Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Không gian và thời gian/ Thống nhất thể và lỗi hệ thống

3. Khi “ngựa trắng không phải là ngựa” thì ngựa “nào” cũng là như vậy, “không phải là ngựa”. Nếu chỉ căn cứ không phải vào chức năng mà là tính hiệu quả thì bất nệ phải là “mèo trắng” hay “mèo đen” thậm chí chiếc bẫy sập cũng đều vai trò như nhau, bởi lũ chuyên “nghề” phá phách đâu phải là của để dành. “Biết được cái vốn không biết là nhờ theo tên gọi mà chọn” (Mặc tử) của chủ nghĩa logic kinh nghiệm chỉ áp vào mỗi khi “xem hình tìm ngựa”. Nó sở dĩ đáng tin là bởi đối với thực tại nó không đòi hỏi gì sự mẫn tiệp. Khi quả quyết “Chỉ cần có mệnh đề toán học đề cập tới thực tại chúng sẽ không đáng tin cậy. Chỉ cần chúng đáng tin cậy, chúng sẽ không đề cập đến thực tại”, Einstein muốn hàm ý rằng tính khả tín không hẳn cứ phải qua kiểm chứng!

“Điểm” và “đường”… là biểu trưng cho những chiếc khung trống của khái niệm. “Chất điểm” trong vật lý học, cũng tựa hồ như các khái niệm “điểm” “đường” của hình học. Ở đó, “điểm” có thể được hiểu như là “vật thể vật chất” có khối lượng, vận tốc… nhưng không có kích thước, hay kích thước bằng zero. Điều này đã khiến luật động học, động lực học… luôn luôn đúng, nhưng chỉ trong các trường hợp lý tưởng! Ngoài khả năng áp dụng ấy, khi kích thước của một “chất điểm” nhỏ hơn quãng đường nó phải di chuyển thì các quy luật liên quan đến chất điểm, lúc ấy mới phát huy tác dụng. Đó là lý do khiến sự giáo điều hóa lí thuyết, khi áp dụng bất kể là những quy luật nào, đều là những cú hích đủ để chúng vượt ra khỏi phạm vi tác động. Cho nên hà tất người giúp việc đã phải chiều lòng Newton, trổ thêm lên cánh cửa ra vào một lỗ nhỏ chỉ dành cho mèo con, dẫu việc thiết kế ra các mẫu áo quần riêng cho bọn trẻ luôn là nan đề của các nhà thời trang mà nỗ lực chỉ là để làm hài lòng những bậc làm cha mẹ. Đây là điều khiến những người phi marxist, không phải là Lỗ hầu nhưng lại muốn được như vậy, đưa cái thích của mình ra “nuôi” chim chứ không phải lấy cách dành cho việc nuôi chim đem ra nuôi nó! 
Khi tổ chức không gian theo cách kết nối các điểm của nó lại với nhau bằng một mạng tưởng tượng những đường thẳng mà thực tế trong tự nhiên khồng hề tồn tại, Euclitus đã hàm ý rằng không gian là đồng đều, lên tục và thuần nhất. Ở mọi nơi mọi chốn không gian đều là như nhau và hoàn toàn trống rỗng. Đó là lý do để Archimedes đặc quyền phát ngôn chính thức về khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng mà không nhất quyết phải chứng minh khiến người Hy Lạp được tự do “bố trí” vào trong đó mọi thứ mà họ thích. Nhưng chỉ với niềm tự mãn lớn lao, người Athens đã không đếm xỉa gì đến tất cả các nghịch lý của Zeno nên “nhà ngụy biện” phải can “tội tổ tông” mỗi khi đêm gán vào những lập luận không thể giải thích nổi trong khuôn khổ hệ thống.
