Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC KỲ NÀY


Được nhận thư của GS.TS Phạm Vũ Luận gửi chung cho…, có tôi; lại nghe một số đại biểu Quốc hội tranh luận qua bản tin 19 giờ ngày 20/11, tôi muốn chia sẻ với các quý ông bà ấy… Tôi đăng lại bài viết trên blog Chu Mộng Long, tháng 5/'14.

Việc tin hay không vào “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” sẽ đi đến đâu không còn là vấn đề phải lý lẽ. Đâu phải bây giờ “đổi mới giáo dục” mới được đặt ra. Không lẽ tất cả các biến tấu ngôn ngữ với hàm nghĩa “đổi mới” bấy nay không phải là để dành cho công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” này ?
Ba lần cải cách, chứ lại chẳng phải là đổi mới (?!). Còn bây giờ thì là “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” để năm 2020 hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, sao chẳng phải là để đất nước chúng ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” ?
Cũng như đã hơn một lần cải cách/ đổi mới giáo dục, lần này Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đứng ra tiến hành tất cả. Tất nhiên, với chức năng quản lý của bộ này thì không thể bộ nào khác có thể gánh vác tốt hơn sứ mệnh “quốc sách hàng đầu” này. Thế nhưng quy hết vào chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục như mọi lần e rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi lại như người khổng lồ ghé vai vác đá, để lại… để đá lại giữa đường !
Đề án sách giáo khoa hoành tráng với chỉ vẻn vẹn một nửa của 70 ngàn tỉ [1], tương đương “gói giải cứu thị trường bất động sản” lần đầu, mà Bộ này vừa “bảo vệ luận án” trước Quốc hội, khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo giành được “chỉ định thầu” ! Các “nhà giáo khoa” "chép lại nghị quyết Trung ương" [2] sẽ lục tục kéo lên Sa Pa, Đà Lạt, ra Đồ Sơn hay bay tới Vũng Tàu, có khi mang theo vợ con để tăng thêm cảm hứng sáng tạo các bộ sách giáo khoa sơ đồ hóa. Các nhà in sách giáo khoa sẽ khởi động chạy thử các “dây chuyền không tải”… Các “cây kiểm định chất lượng” với dao kéo được chuẩn bị để bắt đầu đọc morad… Các nhà giáo dục học bắt đầu toan tính đến các phương pháp dạy học “tấn công não”; “phương pháp dự án”; “phương pháp bàn tay nặn bột”… cho sự chuyển dịch trở lại vị trí con chữ A/E trong mỗi “Tập vần”. 24.300 tiến sĩ trừ đi 9.000 đang làm công việc giảng dạy, sẽ trở về với bục giảng khi đến tuổi nghỉ hưu… Giáo dục lên ngôi với sự "dồi dào" chất xám trong lộ trình dự kiến tăng lương cho giáo viên…
Phát huy nguồn lực cho đổi mới thấp thoáng bóng dáng tiềm ẩn những tờ polimer. Như thế mới đủ thấy việc gì có tiền thì khó mấy cũng làm được. Có bao nhiêu cũng làm. Không “lo” được đủ, thì một nửa của 70 ngàn tỉ cũng cứ tiến hành “đổi mới”. Chứ không nhẽ tiền nhiều mới làm, “tay không làm nổi cơ đồ…” còn được nữa là!
Cho nên có gì làm nấy. Đổi mới mới là tất cả. “Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” – ông Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn (Nguồn: VietnamNet).
Ông Giáo sư Trần Đình Sử đặt hy vọng vào phương pháp dạy học tốt sẽ cho phép khai thác và sử dụng được cả hai nguồn sách giáo khoa cũ và mới là ông tỏ rõ một nỗi xót xa cho một gói tín dụng khổng lồ đã ném vào việc viết lại sách mà đã “chưa khai thác được nhiêu”. Có lẽ ½ của 70 ngàn tỷ kia là do có được phương pháp dạy học tốt, tốt hơn cái phương pháp dạy học mà lâu nay giáo dục tìm kiếm trong các hội thảo khoa học “đổi mới nội dung và phương pháp dạy học” hơn là từ những “mệnh lệnh cuộc sống” đấy. Thực ra, đổi mới giáo dục mà không đổi mới sách giáo khoa thì đó là điều không ai có thể “chịu đựng” được. Ngân sách phải trả cho việc viết sách không thể ít hơn gói tín dụng dành cho giải cứu bất động sản mà có thể thuyết phục “Ban quản lý đề án viết lại sách” “buộc bụng”, khi mà thông thường thì lại phải/ đã “dự kiến” xong xuôi ban quản lý đề án cho đổi mới thì lúc đó có đổi mới cái gì thì cái đó mới được “ló diện” trên “bàn cân”. Cứ xem các đề án khai thác quặng boxit; đường sắt cao tốc… thì biết. Không được như thế thì ai/ người đổi mới nội dung sách giáo khoa, nếu không phải là các ông thầy bà cô, những “tấm gương tự học và sáng tạo”. Tuy nhiên, tấm gương tự học và sáng tạo chỉ là một khẩu hiệu. Thực tế nó là khẩu hiệu… Mà phàm là thế thì nó không thể để thành chức năng của ông thầy/ bà cô giáo. Mà có xa xôi gì, cái sự kiện “rút phép thông công” đối với chủ nhân Luận văn Thạc sĩ của Nhã Thuyên-Đỗ Thị Thoan cho thấy sáng tạo chỉ là thứ “trầm tích”, mà trình độ công nghệ của chúng ta chỉ có thể bảo tồn nó về mặt ngôn ngữ thôi.
