Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Quốc Hội 14 sẽ làm gì?


Phương pháp tư duy tuyên giáo bao giờ cũng phải bắt đầu với những tiền giả định đại loại như, “Như chúng ta đã biết”! Giáo sư Hoàng Chí Bảo là người rất thành thạo về việc này. Chẳng hạn như ông từng: “Chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan”; “Chủ nghĩa xã hội là một lựa chọn lịch sử”, “là khát vọng cháy bỏng của nhân dân” bởi suốt cả ngàn đời nay người dân đã chỉ mỗi ngập chìm trong uất ức, áp bức, bóc lột, bất công…

Nói như vậy là để nhanh chóng có được sự nhất trí của tất cả mọi người, tức thừa nhận mình bất lực. Hoặc giả nói mọi người đều đã biết cả thì tôi không có gì cần phải nói nữa; hoặc giả tất cả mọi người đều còn chưa nhận thức ra, thì sứ mệnh của tôi – nhà tuyên giáo, cần phải giải thích để thuyết phục mọi người rằng đó là chân lý. Khi đó thì… nhà tuyên giáo tủm tỉm hích nhẹ vào sườn mọi người: Này anh, các anh phải nghe ta!
Khi một đám đông người đủ lớn cùng thỏa thuận với nhau đồng cùng về một quan điểm, chúng ta đã gọi sự đồng thuận đó là “đồng chí”. Sự đồng chí theo nhóm trong khuôn khổ xã hội sẽ dẫn đến việc hình thành các chính đảng, giáo phái và hệ thống kinh tế (ví dụ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chẳng hạn).
Quốc Hội 14 sẽ làm gì?
Không hỏi điều này thì ai cũng biết. Còn khi đặt ra câu hỏi rồi thì phải cắt nghĩa nó, khi đó chẳng ai biết rồi sẽ làm gì.
Là bởi cái làm chết người ta là ở cái từ “sẽ” chỉ thời gian kia ấy! Thời gian thì lại không thể phân chia vì các phần nó được chia ra không hề tồn tại. Cái phân chia không có đoạn phân chia tựa hồ như aporia của Zeno tinh quái! Nếu quá khứ không còn mà tương lai chưa tới, thì hiện tại cũng không hề tồn tại. Đã là thời gian mà không được lẫn nó với tính vĩnh cửu bởi nó đặc trưng cho trình tự diễn biến, thì nó phải tức tốc nối lại với quá khứ. Khi này, thời gian chỉ là thời gian khi nó ngưng đọng, tức không biến đổi. Như vậy cái có thể khẳng định thời gian tồn tại thì nó lại hồng hộc xông tới không tồn tại.
Vậy thì thời gian là cái gì?
Quá khứ không tồn tại, tương lai thì xa xăm, chỉ còn có hiện tại. Nhưng hiện tại, theo định nghĩa vật chất thì nó là một điểm chết. Nó chết dí một chỗ, tức không phát triển! Hiện tại là một khoảnh khắc không có khả năng duy trì, tức không biến đổi được. Có một gợi ý từ Montaigne là không sống trong hiện tại mà sống “hợp thời”. Ẩn ý của “hợp thời” là làm cho con người ta thoát khỏi tư duy về thời gian. Tức để biết thời gian là gì thì tôi không được ai hỏi, còn khi ai hỏi thời gian là gì thì để cắt nghĩa cho nó tôi không còn biết nữa, nó là gì. Người Anh quốc rất đáo để với một ngạn ngữ: “Khỏi hỏi khỏi nghe lời nói dối”.

Đến đây thì Quốc Hội 14 sẽ chỉ có thể là “Vô vi”. Ra khỏi tư duy về thời gian, Quốc Hội hoạt động một cách “hợp thời”. Nó hình dung cái gọi là “sẽ” kia là một cơ hội, tức một thời điểm tốt. Một thời điểm cần phải biết suy nghĩ về những gì không bị những kinh nghiệm của chính nó áp đặt.