Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Không gian và thời gian/ Thống nhất thể và lỗi hệ thống


1. Khi phát minh ra lý thuyết kết cấu hợp chất hữu cơ đa phân tử và kết quả tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ với việc coi kết cấu ấy là “những phương thức kết hợp lại với nhau các nguyên tử” (1861), A. M. Boutlerov (1828-1886) đã góp phần quyết định nhất cho sự hình thành quan niệm vũ trụ là một hệ thống, mặc dầu trước đó khái niệm kết cấu đã có lịch sử lâu đời và khoa học cũng đã thực sự bắt đầu với khái niệm này ở thế kỷ XVIII, là lúc thực vật học định nghĩa kết cấu là sự tổ hợp và phối hợp các khí quan thực vật.

Người đưa khái niệm kết cấu vào kinh tế chính trị học là Karl Marx: “Toàn bộ các quan hệ sản xuất hợp thành kết cấu kinh tế của xã hội” và gọi ấy là cơ sở hạ tầng với nghĩa nó là cái hiện thực mà từ đó nảy sinh ra các quan hệ tư tưởng để rồi cùng với các quan hệ ấy, hợp thành kết cấu xã hội.
Từ nhu cầu khám phá và mô tả kết quả tìm kiếm các mối liên hệ phổ biến của hệ thống mà đã xuất hiện khái niệm kết cấu. Đến lượt nó, “kết cấu” trở thành công cụ để mô tả cấu trúc của hệ thống, mà từ đây hình thành nên quan niệm toàn vũ trụ, giới tự nhiên là một hệ thống có cấu trúc rất phức tạp với vô vàn tiểu hệ và chi chít những tầng nấc, thang bậc các mức độ tổ chức cấu trúc với tính cách cũng chỉ là những yếu tố. Và, với việc sử dụng các thông số trạng thái và những quan hệ tương tác của các yếu tố để mô tả hoạt động của hệ thống mà các khái niệm không gian, thời gian cùng với thông tin của hệ thống trở nên cụ thể hơn rất nhiều...
Tất cả các hiện tượng tự nhiên, kể cả các quy luật mà tự nhiên học mô tả đều là sản phẩm của nhà quan sát với ngụ ý nó là các mức độ “lăng kính” của nhà khoa học. Ngụ ý ấy khiến mọi tri thức chỉ là sự hình dung của con người ta về thực tại, dẫu có tiến dần đến thực tại mức nào thì cũng luôn là gần đúng. Sự thành công của khoa học là ở sự khám phá ra tính gần đúng, bởi các hiện tượng tự nhiên là tương thích với nhau liên hệ lẫn nhau mà sự hiểu biết về đối tượng này chỉ có thể khi vận dụng được mọi hiểu biết về những đối tượng khác.
Suy nghĩ là một sự vận dụng trí nhớ. Trí nhớ là sự lưu giữ quá khứ nhằm so sánh với hiện tại, do đó không có trí nhớ sẽ không có đời sống trí tuệ. Thế nên, điều kiện tiên quyết cần thiết của tư tưởng bao giờ cũng là một sự cảm nhận được tọa độ thời gian. Tuy việc giải thích cho một cái này cần phải có sự hiểu biết tường tận về tất cả những cái khác là điều không thể, nhưng hoàn toàn có thể và cần phải bằng lòng với một sự hiểu biết gần đúng thì mới có thể mô tả cả một nhóm hiện tượng được nhà quan sát chọn lựa. Làm như vậy chắc chắn là có sai sót, bởi gần đúng là một sự phiến diện. Nhưng những sai sót xảy ra trong sự gần đúng thường rất nhỏ để cách tiếp cận đối tượng theo kiểu đó có ý nghĩa. Thời khắc mặt trời mọc lên tại mỗi chỗ chúng ta quan sát cách nhau cả trăm, thậm chí cả ngàn cây số không thể bảo là không như nhau! Với Newton điều thứ này thuộc về “tiên thiên” (Kant), với Einstein mâu thuẫn logic của khái niệm “chiếm vị trí khác nhau trong cùng một lúc” là bởi nó “tự ý” bỏ qua sự truyền dẫn tín hiệu ánh sáng có một vận tốc nhất định… Người có quan điểm toán học chặt chẽ, chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng tính tương đối không phải là chủ quan trước phát biểu của Einstein: một cái gì đó là hoàn toàn phụ thuộc vào điểm quan sát. Không gian và thời gian không là tuyệt đối và tách biệt. Không hề có cái gọi là điểm quan sát được ưu tiên vì không có hệ quy chiếu quán tính tuyệt đối tĩnh. Các quy tắc nhân quả của thế kỷ XIX sẽ là ảo trong những hoàn cảnh tương đối tính nhất định. Khoảnh khắc hiện tại mang tính phổ quát là không có tính khách quan vì không một quan sát về thực tại nào mà không tùy thuộc vào người quan sát.
