Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Đàm đạo với Khổng tử

Canh ba: “Ngược chính” (tiếp)          

- Tâm trạng chung của các phái “Tân Nho” xưa nay cũng chỉ có bấy nhiêu: cấu tưởng nhân cách hóa cổ đế theo quy ước đạo thống! Điều giản dị mà ai cũng hiểu được: không thể có mới nếu nới cũ! Sáng tạo ra cái mới phải dựa vào cái gốc vốn có, cũng tức là khẳng định phải “trở về gốc”. Chẳng hạn, các nhà Tân Nho đại lục hiện đại Lương Thấu Minh, Trương Quan Mại, Hùng Thập Lực… vẫn coi hệ thống đạo Nho mà nhất là thuyết tâm tính là gốc của việc dựng nước và là cội nguồn sáng tạo cũng như là nền tảng văn hóa Đông Phương. Phương diện tâm lý, Nho gia là thứ 
tình cảm tôn giáo dồi dào và có trách nhiệm đối với việc phục hưng văn hóa bản địa. Trong khi phái Tây hóa Hồ Thích Chi xiển dương dân chủ mà chủ trương khoa học thì nhóm Tân Nho đại lục Lương, Trương, Hùng và nhiều người nữa như Tiền Mục, Đường Quân Nghị… tuy ý thức về sự khủng hoảng văn hóa nhưng quả quyết  nguyên nhân chủ yếu là bởi quốc dân đánh mất lòng tự tin. Ta không đồng tình với việc “đẽo cày giữa chợ”, nhưng ta chịu trách nhiệm trước lịch sử về các môn đệ do kinh nghiệm chính trị hiện thời mà kết tội cho truyền thống chuyên chế rồi quy hết vào Nho gia.
- Thì giữ yên cho bấy nay “hình phạt không đến đại phu lễ không tới hạng thứ dân”, đã khiến cho Nho gia chẳng cần phải bận tâm gì đến các đối thủ tư tưởng, kể cả Mác học. Cái tuyệt khéo của Nho gia là thái độ “vô cố”. Đã “vô cố” thì phải tránh sử dụng các phán đoán khẳng định nhờ vậy mà đạo nhân mới biểu thị ra là hệ thống số liệu thống kê. Mỗi một thành tố trong hệ thống hành vi trong dân chúng đều trở nên là bộ phận của nhân cách tinh hoa. Có thể là những hành vi quan sát thấy, song phần lớn là những hành vi được suy ra từ các phản ứng tâm lý biểu hiện trong hệ thống điển lễ rối rắm lắm sự phiền hà. Lễ phủ bóng lên tất cả các quan hệ giữa các con người ta để biến các quan hệ ấy thành thứ quan hệ “hiếu từ”. Hiếu từ sinh ra thứ “chủ nghĩa phiếm hiếu”: “quần thần đối với vua như con đối với cha” (Hán thư. Lý Quảng. Tô Kiện truyện).
“Hiếu với vua tức là trung” (Hiếu kinh. Sĩ) đích thị là một tệ nạn. Tệ nạn ấy đã khiến các đại gia dòng Vinaconex tuy có tới 18 lần làm hại nước, ấy vậy mà vẫn bảo toàn được quyền miễn trừ vì “thân nhân” tốt với “cống hiến” nhiều (!).
- Ta quả không ưa gì Hàn Phi, nhưng lại muốn cái tư tưởng “Thượng cổ ganh đua đạo đức, trung thế đuổi bắt mưu gian, đương kim tranh giành lực khí” của ông ấy! Đừng hỏi lại vì sao cứ phải “cấm dân làm bậy!”
