Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Không gian và thời gian/ Thống nhất thể và lỗi hệ thống

2. Lấy cảm hứng từ một luận đề chứng minh trong “Bàn về tự nhiên” của triết gia Hy Lạp – người “không tắm hai lần trên cùng dòng sông”, Heraclitus: “Thế giới là một chỉnh thể bao gồm tất cả”; triết gia Đức thời Phục hưng Nicolaus Cudanmus quả quyết: “Mọi sự vật đều ở trong các mối quan hệ qua lại nào đó, thông qua những mối quan hệ này, tất cả cá thể đều kết hợp thành vũ trụ thống nhất và trong sự thống nhất tuyệt đối đó, tính đa dạng của thể thực tồn tại là do tự thân đơn nhất”.
Cả thế giới ở trong hạt cát
và thiên đường trong một đóa hoa
cái vô hạn trong lòng bàn tay bạn
vĩnh cửu thời gian chỉ đúng một giờ.
                       William Blake  (Những điềm báo trước ngây thơ)

Như một thể hiện điều kỳ diệu ấy, vả cũng duy chỉ có sự kỳ diệu ấy, từ “vòng tròn benzen” (C6H6) được định hình trong giấc mơ của Kekule, Henri Matisse, họa sĩ của trường phái Dã thú, trong tác phẩm nổi tiếng Vũ điệu (1909) đã “khoắng cọ” trên nền vải mà tạo dựng nên một không khí cho điệu nhảy vòng tròn cuồng nhiệt của năm tiên nữ thờ thần rượu Dionysus.
Khi khám phá ra sự sống là dựa trên nguyên tử carbon có bốn hóa trị mà obitan hướng ra bốn đỉnh để khi liên kết với bốn nguyên tử hoặc bốn nhóm thể đồng nhất mà tạo nên một tứ diện đều, các nhà vật lý hạt nhân đã coi các electron như tỉnh như say lan trong ether dập dờn như những câu khẩn mời cùng gia nhập vào vũ điệu mê cuồng của vũ trụ. Đó là cùng quá trình cấu hình lên mẫu hình liên kết mạch khớp với nhau của sự sống mà trên cái nền da trời đơn sắc, giữa tay của hai tiên nữ, Henri Matisse dường như để ngỏ một cách ẩn ý ẩn dụ vật lý về thứ màu sắc tượng trưng cho năng lượng. Nó không còn là màu lửa gào rú trong các lò luyện thép Formosa của thứ công nghệ thế kỷ mười chín. Nó là màu huyền bí lặng lẽ của bầu trời trên đó chỉ có vũ điệu xanh, vũ điệu của sự sinh sôi lộ liễu như dòng nhạc jazz hoang dã nhưng cuồng nhiệt.
Sự đổi mới tế nhị trong nghệ thuật là kết quả của sự đảo ngược sâu sắc trong não trạng con người ta về những thiên sứ bảo hộ cho sự sống dưới sắc màu tấm choàng blue!
Những khám phá tương đồng sâu sắc trong vật lý và nghệ thuật đã ảnh hưởng đến toàn bộ tư duy của con người, khiến không một trí thức chín chắn nào lại có thể hoài nghi lý thuyết Einstein về tính tương đối: mỗi vật thể vật chất không phải là một đơn vị độc lập, mà nó nối kết một cách bất khả phân với vật thể xung quanh và tính chất của chúng chỉ được biểu hiện trong mối liên hệ giữa nó với thế giới còn lại.
