Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Gộp Tết ta với Tết tây / ăn Tết tây bỏ Tết ta…


Nghe cơ thì mới thấy được cái lổn nhổn, như là lúc xe ben đổ đá ấy…
Thế mới biết… Thật chẳng dễ tý nào cho cứ cái gì ưa thì được, ghét thì bỏ quách!
Thực ra, thì cái từ “Tết” có ý nghĩa gì đâu khi nó là cái từ “tiết”, do “đọc trại” mà thành: tết thầy, tết bà, tết bề trên, tết ma, tết quỷ…
“Lễ Tết” làm khó cho người chạy ăn từng bữa, làm lợi cho kẻ ngồi mát “hứng” bát vàng!

Tiết trời “ấm áp” sau những ngày co ro vì giá lạnh, nheo nhóc vì thiếu bữa quanh năm đã khiến cho muôn loài có dịp “hồi sinh” bừng sắc. Nhà nhà, khấm khá thì bày vẽ ra bù khú, ăn uống vui vẻ gọi là “lễ”; bần tiện thì “chia ngày chia bữa” đặng đắp đổi những khi “bóc ngắn cắn dài”.
“Lễ là chuyện ăn uống” của Nho gia nếu diễn đạt bằng ngôn từ hiện đại thì nó dùng để hàm chỉ về quan hệ phân chia của cải. Đó là dịp bổng lộc chen chúc chui vào túi “bề trên”. Cho nên Tết là dịp làm gia tăng của cải gắn với phẩm bậc, quyền lực. Là dịp tận thu của giai tầng quý tộc.
Lang Liêu làm ra bánh chưng cốt để cung tiến Vua Cha. Ý nghĩa của sự tích này còn là minh định cho thân phận thần tử! Không có cung tiến thì là “bất lễ”, “… lễ không đến hạng thứ dân”.
“Giàu ăn uống khó đánh bới (/ chửi)”(!). Nhưng thật khó mà giữ cho được “ăn chia” mà không “đánh lộn”. Tranh chỗ giành ăn mà không đánh lộn đánh lạo thì chỉ còn có trong cái xã hội bầy đàn, nơi quyền lực của cá thể đầu đàn được xác lập không dựa trên sự “tín nhiệm” tự nhiên của cộng đoàn. Tranh nhau mà không “chửi bới”, ít nhất thì cũng là chửi đổng, thì cũng chỉ có trong xã hội bầy đàn, nơi ngôn ngữ hình thể là thứ rất được ưa chuộng mỗi khi giao tiếp. Nhìn vào các Lễ hội do Tết, đúng ra là “biến thái” của Tết, người ta không thể không nhận thấy thứ văn hóa hoang dã thuần tính bầy đàn đặc trưng cho thời hỗn mang.
Treo cổ “bạn của nhà nông”, giáng búa tạ vào “đầu cơ nghiệp”…, “chém lợn”  mua vui cho các thần cốt chỉ để tỏ được thứ đặc quyền giao tiếp với thế giới thần linh… thì chỉ có loài ăn xác thối mới phải đi tìm kiếm lợi lộc từ sự giết chóc! Mâm lớn mâm bé rặt đồ hàng mã hàng nhái, xì sụp đội sớ, nhăn nhở cúng vái… thì cũng duy có loài chuyên nghề mối mọt mới phải viện đến cung cách “ăn nói” phỉnh phờ hợp ý “bề trên”.
Tội nghiệp đám “chủ ông”,  “một năm chí tối không dám chơi không lấy một ngày”. Đã không dám “đi xe công” lại còn biếng lòi tiền thuê xe cộ; đã không thèm biết đến chuyện mặc cả với hàng ăn rồi, mà lại còn làm ra vẻ “biết” cách xấu hổ với việc thuê bao khách sạn… thì thần linh cũng chỉ còn mỗi cách phủi đít!