- Biết ạ! “Có biết dân thì mới an dân” (Tảo Đào). Đế vương Đường Nghiêu vì mặc áo da thú, ăn gạo thô, ở lều cỏ… trên danh nghĩa mới là nô bộc của dân. Khi xã hội văn minh dựng trên cơ sở đối lập giai tầng khiến cho chuyên chính thống trị/ bị trị trở nên dã man và tàn khốc mới sinh ra “vô thương bách tính, bách tính phất khảm”. Cho nên, “Xử lý chuyện của cải cần chính từ, cấm dân làm bậy, đó là nghĩa” (Chu dịch. Hệ từ hạ. 1). Bởi “Thánh nhân đã nhìn thấy sự sâu kín trong thiên hạ, mà nghĩ cách hình dung, tạo ra hình tượng phù hợp với vật”; “… lập ra tượng để tỏ hết ý” (Chu Dịch. Hệ từ thượng. 12). Ví dụ như quái từ quẻ Kiền viết: “Nguyên, hạnh, lợi, trinh” vốn nghĩa là “đại cát”, “đại lợi”. Nhưng nhờ vào việc Nho giáo hóa mà nó thành nguyên lý luân lý đạo đức: Trời đất không thiên vị sinh vật nào mà tất thảy đều được sinh trưởng. Đó là đức tốt. Nguyên đứng đầu đức này. Vì thế mà nói: “Nguyên giả, thiên chi trưởng giả”. Theo đó nói: “Hanh giả, gia chi hội; Lợi giả, nghĩa chi hòa; Trinh giả, sự chi cán”, rồi đưa ý nghĩa vũ trụ vào để: người có địa vị lúc hành xử việc đời đều hội đủ bốn đức: Nguyên để làm quân trưởng; Hanh để hợp với Lễ; Lợi để hợp với Nghĩa; Trinh để mẫn cán với công vụ.
“Nguyên hanh lợi trinh” là quá trình tự nhiên được trở thành đức hạnh cao thượng ở người có địa vị. Khi mà “Trung dung là một thứ đức hạnh tốt, người dân không có cái này lâu rồi” (Luận ngữ. Ung giả) thì “thiên nhân hợp nhất” là con đường “trung đạo” để hướng đến sự quân bình, ổn định: Vật đột phát khởi quá giới hạn sẽ hướng tới hai cực, để rồi trở về vị trí xuất phát theo luật phản phục. Cho nên, để ngăn không cho quay ngược đầu lại thì phải “ngáng chân” và “tiết chế” nó, hầu giữ gìn trạng thái “đắc trung”.
Đưa ra khuôn khổ đạo đức “Trung dung” để duy trì và ổn định tất cả cốt khuyếch trương tư tưởng trung đạo đầy tính chiết trung và ngụy biện nhưng lại đáp ứng trúng nhu cầu thời đại mà Chu Dịch rất được chính trị các thời đắc chí! “Đốc tín, hiếu học, thủ tử, thiện đạo. Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bất khả tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã/ Dốc lòng tin tưởng, ham học hỏi, vững lập trường, hưng thiện đạo. Không vào nước có nguy, không ở nước có loạn, đời có đạo thì làm mọi việc, đời vô đạo thì lui về ẩn thân. Nước có đạo mà mình nghèo hèn thì xấu hổ, nước vô đạo mà mình giàu sang là xấu hổ” (Luận ngữ. Thái bá. 13). Nhân cách tinh hoa giả dối bất kể thời!           
- Đừng “cố chấp” đến mức giữ rịt lấy kinh nghiệm chính trị của thời Xuân Thu lúc nhà Chu suy vi, Thiên tử không còn là tinh anh của vương triều và thống soái tinh thần của thời đại, uy quyền trung ương đắm đuối trong những điều huyền hoặc của bọn “vu hích”! Tiếng thì là lấy đạo cổ nhân làm chánh nhưng dân chúng thì lại đâu có được học hành, hay dở không biết, nên mặc nhiên tin hết vào điều dị thường của bọn đồng bóng, đồng cốt, thầy cúng, thầy pháp: lấy cát hung, họa phúc; dùng phương thuốc huyền hoặc; mang thần thánh ma quỷ ra dọa nạt người thường, mê hoặc quan trường. Quan quyền tuy lấy đạo của thánh hiền làm điều công chính nhưng lại chỉ đối với người có chút học thức, thành ra thuật của bọn vu hích, chỗ dựa tinh thần của bọn quan lại bất tài mới trùm hết lên thiên hạ. Chính vì điều này mà ta mới quở trách Tử Lộ: “Thế là làm hại con nhà người ta” khi ông này cử Tử Cao làm huyện trưởng huyện Phí!
