trọng điểm chứ không phải là tràn lan, dàn trải, xô bồ!
Khi này việc trả thi chỉ còn là vận dụng một vài thao tác logic trong xử lý thông tin!
Thực chất của xử lý thông tin là để hình thành nên các ý tưởng mới. Đó là quá trình hình thành khái niệm về đối tượng, trong dạy học, là những tư tưởng mà mục tiêu bài học đã chỉ định. Con đường hình thành khái niệm được trải nghiệm qua học tập môn logic hình thức… Ai có khả năng thì có thể phát triển thêm một vài thủ pháp với nội dung sâu hơn những gì đã học qua logic học, chẳng hạn tương tự hoặc ngoại suy, nghịch suy (suy lý tố nhân) trong suy đoán kết quả…
Bằng phép so sánh, nếu “Cái gọi là sự phát triển lịch sử, nói chung, dựa trên tình trạng là hình thái cuối cùng coi các hình thái đã qua là những giai đoạn để đi tới bản thân nó” (Karl Marx) thì vận động đi xuống, vận động tuần hoàn không đưa lại sự ra đời của cái mới ở trình độ cao hơn cái cũ tất sẽ phải bị loại khỏi khái niệm sự phát triển dù các hình thức vận động ấy có tham gia như thế nào đó vào sự phát triển và có vai trò nhất định đối với nó. Khi này, phát triển biểu hiện thành sợi dây chuyền vô tận của sự nối tiếp nhau liên tục ra đời của cái mới trên cơ sở phủ định triệt để cái cũ. Theo nghĩa này, sự phát triển lịch sử tất phải coi các hình thái đã qua là những giai đoạn để đi tới chính bản thân nó. Nếu học tập là quá trình con người tìm kiếm bản thân mình, làm chủ bản thân mình thì sự trở thành một sinh viên đại học chính là cái thời điểm mà các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ là những nấc thang để mỗi cô bé, cậu bé của mươi / dăm năm trước tìm thấy mình trong trạng thái trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần. Ấy là trạng thái khỏe khoắn của một đời sống tinh thần lành mạnh, một tinh thần tự do trong một cơ thể cường tráng.
Cái gọi là hình thái cuối cùng không là gì khác hơn là cái hình thái ban đầu đã được phát triển đầy đủ trong đó thời gian là điều kiện để thực hiện sự biến đổi dần các trạng thái từ cái ban đầu sang mặt đối lập với nó, rồi chuyển hóa sang mặt đối lập với nó để dường như trở về lại trạng thái ban đầu, nhưng trên cơ sở cao hơn, hoàn thiện hơn thể hiện trong sự hoàn thiện hóa chức năng tự tổ chức tự điều chỉnh sự vận động của đối tượng. Phát triển là sự tăng cường chức năng. Chức năng bảo toàn khả năng tự tồn tại, một nguyên lý tổng quát của toàn thể vũ trụ.
Với cách quan niệm ấy, “có thể nhận thức được một cách rõ ràng và nhẹ nhàng hơn nhiều, nếu như chúng ta nhìn các sự vật như một sự hình thành dần dần hơn là nếu xem chúng như là một cái gì đó đã hoàn toàn xong xuôi” (Descartes).
Kỹ năng suy diễn sẽ khiến người ta không khư khư với những quan niệm trừu tượng. Vận dụng phép ngoại suy kết hợp với phép diễn dịch người ta có thể tiến đến cái cụ thể trong tư duy bằng một vài minh họa với sự phát triển trong giới tự nhiên vô sinh: quá trình phức tạp hóa lớp vỏ ngoài điện tử của nguyên tố hydro qua mỗi chu kỳ; trong giới tự nhiên hữu sinh là quá trình phức tạp hóa cấu trúc tế bào. Trong tư tưởng là sự biến đổi cấu trúc mà sự nâng cấp dần tính phức tạp trong cấu trúc chương trình phản ánh quá trình con người đi tới chính bản thân nó.