Như là, hãy làm ra vẻ ủng hộ luật pháp thế tục mà không gây phiền phức với chính quyền nhưng chỉ quan tâm thường xuyên đến lợi ích ích kỷ của mình. Khi cho rằng, mỗi nền văn hóa có một lối hành xử, một thứ niềm tin của riêng mình về đạo đức thuyết tương đối về văn hóa đã lọt thỏm vào thuyết hư vô đạo đức: không có cái gọi là đạo đức nên bạn muốn làm gì cứ làm. Coi “Con người là thước đo của tất cả những thứ anh ta là và tất cả cái anh ta không là” (Protagoras), những nhà ngụy biện cho rằng, các từ ngữ “tự do”, “trung thành”, “công lý”, “bình đẳng” chỉ là những phát minh đầy tính chủ quan của con người và chỉ có ý nghĩa riêng cho mỗi người. Mọi giá trị đạo đức đều là tương đối, và tiêu chí duy nhất cho hành động là những thứ như bản năng tự bảo tồn và tính hữu ích thiết thực. Thứ ổn định chính trị chỉ được duy trì khi tất cả mọi người đều cảm thấy mình có tiếng nói trong chính quyền… Lý tưởng dân chủ được các nhà ngụy biện bảo hộ một cách âm thầm!
Đó là khi “người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất là: xóa bỏ chế độ tư hữu” (Marx-Engel). Còn khi “người ta chỉ trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng toàn bộ kho tàng trí tuệ do nhân loại tạo ra” (Lenine) thì phải lấy sự “phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần” làm đặc trưng cho suốt thời kỳ quá độ! Vả chăng, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản là gì, nếu nên chăng là thời đại đối lập với dã man được tính từ khi tan rã những quan hệ công xã thì cơ chế chuyển hóa qua lại giữa cái khẳng định và cái phủ định theo cơ cấu nội tại của quy luật phủ định biện chứng vị tất phải bao hàm cái thời đoạn “hồn Trương Ba da hàng thịt” chỉ cốt để thỏa được cái ước nguyện hồn Trương Ba “muốn được là tôi toàn vẹn”!
Đành rằng sự vật ban đầu không thể trực tiếp “chuyển” lên sự vật ở cấp độ tổ chức cao hơn mà không phải kinh qua những khâu “trung giới” theo cơ chế chuyển hóa qua lại giữa cái khẳng định và cái phủ định. Thế nhưng “sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này ngay đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!” thì quả là “sống thế này, còn khổ hơn là cái chết (…)  Họa chăng chỉ có lão lý trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc!” (Lưu Quang Vũ)…
Nếu đặc trưng của một cơ sở hạ tầng xã hội bao giờ cũng là không thuần nhất nên thống nhất thì một cơ cấu kinh tế “đơn” thành phần, tức một kết cấu kinh tế “đồng chất” sẽ không thể nào lại có sự thống nhất! Chỉ với một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, tức không thuần nhất mới hàm chứa khả năng thống nhất bởi vai trò chủ đạo của quan hệ sản xuất thống trị. Sự thống nhất về chính trị tinh thần thể hiện ở vai trò chủ đạo của các thiết chế tương ứng đối với toàn bộ đời sống tinh thần mới là biểu hiện trên quan niệm những quan hệ vật chất giữ địa vị thống trị. Nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội chừng nào còn chưa xác lập được quan hệ sản xuất thống trị chừng đó, chủ nghĩa xã hội chỉ còn là sự tiếp tục lâu dài trên danh nghĩa.
Khi thừa nhận trong tất cả những ý niệm cơ bản; tất cả các khái niệm của con người về thực tại đều hạn chế như trong phản ánh luận duy vật biện chứng, mà lại quả quyết về một điều gì, chỉ giản đơn nó đáp ứng được mong muốn cá nhân mà không là hoang tưởng thì cũng là cơ hội. Những khái niệm không phải là thực tại đích thực như con người tưởng mà chỉ là những sáng tạo của logic tư biện, như trong mỹ thuật, là sự dồn nén và giản hóa quá trình logic! Các thành phần của tấm bản đồ chỉ là những vệt mực phết trên nền giấy nên nó không thay được cho phần là đất thật. Cho nên hễ mỗi lần con người ta mở rộng lĩnh vực của mình là mỗi lần hạn chế của óc tư duy lại hiện ra buộc con người ta lại phải điều chỉnh, thậm chí cả việc phải từ bỏ những khái niệm cũ mòn. Điều đặc trưng của thuyết tương đối là sự thống nhất những khái niệm căn bản mà trước đó chúng từng độc lập với nhau. Khi coi năng lượng và khối lượng là những phạm trù khác nhau thì công thức toán học E = mc2 lại dường như làm cho Plato đã đúng khi ông coi mọi vật thể chỉ là những cái “gói”! Không phải là xét lại, khi Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải xem lại một cách toàn diện chủ nghĩa Marx từ bối cảnh không gian đến hoàn cảnh lịch sử nếu không muốn trở nên “quá đáng” khi so sánh “người nhà quê An Nam” với những người nông nô ở các nước Châu Âu để rồi phủ nhận tinh thần dân tộc của họ.
