Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Ý nghĩa của mẫu hình trong giáo dục mẫu hình ý nghĩa

1. Nói như Giáo sư Trần Đình Sử, “Nhiệm vụ của giáo dục không phải dạy những điều học sinh thích mà là làm cho học sinh thích những điều các em cần biết cho tương lai” là bởi sở thích học trò thì mênh mông trong khi những đáp ứng từ phía nhà trường thường có hạn.
Hơn thế, các trạng thái tình cảm là phi logic, bất chấp mọi quy tắc của lẽ phải thông thường. Người ta không thể bị thuyết phục để có được hay thoát ra khỏi được một trạng thái tình cảm nhưng tự do ý chí lại là thứ giúp con người có thể chế ngự được các cảm xúc và điều chỉnh phản ứng trước những khiêu khích của môi trường.
Giáo dục nước nhà đã làm mất đi sự tinh tế Hồ Chí Minh trong “Thư gửi học sinh” (1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Thay vì chỉ ra cho người học một điều giản dị nhất: sự thay đổi thân phận của một cá nhân, một đất nước, một quốc gia dân tộc chỉ có thể thực hiện được bằng con đường học tập, mà cơ hội học tập thường không có sẵn, thì giáo dục lại quy giản hết vào chính trị: “có sách mới áo hoa là nhờ công ơn Đảng ta/ Vui tung tăng vang ca, có Đảng cuộc đời nở hoa” (lời trong một ca khúc dành cho thiếu nhi).
Sự tinh tế học đường mất đi khiến nhà trường biến thành sân chơi chính trị. Với tính cách là công cụ của chuyên chính vô sản, giáo dục nhà trường cứ loay hoay miết mà không biết dạy gì và như thế nào, khả dĩ thay đổi thân phận con người, biến được tất cả những con người từ “ao tù nước đọng” có thể “giũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Khi Hồ Chí Minh trong “Chính sách ngu dân” canh cánh một điều, làm sao cho nước nhà sớm được độc lập “để giáo dục cho thanh niên An Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ” từ đó mà chấm dứt được tình trạng “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học, chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh thiếu niên khinh rẻ dòng giống mình. Nó làm cho thanh thiếu niên trở nên ngu ngốc. Điều gì có thể rèn luyện được cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường.”(*) Thì có được độc lập, giáo dục lại chỉ mỗi việc hí hoáy “tinh lọc ngôn ngữ” như người chủ sự mân mê những chiếc đinh ghim.
Tất cả những câu chữ giáo khoa đều phải tổ chức sao để  âm luật hòa được vào dòng chủ âm “Dô khoan là khoan dô hò, là khoan dô khoan/ Trời Việt Nam gió reo nắng cười/ Đàn bồ câu tắm trong vàng tươi/ Người Việt Nam đón Xuân xây đời tương lai…”
Đành nhẽ, giáo dục rất phải thấm đẫm tinh thần nhân văn, ăm ắp tình người, tình đời… nhưng bận bịu với nó một cách khiên cưỡng khiến con người đã không kịp thì mà nhìn nhận ra được những mẫu hình của chính mình. Còn như việc giảng dạy như là nhiệm vụ cốt lõi, thì ngoài việc minh họa ra, đã không thông giải được ý nghĩa của những mẫu hình tượng trưng, đưa lại cho cuộc sống niềm đam mê, sự khát khao được thể hiện và thực hiện được những gì hàm ẩn trong những mẫu hình tượng trưng ấy.
Nhiệm vụ của giáo dục là định hướng cuộc sống. Việc phải làm là trả lời rốt ráo những câu hỏi lớn như Kant từng đặt ra: (1) tôi có thể biết gì? (2) tôi phải làm gì? (3) tôi có thể hy vọng vào điều gì? (4) con người là gì? mà công cụ sắc bén nhất không thể không là “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại” (Descartes).
Nếu không tách ra khỏi ngữ cảnh suy tư thì “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại” là nhằm xác thực chủ thể nhận thức học tập trước ngổn ngang hoài nghi về nhận thức. Đó là những khắc khoải mà con người muốn tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, của hành động như là bổn phận của một hữu thể tìm cách sáng tạo chính mình mà cần đến những mẫu hình ý nghĩa. Đây là một tiến trình cấu tạo những mẫu hình con người tương ứng với thế giới quan và nhân sinh quan cá nhân, tức học vấn của bản thân.
