Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

NỠ NÀO “ĐẶNG CÁ QUÊN NƠM” (tiếp)

Nén lại tất cả các chiều không-thời gian trong một bài thơ vỏn vẹn hai mươi tám chữ, thì duy chỉ thơ tứ tuyệt mới có thể làm! Không nhẽ lại còn đi tìm định nghĩa cho nghệ thuật ẩn dụ như là phương thức chuyển nghĩa của từ nếu Tiếng reo còn có thể đem lại được điều gì khác ngoài tất cả các âm thanh đều được hợp nhất trong tiếng vang của nghĩa. Và khi người ta chỉ có thể đọc lên cái còn ẩn giấu sau tất cả những cái nói ra thì việc đi tìm ẩn ngữ trong Tiếng reo sẽ là diễn tiến của một giấc mơ bừng tỉnh. Tư duy thơ tiến triển liền mạch từ quá khứ như là ngữ pháp của giấc mơ về huyễn tưởng bonsai. Nghệ thuật truyền thống trong đó người nghệ sỹ không hề ký tên và đề ngày tháng ở một góc nào đó trong tác phẩm khiến nghệ thuật bonsai đã củng cố một cách kỳ diệu cho một quan niệm chỉ cái bây giờ mới là mãi mãi. Nếu có một cái gì đó không bao giờ hoàn thành (trong thời gian) cái đó là nghệ thuật bonsai! Bonsai là một thú chơi, mọi thời gian có đổi thay thì cũng chỉ là để phù hợp với vẻ ngoài của cây mà về cốt lõi vẫn y nguyên như thế. “Cây cao bóng cả” trong Tiếng reo được đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân sắp đặt như thế nào thì phần kết (hay hợp) của thơ cũng không cản trở những ý nghĩ sâu xa không dễ gì có thể nói ra…

Câu thơ 1 – 2, đề (hay khởi) phác họa lên cái khung trời tuổi thơ tưng bừng qua cặp thanh ngang mà làm bừng lên cái “chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu”! Có đâu nhiều, ai, người tung tăng chỉ với chiếc khăn quàng vai vào cái ngày cậu bé chạy việc lên mười - Trần Đăng Khoa, mỗi cái việc “lon ton đưa cơm…” mà sáng tạo nên “Hạt gạo làng ta”! Ôi sáng tạo! Sáng tạo đâu có khác là sự tìm tòi! Một loại thử sức rèn luyện với chính bản thân con đường mà không câu nệ vào việc phải hỏi thăm người khác. Tuổi thơ… Thì ra chỉ cái tuổi này mới có cung cách xử sự của nhà thơ. Người làm thơ… hẳn phải là người nào đó, bản thân phải giản dị đến thế nào thì mới có thể nghĩ ra nổi những ý tưởng như vậy. Trẻ con vui chơi vì nó bắt chước được nhà thơ, nhà thơ trong các cuộc chơi thì lại bắt chước đấng sáng tạo nên đã để ra rất nhiều tình cảm vào “tiếng suối trong thầm thì…” Cảm hứng chủ đạo của thơ có thể từ nguồn mạch sáng sáng trống trường làng gióng giả… Lão ông gác trường thong thả như một mái dầm khỏa nhẹ lên những cảm xúc, thứ cảm xúc chỉ có thể cảm thụ qua người mẹ mỗi khi chạm vào đôi gót hồng hồng nhỏ xíu của đứa con… Kìa những chân sáo ào vào lớp học… Kìa bóng chiều dồn hết về góc sân giờ chỉ còn lại sự im ắng… Kìa dáng ông lão chập chờn y như bóng những gốc bàng… Cặm cụi kiếm tìm khi que khăng, quả chuyền đẽo gọt từ những cục sét khô. Cái bọn trẻ, … chơi trò thì chả bao giờ biết chán. Chỉ phải cái chúa là hay bạ đâu bỏ đó!    

Cứ đến độ sang hè là những gốc bàng già nua kia lại y hẹn mà cùng nhau xanh trở lại… Cũng lại là những ngày mà tiền tuyến lớn chỉ dồn dập những tin vui! Ở đâu và lúc nào đám học trò nhơn nhớn cũng được gặp các thầy cô… Được các thầy cô dành cho rất nhiều tình cảm… Lại còn không hiếm lần được thầy cô định hình nhân cách qua đôi câu thơ rất được cẩn thận chọn đọc cho nghe…

“Đã hay đâu cũng say tiền tuyến

Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường

Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ

Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”

                                                (Tố Hữu)

Đâu như bâng khuâng là về những ký ức. Những ký ức đã rơi vãi đi hầu hết những buổi chiều ngăn ngắt xanh đến tận cánh diều… Tuổi thơ vèo vào thách thức! Một thứ thách thức tự làm mê hồn những cậu học trò mười lăm, mười bảy! Ở cái tuổi “áo chưa sờn đã chật” thì chỉ mỗi cái việc “chuyển giao” lại cho em chiếc áo vừa được bận một lần hôm Tết, khi nghe “Tổ Quốc gọi tên mình”!