Khi tính tuyến tính được đặt làm cơ sở cho một quan niệm về không gian thì nó cũng đã là như vậy làm ảnh hưởng sâu xa đến khái niệm thời gian. Song, cái chết của mỗi cá nhân và tính không thể đảo ngược của nó lại lạnh lùng và vô cảm đến mức chỉ có thể nương náu trong những bối cảnh tôn giáo… Người Hy Lạp đành phải làm cái công việc như đã làm với không gian, nắn lại thời gian như người thợ thủ công khi đúc bê-tông làm với những cuộn sắt sợi. Và khi Aristotle tạo nên một thời gian tuyến tính bằng cách chuyển hóa ba nữ thần Số Mệnh thành các khái niệm biểu thị các thì của thời gian thì ông đã thiết lập nên các quy tắc của logic học. Đơn vị cơ bản của logic học là phép luận ba đoạn, dựa trên phép kéo theo cơ sở và hệ quả, Aristotle tuyên bố đó là công cụ duy nhất hiệu quả để khám phá ra chân lý mà không phải nhờ vả đến các lời sấm truyền, vật bảo chứng hay người giữ ngôi tiên chỉ.
Aristotle đã đinh ninh thời gian có tính tái hiện. Nhưng các chu kỳ thời gian gọi là các kỷ nguyên cách xa nhau đến mức người ta có thể bỏ qua mà không hề hấn gì đến thực tại bởi chúng vượt ra khỏi thời gian tuyến tính mà ông đã tạo dựng nên. Dẫu thế nào thì thời gian ở Aristotle vẫn là hết sức phi thường bởi ngay đến người thầy của ông là Plato còn coi thời gian không hơn gì những ảo ảnh “chuyển động của cái vĩnh hằng bất tận” như những hình chiếu chuyển dịch theo một hướng lên vách hang...
Nhưng cái mà người Hy Lạp chưa nhận ra rồi cũng phải dần nhận ra rằng “Mọi thứ đều là bất khả, chỉ khi sự thật đến” (Nelson Mandela). Hoàn toàn là không, mà chỉ có cái chưa trở thành có thể. Sử gia khởi thủy Herodotus đã quyết đoán một cách hoàn toàn xác tín rằng một người đang sống ở hiện tại có thể đưa ra một bản liệt kê chính xác các sự kiện của quá khứ theo một trật tự nối tiếp nhau. Việc thừa nhận tính độc nhất tuyệt đối này của các sự kiện lịch sử là một trong những sự kiện độc nhất của lịch sử tư tưởng!
Không gian Euclitus và thời gian Aristotle đã cấu hình nên bức toàn cảnh thế giới quan suốt hai chục thế kỷ làm cho Tây phương chỉ phải “một ngày” mà đã trở thành người khổng lồ. Đối diện với thực tại, thực sự chưa có mấy ai phân vân “liệu có phải các đường thẳng chỉ tồn tại trong trí tuệ của con người” (Eugene Delacroix). Việc từ bỏ ảo tưởng rằng đường kết nối giữa các điểm trong không gian và các sự kiện trong thời gian là một đường thẳng với sự thật nơi “tiếp giáp” giữa biển và trời không hoàn toàn dễ dàng. Cái đường thẳng, đường chân trời ấy, hình thành một cách tự nhiên quan trọng đến mức toàn bộ bề mặt của Trái Đất đều có thể trải đều trên bề mặt của cái bàn để làm nên các đế quốc hàng hải Hy-La thời cổ đại, đế chế Hung thời Phục hưng và nước Anh thời của nữ hoàng Elizabeth. Nó mang ý nghĩa quan trọng đến mức những nền văn minh Ai Cập, Tiểu Á hay Trung Hoa cổ đại đã không trở thành kẻ chinh phục vĩ đại bởi sự thiếu vắng những trải nghiệm thường nhật về đường hằn như kính khắc này. Đó còn là nguyên nhân khiến các quốc gia này không phát triển được hệ thống bảng chữ cái và/ hay tức tổ chức được trong não trạng quan hệ không-thời gian theo một trật tự tuyến tính.