- Từng nghe “Đại đạo chi hành dã dã, thiên hạ vi công”, “Tuyển hiền dư năng, giảng tín tu mục” (Lễ Ký. Đại đồng) nhưng là lúc sức sản xuất còn thấp. Lúc ấy, giai tầng tuy có phân biệt nhưng còn như chưa “đi trong sương”, địa vị, đặc quyền tuy có nhưng chưa đến mức coi dân như chó ngựa là bởi lao động thặng dư vừa mới manh nha. Kẻ “sĩ-quân tử” mới được coi như “con vua”, nên “thương yêu dân chúng kính Trời xanh” phải là chí thú vào việc học hành! Thế mà Tử Lộ thì ngược lại: “Làm quan thì có dân để cai trị, có thần xã tắc để tế lễ, không cần phải chọn kẻ có học làm huyện trưởng, sau làm mới là học” (Luận ngữ. Tiên tiến. 24) chẳng phải là tự mình nêu gương làm bậy! Học hành là để tu dưỡng. Trước để tề gia, thứ đến mới là “giúp đời” mà “nhận” “hưởng” chứ không phải là “học để mà cai trị”.
- Làm quan rồi mới học cách cai trị là trái định chế của Vũ Đế. Trong “Sử ký. Ngũ đế bản kỷ”, có đoạn Vũ viết: “Hai mươi hai vị mỗi vị một chức vụ, hãy thuận ứng thời thế, làm việc theo ý trời”; rồi định ra cứ mỗi ba năm lại thi lại một lần, khảo thí ba lần mà quyết định thăng giáng kết hợp với sự giám sát của dân chúng. Ấy vậy mà, ở cái bang Yên Bái, chức quan mọn, phó Chi cục trưởng Kiểm lâm, suốt 16 năm (2008-2014) giữ miết cho một người, chả thấy dân chúng ở đâu! Đáng nhẽ lâu lâu “quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa” mà giành lấy sự “lên thác xuống ghềnh” cùng nhau!
Hiếu, Vũ chi thiên hạ dã, phi tư thiên hạ chi lợi dã, vi thiên hạ vị thiên hạ dã/ Hiếu, Vũ trị thiên hạ không vì lợi riêng mà vì mọi người”. Tuyển chọn người không được vì tài phú, không vì có “thân nhân tốt”, mà chỉ “hiền” “năng” thôi! Dùng người là công việc chính yếu của xây dựng và củng cố chính quyền. Chính quyền bền là ở nơi dân tin, muốn tránh hại cho dân thì phải để “dân giám sát”. Còn như dấm dúi với nhau như việc Tử Lộ “sau làm mới là học” đó là việc làm ngược chính! Thể chế tông pháp Thanh Vũ bấy giờ tuy có chú trọng vào gia tộc thật đấy, nhưng nó cũng còn biết “Tuyển hiền dư năng” như Thành Thang dùng Y Doãn!
Vậy nên, phải đề cao phẩm đức, tiệt trừ mê hoặc: thích ai thì mong cho sống, ghét ai thì mong cho chết. Làm nhân sự mà thích ai dù có thế nào cũng cố “bổ”, chẳng hạn như chuyện “lùm xùm” đang như ở Bộ Công; còn khi ghét ai thì… kể cả đoạt mạng của nhau cũng không nề hà như khi “cơn bão lòng” Yên Bái… thì ngược chính quá thể! Sống chết là danh, yêu ghét là phận, lấy phận để định danh là bất chấp mệnh Trời. Làm chính trị mà bất chấp đạo lý thì là mê hoặc, khi đó “tuy có thóc gạo đó, ta có thể ăn được không?”
- Phò đạo thống, thiết tưởng, không học phái nào qua mặt Nho gia! Khi “trung” mà ngay Mạnh tử và Tuân tử đều cho là không hoàn toàn, thì “hiếu với vua, tức là trung”. Quy hết về “trung”, thuyết tôn quân của Nho gia trở thành nguyên lý chính trị làm sản sinh ra giới hủ nho được nhóm vua chúa yêu chiều như con hát! Xã tác toàn thể chỉ mỗi quân thân thần tử: “quần thần đối với vua như con đối với cha” của Nho gia khiến “Đạo hiếu”, tiếng thì như là không, nhưng kỳ thực thì đã “tiếm việt” công cụ duy trì chuyên chế! “Phiếm hiếu chủ nghĩa” thả sức cho bọn “con ông cháu cha” múa gậy vườn hoang. “Đi trong sương tất đến ngày băng cứng” lọ phải “cấm dân làm bậy”             
- Trên kia anh vừa kể ra bà Kim Ngân dạy: “ Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác… Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên”… Tư tưởng “gia đạo ngay thẳng thì thiên hạ ổn định” phải là đương kim đạo thống, gì nữa!