Trong trường hợp cụ thể đang xét này, nếu minh họa bằng ví dụ về sự phát triển lịch sử nữa e không thừa nhưng không gọn gàng về tư tưởng: sự phát triển của lịch sử nói chung được cụ thể hóa qua một vài hình thức vận động như là những hình thức vận động thấp gia nhập vào các hình thức vận động cao “… cho đến tư duy” (!).
2. Việc vận dụng một vài thủ pháp xử lý thông tin trong rèn luyện kỹ năng nào đó cho người học… được phép coi những / thủ pháp ấy là thủ pháp cơ bản. Cái ranh giới tương đối giữa tính cơ bản và không cơ bản cho phép người trình bày ý tưởng của mình dựa vào kết quả phân tích của bản thân mình đưa lại! Còn vấn đề “đạo đức hay pháp luật nào đó” tất nhiên phải là vấn đề “có chọn lọc” / sáng tạo.
Như vậy thì không thể tùy tiện chọn bất kỳ vấn đề đạo đức hay pháp luật nào ngoài những vấn đề cơ bản nhất mà ngôn ngữ tự nhiên cứ hay gọi là vấn đề nóng. Vậy thì trong các vấn đề thực tiễn gay gắt hiện nay, thì vấn đề nào đang nóng?
Tất nhiên là nhiều! Không nhiều thì làm gì có tự do tư tưởng được. Vấn đề là ở kỹ năng lựa chọn vấn đề. Đến đây lại trở thành vấn đề xử lý thông tin!
Để làm trọn bất cứ nghĩa vụ nào của người công dân đều cần phải có tri thức, tức trí tuệ, do đó không có sự nỗ lực học tập thì không thể làm trọn bất cứ một nghĩa vụ công dân nào. Anh không thể trở thành người tốt trừ khi anh hiểu biết được thế giới này!
Nên chăng? Gia tăng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng nhận biết sâu sắc nghĩa vụ “Công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”!
Liên từ logic “và” có ý nghĩa gì trong phán đoán liên kết này? Vậy có hoàn toàn nhất thiết coi nghĩa vụ ấy là phải nhập ngũ / tòng quân, do đó phải gắng công học hỏi là để rồi làm chủ khoa học công nghệ quốc phòng? Khái niệm lòng yêu nước trong bài học “Công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc” xác định rất tập trung nghĩa vụ công dân. 
Một cách tự nhiên mọi “nỗ lực học tập” đều là chìa khóa cho việc làm tròn nghĩa vụ công dân mà tự bản thân sự học tập đã là một nghĩa vụ…
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Hồ Chí Minh).
Để thoát khỏi thân phận nghèo hèn thì phải tăng năng suất lao động. Đương nhiên năng suất lao động không là tất cả nhưng về lâu dài nó là nhân tố quyết định cho một trật tự xã hôi mới. Năng suất lao động tùy thuộc vào nhiều nhân tố, nhưng yếu tố công nghệ phải cậy vào tri thức. Tri thức phải dựa vào con đường học tập. Đã học tập thì phải dấn thân.
Vấn đề là dấn thân như thế nào.
3. Dấn thân như việc trả bài giữa kỳ với 27/48 văn bản chỉ thuần túy sao chép của nhau hoặc đạo văn người khác thì điểm chuyên cần không thể không dưới 4 được. Điểm ấy là thưởng phạt của xã hội ủy nhiệm cho giảng viên bộ môn dành cho học viên chuyên đề này đấy! Một giảng viên biết cách làm tròn bổn phận đạo đức hay trách nhiệm pháp luật không thể “báo cáo” gian dối trước người tín nhiệm mình! Một thứ thái độ học tập như vậy chắc chắn sẽ không thể dụng vào việc rèn luyện người học môn học do bản thân giảng dạy ở trường phổ thông những kỹ năng nhận biết về sự cần thiết phải nỗ lực học tập trước những vấn đề đạo đức (trung thực) hay pháp luật (trách nhiệm) gay gắt hiện nay…