Canh ba: “Ngược chính”
- Khổng
Phu tử! Tại Luận ngữ, thiên Tử Lộ, đoạn hội thoại giữa Ngài và thầy Do về việc
đầu tiên của quản trị chính sự… Nay “thân lươn bao quản” dẫu có phải như thầy
Do, kẻ vãn bối vẫn dám một lần vấn lại: “Sao lại phải chính danh?”
- Chứ
sao! Ngôi đỉnh của đức cầm quyền là không
quá, cũng không bất cập để hòa, mà cũng không hòa quá thành đồng. Hòa quá thành theo đuôi, thỏa hiệp ta không chủ trương! Cho nên, công cụ của
“Trung Dung” là “quyền”. Quyền này là “quyền biến”. Quyền biến không câu nệ thường
quy: bất cứ cái gì cũng phải cân nhắc cho thích hợp. Thái độ thích hợp cho đạo
Trung Dung là vô cố: không nhất định
phải như thế này cũng không nhất định phải không được như thế! Đó là kiên định.
Tránh “hòa để hòa”, lấy chữ “nghĩa” làm “chất”, lấy chữ “lễ” làm “văn”. Cho
nên, “Người quân tử gọi tên ắt có thể
nói, nói ắt có thể làm. Người quân tử đối với lời nói không được cẩu thả”.
- Dám
thưa! Trước lúc Phật tổ nhập diệt, từng có đệ tử rất đỗi hoang mang: “Bạch đức Thế tôn, người đời sau gặp nhiều
kinh sách ngoại đạo, sao phân biệt được với kinh Phật, thì biết tin theo lời
nào [mà] tu?”
- “Chẳng luận là lời nói của ai, miễn lời nói ấy
đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo mà tu”, Đức Phật tổ đã chẳng dạy
vậy sao! Đành nhẽ “Chủ nghĩa Mác là chân lý”, nhưng nghe đâu “Châu Âu chưa phải
là toàn thể nhân loại” (!): “Bấy giờ có
nhiều chủ nghĩa… vào đầu những năm 20, Bác Hồ không biết và không cần gì ở chủ
nghĩa cộng sản ngoài việc nó quan tâm tới các dân tộc thuộc địa. Chúng tôi cũng
giống như Bác thời đó, chúng tôi không bận tâm đến chủ nghĩa của Bác, nhưng
chúng tôi chỉ cần biết rằng Bác bảo vệ lợi ích của nhân dân Việt Nam”. Ông
Vũ Kỳ nói như vậy! Chủ nghĩa nhiều, lý luận nhiều nhưng phải thứ có lợi thì mới
dùng, dùng rồi mà thấy bất lợi thì từ. “Trung dung” là “vô cố”, “lời nói đó là thuận” (!).
- Giữ
theo “Chánh ngữ” thì không nói dối. Không thêm bớt, xuyên tạc, điêu hoạt, nói lời
thô bỉ, nhảm nhí, cố chấp, đố kị… là lợi khí của việc chính sự! Thảo nào, người
đảng viên cộng sản không nói năng, viết lách trái với đường lối chủ trương, vừa
là lợi khẩu vừa là lợi bút, nọ phải “cẩn trọng” như khi người quân tử tham gia
vào công việc chính sự!
-
Không phải thế! “Chánh ngữ” của Nhà Phật dành cho giới tu hành. “Chính từ” của
ta dành cho người làm chính trị. Danh bất chính thì lý luận hỗn độn, tư tưởng hỗn
mang, không có phải trái, hình phạt sẽ không theo phép, người cầm cân nói lời
điêu toa thì dân chúng không biết đặt cái tay cái chân vào đâu… Cho nên, học
thuyết “Chánh ngữ” của Nhà Phật cũng có thể vận vào sự hàm dưỡng tính tình cho
công chức thời nay khi đạo lớn đang bị “một bộ phận không nhỏ” ham việc chính sự
mà làm cho bại hoại… Chính trị là ngay thẳng,
anh mà không ngay thẳng sao bảo người khác ngay thẳng!