- Xã hội truyền thống mới cần phải coi tình cảm gia đình cao hơn tình cảm dân tộc. “Hịch tướng sĩ”, “Cáo bình Ngô” lấy tình phụ tử mà động viên sức nước là điểm mạnh của Nho gia! Nhưng luân lý gia tộc một khi quy hết vào huyết thống thì tất sinh ra chuyện thân sơ. Xung đột gia đình với quốc gia chính là xung đột thân sơ: càng cận huyết càng thân, còn lại là sơ! Ông Heghen cho rằng đời sống gia đình là trực tiếp, cảm tính, bước quá độ biểu hiện tinh thần khách quan của nhà nước. Nên đáng lẽ ý thức gia đình phải phục tùng ý thức nhà nước thì xã hội Nho giáo ngoan cố với tình cảm luân lý gia tộc, cứ hễ “một người làm quan…” là y rằng có bao kẻ “cố đấm ăn xôi” nương “theo đóm…”.
- Ông Mạnh tử quả có nói: “Từ thân với người thân mà thương dân chúng, từ thương dân chúng mà yêu mọi người khác”…
- Dám thưa, “Phu nhân chi trực thần, phụ chi bạo tử dã… Phu phụ hiếu tử, quân chi bội thần dã” (Hàn Phi tử. Ngũ đế). Kinh tế tiểu nông giam hãm xã hội trong luân lý gia tộc được Nho gia  thường xuyên củng cố khiến xã hội truyền thống êm ái trong cái nôi kinh tế tự nhiên, không thể phất lên công nghiệp hóa. Không đến với công nghiệp thì chỉ còn cách đi với maoit căm thù canh tân, xiển dương kinh nghiệm… trong công việc hành chính mới sinh chuyện bất nghĩa khi kẻ sĩ không được vời ra làm quan!
- Quả ta có nói với Phàn Trì: “Ta không biết bằng người già làm ruộng, cũng không biết bằng người già làm vườn” là có ý: làm gì thì phải chí thú vào việc ấy! Người bề trên trọng lễ, trọng nghĩa, trọng tín, thì “cần gì phải học việc trồng cấy”.
- Chính cách tổ chức xã hội dựa vào luân lý “nhất thân” mới nương dựa hết vào kẻ đứng đầu. Điều căn bản hơn hết ở chỗ nó đã thành công khi thủ tiêu cơ sở tâm lý tiến thủ, nhất là trong kinh tế, ở bộ phận còn lại. Cho nên, thay vì nỗ lực cá nhân để phát triển, mở mang công nghệ thì nó “cố kết tình cảm trong luân lý gia đình” quyết lấy quan hệ ỷ lại để kịch chiến các quan hệ xã hội khác. Thì cũng chính Ngài từng trả lời Diệp công: “Chỗ tôi cũng ngay thẳng nhưng theo cách khác: cha làm thì con giấu, con làm thì cha giấu, ngay thẳng chính là ở chỗ đó” (Luận ngữ). Để giữ gìn danh phận thì thị phi chỉ còn là thứ xa xỉ. “Công lý” nằm cả ở “từ” và “hiếu”. Tình cảm luân lý tưởng như mở ra tất cả sự ngay thẳng, vun đắp cho tất cả, hóa ra làm cho tất cả hóa thành điêu toa! Cái hối thúc con người trong xã hội truyền thống không còn gì khác ngoài sự “hối hả đỗ đạt”, chóng vánh thành “cái thưng cái đấu”… mà trở nên rạng danh gia tộc!
- Anh chẳng hiểu được ta!
