Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Nhân một đảng viên "gạo cội" tự ra khỏi đảng, bàn lại về suy thoái (4)

Để khái niệm về Đảng luôn có nội dung hiện thực mỗi khi đề cập đến nó, người ta không thể không đề cập đến bộ phận ưu tú nhất với những gương mặt đặc trưng cho đời sống đạo đức: khổ hạnh và kỷ luật ở các cấp ủy viên.
Họ là những cá nhân tinh hoa trong một tổ chức gồm chỉ những người con ưu tú của giai cấp công nhân và cũng chỉ giai cấp ấy mới có đời sống tằn tiện và sinh hoạt nghiêm túc.

Một lẽ, giai cấp công nhân là đại biểu cho nền đại công nghiệp. Chính nền đại công nghiệp ấy mới trui rèn cho giai cấp ấy một phẩm chất không một giai cấp hữu sản nào có đó là tính kỷ luật. Diễn đạt bằng những danh ngữ thông dụng mới, thì đó là ý thức thường trực thượng tôn pháp luật. Bởi vậy, cấp ủy viên là những người đi trước trong việc nắm vững luật pháp, hành vi của họ bởi thế luôn đáng được nêu gương cả trong và ngoài Đảng.
Thứ đến, lối sống tằn tiện của người công nhân hình thành bởi họ đa phần xuất thân từ giai cấp nông dân và bị tước đoạt hầu như tất cả, trừ sức lao động được tự do, các lực lượng sản xuất. Chừng nào một nền đại công nghiệp còn chưa phát triển đầy đủ, người công nhân còn phải tiếp tục đời sống tằn tiện bởi năng suất lao động thấp, lao động thặng dư của họ chỉ đủ bù đắp cho hao phí lao động quá khứ ấy là còn chưa nói đến yêu cầu tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Những đại biểu của giai cấp công nhân, thành phần ưu tú nhất còn bị những đòi hỏi phát triển nhanh mạnh của công nghệ thường xuyên dằn vặt tạo thành thứ áp lực khiến họ luôn phải biết từ chối những “ưu đãi”, nói cách khác là biết hy sinh lợi quyền trước mắt của mình.
Điều này khiến bộ phận tinh hoa của Đảng thực sự là đầu tàu “lo trước sướng sau thiên hạ”.
Tuy nhiên, nhìn vào một số cấp ủy một vài nơi, người ta không thể không ngỡ ngàng trước đời sống xa hoa của người đứng đầu cấp ủy ấy.
Nguyên do từ đâu thì… khi viện đến cụm từ “suy thoái” nó cứ một mực mà rằng, trước khi nó là nguyên nhân, nó chính là kết quả của cái gì trước đó.
Cái đó có thể là nền sản xuất chăng?
Theo Lê nin thì nền tiểu sản xuất mới là cơ sở hàng ngày hàng giờ sản xuất và tái sinh ra chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản.
Giai cấp tư sản tạo ra nền đại công nghiệp cơ khí và giai cấp vận hành nền công nghiệp ấy. Giai cấp này sẽ trưởng thành cùng với sự trưởng thành của đại công nghiệp. Sự phát triển này đòi hỏi sức lao động công nghiệp phải được giải phóng. Yêu cầu đó cũng đồng nghĩa với việc phải thường xuyên đổi mới kỹ nghệ. Nhà tư bản do mải mê theo đuổi lợi nhuận siêu ngạch mà không chú trọng đúng mức vào đổi mới công nghệ khiến nó trở thành kẻ vừa tạo ra nền công nghiệp vừa tao ra lực lượng sử dụng chính nền công nghiệp ấy để xóa bỏ chủ nhân của nền công nghiệp chinh nó tạo ra. Giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản đã tự đào mồ chôn mình, hiểu theo nghĩa ấy!
Theo nghĩa ấy thì “Cách mạng vô sản là sự chiến thắng của giai cấp vô sản trước giai cấp tư sản, là sự thiết lập một trật tự xã hội mới bằng cách xóa bỏ mọi sự phân biệt về giai cấp”.
Đây là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn giai cấp, hình thức biểu hiện của  xung đột trong sản xuất. Việc này diễn ra theo cách thức từ những thay đổi dần về lượng dẫn đến “sự thiết lập một trật tự xã hội mới”. Với việc “xóa bỏ mọi sự phân biệt về giai cấp”, “sự thiết lập một trật tự xã hội mới” là sự phủ định triệt để xã hội áp bức bóc lột nói chung.
Cuộc cách mạng do giai cấp công nhân trong xã hội tư bản tiến hành là sự vận động tổng hợp của các quy luật cơ bản của phép biện chứng. Sự biến đổi dần dần về lượng: tính chất cách mạng trong nền sản xuất gia tăng; sự giải quyết mâu thuẫn giai cấp: “tháo ngòi” xung đột giữa các quan hệ tư bản và lao động trong sản xuất đã đưa lại sự diệt vong của xã hội tư bản. Và sự diệt vong của xã hội tư bản và sự chiến thắng của giai cấp vô sản là tất yếu như nhau.
Cho nên, khi “rọi” vào “một bộ phận đảng viên không nhỏ” chúng ta thấy hiện lên màn hình danh từ chuyển động “suy thoái”. Đó là “khối u”, nói theo cách Lê nin trong “Nhà nước và cách mạng”: Sống bám vào xã hội nhưng lại làm cho cơ thể xã hội đêm ngày nhức nhối.

Trong khi chờ đợi giới y học Nga cần tới 4 năm để sản xuất ra hàng loạt thuốc tân dược tiêu diệt các khối u thì vẫn nên dùng máy soi tầm soát toàn bộ cơ thể. Gặp là cắt. Chứ không “chờ được mạ thì má đã sưng” mà năm 2020 tức còn 4 năm nữa, một nền công nghiệp theo hường hiện đại, gì thì gì cũng đã tới nơi rồi!