Có lẽ phải là thứ tâm trạng lần đầu đến nơi hò hẹn ở một cậu trai vừa lớn, mới khiến nổi đám học trò “nhớn xác” mới bắt đầu ao ước được cái nhìn của em yêu là như chim sáo sổ lồng… Được “rập bước đi trong hàng ngũ lớn (…) làm “Cánh chim lớn mang cờ của Đảng/ Bay bay mãi đến chân trời Cộng sản/ Như cánh chim Bằng cưỡi gió ước mơ” (Lưu Trùng Dương), thì cái huyễn tưởng thuốc súng ám ảnh tuổi thơ mơ về một tổ ấm cứ chiều đến, từ những cánh đồng người cha trở về nhà như một thứ lửa của thuật giả kim bị giam chặt trong lò nấu: tung ra và thúc đẩy đi tới “vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân”!

“Chí nhớn chưa về bàn tay không” như một thứ cá tính của lửa và nhiều lửa mà lẽ tự nhiên cần quy tụ về một nguyên tắc có tính nội tại.  Cái góc sân còn chưa thôi phảng phất hơi rơm; mỗi nắng sớm, lúc chiều nghiêng lân la dò hóng tin cha…; tối tối lại “góc học tập” lại khắc khoải ánh đèn; thảng tiếng con chim Cuốc lạc bờ lại chạnh lòng tới một chiều chơi diều cùng mấy anh vội vã tạt qua nhà để vừa đủ nói nên lời từ biệt mẹ!

Hiếm lắm thì có đứa mới có lấy một tấm hình thanh nữ, tô vội lên đôi nét bút chì màu… Một thứ son mà thực sự ở đó, nó có đủ thời gian để cảm nhận được nét đẹp hanh hao suốt tháng năm chờ chồng của mẹ… Còn thì chất “Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”, “Ba năm mẹ già cũng đừng mong” ngay đến “chị thà coi như là hạt bụi” nữa là em chỉ như “hơi rượu say”...

“Ý cũng rắp ra ngoài đào chú

Quyết lộn vòng phu phụ cho cam”

                      (Nguyễn Gia Thiều)

Câu 3, có đâu hẳn ra đã là câu ca… Có lẽ là lúc cái dồn nén đã quay trở lại! Bên trong, và còn phải là cả ở đằng sau nữa - cấp độ dồn nén, là sự khẳng định của hiện tại mà tâm trí như có được điểm tựa để cứ thế mà phát triển mãi ra…

“Nay đã trở nên người anh Cả”

Ở đây, sự phân vân giữa âm và nghĩa mới tạo nên quan hệ bất đồng thanh coi như một ấn tượng nào đó lúc thiếu thời bất ngờ được đánh thức. Luật bằng trắc trở thành độc đáo khi chủ thể dùng thanh hỏi. Không khó để nhận thấy hiệu quả qua việc nó làm cho cặp câu có cùng kiểu thanh mất đi vẻ đơn điệu. Đã thế lại còn khiến được câu chẵn - lẻ liền kề biến nhịp để ngỏ cho tính gợi thanh, qua phép đảo mô hình lẻ - chẵn.   

“Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”

                                      (Hồ Chí Minh)

Ở đây, vần “trắc”, nhưng là thanh sắc mà làm tăng hiệu quả gợi tả nỗi xót xa đến tê ruột tái lòng vì vận nước, suốt cả năm canh không sao ngủ, thì “chưa ngủ” mới là cái trạng thái từ của tỉnh giấc, tiếng vang lên của “eureka”! Cái “chợp mắt” là dồn nén niềm tâm sự cá nhân lúc “Tổ Quốc gọi tên mình” vào cái hình thái bộc lộ cảm thụ đau khổ con người khi “tự do quyền” hoàn toàn bị tước đoạt… Có thế thì giành lấy tự do mới không có gì khác là giành lấy quyền “tự-quyết-lấy”. Nếu không phải là quyền không có sự kiểm soát để sắp đặt con người hay tài sản của mình thì tự do đâu còn ý nghĩa gì. Khi đó “chưa ngủ” được trở thành một đặc tính thời gian, với tính cách là điều kiện thực hiện mọi sự dịch biến, kết quả của việc luận giải “nỗi nước nhà”.  

“Anh Cả” là ca khúc khải hoàn, kết quả suốt cả quá trình “giữ mình cẩn thận khi ở một mình” hay còn gọi là “thận độc”. Khi “Trung hòa” chỉ về sự tu dưỡng đạt đến một giới hạn hài hòa thì “Trung dung” mới là một bứt phá, bước tiến triển lên trên mức “chỉ túc”. Hình ảnh một cánh diều no gió in vào trời xanh gợi nên một cảnh sắc yên bình giấc mơ gia đạo thuận hòa!