- Ngài từng nhiếc Phàn Trì là kẻ quê mùa, khi không thể lảng tránh câu hỏi về kĩ thuật trồng lúa, trồng rau! Đạo lớn phải là đạo quân tử, mà “quân tử không tự cày cấy để ăn” (Luận ngữ). Như vậy, sĩ-quân tử, sở học đặc trưng cho người có địa vị càng cao càng lắm kẻ cung phụng, chứ giúp đời gì! Vương chính chỉ là thứ chính thể quan liêu!
- Anh đọc ta mà không biết ta nói gì sao? Không thấy “Nhà Chu hai đời vua, văn hiến rất thịnh, tôi theo nhà Chu” sao!
- Vâng! Vãn bối con cũng còn thấy: “Tiếc là tôi đã già, tôi không còn mong gặp Chu công nữa”. Đó chẳng phải sự kịp nhận ra việc khôi phục chế độ tông pháp của Chu Công là vô vọng sao! Vả lại, Ngài cũng chẳng nên phiền lòng mà chi khi ông Lê-nin cũng nói trong “Nhà nước và Cách mạng” rằng, phàm đã là Nhà nước thì chừng đó nó là quan liêu!
- Ta có nói vậy, còn thì là việc anh nghĩ!
- Ông Mác nói lịch sử Phương Đông chỉ là lịch sử của chế độ chuyên chế thay thế nhau chồng chất lên trên các làng xã tự quản, tức là không có chuyện thể chế này thay thế thể chế kia để “nhận dân” và “hưởng dân” bằng xã hội cách mệnh. Nho gia, trong khi sủng ái Thang Vũ thì đã lưu hành một quan niệm rất không chính danh cho Thang Vũ! Rằng Thang Vương, Vũ Vương “tiếp đất” là nhờ ở chỗ cướp được thiên hạ từ “thằng” Kiệt, “thằng” Trụ “chứ chưa từng nghe nói giết vua bao giờ”. Thiên “Lương Huệ Vương hạ” của Mạnh tử, “Chính luận” của Tuân tử đều có nói về việc này! Điều mà “Cách mạng của Thang Vũ thuận theo ý trời mà hợp lòng người” (Dịch truyện) là quan niệm sản sinh trong bối cảnh này, trở thành điển phạm của “cách mạng Nho giáo”. Nhà nước mà nhà Ân gọi là Đế, nhà Chu gọi là Thiên tử, từ nhà Tần về sau gọi là Hoàng đế, đều cùng thứ công cụ nô dịch hóa toàn thể cộng đồng nhằm thâu hết mọi nguồn lực trong dân. Đến như con người mà nhà nước cũng đặt lại và thường xuyên duy tu bằng cái danh “thần dân” chỉ là để tỏ cái thực nó mang là lao động nô dịch, một thứ nô lệ gia đình. Thần dân thì không nộp tô như nông nô phương Tây, vì đã có bổn phận đóng sưu, nộp thuế! Tiếng thì là “đóng góp” cho ra vẻ “công dân”, song kỳ thực bọn quan lại lỵ trấn và hào cường với ngón nghề “năng nhặt chặt bị” bất kể “cái đêm hôm ấy, đêm gì” mà đã bảo toàn lấy danh tính chính từ: “giúp vua, chăn dân”! Bộ máy cai trị nhà nước do vua đã biến tất cả quần thần thành đám sai nha chỉ với bổn phận thu nạp. Bớt xén đồ cống tế của vua cũng coi như “ăn vụng”, nên hợp lễ hơn cả là dựa vào nguồn vơ vét được từ hạng thứ dân. Thành thử “bổng hậu thay lộc bạc” được trở thành “phương thức phân phối và qui mô thu nhập” mà quy định nên bổn phận giai tầng “phụ mẫu chi dân”. Khi chính sự dựa dẫm hết vào đám “vương công đại nhân” hay “chư hầu dị tính” và hào cường thì “bổng hậu” lúc đó sẽ khích lệ đám quần thần hăng tiết, khiến thân phận con dân chỉ là thân phận “con cuối đàn”!
-“Cái cô mà không phải là cái cô, thì là cái cô sao! Là cái cô sao!”.
- Vậy thì vãn bối con bàn đến cái “góc” của nó, rồi thì xin Ngài định liệu!