Bởi “khách thể vật chất” là khách thể vật chất trong sự tự nhiên không phải chỉ là tự thân tổ chức thành hệ thống mà quan trọng và trên hết là cùng nhau sắp xếp thành hệ thống. Vả lại là khách thể vật chất, cũng trong sự tồn tại tự nhiên ấy nó biểu hiện tính cách khách thể chỉ khi và trong tương quan với phạm trù “chủ thể”. Nguyên tử là một hệ thống bao hàm vô số các hạt. Phân tử là một hệ thống bởi các nguyên tử không thể tồn tại bằng cách nào khác là tự nguyện trở thành yếu tố. Bản thân mỗi yếu tố có những mối liên hệ khiến nó tự là một hệ thống. Các hệ thống quy định lẫn nhau, “tương sinh tương khắc” với nhau mà làm tiền đề và điều kiện tồn tại của nhau. Điều đó khiến mỗi hệ thống chỉ duy trì được bản thân nó, bằng cách duy trì được sự tồn tại của những hệ thống ngoài nó để tự nó được biểu hiện là thành tố. Hệ thống có tính chỉnh thể quyết phải là một tập họp các yếu tố gắn kết với nhau thành một thể thống nhất. Khi đó, hệ thống chỉnh thể mới có được những tính chất, công năng và quy luật của hệ thống, mà những tính chất công năng ấy không hề có trong mỗi một yếu tố riêng biệt nào. Tựa hồ như quy luật của sự tồn tại của nước (H2O), không tác động trong mỗi yếu tố của nó tách riêng là những đơn chất hydro và oxy!
Hệ thống là hình thức tồn tại phổ biến của khách thể.
Nếu như không có các mối liên hệ nội tại sẽ không có sự kiến tạo làm thành hệ thống. Cũng là như vậy, không có các mối quan hệ với nhau giữa các hệ thống thì sẽ không có công năng. Trạng thái tiền giả định “không…”, là khi hệ thống ngập chìm trong “cô độc”. Đó là khi không phải sự ổn định của hệ thống trở nên điều kiện tồn tại của nó mà là khi “hằng entropy” trở về zero, tức không có tác động nội tại hoặc trao nhận thông tin, vật chất, năng lượng với các yếu tố bên ngoài. Tính quy định bên ngoài giữa các hệ thống phản ánh, thể hiện tính quy định nội tại của hệ thống do đó, không có hệ thống nào có thể khăng khăng về mình như một tồn tại cá biệt. Ngay cả khi, giả như, nó làm được một cách triệt để cố đẩy tất cả sự hỗn độn từ bên trong ra bên ngoài hệ thống như Trung Hoa đang không mệt mỏi hiện thời!
Về mặt khái niệm, trạng thái đóng kín tuyệt đối của hệ thống là một ý tưởng nằm ở cốt lõi tinh tế của nhiệt động học. Hệ thống đóng kín trước sau chỉ là trường hợp giả định. Ở đó, các vật có “nhiệt độ” cao sẽ “truyền hơi ấm giai cấp” xuống các vật có “thân nhiệt” nghèo nàn cho đến khi có sự cân bằng về nhiệt! Chỉ là một cách trừu tượng hóa của nhiệt động học nhằm mô tả trạng thái đối tượng tại thời điểm “nhà quan sát xã hội học” ở trong trạng thái nghỉ tuyệt đối. Khi đó mọi tương tác bên ngoài được trở thành hàm số giả định.