- Giữ
theo “Chánh ngữ” Phật Đà đã phải vứt bỏ vương vị…, còn giữ theo “Chánh từ” thì
kẻ sĩ đã dấn thân cho đạo của thánh hiền mãi được truyền bá cớ sao Ngài nói bại
hoại? Phó quan đầu tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh gắn “biển xanh” cho “đàn bò”
của mình mang theo vào từ Hà thành chẳng phải là “dụ ư nghĩa” đấy sao! Mao Trạch
Đông, thống lĩnh… ba vạn cỗ xe chiến,
“Tuy đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong Đại
cách mạng văn hóa nhưng… công lao của đồng chí đối với cách mạng Trung Quốc vẫn
lớn hơn nhiều” [“công lao” ấy] “là những tổng kết những kinh nghiệm đúng đắn về
cách mạng Trung Quốc đã được thực tiễn chứng minh, là kết tinh trí tuệ tập thể
của Đảng Cộng sản Trung Quốc1” chẳng phải là “nhi bất nhân giã, hỹ hữu phù? Vi hữu tiểu
nhân nhi nhân giả dã” (Luận ngữ. Hiến văn. 7) đó sao! Lợi ích của việc làm
chính sự cả đấy sao!
- “Bài ca ngất ngưởng”2 trên
lưng con bò cái vàng, đuôi đeo mo cau cổ tròng nhạc ngựa, tiếng thì như là “che
miệng thế gian” (chữ của Nguyễn Công Trứ), tâm thì rõ là “khinh thế ngạo vật” của
“phái hận đời” (chữ của Hồ Thích)! Tại bản “Tấu
về tệ cường hào” (1828), Nguyễn Công Trứ đã ra công cảnh báo sự trị loạn xã
hội do cả ở người làm chính sự chứ chính thể không quan trọng: “… Lâu nay những người bàn việc, đều đổ lỗi
cho quan lại, mà không biết lỗi ấy phần nhiều bởi những kẻ cường hào (…) không
sao tiết phát ra được, cho nên chúng công nhiên không sợ hãi gì, tự hùng trưởng
với nhau chuyên lợi làm giàu, hí lộng quan lại, để làm việc tư của mình”.
Phản ứng
thế cục của Hi Văn âu cũng là cách “nhập thế”. Sinh thời ta thấy có Socrat, để
thông điệp tới thanh niên các vấn đề xã hội và chính trị, lấy đó dạy việc xử lý
đời sống công tư, hành vi và phương pháp làm việc chốn cung đình, ông đòi hỏi
con người ta phải biết gạt sang một bên nhận thức thần thánh để nhận biết bản
thân. Ở Hi Văn Nguyễn Công Trứ, tuy “bất đắc dĩ” nhưng chỉ người ở địa vị cao
mà tham lam, chơi bời, không đoái thương đến sự cực nhọc của thần dân mới xấu hổ!
Lúc tiễn
biệt lần thứ ba, Lý Nhĩ tiên sinh cứ lần lữa dõi bóng dáng ta lầm lũi… Bọn quan
lại lỵ trấn rặt lũ người “như cái thưng cái đấu”, ngu xuẩn, loạn dâm; vương triều
Chu thì cứ lún sâu vào vô đạo, việc lễ nhạc, chinh phạt rơi vào tay kẻ khác, bá
tánh loạn lạc, sinh linh khốn đốn…“dân
điêu đứng vì ngược chính chưa bao giờ như thế”(Mạnh tử). Ngoảnh lại ta thấy
Ngài cưỡi trên lưng con bò vàng lầm lũi về hướng Tây, để lại sau lưng quê nhà
khốn khổ…
- Cớ
sao mà cả hai, Ngài và Lão Đam tiên sinh, lòng dạ lại xót xa đến vậy?
- Tuy
là chịu quyền cai trị của vua nhưng dân có quyền đòi vua phải theo điều lành “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất
tòng chi/ Trời thương dân, dân muốn điều gì, Trời cũng thuận theo” (Kinh
thư. Thái thệ trung). Vậy mà phận quốc quân mở mang cho dân, an dân mà lại chẳng
theo phép công bình! Trái với dân là trái với Trời. Lời nói thuận không ở sự vi
diệu mà ở “được đạo vậy!”, “được thiện”, “được tín” (chữ của Lão tử).
