Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Suy thoái với quy trình


“Tiềm năng” là từ loại chỉ về những trạng thái tồn tại còn chưa triển khai. Nó là thứ hiện tại tiềm ẩn/ chưa trở thành hiện thực. Về mặt nguyên nhân, thì tiềm năng có trước hiện thực nên không phải mọi tiềm năng đều trở thành hiện thực. Hoạt động của con người, suy cho cùng là những nỗ lực kiểm soát tiềm năng.
Để cho điều này xảy ra chứ không phải điều kia đều như nhau và hoàn toàn có thể!

Hegel cho rằng “tiềm năng” là “tự tại” và coi đây là xuất phát điểm của sự phát triển logic: sự phát triển của ý niệm tuyệt đối là đi từ tiềm ẩn triển khai tới sự tự nhận thức tự phát triển. Lê-nin, trong Bút ký triết học có đoạn: “Tự tại = tiềm ẩn còn chưa phát triển, chưa triển khai”. Điều dẫn ra đây cho phép hiểu rằng khái niệm tiềm năng, tiềm ẩn, nguy cơ đều là để nói về trạng thái chưa triển khai, chưa biểu hiện thành đặc tính, thuộc tính của sự vật nào đó trong đó không loại trừ, tức bao hàm cả mặt phủ định của nó!
Đó là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa cái riêng (đơn nhất) và cái chung (phổ biến) thể hiện khuynh hướng tiến hóa và thoái hóa.
Vật sinh thành đổi thay là từ khả năng đến hiện thực. Sự quá độ giữa khả năng và hiện thực là vận động. Một thực thể cụ thể đều do các chất liệu cấu thành một hình thức nào đó. Quan hệ giữa chất liệu và hình thức liên hệ hữu cơ với “khả năng” và “hiện thực” nên phải coi sự chuyển hóa từ chất liệu đến hình thức là bước quá độ từ tiềm ẩn tới thực tồn/ hiện thực. Nhấn mạnh vào điều này không nhằm mục đích chủ quan nào khác trước các khả năng, tiềm năng, tiềm ẩn, các nguy cơ… là những trạng thái tồn tại thực, có thể còn chưa triển khai, nhưng khác với không triển khai, nó tùy vào cách ứng xử.
“Sự việc không hẳn là xác định mà chỉ có khả năng phát sinh hoặc sự việc có khả năng phát sinh sẽ cấu thành thực tại” (Heisenberg). Trật tự có thể tồn tại một cách ẩn và chỉ khi nào nó có đủ điều kiện thích hợp thì sẽ hiện (chuyển thành trật tự hiện).
Một trong hai nhân tố cơ bản cùng khống chế một tính trạng trong mỗi thực thể hữu cơ, là nhân tố phát huy tác dụng (nhân tố hiện). Tác dụng này có thể quan sát được, gọi đó là “trật tự hiện”. Nếu kết hợp lại phép tương tự và ngoại suy để từ đây có “trật tự ẩn” ta sẽ được hai loại trật tự. Hai loại này có thể chuyển đổi nhau, trong điều kiện nào đó, nhân tố ẩn có thể phát huy tác dụng, khi đó “trật tự ẩn” thể hiện ra/ thành “trật tự hiện”.
Cái sự kiện hiện ra hợp với lợi ích mà người ta trông đợi sẽ được hào phóng bằng từ tiến hóa. Cái hiện ra không được con người mong muốn được gọi là thoái hóa. Tiến hóa và thoái hóa đều là những phạm trù thuần túy chủ quan thể hiện các trạng thái xúc cảm trước cùng một hiện thực. “Những gì hiện thực đều là hợp lý, những gì hợp lý đều là hiện thực” (Hegel). Hợp lý trong tính tất nhiên của nó, nó tiến lên; hiện thực trong tính tự nhiên của nó thì đang tàn lụi.
Mọi sự thoái hóa đều là hiện thực. Vì sự tồn tại nào cũng đều có thể thế này hay thế khác bởi nó còn phải bao hàm trong nó sự tự phủ định, nếu không muốn trở thành thủ cựu! Kìm chế nó không cho nó diễn biến cũng là một hiện thực, mà khi cái có thể trở thành không thể, tức không thành hiện thực thì điều này chỉ có thể phải được biện minh bằng tất cả sự thúc thủ hay bất lực của con người. Nói như cách của chủ nghĩa Mác, “Đối với triết học biện chứng thì không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Nó chỉ ra tính chất quá độ của mọi sự vật và trong mọi sự vật, và đối với nó, không có gì có thể đứng vững được ngoài quá trình không ngừng của sự sinh thành và của sự tiêu vong” (Ăng-ghen); cái hôm qua còn tồn tại thì hôm nay bắt đầu tiêu vong. Còn như nó không chịu tiêu vong thì sự ấy được tính chất tương ứng của con người biện minh và giải thích. Tiến bộ hay thoái bộ không phải là những trạng thái dành cho sự chấp nhận, nhưng là những trạng thái con người phải lựa chọn. Triết học biện chứng chỉ làm cái việc phản ánh quá trình ấy của hiện thực vào trong bộ óc biết suy nghĩ. Tuy có mặt bảo thủ, ấy là sự thừa nhận những giai đoạn nhất định của nhận thức và lịch sử đều có lý do tồn tại, nhưng cũng chỉ có vậy thôi! Còn như nhìn nhận ra tính tất yếu của sự hiện hữu thì không người này tất có người khác, nhưng quyết không thể là người dùng những câu văn hoa thay cho kiến thức khoa học, dùng cách đưa lại tự do cho con người bằng niềm tin thay cho sự giải phóng sức sáng tạo của nó bằng con đường cách mạng hóa toàn bộ trật tự hiện tồn.