Không gian liên tục của Euclitus đã bị rạn nứt và phải gãy vụn dưới sức nặng của kinh Tân Ước và kinh Cựu Ước. Bức tranh thế giới bấy giờ như chiếc bàn phẳng lọt thỏm trong căn hầm kín mít mà không ai có quyền đòi hỏi có một cái gì đó cao hơn được trần trời khổng lồ cũng như có thể tìm thấy trong cái gầm bàn những thứ gì nữa. Thời gian của Aristotle tuy không cùng số phận như của Euclitus nhưng bấy giờ nó tẻ nhạt như cô gái đến thì không có ký ức, đơn giản vì nó thiếu vắng bóng dáng những gã trai láng giềng!
Trong toán học, thì đường trường ngắn nhất chỉ có thể là đường thẳng nối lại của hai điểm. Và cũng vì nối hai điểm “lý tưởng” ấy lại mà đường có trường độ nhưng lại rỗng không/ không có “lượng” độ. Nếu áp dụng điều này vào thực tế đường ống dẫn nước Sông Đà, không tính hai mươi lần đục lên khoét xuống do chất lượng ống quá tồi, thì lượng đất đá ban đầu phải bóc dỡ sẽ bằng zero (!), là điều mà các “sếp gộc” của tập đoàn Vinaconex, dù có tinh thần “xả thân vì đất nước” bởi một Hà Nội “mơ màng” đến mức nào cũng không giật lấy dự án, đơn giản chỉ vì không lấy gì để “quyết toán” cho các khoản “chia chác”.
Khi viện đến tinh thần tôn giáo là một thứ tinh thần xả thân, đầy nhiệt huyết, ai cũng tin là có! Điều đáng tiếc là chả ai chịu để ý loại tín niệm trên lĩnh vực nào khác lại được con người ta đời đời tin theo mà không hề suy giảm. Chủ trương cao nhất của đạo lý nhân sinh là khám phá ra vũ trụ trong đó luân lý tôn giáo nào cũng là tán dương thần quyền. Thông qua hoạt động thực tiễn gian khổ là để “tiếp thu những gì giống với chủ thể” (Thomas d’Aquin) còn như con cừu mà có thượng đế thì thượng đế của nó chắc cũng có… “giống” như mình thôi!
Cho nên các khái niệm cơ bản cũng như các quy luật cơ bản, chẳng hạn trong kinh tế chính trị học, trước hết là sản phẩm của sự “sáng tạo tự do của tư tưởng”. Trên thực tế, bản thân lý luận marxit là một kết cấu logic thuần túy, các quy luật của phép biện chứng là những ước định của ngôn ngữ. Thì đấy, “Châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại” nên đối với Châu Á, nơi mà cả cộng đồng vẫn còn ngái ngủ với vô vàn những ràng buộc phong kiến, thì lý luận như này hoàn toàn thiếu vắng những “cơ sở xã hội học Phương Đông, mà vào thời Mác, Mác không có” (Hồ Chí Minh). Khi kết luận dựa trên tiền đề “còn đang thiếu” bằng phép suy diễn, thì đó chỉ là những kết luận thuần túy mà thực tại không can thiệp được. Logic giả chứng là một loại logic diễn dịch. Tuy có tính tất nhiên của logic nhưng thực tại lại phức tạp hơn nhiều. “Thuyết địa tâm” là không phù hợp với tình hình thực tế của Thái dương hệ. Giả chứng đối với lý thuyết sai lầm này không thể đánh đồng với giả chứng đối với cơ học Newton. Lý luận có bị giả chứng vẫn có cơ hội phục hồi. Thí dụ vật lý hạt nhân thế kỷ XX với việc phá vỡ bằng nhân tạo nguyên tố “ổn định” là hiện thực hóa ảo mộng giả kim thuật đã sớm bị vùi dập từ thời cổ đại. Trong thực tiễn đối tượng giả chứng khoa học đa phần là mô tả sự tồn tại mà chứng cứ kinh nghiệm luôn không có cách nào phản bác. Việc bác bẻ một mệnh đề tồn tại cũng giống như việc chứng minh, phải tuân thủ luật lý do đầy đủ nhưng luật này chỉ tồn tại như một nguyên tắc để hạn chế những kết luận có ít khả năng. Thứ đến là đối tượng giả chứng khoa học không bao giờ lại là mội sự miêu tả chung đơn độc. Nó là một hệ thống mô tả có kết cấu phức tạp, bao gồm mô tả chung lập thành quy luật với một số điều kiện, vì thế mà có tính kháng cự lại rất lâu dài. Thí dụ, đấu tranh giai cấp đành rằng là động lực, nhưng khi xứ An Nam còn bị ràng buộc với vô vàn những quan hệ công xã thì “phong trào dân tộc mới thực sự là động lực của họ” (Nguyễn Ái Quốc). Kế tiếp là bản thân các chứng cớ kinh nghiệm luôn bị ô nhiễm bởi lý luận nên bản thân nó bao hàm cả thành phần giả thiết. Thế cho nên Galilei mới không cột hai vật nặng và nhẹ lại với nhau để có thể quan sát hiệu ứng sự rơi tại các vật khác nhau!