Mấy hôm này, người ta đang rộ lên tin về việc lắp đặt camera tại các phòng xử án với nghĩa “mới mẻ” của cải cách tư pháp: mọi phiên xử án đều đặt dưới sự quan sát ưu tiên, tức Thẩm phán và Hội đồng xét xử sẽ hoạt động trong sự giám sát tuyệt đối của “thượng cấp”: các Chánh án, Viện trưởng VKS, các ban ngành Cải cách tư pháp, Nội chính… với nghĩa nhằm đảm bảo tính khách quan trong xét xử.
Tính chủ quan là nguồn cảm hứng của mọi môn nghệ thuật. Nghệ thuật là quy luật của sáng tạo. Sáng tạo trước hết là một quan hệ thẩm mỹ. Tước bỏ tính chất chủ quan trong tất các quan hệ xét xử khiến luật pháp chỉ còn là một bộ mặt sắt xi, lạnh lùng và khô khốc. Phải chăng thứ quyền được “suy đoán vộ tội” đối với bị cáo chỉ là món đồ dùng khi cần trang trang sức cho giới luật sư!
Có một chàng trai tầm đạo Sudhada được mô tả trong Kinh Hoa nghiêm, với một chứng nghiệm siêu hình về vũ trụ, như một mạng lưới hoàn hảo những mối tương quan giữa cái một và tất cả…
“Cung điện bao la như bầu trời. Sàn nền được lót bằng vô số và đủ loại hạt minh châu. Không nơi nào trong cung trời lại không có vô số tháp, các cửa đi lớn nhỏ với chằng chịt các lối vào, những hành lang dài hun hút và những lan can, các ô cửa trông ra những ban công…, mà tất cả đều được ken dày bởi bảy loại hạt minh châu lộng lẫy…
Mọi nơi trong nội cung đều được trang hoàng với hàng trăm ngàn tháp. Mỗi tháp cũng được trang hoàng lộng lẫy như cung và cũng bao la không thua kém bầu trời. Những tháp ngà ở đây là vô lượng nhưng không tháp nào lại làm trở ngại của nhau. Mỗi tháp là đơn nhất trong sự hòa hợp tuyệt đối với những tòa tháp bên ngoài; vừa cá thể lại vừa toàn thể mà tháp này thâm nhập và bao hàm tháp kia. Đó là một hiện trạng toàn hảo của sự trộn lẫn và trật tự. Thiện Tài (Sudhada) như thấy mình đang trong tất cả cũng như trong mỗi một tòa tháp. Tất cả chứa trong mỗi một và mỗi một chứa cùng tất cả”1.
Khó để có thể tìm ra một ẩn dụ hiệu quả hơn cho việc gợi tả Vũ trụ được Nhà Phật hình dung như một kết cấu.
Khái niệm kết cấu chỉ sự tổng hòa các quan hệ tương tác giữa các yếu tố tạo nên hệ thống và được biểu hiện thành các hình thức tổ chức, phương thức hoặc trật tự liên hệ bên trong hệ thống làm thành một chỉnh thể thống nhất ở một chức năng nhất định với các tính chất, năng lực và hiệu quả tác dụng của hệ thống trong tương tác với môi trường.
Chức năng của hệ thống được hiểu như những tính chất, những năng lực và hiệu quả tác dụng, biểu hiện trong tương tác và được con người phát triển. Chẳng hạn, Archimedes do nhỡ một lần tự đánh “rơi” bản thân mình xuống nước, ông đã nhanh chóng mà nhận ra điều mình bị nước “từ chối”. Cũng tương tự như vậy với hòn đá ném xuống mặt hồ Leonardo lại ngoại suy ra “âm thanh cũng lan tỏa thành các vòng tròn trong không khí” tựa hồ như các hiệu ứng trên mặt nước, ví dụ, đối với ngư ông lúc buông câu! Dường như, tất cả đều phải xảy ra những điều tương tự như vậy; “Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá/ Rừng tiếc chim về ngại phát cây” (Ức Trai). Không như thế, hẳn sẽ chẳng ai bỏ tiền ra mua tấm vé vào sân vận động hoặc hàng giờ liền trước màn hình tivi cốt chỉ để chiêm ngưỡng trọn vẹn một trận túc cầu.