Làm điều lành chỉ có một, dân an; làm điều ác tuy không giống nhau nhưng kết quả
là loạn. Cho nên “điếu dân phạt tội” như Vua Thang giết Kiệt, Vua Vũ giết Trụ mới
là “dân ý”: “Dân chi sở hiếu, hiếu chi;
dân chi sở ố, ố chi. Thử chi vị dân chi phụ mẫu” (Đại học). Còn như đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” tức thị là
chuộng lợi riêng mà để bụng vào việc tư, đối với bá tánh là điêu hoạt. Chỉ kẻ a
dua theo bọn này đảng kia để cưỡng lại “thiên ý”, là đồng “bọn người như cái thưng cái đấu có gì đáng nói”.
- Xin
Ngài nói cho hết ý!
- Sự
thật Phật Đà đã vứt bỏ vương vị. Nhưng đề ra “Thập vương pháp” cũng là có thật. Ngài dùng nhân từ mà ảnh hưởng,
cảm hóa quốc vương.
- Xin
được hỏi Ngài “Thập vương pháp” muốn
nói tới điều gì?
- Người chấp chính không ham giàu sang phú
quý, tài sản quốc gia là phúc lợi của dân; Phẩm hạnh đạo đức phải cao cả, không
gian trá, tà dâm, không điêu toa và uống rượu; Hy sinh tất cả cho hạnh phúc của
dân chúng; Cương trực, chính tâm thành ý gác bỏ tư tình, không sợ cường quyền,
thành thực với dân; Đôn hậu, bao dung; Tiết kiệm; Vô oán; Không dùng bạo lực,
yêu chuộng hòa bình; Nhẫn nại và lượng giải, nhẫn chịu và không oán cừu; Chỉ
khuyến khích những việc có lợi.
- Khó
vậy thì sao đạt đến để có mà gọi “vương chính”, ngoại trừ Nghiêu Thuấn!
- Chớ
có nói vậy mà thành quá, là hồ đồ.
Như lường trước thiên hạ có kẻ “khẩu phật tâm xà” mà trong “Thập vương pháp”,
điều thứ hai, Phật Đà đã phụ chú: Chí ít thì cũng phải giữ nghiêm ngũ giới như một cư sĩ! Điều tối thiểu của đấng quân vương là phải
được như thế. Khi lấy cái lợi của bá tánh mà làm chủ đích!
“Trời sinh dân mà đặt ra vua, sai các quan chăn nuôi
dân”. Nước có vua có quan là bởi dân
chúng có cái tay cái chân tất phải có chỗ mà đặt! “Ăn hết của dân không từ một thứ gì”, kẻ chăn dân mà như thế là phạm
vào “ngũ giới”. Đã thế còn bày trò Văn Cách như Mao nữa thì là “ngược chính” quá sức, lại còn ngụy tạo
nên công to với bè đảng, vậy là bỏ dân! Tiếng là “mở mang” mà việc thì hậu họa…
như cái “sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung” mà ta mới nghe… để “che miệng thế
gian”, người ta nại ra nguyên do “tảo đỏ mãn nguyệt khai hoa” chỉ khiến cho nạn
“loạn thần tặc tử” có cơ hoán đổi cho dân làm bậy!
- Khi
“dân ý” là “thiên ý” thì “quân quyền” sẽ chuyển thành “dân quyền”. Trong mỗi mệnh
đề mà “thiên ý” là vị từ thì vua sẽ không còn “tuyệt đối cả quyền”. “Trung
Dung” dạy vậy! Bà Kim Ngân cũng dạy vậy: “Vai
trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái
thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác… Một đất nước thiếu dân chủ thì
lòng dân không yên”.