Về bản chất, khi nguyên lý tự thân coi tồn tại trước hết là tự tồn tại thì đã bao hàm trong đó ngụ ý đối tượng chỉ là hệ thống các mối liên hệ mà trong đó sự biến đổi của bất kỳ yếu tố nào đều tạo nên sự biến đổi tương ứng của các yếu tố ngoài nó. Đó cũng là cách mà chủ nghĩa tư bản không cam chịu, khoanh tay đứng nhìn chủ nghĩa xã hội, trong đó đối tượng “bóc lột” của nó biết chịu đựng sự hành xử theo bất cứ kiểu nào. Tồn tại phải được coi là một nguyên tắc quy định lẫn nhau, có thì cùng có còn không thì cũng phải là như vậy. Thực tế hoàn toàn chứng tỏ điều mà các lý luận gia xã hội học của chủ nghĩa xã hội tìm cách công kích Thuyết hậu công nghiệp về cái khả năng chung sống hòa bình trong một nhà nước phúc lợi chung đã đến lúc mất đi hết toàn bộ “dữ kiện”. Khi “vạn lý trường thành” Berlin tan chảy như quặng sắt trong các lò luyện kim, thì thế giới “toàn cầu hóa” rơi vào dòng xoáy của sự “hỗn độn” khiến trật tự entropy tăng lên đến mức những khối óc bài ngoại cực đoan nhất cũng phải đành thúc thủ. Nó san phẳng thế giới phẳng và đem đến cho mọi hệ thống quốc gia, dù còn gượng gạo với nhất mực quá khứ “nhất mẹ nhì con” với quả quyết “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” cao ngạo đến thế nào, cũng phải đành cúi đầu khuất phục. Giá cả của những thứ hàng hóa “rẻ như bèo” do nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, dẫu có là thứ “hàng hóa phù phiếm” chỉ dành riêng cho việc làm duyên; với người nông dân, anh ta chỉ có phản ứng chừng nào có sự đe dọa đến điều kiện dân sinh, thì phát triển tự thân vẫn phải chỉ có thể được thực hiện trong môi trường nhất thể hóa!
Vấn đề ổn định một trật tự entropy mà không làm cạn kiệt nguồn nhiệt lượng làm cho sự vận động từ trạng thái có trật tự sang trạng thái hoạt động hỗn loạn chỉ có thể là mở ra hệ thống kín trong đó vật chất và năng lượng được “dung nạp” làm cho chuyển động hỗn loạn thành có trật tự. Và lẽ nào làm việc đó mà trước hết không là tiếp cận lại toàn bộ triết lý của nhiệt động học trên nền logic quy nạp.
Trên cái nền này, mà cũng chỉ trên nền tảng ấy, “Mặt Trời mọc từ hướng Đông” sẽ phải coi là một chứng cứ quy nạp. Từ thói quen kinh nghiệm của mỗi sáng để có thể nhìn ra Trái Đất không còn là chiếc “bánh chưng” mà nó đích thị như một quả cầu! Dẫu có, giả sử, một mình một “orbital” như Sao Kim thì cũng không phải là cuộc rong ruổi cố đuổi theo “một bóng mặt trời đang khuất núi”.
Nếu não trạng không có vấn đề, thì không mấy ai mà không biết hệ lý luận cơ học Newton là phỏng theo hệ công thức hình hoc của Euclitus. Nhưng nếu Newton đã xác lập lý luận cơ học dựa trên sự tổng hợp thành quả nghiên cứu của những người đi trước, trong đó đáng kể nhất là những thành tựu khoa học của Galilei, Descartes và Kepler thì chiến công trí tuệ này trước hết thuộc về công lao của logic quy nạp. Cống hiến vĩ đại của Newton là ở sự tổng hợp những phát hiện cục bộ của người đi trước và dùng logic toán mà chỉnh lý chúng thành hệ thống lý luận. Trong đó, định luật rơi tự do của Galileo và ba định luật chuyển động hành tinh của Kepler không còn là những định luật dựa vào kinh nghiệm nữa mà đã trở thành kết luận diễn dịch suy ra từ “tiền đề” cơ học Newton.
Sáng tạo là đổi mới. Mệnh đề này cấm ngặt phép chuyển hoán hình thức. Không có sáng tạo thì không là gì đối với thuật ngữ này. Bằng logic diễn dịch theo thói quen “phép tiên vương” lý luận biến thành hiện thực thì chỉ là sự chồng lấn lên nhau các kinh nghiệm mà sự tổng kết kinh nghiệm tuy có đưa lại thêm cho sự “phát triển lý luận” thì cũng vẫn nguyên là những kết luận ấy. Nếu có là những kết luận hoàn toàn quy nạp, tức suy lý quy nạp tính tất nhiên, thì khi suy cho cùng cũng chỉ là lối suy lý diễn dịch.