Vậy là giữa kết cấu hay không gian và công năng hay thời gian luôn tồn tại những mối liên hệ không thể chia chẻ. Những liên hệ này biểu hiện thành quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin (trình độ tổ chức…) giữa hệ thống và môi trường. Minh họa nhanh cho điều này, xin phép được dựa vào lời một nhà chuyên môn (nguồn dẫn xin xem chú thích).
“… Với hình thức làm tượng đài ngày càng phóng to về quy mô, bảo thủ về hình thức và kỹ thuật, tiêu tốn ngày càng nhiều tiền mà lại lồng ghép nhiều công năng trái chiều... thì đó sẽ là một sự thất bại về mặt nghệ thuật của VN (Việt Nam, tg). Tượng mẹ VN (tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tg) là ví dụ chung cho sự thất bại này”2.
Trao đổi vật chất là phương thức biểu hiện phổ biến của quan hệ, quan hệ không gian -  đặc trưng cho sự cùng tồn tại. Tồn tại chỉ có thể là cùng tồn tại.
Thoạt nhìn thì mệnh đề như là luẩn quẩn… Chỉ không luẩn quẩn khi “tôi nghe” tức là phải có người nói và “tôi nói” hẳn hàm ý là có người nghe. Chỉ có thế này thì là chiếc thẻ nhớ còn khi chỉ thế kia thì hẳn phải gọi là chiếc… loa phường! Khi giả sử chỉ có trạng thái này hoặc trạng thái kia thì đó là một sự trừu tượng lý tưởng. Sự ấy chỉ dùng cho trường hợp để chỉ về một trạng thái trong tự nhiên khi hệ thống trở thành hệ thống cô lập hoặc đóng kín. Lúc đó hệ thống không có hoặc có, mà cũng như không: sự trao đổi năng lượng nhưng chỉ với một lượng quá nhỏ.
Khi một hệ thống lâm vào trạng thái cô lập hoặc đóng kín thì nhiệt lượng tiêu thụ tăng lên khiến cho sự vận động vật chất không được bảo toàn về số. Cơ nhiệt học gọi ấy là hiện tượng hao tán. Sự hao tán sẽ làm cho vận động từ trật tự sang hỗn loạn. Trạng thái này càng được duy trì, nghĩa là vận động càng trở nên hỗn loạn thì entropy sẽ đạt tới cực đại, hệ thống sẽ ly bì trong trạng thái chết chóc. Với hệ thống mở, vật chất và năng lượng luôn được thu nạp từ bên ngoài hệ thống, trong điều kiện nào đó sự vận động từ hỗn độn sẽ dần chuyển sang hoạt động có trật tự. Việc chịu ảnh hưởng của các thông số bên ngoài, với sự phối hợp của các hệ thống con bên trong sẽ tạo nên những trật tự thời gian. Không có như thế, không gian sẽ trở thành trừu tượng trống rỗng.
Không gian trống rỗng, thứ không gian tuyệt đối là khoảng không trong đó không có sự cùng tồn tại của các hệ thống. Điều này là có thể chịu đựng nổi nhưng chỉ đối với vật lý học cổ điển... Cho nên tồn tại là cùng tồn tại là nói phương diện không gian. Vì thế, với mỗi hệ thống, kết cấu là căn cứ bên trong của chức năng hay công dụng. Công năng là biểu hiện ra bên ngoài của kết cấu.  Chức năng cầm nắm của bàn tay thể hiện thành các phẩm chất khéo léo ở mỗi người thợ, ở khả năng chế tác công cụ cũng như khả năng phát huy tác dụng của công cụ được kế thừa từ các thế hệ đi trước để lại. Trong hệ thống sinh quyển mỗi loài sẽ là nguồn thức ăn của mỗi loài… Chưa nhận ra điều này, hãy nên giả định mắt xích thức ăn này bị đứt gãy. Làm vậy còn để thấy tự nhiên luôn luôn xinh đẹp ngay cả khi nó sản sinh ra những quái thú (K. Marx).
Vật chất và bất động, bây giờ mới là lúc thành điều không thể quan niệm được. Tồn tại không phải là cái này, cái kia mà là quá trình, quá trình phức tạp hóa các mức độ tổ chức cấu trúc của khách thể từ hệ thống thấp, giản đơn lên mức độ tổ chức cấu trúc hệ thống cao, tinh vi, phức tạp theo hướng tăng cường chức năng của hệ thống. Chức năng ấy biểu hiện tập trung ở năng lực tự điều chỉnh để duy trì tốt nhất sự tồn tại của mình. Thuyết cấu trúc-chức năng của Lamarck là cơ sở để hiểu được thuyết giá trị tự nhiên của Hlomes Rolston: giá trị của vật tự nhiên tỷ lệ thuận với mức độ trật tự của nó. Còn trật tự là loại khái niệm dương chỉ trạng thái có tổ chức có kỷ luật, kỷ cương hướng đến “một kết cục ngày càng tận thiện, tận mỹ và hạnh phúc tới cực độ” (chữ của nhà triết học, xã hội học Anh quốc, H. Spinsai).