-
Chính ý của Nho gia ta! “Đạo làm người phải
có hiếu, hiếu với cha mẹ thì sẽ tôn trọng ông bà, (…) sẽ kính trọng tổ tiên,
(…) sẽ đoàn kết được gia tộc, (…) thì tông miếu sẽ uy nghiêm, (…) thì sẽ quý trọng
xã tắc, (…) thì sẽ thương yêu trăm họ, (…) thì sẽ cai trị đúng đắn, (…) thì dân
chúng sẽ an cư, (…) thì của cải sẽ đầy đủ, (…) thì sự nghiệp sẽ thành đạt” (Lễ kí. Đại truyện). “Lấy hiếu phụng thờ cha
mẹ, ngoan ngoãn nghe theo mệnh lệnh, thì mọi việc truyền ra thiên hạ đều được
thi hành” (Lễ ký. Tế nghĩa). Quốc gia cũng như gia tộc “có phụ từ mà có tử hiếu” cứ thế “bắc cầu” thì sẽ có “tôn hiếu”... “Hiếu với cha, trung với vua sẽ lấy được cả
thiên hạ. Đó là điều phải chú ý dạy dỗ thế tử”. Thế tử và vua là cha và
con, cho nên, tận hiếu cũng là tận trung. “Cha
có hiền tử, vua có hiền thần”, chính trị quý tộc như Thái sơn vậy!
-
Chính trị có thể đạt được qua hiếu đạo.
Hiếu đạo bao bọc bản chất công việc chính trị. Lấy hiếu đạo để trị thiên hạ,
cho nên Nho giáo kết nối hiếu với trung
lại với nhau. Trung với vua cũng tức là hiếu… Tuy “Không đội trời chung với kẻ thù của cha mẹ” nhưng “Con có hiếu bao giờ
cũng biết thờ vua” (Đại đới lễ ký.
Tăng tử chế ngôn) như chuyện nhà ông Tập Cận Bình chẳng hạn. Thế giới biết
đến ông Tập không vì ông là đương kim quốc quân mà là vì thân phụ ông vốn là đối
thủ chính trị không chung trời với Mao Chủ tịch! “Trung chẳng phải là gốc của đó hiếu ư?” (Đại đới lễ ký. Tăng tử bản
hiếu). Vua là trời của thần cho nên đời mới sinh ra Kiệt ra Trụ… Vua Kiệt
vua Trụ… dù Nho gia có từ mặt thì nó vẫn là sự hóa thân của của cái chính thể
chuyên chế đánh đồng chính trị với luân lý gia tộc. Kinh tế nông nghiệp là
nguyên nhân khách quan về mặt xã hội của luân lý gia tộc. Song tính tĩnh tại,
trì trệ, ngoan cố của luân lý gia tộc đã thường xuyên truyền cảm hứng cho xã
này để nó không ngoi lên tư bản và cản trở xu hướng tư bản hóa làm cho kinh tế
tiêu dùng như “đầu Ngô mình Sở”. Tổ chức xã hội dựa vào luân lý gia tộc vắt kiệt
chí tiến thủ cá nhân. Khi con cái chỉ còn mỗi phục tùng cha mẹ, bề tôi còn mỗi
chăm chút thờ phụng vua, tự do cá nhân trong ý chí đạo đức Nho giáo bị bổn phận
gia tộc trói buộc khiễn lễ chỉ là “để tỏ
hiếu với tổ tiên hoàng tộc” (Kim
văn).
Kế thừa
tôn giáo tổ tiên của người Ân, người Chu đã tự “đặc cách” Văn Vương lên trời.
Sau khi thần hóa, hiếu từ được kết hợp
với ý thức tôn giáo, thứ quyền lực ngự trị nhân tâm khiến đối tượng của hiếu được
mở rộng đến “Hoàng thần”. Văn Vũ trở thành biểu tượng của sự đoàn kết chính trị
cho cả cộng đồng gia đình rộng khắp chỉ chí thú vào mỗi hình thức lễ tự trong đó là sự mặc định tôn kính
dành cho trưởng lão bất kể tới tri thức và đạo đức của các vị ấy. Cho nên mới
có tình hình: “Cha tuy vô đạo, lẽ nào con
lại không thờ phụng cha? Vua tuy bất tài, thần lẽ nào lại không tôn thờ vua”
(Lã thị Xuân Thu. Hành luận).