Ví dụ, đoạn dẫn trích từ http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/147833/...html, sau đây.
“Vụ án xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra đã rà soát các nghi phạm và ông Nguyễn Thanh Chấn bị đưa vào diện tình nghi, bởi có những dấu hiệu bất minh trong quá trình sử dụng thời gian ngày xảy ra vụ án.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của ông Nguyễn Thanh Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường”.
Trong đoạn trích này, ông Nguyễn Thanh Chấn được “đưa” vào diện tình nghi khi cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành hoạt động nghiệp vụ: rà soát các nghi phạm. Trình tự còn lại của cơ quan cảnh sát điều tra là hoán đổi bị can thành bị cáo bằng cách “xác lập” các chứng cứ quy nạp: Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn là người gây án thì ông ta tất để lại dấu chân trên hiện trường. “Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của ông Nguyễn Thanh Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường”(nguồn trên). Chứng tỏ ông Nguyễn Thanh Chấn là người gây án, mặc dầu “đúng với” hay “gần đúng với” là khác nhau nhưng điều này không còn ý nghĩa khi “ông Nguyễn Thanh Chấn bị đưa vào diện tình nghi, bởi có những dấu hiệu bất minh trong quá trình sử dụng thời gian ngày xảy ra vụ án” (nguồn).
Để thực hiện việc quan sát, tất nhiên là cần phải có sự thẩm thấu lý luận, tức đặt dưới sự chỉ đạo của một lý luận nhất định thì mới quan sát chân thực được một đối tượng nào đó. Nhưng vì thế mà cái sau luôn do sự kiện lý luận định sẵn khiến cơ quan điều tra muốn chứng thực một giả thuyết, thì phải tuân theo một phương hướng có lợi cho chính công việc của mình. Không có tính trung lập hay quan sát khách quan thuần túy, thì mới có được kết quả. Và điều này cũng chỉ ra, việc tổng kết thực tiễn chỉ vì quá nhấn mạnh đến chứng cứ sẽ không thể không đi đến ngộ nhận: chỉ tin tưởng lý luận cũ đầy đủ chứng cứ mà không quan tâm gì tới lý luận mới. Khi nảy sinh hiện tượng “thiếu sót Kuhn” về chứng cứ thì hùng biện dần chuyển hóa thành nghịch biện sẽ là hiện tương không xa lạ...
Một nền giáo dục lạc hậu, một nền văn hóa “kín kẽ” không biểu thị đích thực có tồn tại một thứ logic định hướng con người ta “xem hình mà tìm ngựa”. Phát hiện ban đầu với chỉnh lý bổ sung thêm sau sự kiện, thực ra không phải là cùng một việc. Khi “Châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại” mà đã vội vã lấy người “nông nô Phương Tây” và “người nhà quê An Nam” để “so sánh” lại với nhau thì chỉ là một việc làm “quá đáng!” (chữ của Nguyễn Ái Quốc). Chỉ có thể phải là “xem xét lại toàn bộ chủ nghĩa Mác, bổ sung cho nó cơ sở xã hội học Phương Đông mà vào thời Mác, Mác không có” (Nguyễn Ái Quốc).
Đề xuất giả thuyết khoa học là một hành vi sáng tạo nhưng so với bất cứ mô thức xây dựng lại logic phức tạp hơn nhiều. Sáng tạo khoa học phải là logic mà là phi logic!
Các triết gia khoa học đã từng cự tuyệt với việc nghiên cứu logic phát hiện. Lý do đơn giản là vấn đề phát hiện không thuộc phạm vi phân tích logic mà chỉ là những hứng thú tâm lý. Không ai dại dột đến mức phủ nhận giá trị của sự “đề xuất giả thuyết”. Và tuy sự ấy có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển giáo dục học song việc phát triển nhân lực bồi dưỡng nhân tài lại không thể dừng ở việc thuyết minh và tổ chức làm theo.