Việc tố cáo tham nhũng đòi hỏi phải có chứng cứ có nghĩa là ngoài những chứng cứ bị vứt bỏ, đúng ra là “ngó lơ”, người ta đã giả chứng tham nhũng chưa phải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nên trước tiên phải được loại bỏ. Nó muốn chứng tỏ mọi hành vi tham nhũng đều phải là hành vi thực chứng. Và nếu thế thì các cơ quan tố tụng còn phải làm gì khi những công năng của nó đều được các cơ quan xét xử thay thế. Thường thì một chiếc vỏ lon nước ngọt vẫn giữ nguyên hình dạng của nó trừ khi một lực bên ngoài cố tình làm cho nó móp méo. Đó là lý do người ta không bao giờ tính toán tỷ lệ giữa cái ta quan sát được để lại trên bầu trời của chiếc máy bay với kích thước của vật thể.
Có vẻ như định luật rơi tự do của Galilei tách rời với kinh nghiệm thường thức. Thực tế, trong điều kiện bấy giờ đã không có khả năng thông qua thực nghiệm để biểu thị quan điểm vận tốc rơi của các vật thể không có liên hệ gì với khối lượng của nó. Tuy rằng định luật chuyển động Newton và định luật hấp dẫn cũng không trực tiếp đến từ kinh nghiệm và thực tế nó không hề dính dáng gì với kinh nghiệm cho đến bấy giờ. Chẳng hạn định luật 1, định luật quán tính đem sự biến đổi trạng thái vận động vật thể quy kết thành nguyên nhân ngoại lực. Thực tế, trong cuộc sống thường nhật, ai từng quan sát thấy qua một vật thể chuyển động mà có thể giữ mãi trạng thái bất biến của chuyển động? Nếu có thể biểu diễn định luật Galilei trong ống chân không thì có thể phải thực nghiệm định luật quán tính trong đường ống nào, đường ống cấp nước Sông Đà của tập đoàn Vinaconex, chăng!
Cho nên, nếu các định luật cơ sở của cơ học Newton đều như là “ước định” tiền đề toán học, do đó mà không thể giản đơn dùng sự thực kinh nghiệm để thực chứng hay giả chứng thì lý luận phòng chống tham nhũng cũng tương tự, chỉ có thể hiện thực bởi các các cơ quan chức năng có thực tâm “phòng chống” tham nhũng hay không. Tham nhũng thì ở đâu và lúc nào mà chả gắn chặt với quyền lực với tính cách là hình thái bổ sung cho thứ quyền lực đã mất khả năng thực chứng: thức ăn, lãnh thổ và giao hợp. Một khi ý nghĩ sơ cấp về thức ăn hay “nguyên lý khoái cảm” (Frued) hoàn toàn xâm chiếm anh rồi, anh sẽ chẳng còn tâm trí nào để nghĩ tới việc làm cách nào để tìm được thức ăn. Còn như quá trình thứ cấp hay “nguyên lý thực tại” nắm phần kiểm soát, anh có thể sẽ “quên” việc ăn uống trong một thời gian vừa đủ để tìm cách… cải biến thế giới, chẳng hạn, đặt một cái bẫy! Cái thứ ý nghĩ thống trị cõi vô thức nhằm thỏa mãn “chủ nghĩa ham muốn” bao giờ cũng mang tính bốc đồng, vô tổ chức và luôn mắc lỗi logic hay không tuân theo bất cứ logic nào. Cũng vì vậy mà mãi tới 300 năm sau Copernicus, người ta mới quan trắc được hiện tượng “chuyển động thị sai” bởi quan trắc đó chỉ có thể giải thích bằng thuyết nhật tâm. Thế nên, phương pháp giải thích học chỉ thích hợp với giá trị lịch sử, với chủ trương bỏ “lấy nay mà luận xưa” mà phải “lấy cổ để luận cổ” điều mà Hàn Phi tử từng chủ trương đối với phép Tiên vương trong truyền thông Nho giáo.