- Bậy
nào! Trong thiết chế “dân bản” thì quyền lực nằm ở nơi vua vì nó tùy vào đạo đức
cầm quyền. Còn khi “thiên ý” làm vị từ trong các phán đoán về “dân sinh” thì
“dân ý” đã mang ý nghĩa lập pháp.
Tính pháp chế khác với lễ chế là chỗ dân phải biết tỏ rõ nỗi lòng. Ví như, “Vua (Kiệt) không thương chúng ta, bỏ ruộng
nương của chúng ta mà chính trị thì bạo ngược”, thì khi đó mới “Đạo Trời giáng tai ương cho Kiệt để tỏ rõ tội
hắn… để tỏ rõ uy của Trời, không thể tha hắn” (Kinh thư. Khang Cáo).
- Vãn
bối nghĩ tới rồi… Có phải chính sự là sắp xếp xã hội cho ngay thẳng với phẩm
giá con người, nên Nho gia đành chỉ trông cậy vào mỗi giai tầng kẻ sĩ đặc quyền
“miễn trừ”, chỉ phải chịu mỗi cái gọi là “lễ” nắm quyền tiết chế? Xin được dẫn
lời ông Thận Đáo: “Kẻ có cái cân không thể
lừa về chuyện nặng nhẹ, kẻ có thước tấc không thể dối về chuyện dài ngắn, kẻ có
pháp độ không thể qua mặt bằng chuyện gian trá”, mà khi “hình phạt không lên tới bậc đại phu, lễ không xuống đến hạng thứ nhân” (Lễ Ký)
sẽ khi thiên hạ hỗn loạn, nhân tâm ly tán, dân phong suy đồi, lúc ấy thì biết
làm gì? Ngay chính đạo của Ngài cũng còn cho rằng lễ chế là điều không thể
“ngăn mối loạn về đường chính” mới phải “Xử
lý chuyện của cải cần sửa lời nói cho đúng, cấm dân làm bậy, đó gọi là nghĩa”
(Chu Dịch, Hệ từ hạ, 1) đấy sao?
- “Sửa lời nói cho đúng” chẳng phải là cơ
sở cho “lập pháp” đấy sao? “Lập pháp” là phải làm cho danh (từ) chính đáng! Nguyên lý Trung Dung nằm cả ở sự cẩn thận xem
xét, sử dụng chữ và từ trong sách một cách nghiêm cẩn, ngay
thẳng, nếu không việc chính sự sẽ mất đạo lý, hình phạt sẽ không theo phép.
- Ông
Hàn Phi viết, “… kẻ tấm cám không đủ no
thì không cần tới thịt béo, kẻ áo quần không lành lặn thì không chờ có gấm
thêu. Việc trị nước ngày nay, chuyện trong dân gian, đàn ông, đàn bà đều biết
rõ thì không làm, mà hâm mộ lời nói của bậc thượng trí (…). Nên lời nói vi diệu
không phải là cái dân cần”. Xứ đệ tử, Luật
biểu tình thì “thẹn thò” như là lúa Xuân đợi “nghe tiếng sấm” (!). Đạo đức
công chính chỉ thuần là những nghi thức và định ước “dân là gốc”, phép cai trị
nằm cả trong tay đại phu mà việc cất nhắc đành phải… cấm chọn người nhà chỉ chọn
hiền tài. Không biết thế nào thì chọn?
- Lời
nói không phải là hình thức duy nhất mà tư tưởng con người thể hiện. Ông
Hê-ghen từng bàn đến sự “bộc lộ mình” trong các “công việc người”, hoàn toàn
không yếu hơn các từ vựng! Ta vẫn răn các đệ, trong công việc cai trị, người
quân tử sẽ thể hiện một cách tự nhiên nhất, trọn vẹn nhất cách thức suy nghĩ thực
sự của mình. Điều đó hợp hơn vạn lời luận bàn về công việc. Vậy nên việc chính
sự phải được giao cho người thông thái hiểu mọi lẽ thường, không chỉ biết cách
nói năng dẫn dắt mọi người, còn phải ra sức phò vua săn sóc dân. Có thế xã hội
mới vững vàng trên nền nhân ái.