“Xem hình” tất sẽ tìm “thấy ngựa”. Vì “biết được cái vốn không biết là nhờ theo tên gọi mà chọn lựa” (Mặc tử). Nếu dựa vào các cáo thị của vua, dân chúng tất sẽ chỉ ra cho vị anh minh kẻ ông muốn trừ khử mà không thể giúp gì được cho ông tìm ra người ông cần có để thay. Mấu chốt của giáo dục là làm sao bồi dưỡng được người học có được tố chất sáng tạo. Việc phê phán có tính chất phê phán đối với logic phát hiện là chỉ ra phương hướng không có sự thay thế cho việc phát triển giáo dục tố chất. Một nền giáo dục dựa vào truyền thụ tri thức làm mục tiêu thì cũng chỉ đạt đến “nhân tài mô phỏng”. Lấy cái biết biết cái chưa bằng suy lý logic một cách thuần túy khác hoàn toàn với cái chưa biết là do sáng tạo mà có dựa trên cơ sở cái biết!
Sáng tạo trong đổi mới sẽ không và đừng làm như vậy với việc phát triển tố chất. Việc truyền thụ tri thức không thể như “chìa khóa mở toang cánh cửa sáng tạo” dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu đổi mới lý luận mà chỉ chăm chăm vào việc lý giải bằng thực tiễn thì không gì hơn việc thu thập chứng cứ quy nạp. Đã không có cách cụ thể hóa việc dạy cho người học sáng tạo thì cũng như vậy với đổi mới khoa học. Chỉ có thể phải là trên cơ sở vốn tri thức mà đột phá vào mỗi trình độ, cấp độ tư duy của người đi trước. Không cần cái đáp án sẵn có trong giáo khoa mà cần những phương án mới như Faraday: “từ cũng có thể chuyển thành điện”, nếu “điện chuyển được thành từ” (Han-Christian Oersted). Bởi thế giới thống nhất thể thì không có gì là không thể!
Định luật 3 Cơ học nhiệt là một thuyết phục về độ zero tuyệt đối là không bao giờ, cũng như tỷ số entropy không bao giờ đạt tới đó (zero)! Điều này hàm nghĩa là không bao giờ có sự tồn tại của hệ thống không có trật tự tuyệt đối. Nếu thế cũng không có hệ thống hoàn toàn có trật tự. Một hệ thống trật tự chỉ khi nó đạt được sự cân bằng với hỗn độn. Chỉ trạng thái hỗn độn mới làm cho hệ thống đi vào trật tự bằng việc hiện thực hóa một trong các khả năng làm phát sinh một kết cấu mới, biểu hiện của tính trật tự mới.
Hệ thống mở trước hết phải là một hệ thống hỗn độn như là một trường hợp riêng của trật tự. Sẽ là không khó khăn để hiểu điều này nếu dựa vào những giải đáp từ cặp khái niệm tất yếu và ngẫu nhiên! Có tách xa sự cân bằng thì các yếu tố của hệ thống mới tồn tại những tương tác phi tuyến, khiến hệ thống diễn biến từ trạng thái không trật tự đến kết cấu có trật tự ổn định mới trong đó bao hàm khả năng thông qua bước nhảy mà chuyển hóa thành không trật tự. Như vậy không trật tự mới là mặt khẳng định, nói lên khuynh hướng chung của tồn tại. Còn như tại sao không trật tự thì chỉ khái niệm thời gian mới giải đáp được. Từ không trật tự đến có trật tự, từ giản đơn đến phức tạp, từ cấp độ tổ chức thấp đến… thể hiện khuynh hướng đi lên. Từ trật tự đến mất trật tự là điều không mong muốn đối với nhà cai trị vì đó là trạng thái tâm lý độc tài, bởi nó thể hiện khuynh hướng thụt lùi: từ cấu trúc phức tạp, từ cấp độ tổ chức cao chuyển hóa thành mặt đối lập với nó.