Hiện thực chỉ là một chứng tỏ giá trị, lợi ích của chỉnh thể luôn lớn hơn và lớn nhất giá trị của thành phần. Do vậy, để thực hiện giá trị hay lợi ích mà cao nhất là thực tại/ tồn tại thực sự, mỗi “yếu tố” phải tham gia vào các mối liên hệ hình thành hệ thống, khi đó yếu tố phải biết “tiêu biến” thuộc tính cá biệt của mình để tạo thành chất của hệ thống, chỉ khi chỉnh thể phân giải thì các bộ phận riêng rẽ mới tự động khôi phục chất cá biệt ban đầu. Vì vậy, khi nhìn vào mỗi yếu tố, người ta không tìm ra được tính đặc trưng của chỉnh thể thì điều ấy có nghĩa là chỉnh thể đã phân rã tự bao giờ… Đương nhiên, đây là một “kinh nghiệm” phổ quát của toàn thể tự nhiên với tính cách là một chỉnh thể hữu cơ mà việc xem xét chất lượng của từng yếu tố chỉ thực hiện khi sử dụng phương pháp phân tích trong quá trình quan sát. Vì vậy khi đem điều này áp vào đời sống cộng đồng tình hình sẽ có khác trừ khi các công dân có cùng chung giá trị được ấn định bởi quyền lực.
Trong thiết chế chuyên chế, ai cùng tha thiết với việc tạo dựng nên sự thịnh vượng chung sẽ trở thành kẻ bất trị, còn kẻ co mình sống ích kỷ, bằng cách thay đổi nghĩa tự nhiên của ngôn từ, được “coi như là công dân gương mẫu”. Chức năng xã hội của cá nhân không phải từ sự tương tác giữa nó với môi trường mà do nhà cầm quyền quy định. Căn cứ vào những “bút phê” trong lý lịch mà cá nhân ắt phải được sử dụng vào việc gì. Khách thể của quyền lực được định đoạt bởi chủ thể. Tuy không trái với nhận thức luận chung về tương quan giữa chủ thể và khách thể nhưng lại chỉ phù hợp với những thiết chế không có tác dụng chống độc tài! Những tật xấu như thói tham lam biển lận, tính bủn xỉn hèn hạ, tệ ăn cắp của chung, vô cảm, bạo lực, phản bội… được quyền bình đẳng ưu ái cho mà luôn có  được khuynh hướng bảo toàn, tức không bị hao tán!
Sự bình đẳng đặt con người ta đồng đẳng bên cạnh nhau mà không có mối liên hệ chung nào giữ họ lại trong một không gian sinh tồn tập thể. Nền chuyên chế dựng lên những barie giữa những con người lấy sự dửng dưng làm thành thứ đức hạnh chung, sự bình đẳng bổ sung cho cá thể khỏi phải chịu trách nhiệm gì với đồng loại.
Trong một thiết chế tự do, các chức vụ công cộng vốn do bầu cử. Chế độ bầu cử tự do khiến cá nhân biết cách lo lắng đến lợi ích cá nhân là ở sự biết xấu hổ mà quên đi cuộc sống ích kỷ để không tự rơi vào sự ghẻ lạnh với những cuộc đời chung quanh. Đối lập lại, nó sẽ nại ra đủ thứ lý lẽ chống lưng cho những thứ mà nó dường như không cố tình, ví dụ như cái gọi là “trải thảm đỏ” hay “đúng quy trình”.
“Trải thảm đỏ” với “đúng quy trình” là thứ phản ánh hệ quy chiếu quán tính từ bên ngoài (không gian) và từ quá khứ (thời gian) đối với sự kiện quan sát. “Từ nay trở về sau, không gian đứng một mình và thời gian đứng một mình sẽ phải chịu số phận mờ dần đi để trở thành hai cái bóng mờ nhạt, và chỉ một sự thống nhất giữa không gian và thời gian mới duy trì được một thực tại độc lập” (Minkowski).
(Còn nữa)

---------------------------------------
1 D.T. Suzuki, phỏng theo Fritjof Cara, Đạo của vật lý. nxb Trẻ, 2004, 348.