-
Nhưng mà…, người quân tử chí ít thì cũng đạt được sự “giữ nghiêm ngũ giới như một cư sĩ” (!), không thì
cũng nhìn ra thực tế được như Mạnh tử khi chú ý đến cảnh khổ của dân: “Năm mất mùa đói kém, người già yếu chết nơi
ngòi rãnh, người khỏe lưu tán bốn phương, trông lên không đủ nuôi cha mẹ, trông
xuống không đủ nuôi vợ con dân đang đau xót lấy đâu làm việc nghĩa” để từ đấy
mà quy trách nhiệm tầng lớp quốc nhân. Những ông vua tận thu cho đầy kho lẫm,
chiếm đất cho rộng, tàn phá làng mạc; mưu chiếm tứ di…; các ông quan “thiện chiến”,
giành đất, giết người để được tiếng “lương thần”, mà thực tế là “dân tặc”, tìm
cách giúp đỡ làm giàu cho những ông vua như Kiệt! Hiếu đạo quân tử lấy “thờ phụng cha mẹ là quan trọng nhất” (Mạnh tử)
nên vứt bỏ hết công lý như Từ Thứ, Khương Duy trong truyện Tam Quốc. “Thương thì muốn nó sang, yêu thì muốn nó
giàu, phong chức ở Hữu Trì là để nó sang giàu. Mình là Thiên tử mà để em làm
dân thường thì sao có thể gọi là người hiếu đễ” (Mạnh tử. Vạn chương thượng)…
như thế, bụng dạ há không “như cái thưng cái đấu” thì cũng “kẻ sĩ không chịu ra
làm quan là bất nghĩa”, là vậy sao!
- Quân
tử là người nhờ vào cái sở học mà biết mọi lẽ đời ngõ hầu như “dụng mộc” vào
các công việc “thích hợp” với năng lực để người người kẻ kẻ thành tựu. Đó còn
là tuyên ngôn lợi ích tối cao của CNXH đấy sao! Có một ông rõ to vừa xướng xuất:
“… phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ
hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong
tương lai”. “Dân vi bản” là đấy
chớ đâu! Cho nên, Nhân đạo vi chính /Đạo
làm người thì chính trị là lớn, không thể cẩu thả được. Việc nước phải có người
ra sức sửa lời nói… “Lời nói là then chốt
của trăm việc. Bậc thánh vương sửa lời nói trong triều mà bốn biển trị bình.
Cho nên nói: làm đúng danh bỏ điều giả trá, việc thành như hóa. Lấy sự thật làm
lõi cho danh, trăm việc đều thành” (theo Hồ Thích).
- Chao
ôi! Lời nói là then chốt… “Học thuộc Kinh
Thi ba trăm bài, khi được giao giải quyết chính sự thì làm không nổi; đi sứ nước
ngoài thì không biết cách ứng đối. Học nhiều như vậy có ích gì (!)” (Luận ngữ.
Tử Lộ. 5).
- “Người quân tử học tập sâu rộng về văn
chương, biết lấy lễ để ràng buộc mình, sẽ không bao giờ trái với đạo lý” (Luận ngữ. Nhan Uyên. 15)
- Theo
Lễ thì trước là không “tiếm việt”, tranh cái mình không đáng mà phạm lễ vua
tôi; thứ đến phải thiết định được một xã hội hòa, bình và tự. Để hòa, bình, tự thì phải “định vu nhất”. Trong đó chịu tước lộc vua cho, ruộng đất vua ban.
Quyền lợi sẽ định nên danh, danh định nên phận. Lạm dụng coi như vượt phận: dân
không cam phận “bần nhi vô oán” coi như dám tranh thiên chức với Trời. “Lễ tự”
của Ngài “không đến thứ dân” chỉ khiến quan mãi sang hoài, dân luôn hèn mãi
vậy thôi!
- Một
lần Lỗ Ai Công hỏi Hữu Nhược: “Năm mất
mùa, thuế thu được không đủ dùng thì làm thế nào?” Hữu Nhược thưa: “Tại sao
không dùng biện pháp triệt”. Vua khăng khăng: “Thu hai phần ta dùng chưa đủ nữa
là triệt!” Hữu Nhược than: “Nếu dân đủ ăn thì vua làm sao lại không đủ? Nếu dân
không đủ ăn thì vua làm sao mà đủ được?”