Nhưng nó lại không phù hợp với lý thuyết nhiệt động học khi coi hệ thống đối xứng nhất là hệ thống không có trật tự nào và một kết cấu nào; không có những đặc trưng mang tính đặc thù; cũng không nốt, phương hướng đặc biệt! Cân bằng trạng thái không hàm nghĩa đơn. “Tự nhiên xinh đẹp ngay cả khi nó sinh ra những quái vật” (Karl Marx); khi vũ trụ bắt đầu từ hỗn mang, vô trật tự thì trật tự vô hỗn độn không phải không hoàn mỹ đến mức làm cho con người ta cảm thấy bất an. Nếu hình dung ra được vũ trụ cách nay… sau “vụ nổ lớn”, khi không gian không có phân định, thời gian chỉ có thì hiện tại, vật chất bất phân thành các hạt âm dương… mọi thứ đều hoàn toàn đối xứng!
Trạng thái ban đầu và trạng thái cuối cùng của vật chất là “những khách thể vật chất do tính đối xứng của bản thân quyết định”, “các quy luật tự nhiên xây dựng trên cơ sở phổ các hạt và các tác dụng tương tác, trên kết cấu vũ trụ và trên tiến trình của vũ trụ, có thể được quyết định bởi một loại tính đối xứng cơ bản nào đó” (W. Heisenberg).
Giờ đây mà cứ “từ bụng ta suy ra…” hoặc không thì “trông người mà ngẫm…” e rằng không ổn! Logic hình thức đâu phải chỉ giới hạn ở hai loại lý luận của chủ nghĩa quy nạp và/ hoặc chủ nghĩa diễn dịch. Ở Aristotle còn một loại nữa chẳng mấy khi được con người chú ý. Người sau gọi ấy là phép hoàn nguyên. Thuật ngữ học thuật gọi là phương pháp suy lý tố nhân/ phép nghịch suy; truy về căn nguyên để xác minh các thông tin hiện.
Giả sử x là hệ thống do các thành phần A tạo nên [CA (x)]; đặt P là thuộc tính của x. Nếu p là tổ hợp của A, khi và chỉ khi trong mỗi phân lượng A đều phải có P; Nếu không có P, thì p là nguyên nhân của A!
Thực tế, “ngựa trắng không phải là ngựa” (Công Tôn Long) thì “mèo trắng hay mèo đen…” đều không quan trọng như nhau và so với một miếng pho-mát trong chiếc “bẫy” chuột.
Quan điểm duy vật biện chứng về tính thống nhất vật chất có nghĩa là thế giới là một hệ thống đồng nhất của tính đa dạng. Khi đi từ khái quát đến cụ thể một cách đúng đắn với độ tin cậy cao dẫu phạm vi áp dụng rộng làm tăng tính tự tin cho con người khi sử dụng các dạng tương tự cũng không vì thế mà mọi trường hợp đơn nhất đều hoạt động chung cùng những quy luật vận động. Người lớn và trẻ em là không thể sử dụng chung những bộ quần áo. Nhưng cũng không phải vị vậy mà phải cần tới hai chiếc “lỗ” cho mẹ con nhà mèo của Newton có đủ chỗ ra vào căn phòng ông làm việc để cùng ông “thư giãn”! E. Whitney tình cờ nhìn thấy những sợi lông chim sẻ còn dính lại ở móng vuốt của con mèo, ông đã nghĩ nhanh đến việc sáng chế ra chiếc máy chuyên dụng cho việc tách bông. “Bắt chước” người Ai Cập cổ đại mỗi khi tưới ruộng, O. Evans, nhà sáng chế người Mỹ (1783) đã dùng cách ấy cho việc chuyên chở các thùng chứa lúa mỳ trong các nhà máy xay xát…
Có những người có khả năng phát triển ý tưởng, song có những người chỉ có khả năng phân tích, phê bình các ý tưởng sẵn có. Sự khác nhau giữa người có khả năng khởi phát ý tưởng với năng lực ở người đánh giá ý tưởng là tiềm năng liên tưởng và năng lực “sưu tầm”, như “con ong” và “cái kiến” trong logic quy nạp Bacon.