Quanh năm đầu tắt mặt tối để tự túc và cống nạp, dân chúng dẫu là nạn nhân của nạn hào cường và quan lại, biết là“hà chánh mãnh ư hổ dã” nhưng lại không thể mang ruộng đất đi đâu nên cứ phải cố sống cố chết bám rịt lấy làng! Miệng ăn thì nhân lên còn ruộng vườn thì ngày một “chia năm sẻ bảy”! Khi ở trong tình thế “bán vợ đợ con” thì ruộng vườn là vật “thế chấp”. Vậy ruộng đất, đã biết khi nào trở thành sinh kế! Hơn nữa “cầu đạo không cầu thực” mà “thực chất của Lễ là chuyện ăn uống” tức là “phân phối” mà lại bảo là “chỉ vì hành lễ” (!), tư tưởng này Nho gia coi như nguyên tắc cơ bản trong thực thi việc hành chính, thế mà còn bảo “sợ không công bằng”!
- Đúng! Là ta sợ làm giàu thì sẽ bất lương, nên trước sau gì vẫn là “tiên giáo hậu phú”. Ngược lại sẽ khiến chỉ có bạo cường. Cường lực chẳng là loạn đó sao!
- Già trẻ lớn bé… gì thì cũng bảy tám miệng ăn, lại chỉ cậy vào vài sào đất. Mỗi khi giáp hạt, mỗi lúc nông nhàn, mất mùa, đói kém… lũ đàn ông lũ lượt “xuất khẩu lao động” đi “đào vàng”, đi làm thuê, không thì phu phen, tạp dịch, tiếng như là để nhà “đỡ miệng ăn”, kỳ thực thì là bỏ lũ đàn bà con trẻ nheo nhóc lại xó quê… dễ còn được rềnh rang với “chiếu bạc”! Kinh tế cống nạp dựa vào sức lao động không phải chủ yếu là đàn ông nên khi mất mùa, đói kém mới lại càng tệ. Bọn hào lý càng được thể “nách thước tay đao”… đến “bước đường cùng” dân chúng chỉ còn cách hùa nhau mà đi cướp giật. Trước thì là hướng vào những đối tượng “có máu mặt”, sau mới là thành “giặc dã”. Cướp bóc hay giặc dã tuy chỉ nhắm vào đối tượng là bọn hào cường, bọn quan lại địa phương, còn dòng chính thống thì đã được Nho gia ra sức cản ngăn, song đâu phải vì thế mà đã cấm được dân làm bậy!
- Giữ dòng chính thống không phải là “cấm dân làm bậy”. Để dân có giáo hóa ta phải giữ cho dòng thống tính chính danh. Tính ấy hướng vào sĩ-quân tử. Còn “Sách ẩn, hành quái, hậu thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hỹ/ Tìm những điều huyền bí tối tăm, làm những việc quái lạ, để đời sau có người bắt chước, thì ta không làm” (Trung Dung). Nhân trị của ta là “Dân hoài kỳ đức, cận giả duyệt phục, viễn giả lai phụ, chính chi trí dã/ Dân mến đức của người trên, kẻ gần thì vui lòng mà phục tùng, kẻ xa thì đến quy phục, thế là chính trị vậy” (Luận ngữ).
- Có vẻ như là quan hệ thế tục, với trung và hiếu đứng đầu ngũ luân, nhân và nghĩa đứng đầu ngũ thường, cương lĩnh của Nho gia tập trung duy tu Lễ về tôn ty trật tự để tổ chức luân lý gia đình gắng cố chấp lấy việc tế tự. Trong nhà thì con cái phải yên bề hiếu thuận, trong quốc gia thì thần dân phải an phận trung với quân quyền – thứ thần khí nếu không phải bởi mệnh Trời trao cho, tất là bởi bọn đạo tặc tước đoạt. Vì quân quyền là do ở mệnh Trời nên vua đứng ra “che miệng thế gian” làm cha để thương dân như con, cương thường là thứ quân thân thần tử … Đây là xã hội “vu giáo”,vua là đại giáo chủ!