Cứ như
Hữu Nhược, thì nhà nước mà căn cứ vào mức thu để định đoạt việc chi chứ không
phải là ngược lại, vì chi nhiều phải cần thu lắm, sẽ bỏ bớt hà khắc với dân. Vậy thu không đúng phép, chi không đúng mực
thì không chỉ dân chúng mà cả nhà nước cũng khốn cùng. Bỏ bớt hà khắc, dân phấn chấn làm ăn, quốc gia sao không hưng khởi
cho được. Dân không đủ ăn tất phải lưu tán khắp nơi, sản xuất đình đốn, lễ nghi
bừa bãi, tông miếu không kẻ trông coi, vào ra chỉ rặt thứ ngôn ngữ đãi bôi, giặc
dã, trộm cướp như rươi, thì có đâu nữa mà bình.
Quý chỉ nhất thời, tiện không vạn đại là chính nghĩa vậy!
- Phép
Trung Dung thì không nhất định “thế này, thế kia” mà “quan không sang luôn dân
không hèn mãi” (Mặc tử). Đạo Nho lấy “điển lễ” mà điều tiết hành vi của quý tộc,
quan lại và sĩ quân tử; dùng “pháp điển” có ngũ hình với ba ngàn cấp bậc để khủng
bố thứ dân/ tiểu nhân mà không nghĩ đến việc dân chúng “làm bậy” cũng chỉ như
thứ cát ở trong nước. Đó là thứ âm tính được dùng trong ẩn dụ cho tinh thần yêu
chuộng hòa bình, mà con đường đưa lại hòa bình thì lại chẳng đơn thuần là hòa
bình được hâm mộ hay bị rẻ rúng. Mục đích không hoàn toàn phải dựa được vào
giáo lý, hòa bình chỉ có khi những nhân tố dẫn tới xung đột bị tiệt trừ. Cây muốn
lặng thì gió cũng phải biết đừng. Cát trong nước cũng tựa hồ như sự nổi loạn.
Còn đạo trị quốc thì chí thú vào “sửa lời nói cho đúng, cấm dân làm bậy” chứ
đâu phải “mở mang” để dân sinh!
Hai
nét tính cách giai tầng đặc trưng cho kết cấu đạo đức của xã hội Nho giáo không
bao giờ tách bạch mà…, như triết gia Phơ-bách: “Người là gì? Nửa thú vật nửa
thiên thần”. Và mệnh đề này như gửi tới Đông phương bởi thời gian “tiểu nhân”
thường lại lâu bền hơn thời gian “phú quý”! Có lẽ điều đó khiến dân nổi loạn
thì không thời nào không có, nhưng xã hội thánh nhân quân tử không vì thế mà
suy suyển, chí ít cũng đã hai ngàn rưỡi năm! Nói đức trị chứ thực thì là nhân
trị. Mà thực của nhân là hiếu: lấy sự tôn kính dạy dân thì dân sẽ biết phục
tùng! Mọi ý đồ chính trị có thể đạt được qua hiếu đạo khiến cho “nước có đạo thì hạng tiểu nhân không được
bàn luận”.
Lẽ nào
xã hội có thể thịnh vượng mà không có chung tín ngưỡng. Đơn giản chỉ là thiếu một
tư tưởng chung thì sẽ thiếu một tinh thần hành động chung. Tuy là con người vẫn
đó nhưng không có một tập họp người mang tính xã hội. Cái cần phải là sao cho
cho tinh thần các công dân được hợp lại thành khối nhờ một vài tư tưởng chủ chốt.
Sẽ không có điều này, nếu chí ít không có được vài ba con người trong số họ thi
thoảng đánh thức bản thân những quan niệm chung mà không đồng tình tiếp nhận
vài tín điều vốn dĩ!
(…)
----------
1Tuyển tập Văn kiện
của TƯ ĐCSTQ, qI, tr 188, theo Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc,
Giáo Dục, 2001, 360.
2Tiêu đề một bài
thơ của Nguyễn Công Trứ.