Việc phát triển ý tưởng chỉ được tiến hành một cách thật sự tự do. Karl Marx đã phải tiến hành phê phán toàn bộ triết học nhà nước Fridric Vinhem IV với pháp quyền Heghen để trở nên là nhà dân chủ cách mạng. Khi đó ông đã không cần phải chứng minh tính chất đúng đắn của những ý tưởng của ông và cũng không cần biết chúng có thể thực hiện được hay không vì sự thành công trong sự phê phán hiện thực đang tồn tại cần phải thay đổi không phải là vấn đề phải mang ra bàn cãi! Một khi có sự tự do tư tưởng, ý thức được giải phóng mọi sự kiểm duyệt kể cả tự kiểm duyệt thì nó đã bước vào vương quốc tự do của mọi điều có thể.
Tính hệ thống phụ thuộc vào các yếu tố liên kết. Một hệ thống hình thành từ sự cấu thành các bởi các yếu tố tốt “biết” cách phối hợp là một hệ thống tốt. Một tổ chức tốt tùy vào các cá thể tốt, tương tác tốt và để ngăn chặn khuynh hướng “Những người thông minh tập họp thành tổ chức sẽ có khuynh hướng dẫn đến sự ngu ngốc tập thể” (Karl Albrecht) thì sẽ phải biết phát huy tính sáng tạo ở từng cá nhân.
“Nói đi đôi với làm” là tiền giả định của mỗi thứ ý nghĩ trong óc không bao hàm một cách chắc chắn mọi hành động sẽ diễn biến theo những ý nghĩ đó bởi nguồn cội của mọi hành động không phải chỉ là tư duy mà chủ yếu là do nhu cầu. “Sự hỗn độn” hay “tính tùy ý” là thuật ngữ mô tả sự thử thách hay cơ hội tồn tại trong phạm vi chức năng mà chúng không được sự chú ý xem xét; “sự hỗn độn” là tiên liệu các mục tiêu rộng lớn cần sớm được xác định. Nó hướng vào “sự cân bằng entropy” mà không đi nghịch lại dòng chính thống để chịu đựng sự quy chụp, sự kết tội và đàn áp. Ý tưởng trong khuôn khổ của bộ óc như con khỉ trong Tây du kí, nó có thể chịu đựng với chiếc “đinh thúc ngựa” (Plato) mà không chịu đựng nổi với một ông thầy chỉ chăm bẵm mỗi vào công việc xét nét!
Cứ coi như chỉ trích hay phê bình từ phía người dân là một sự tương tác từ bên ngoài vào bên trong “não bộ” của hệ thống. Nếu nó chưa gây tác dụng gì nó cũng biểu lộ các khuynh hướng truy cầu một trật tự mới, hay một kết cấu tổ chức mới. Nhận ra điều này thuộc về chức năng xử lý thông tin của não bộ. Nhận ra cái vốn “không” phát lộ “là nhờ theo tên gọi mà chọn” (Mặc tử).
“Giờ là lúc nước Mỹ hàn gắn những vết thương của sự chia rẽ. Tôi nói rằng đây là lúc chúng ta đến bên nhau như một dân tộc đoàn kết”, trong tiếng hô vang “USA”, Donald Trump “cam kết với mọi công dân trên mảnh đất của chúng ta, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ và điều này rất quan trọng đối với tôi. Với những người không chọn ủng hộ tôi. Tôi sẽ tiếp cận để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ của các bạn, để chúng ta có thể làm việc cùng nhau thống nhất đất nước vĩ đại của các bạn”.