Nói thế mà tầng lớp tiện dân cũng không mấy biết tự ái về văn hóa lễ hội của mình đâu! Hãy xem họ cư xử mấy ngày Tết. Dẫu đói khát cả năm mà Tết nhất vẫn quyết không để ló ra cái khó cái nghèo. Không tin thì hãy dạo thử một vòng qua các làng chài duyên hải Miền Trung, các xóm nghèo vùng lũ chồng lũ vừa qua, xem thử. Đúng là “Chẳng giàu thì nghèo”, thế mà “30 Tết có thịt treo trong nhà” cả đấy, chứ chẳng vừa!
Là tại cái “dương sao âm vậy”. Tết nghèo là nghèo tiền nghèo bạc chứ ông bà không vì “mâm cao cỗ đầy” mới về sum vầy cùng con cháu! Đành nhẽ lễ tết hội hè là do ông bà làm ra để cho. Nhưng để cho là để cho cái tinh thần giáo dục cộng đồng khiến con cháu lấy đó để biết ăn ở phải đường phải đạo: biết yêu thương trên dưới, sợ trời… chứ không phải chen vai đạp cổ nhau cốt “hối lộ” thánh thần, đặng hoan hỉ với chút lộc thừa bổng cặn!
Cho nên, bày ra chuyện Lễ Tết là để con cái có ăn được miếng ăn ngon. Muốn được vậy thì ngoài việc lam làm ra còn phải biết tằn tiện. Tằn tiện cả trong việc “cống nạp”. Không phải là cái gì hễ “trên thích là dưới chiều”. Dâng tiến là dâng tiến thứ mình làm ra mới là tỏ tình hiếu nghĩa, thứ ấy đã có “thuế má” làm thay, chứ còn rượu Tây, đô-la, siêu xe, biệt thự… kể cả hàng thật lẫn đồ “biến thái” do tước đoạt lẫn nhau mà đem dâng tiến… thì cũng chỉ dành cho “kẻ khéo” với nhau. Người khôn không trái. Đó mới là thuần phong mỹ tục.
Vậy là, chuyện Tết nhất tức là Tiết Xuân, cũng như là lễ hội. Được bày ra là cho thế hệ sau, cho kẻ nghèo khó, trước hết cho kẻ sa cơ, người lỡ vận. Đó là dịp để con người thể hiện với nhau tấm lòng bao bọc. Không lo được cho thế hệ sau, cho người nghèo, kẻ sa cơ người lỡ vận có cuộc sống khá hơn vào năm mới thì cần phải dẹp bỏ đi việc Tết nhất. Vì ý nghĩa Tết nhất là tượng trưng, là gợi tả. Không phải cứ nghèo khó thì mới thấu hiểu được điều mình ao ước. Nhưng con người cộng đồng bao giờ cũng mong cho nhau những điều được cho mình. Không có được no ấm nên mới chúc nhau no ấm; cực nhọc quanh năm lại ăn uống kham khổ nên chỉ muốn cho nhau “chân cứng đá mềm”. Mong sao cho mưa thuận gió hòa để hạt gạo làm ra không bị lũ nhấn chìm, con cá con tôm bắt được sẽ thêm cho người già ngọt bát canh, con trẻ mạnh cái gân cái cốt để được tung tăng bay nhảy!
Thế nên có nghèo đến đâu thì Tết như nào cũng vẫn phải là Văn ấy. Gọi là văn hóa nghèo, văn hóa đùm bọc. Văn hóa đùm bọc mới “đùm” được nhau. “Lá lành” đùm được “lá rách” là bởi cả hai lá cùng rách! Thế cho nên bọn trẻ con chỉ mong có Tết. Tết đồng nghĩa với manh quần tấm áo tinh tươm, … “hơn” trẻ hàng xóm!
Tết đồng nghĩa với “nhất”. Nhất là tất cả. Trẻ được ăn uống thỏa thuê, vui chơi thỏa thích; già thì hả hê thỏa mãn thấy trẻ mà biết mình từng được chiều chuộng thương mến, chăm lo; bé ngước lên mà thấy rõ bản thân mình; lớn trông xuống biết chu toàn bổn phận.

Đó là lễ hội. Chẳng riêng ngày nào mới là Ngày Xuân!