Vì lẽ đó mà phép biện chứng hào hoa của Hegel để lại được gì trong phép biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng marxist. Theo lý luận này thì cơ sở hạ tầng nào cũng sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng tương ứng, và nếu đặc trưng của cơ sở hạ tầng là sự thống lĩnh kinh tế của quan hệ sản xuất thống trị thì sự chi phối bởi những quan điểm chính trị trong toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội là biểu hiện trên quan niệm những quan hệ vật chất giữ địa vị thống lĩnh ấy. Không dừng lại ở đây, phép biện chứng ấy còn chỉ ra rằng, tư tưởng thống trị chỉ ngự trị trong chừng mức chưa xảy ra xung đột gay gắt giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Khi đó một cuộc cách mạng trong lĩnh vực các quan hệ xã hội còn chưa xảy ra. Nhưng một khi nó sẽ xảy ra thì dấu hiệu nhận biết chỉ có thể là ngọn cờ tư tưởng oằn mình đảo hướng. Chẳng cứ phải đợi đến lúc “nước lật thuyền”, khi cuộc “cách mạng long trời lở đất” còn vẫn rành rành, dẫu thời gian có vội xóa… thì không gian sinh tồn, chế độ an sinh một khi bị thách thức đến mức thôi đành “... ba bảy cũng liều”, e rồi “đáy nồi” không còn kịp “rút củi”(!).
Nguyên lý thống nhất thể đã khiến Faraday lập tức liên tưởng ngay đến vấn đề “chuyển từ thành điện” sau khi hay tin kết quả thực nghiệm “dòng điện có thể chuyển hóa thành từ” của Hans Christian Oersted. Và ông đã phải mất 10 năm lặp lại các thực nghiệm rồi mới quy nạp được kết luận “chuyển động đều là điều kiện tất yếu để cho từ chuyển hóa thành điện”. Bởi chỉ khi sắt từ được đưa vào trong vòng đồng cũng như khi vòng đồng lồng trên sắt từ thì trong vòng đồng lúc ấy mới sản sinh ra dòng điện cảm ứng. Cho nên, “Mọi thứ đều là bất khả, chỉ khi sự thật đến”. Người Pháp có câu “Chưa về tới nhà chưa biết trời mưa”.
Nếu lý luận biến thành hiện thực thì Việt Nam đã coi như là nước xã hội chủ nghĩa. Một thế kỷ non, kể từ 1930 đánh dấu sự ra đời của nhân tố điều kiện đủ để hoàn thành công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội vào năm 2020 tuy có thể là không dài, nhưng “cơn đau đẻ kéo dài” nào cũng không cứ phải mãi “câu giờ” qua thế kỷ. Không có một “cơ thể sống sinh động” nào lại có khả năng chịu đựng nổi cuộc trở dạ đau đớn, vật vã mãi... Nhìn từ góc độ tự nhiên học, nó làm hao tán quá nhiều nhiệt lượng; nhìn từ góc độ xã hội học nó thách thức mọi đức kiên nhẫn và chọc giận thái độ đố kỵ. Nếu không phải chỉ làm gia tăng thái độ cố chấp, thì “giàu ăn uống khó đánh bới” không chỉ là thói quen phàm tục, nó trước hết là sự thăng hoa của những dục vọng bị dồn nén!
Kẻ bệnh tâm thần là nạn nhân của những ức chế vô thức, tức họ bị mất đi cái năng lực nhận thức cái gì đang ngăn cản họ biết đâu là căn nguyên nỗi thống khổ của họ. Theo Freud ức chế cũng là một thứ kìm nén không cho phép người bệnh biết nguồn cơn khiến họ có cách hành xử khác thường. Ông cảnh báo chỉ một phần nhỏ của tâm trí là hữu thức, còn lại là vô thức, là động cơ của hành vi.