Trật tự hiện tồn có thể còn tồn tại một cách ẩn giấu trong vô số cái ngẫu nhiên.Ví dụ, trước khi bị chiếc tàu kéo sà lan 800 tấn ngược dòng húc vào trụ giữa, cầu Gềnh (cầu Đồng Nai Lớn) chưa “sập”. Nhưng với tính cách là “cây cầu chung” cho cả đường bộ và đường sắt, do sự biến đổi về mặt thời gian mà tích tụ đầy rẫy các nguy cơ…,  thì đã “sập” một cách không hiện. Có lẽ cũng không nên ngoại trừ Kim tự tháp Ai Cập, một khi cái gì do con người tạo nên như chiếc cầu Đồng Nai Lớn này chẳng hạn, không tàn tạ, họa chăng khi trong suốt cả thế kỷ tròn, thời gian chơi trò súc sắc! Mà Tạo hóa thì không bao giờ rảnh. Vả có rảnh thì cũng không đến lượt chiếc tàu kéo sà lan còn mải bận bịu với chuyện ngược dòng phải làm cái công việc phát lộ ra cái tình trạng thảm hại của chiếc cầu bằng một cú hích nhẹ vào trụ giữa. Tương tự như vậy, cuộc tình lý tưởng giữa Othello và Desdemona sẽ không đưa lại cái kết bi thảm trừ khi Othello, thay vì thuyết phục bằng tấm gương phục vụ thì là trừ khử được thứ nhân cách điển hình của chủ nghĩa ích kỷ, Iago. Đành rằng chiếc khăn bị đánh rơi trong sự lơ đễnh của Desdemona. Nhưng là cái lơ đễnh đủ kích hoạt con quỷ ghen tuông vốn dĩ của tình yêu. Đó là một điều phi lý, nhưng “tôi tin vì đó là điều phi lý” (Tectulien 160-230).
Điều kiện cho một trật tự nào đó xảy ra là cần khi thiếu nó thì trật tự đó không hiện; là đủ khi hễ có nó chắc chắn rằng sẽ phải có trật tự đó. Trụ cầu giữa lòng sông, về nguyên tắc không thể bất cứ phương tiện đường thủy nào có thể va quệt, nhất là khi nó chỉ còn là như chiếc răng sót lại trong đôi hàm móm mém thời gian! Tình yêu, hôn nhân có tính thời đại của chàng trai da đen Othello và cô gái quý tộc da trắng Desdemona về nguyên tắc không thể trở thành “cuộc tình tay ba” mà “sự ghen ăn tức ở” đã sinh thành sự đố kỵ thời đại còn quá đắn đo trước thềm một trật tự mới!
Trật tự cơ bản về vận động là hoàn toàn không thể trực tiếp quan sát một cách đơn giản kiểu “Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa” (Việt Phương). Cái tuyệt đối tối kỵ của Trung Dung thuyết là thái độ cố chấp, vì lẽ đó mà mà Nho giáo đã cố hết sức tránh sự quả quyết. Nó thận trọng ngay cả khi phải dùng đến những mệnh đề phủ định. Vì đó cũng là lấy quả quyết này thay thế cho thứ cực đoan kia. Sự biểu hiện thành “trật tự ẩn” là trật tự vốn có trong mạng lưới các sự kiện ngẫu nhiên, phi biểu tượng, còn trật tự hiện có thể cũng là hình thức biểu hiện của trật tự ẩn trong “thuyết tùy ý”.
Nội dung cơ bản của lý thuyết về tính tùy ý bên trong là tính không thể quả quyết (ước đoán) của một sự đột hiện. Động lực học vạch ra các quy luật diễn biến theo thời gian của trạng thái hệ thống và biểu diễn bằng phương trình vận động. Theo đó trạng thái của hệ thống ở thời điểm sau là do trạng thái ở thời điểm trước quyết định. Thế nhưng một hòn bi lăn trên một mặt phẳng thì “đố” mà quả quyết được điều xảy ra tại thời điểm nó gặp một vật gì đó “cản mũi”. Như vậy tính tùy ý sản sinh từ trong tính xác định. Bản thân tính xác định tự nó đã quy định tính không xác định và thường trực trong mọi diễn biến bất kể cả trong hệ thống tuyến tính. “Cái tất nhiên là do tính ngẫu nhiên thuần túy cấu thành, còn cái gọi là ngẫu nhiên lại là một hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, ẩn giấu cái tất nhiên” (Engels).