- “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”: ta coi gia đình, quốc gia, thiên hạ là các cộng đoàn đồng dạng. Thì có gì khác hơn trong các cộng đồng ấy chỉ có quan hệ cha con, anh em, chồng vợ; không thì cũng là “tứ hải giai huynh đệ”, đều chỉ biểu hiện quan hệ “quân thân thần tử”. Thì còn gì trong vũ trụ mà không như âm với dương, như vợ với chồng; như sao với trăng, như mẹ cha và con cái… Tất cả đều là sinh thành và dung dưỡng. Đó là thế giới quan của Nho gia: làm sao để cho có được trong ấm ngoài êm. Nước mà trị thì cũng như một gia đình êm ấm. Sẽ không có hòa bình nếu thiếu bình yên: có tề thì có trị, có trị thì có bình.
Ta không thuận với anh coi xã hội Nho giáo là “vu giáo” nhưng quyền tế tự, giao tiếp với thần thánh phải thuộc về Thiên tử. Đó là Thiên lý.
- Có thuận lý nào mà vua Thiên tử là đại địa chủ! Nhân nhượng với đám hào cường mà dung túng nó quyền “tự túc” lấy miếng ăn miễn sao thu đủ dân phu, lính tráng, thuế má, còn thì làm gì, miễn đừng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”! Với dân chúng, tính chính từ là tự Nho gia hoán đổi mà cho dân là… quý; xã tắc của vua rành rành lại bảo…thứ chi; còn long ngai vua thì coi là thường tức tiện! Đói kém, mất mùa thì đã có vua giảm thuế (?!); dân trí thấp, thì đã có nhà nước cấp ruộng cho làm công điền để mở trường “dạy chữ của thánh hiền”. Chữ của thánh hiền là tín ngưỡng của chính thể!
Là giáo chủ, vua độc quyền giao tiếp với Trời để chính từ “thế thiên” cho dân có chút dân quyền “bần nhi vô oán”, thôn cùng xóm vắng đâu đâu cũng mỗi “bần nhi lạc đạo”. Thảng hoặc, vua ra tay thảo phạt đám hào cường, cốt tỏ cho dân chúng thấy việc “lấy đức để làm chính sự, cũng như sao Bắc đẩu, khiến các sao khác chầu về”!
- Chớ có hồ đồ như thế anh kia! “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi/ Dân có thể khiến theo lý mà làm, không thể khiến dân biết được cái lý ấy phải như thế” (Luận ngữ. Thái bá. 13). Bề trên thế nào thì phận dưới mới bắt chước được: “Thượng hiếu nhân, tắc hạ vi nhân, tranh tiên nhân. Cố trưởng dân giả, chương trí, trinh giáo, tôn nhân, dĩ tử ái bách tính, dân trí hành kỷ, dĩ duyệt kỷ thượng hỹ/ Người trên thích điều nhân thì người dưới tranh trước điều nhân. Nên người cai quản dân phải sáng tỏ sự hiếu ố, lập cái đạo cho chính đáng để dạy dân, để yêu dân như con. Như thế dân hết lòng với nhân cho đẹp lòng người trên vậy” (Lễ ký. Truy y. 33).
- Ra vậy, quân tử “chính từ” trong vai thi nghĩa, nêu gương thành tín mà dân theo: cắt đặt chức phận cho hợp lý để xã hội ổn thỏa! Dân chúng ít học không cần biết đến thứ “đầu cua tai nheo” nên người quân tử chỉ mỗi việc khiến dân theo lý, khỏi phải “nói trắng ra...”. “Bất sĩ vô nghĩa… Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã/ Không ra làm quan là bất nghĩa… Người quân tử ra làm quan là làm việc nghĩa vậy” (Luận ngữ. Vi chính. 18). Sở học của Nho gia cốt để làm quan. Làm quan, tiếng thì là thi nghĩa thực là thứ lòe đời! Giới bản nha Hà Tĩnh, bằng cấp có cả thế mà không hề hay biết cái mệnh đề giản tiện Hê-ra-clit:  “Không thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”.
- “Chánh ngôn nhược phản”. Lúc gần chết, Trang Chu chê đám đệ tử “thêm chi lắm việc” bởi họ muốn hậu táng ông: “Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây cho đó, sao có thiên lệch vậy”.