Có lẽ, khỏi phải phân tích ý nghĩa sâu xa cùng những hàm ý ẩn dụ xã hội trong “Chính sách ngu dân” của Hồ Chí Minh. Không ai không thấy hạnh phúc lớn lao của con người là yêu được người mẹ dứt ruột ra mình, là yêu được chính bản thân mình, thể hiện đúng bản thân mình trước “những kẻ mạnh hơn mình”. Phải giáo dục lại cho tất cả thanh thiếu niên An Nam lòng yêu nước là yêu chính người mẹ đã sinh ra mình chứ không phải là “mẫu quốc” chỉ chực ăn hiếp mình; là sống trung thực chứ không cứ là “theo thời mà ở thuận” của thứ chủ nghĩa vị kỷ.
“Con ngoan, trò giỏi” với “Kính thầy, yêu bạn” đã không thể làm ra được những nhân cách “sống tử tế”: con cho ra “con”, trò cho ra “trò”, thầy cho ra “thầy”, bạn cho ra “bạn”. “Tiên học lễ hậu học văn” thực tế đã không tạo tác nên các mẫu hình “cần, kiêm, liêm, chính”, là thế.
Yêu mẹ không hoàn toàn hàm nghĩa báo hiếu mà vượt lên trên cả đạo lý gia đình theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp là bổn phận làm người công dân đối với thế giới, mà trước hiết là đối với quê hương đất nước mình. Có nghĩa là dựng xây một xã hội “hoàn hảo” hoàn toàn là mối quan tâm có tính thực tiễn chứ không chỉ là vấn đề mang tính giáo dục suông. Cái đó mới thực sự trở thành động lực của hành vi học tập theo nghĩa chung nhất. Điều này cho phép cắt nghĩa cho những hiện tượng đỗ đạt đã không góp chút nhỏ nhoi nào cho sự thay đổi thân phận cá nhân cũng như cộng đồng, trái lại, có khi lại làm cho cá nhân tệ hại, cộng đồng lụn bại, thảm bại hơn: nô lệ vẫn hoàn nô lệ, vong thân vẫn cứ là vong thân.
“Trung thực” là điều khó khăn nhất trong tất cả những điều mà con người phải đối diện, nhưng “không sợ kẻ mạnh” không phải là điều mà con người không làm được. Nếu “kẻ mạnh” như một chất gây “nghiện” thì đã có biết bao nhiêu người đã thay đổi hoàn toàn “nghiệp chướng” bằng con đường nỗ lực học tập để có thể hoàn toàn thể hiện tính chủ động trước hoàn cảnh và làm chủ bản thân. Thì chính những nhân cách văn hóa là như thế. Trong “các tác phẩm văn học dùng trong nhà trường” thì chỉ với chút bổn phận làm người lương thiện phảng phất trở lại thôi cũng khiến Chí Phèo thay đổi được thân phận cá nhân đấy.
Giáo dục không thể tạo nên toàn bộ nhân cách văn hóa nếu ai có ý định quy hết nhân cách văn hóa vào giáo dục nhà trường. Nhưng giáo dục nhà trường hoàn toàn có thể và cần phải tạo nên các mẫu hình nhân cách hay tính cách văn hóa. Cậu bé Đỗ Nhật Nam là một của những mẫu hình nhân cách văn hóa học trò:

“… Cháu cũng muốn chuẩn bị hành trang tiếng Anh cho mình để thực hiện ước mơ. Cháu đã đi học thêm tiếng Anh và tự học để nâng cao khả năng tiếng Anh” “Song, điều giúp cháu tiếp tục phấn đấu chính là tình yêu với Tổ quốc. Cháu muốn chứng tỏ với bạn bè năm châu rằng Việt Nam là đất nước không hề thua kém những đất nước khác. Vì vậy, cháu đã cố gắng rất nhiều. Cháu trở thành học sinh xuất sắc nhất toàn bang, đạt được nhiều bằng khen, ghi nhận của các thầy cô, bạn bè. Khi trở về Việt Nam, cháu đã dạy tiếng Anh miễn phí cho hơn 900 bạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 5” (Nhật Nam nói; theo nhà báo Minh Đức).