Logic của sự diễn biến của thực tại là quá trình từ trạng thái ẩn sang trạng thái hiện, diễn đạt theo cách phương Đông là từ “vô” tới “hữu”. Ấy là sự chuyển hóa của khả năng thành hiện thực, tiềm năng thành hiện hữu. Ở trạng thái này đã có chứa đầy đủ các thông tin với vô vàn cơ hội sinh thành. Với Hegel, điều này cũng thể như ở trường hợp con người hư vô. Con người hư vô là con người hiện hữu/ hiện hữu phi nhân. Khi phủ định trạng thái tồn tại phi nhân thì con người lúc này là con người hiện hữu nhưng là một hiện hữu đang trở thành hư vô! Điểm khởi đầu là điểm cuối ở dạng tiềm tàng, điểm cuối là điểm khởi đầu được hiển hiện ra một cách đầy đủ.
Ở trạng thái ẩn, trật tự hàm chứa đầy đủ các thông tin để chờ khi có đủ điều kiện thì nó sẽ chuyển sang trạng thái hiện. Quan hệ ẩn/ hiện là quan hệ tương sinh, quan hệ nhân quả.
Sau khi loại bỏ mọi khả năng có thể “gầy” nên sự ác độc ở bố thằng Phác – một nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, từ không tham gia vào đội “lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ”, “trốn lính” có nghĩa là loại trừ một nguyên nhân “do địch…”; không nghiện ngập, rượu chè, phẩm cách ấy coi như  không liên hệ gì với các tệ nạn xã hội, cho đến khi hắn không hề hả hê cứ mỗi “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” vào người đàn bà khốn khổ của hắn mà trái lại hắn lại trở thành nạn nhân của tệ bạo lực gia đình của chính hắn. Gía như hắn độc ác tự căn tính, đằng này hắn lại vốn “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành” y như Đỗ Cường Minh (!). Vậy hành vi độc ác đối với người thân, đối với đồng chí mình ở con người kiểu bố thằng Phác, như đang nói trên kia, và, chẳng hạn, như Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái chỉ có thể là trạng thái hiện của toàn bộ quá khứ "ngọt ngào" chỉ với nỗi khát khao quyền lực!
Để hiểu cặn kẽ một sự kiện thì không thể chỉ giới hạn tầm quan sát ở cái hiện hữu. Hơn thế, mọi cái hiện hữu đều đáng tiêu vong! Không hiểu đầy đủ mối tương thông giữa ẩn và hiện trong đó cái hiện hữu biểu hiện trực tiếp những thông tin từ đối tượng hẳn không đưa lại cái nhìn minh bạch và sòng phẳng với hiện tình.
Sự suy thoái ở “một bộ phận không nhỏ” đảng viên trong Đảng là một thực tế. Sự kiên định về lập trường tư tưởng ở bộ phận còn lại của Đảng cũng là một thực tế. Song cũng là một thực tế, điều từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: không cứ đề lên trán hai chữ đảng viên rồi coi như nhân tính đã được định một cách xong xuôi!
Cách nói của Cụ Hồ thì đảng viên là cái hình thức mà các chất liệu sẽ được cấu hình trong trật tự hiện. Trong phép biện chứng giữa nội dung và hình thức thì khuynh hướng chủ đạo của hình thức bao giờ cũng luôn ổn định so với nội dung. Vì khuynh hướng ấy mà hình thức trở thành nhân tố tạm thời cản trở nội dung luôn có tính cách mạng. Hoặc là để nội dung phát triển thì hình thức phải tự đổi mới, chẳng hạn đảng viên không được hay được làm kinh tế tư nhân! Hoặc nội dung sẽ tự nó vạch đường đi thông qua việc hủy hoại những hình thức đã không còn tác dụng.
Thế nhưng, một hình thức không phát huy tác dụng của nó không chỉ trong trong trường hợp nó lạc hậu hơn so với tính cách mạng của nội dung mà ngay cả khi nó được cách mạng hóa. Sự suy thoái ở “một bộ phận không nhỏ” đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng khi làm xuất hiện cụm từ “đe dọa” tới sự tồn vong của cả hệ thống thì điều này không còn là lỗi của hệ thống nữa.
Nó là một hình thức biểu hiện ra của tính tùy ý bên trong.
Quy luật động lực học là quy luật thay đổi theo thời gian của trạng thái hệ thống. Song đối với hệ thống phi tuyến xác định thì dẫu không có những nhân tố tùy ý bên ngoài “đâm bì thóc thọc bì gạo” chăng nữa, cho dù điều kiện ban đầu xác định kỹ lưỡng thế nào chăng nữa, thì bản thân hệ thống phi tuyến vẫn sản sinh tính tùy ý. Điều kiện ban đầu có chắc chắn thế nào cũng không bao hàm hết nghĩa “không có sai sót”. Chỉ cần một ly thì nghiệm sau này của nó cũng sẽ khác đi cả dặm! Đó là căn cứ để có thể lường trước các nguy cơ.
Nhưng việc lường trước các nguy cơ và việc kiểm soát trước các nguy cơ không phải như nhau trong từng trường hợp.
Đó là khi “đúng quy trình nhưng cũng có thể không đủ tiêu chuẩn”…