Điều này sẽ không thể không làm nảy sinh triết lý rằng phương pháp chỉ là hình thức... Thì Hegel nói thế. Hơn nữa Lenin cũng khen Hegel đáo để với thuật ngữ này. Triết học Marx còn nói hay hơn rằng, nội dung có nhiều hình thức và ngược lại. Vận dụng vào đổi mới giáo dục hiện nay thì nó có nghĩa thế này: một hình thức mới mẻ gọi là tốt mà GS Trần Đình Sử đề xuất ấy chỉ có thể phát huy được khi có một nội dung được đổi mới căn bản và toàn diện. Cho nên, gì thì gì Nhà nước cũng cứ phải chuẩn bị đủ cho một nguồn tín dụng cực lớn để đổi mới sách giáo khoa. Nhưng lớn như thế nào thì đố ai tính được, thực tiễn mới trả lời. Ví dụ, dự kiến 150 triệu USD cho thế vận hội Châu Á 2019 (!), xin lỗi, số tiền ấy chỉ đủ cho “phấn son” trong các lễ khai mạc / bế mạc, còn như cắt băng khánh thành và nghiệm thu các hạng mục công trình thi đấu, thì chỉ “hoa hoét” chúc mừng thôi đấy nhé. Nhưng như thế thì các cơ quan thông tấn báo chí và truyền hình lại không chịu đựng được vì những bản tin “chay tịnh” như vậy sẽ chỉ làm cho hình ảnh đất nước bị quên phắt trong lòng các bạn bè (!). Còn bây giờ thì không có tiền sẽ không có đổi mới gì cả. Đừng tưởng ai cũng có khả năng như “Nhóm Cánh Buồm”. Hơn nữa, “nhà xuất bản sách giáo khoa” đã tính cả rồi, thế nào mà chẳng có được gói tín dụng tương ứng với gói dành cho thị trường BĐS... Khi này sách giáo khoa được biên soạn dưới dạng “sơ đồ hóa” tựa hồ như “2 tập sơ đồ” dành cho đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học chủ nghĩa Mác-Lênin do trường ĐHKTQD thắng thầu (mà thực ra là được chỉ định thầu) làm ra để rồi phát mãi cho cái gọi là “Hội nghị tập huấn hè cho giảng viên lý luận các trường Đại học và Cao đẳng…” !
Thế là, cũng như mọi lần, đổi mới giáo dục lần này người ta lại chỉ chăm chăm vào việc sắp xếp lại “nội tình” ngành giáo dục: dạy cho ra trò, học cho ra vẻ, cho nên phải cải tiến thi cử để không ai lười biếng được; tăng cường chất lượng đầu ra thì lưu dung các tiến sĩ giáo sư thêm mươi dăm năm nữa trong khi cả đời các ngài ấy đã “cật lực” lao động tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng vĩ đại này… Luẩn quẩn !
Nếu đặt ra câu hỏi vào cái thời Khai Sáng của Tây Âu người ta đã làm gì với hai thiên kiến: sự ấn định của nhà thờ với hệ thống tín niệm và sự ngự trị của Aristotle về học thuật. Và Nhật Bổn đã làm gì … Có lẽ không đi đâu cho xa khi bên cạnh chúng ta đã có một dân tộc vĩ đại, vì đó là một trong ít dân tộc có tầm hiểu biết về giáo dục nhất…
Công cuộc hiện đai hóa ở Nhật Bản, được khởi sự từ thời “Minh Trị Duy Tân”. Ý tưởng Duy Tân ấy và toàn bộ những biện pháp để thực hiện ý tưởng ấy đều không bắt nguồn từ Nho gia mà có lẽ là từ thái độ của các nước trong cuộc chiến Peloponesia. Thái độ ấy đã nói nói lên điều gì nếu không phải là các nước sẽ chỉ tuân theo những gì được thông qua như là luật công bằng khi nó có lợi cho họ, và khi không có lợi, thì vi phạm các luật này là không phải sai, không phải vô lý:
“Hiện nay các nước trên thế giới thường nói đến lễ nghi thân thiện trong việc bang giao, nhưng thực ra bên trong họ chủ trương sức mạnh là tất cả. Các nước mạnh luôn bắt nạt nước yếu, nước lớn tìm cách chiếm nước nhỏ. Nước Đức chúng tôi trong những năm qua là nước nhỏ đã từng chịu nhục nhã bao lần, chúng tôi không bao giờ quên được cái nhục này. Cái gọi là công lý quốc tế chẳng qua là công cụ bảo vệ quyền lợi của các nước mạnh. Khi thấy có lợi thì các nước mạnh đem công lý quốc tế ra, khi thấy không lợi thì trở mặt dùng sức mạnh.
… các nước nhỏ không vượt qua khỏi công lý quốc tế, các nước này mặc dù luôn cố gắng cho mình được tự chủ, nhưng thực tế họ bất lực khi các nước lớn lấy đen làm trắng, lấy sự xâm lược làm lẽ phải”.
Đấy là bài học mà Nhật Bản nhận được từ nước Đức qua Bismark, nửa cuối thế kỷ XIX (xem Nguyễn Hồng Phong, Văn hóa chính trị Việt Nam…).
Giáo dục của chúng ta chưa muốn vượt ra khỏi cái bóng của chính mình. Nó vẫn loanh quanh với nguồn “khí công” tưởng tượng. Chẳng hạn, một hình thức giáo dục mới như chúng ta vẫn kỳ vọng hay một phương pháp dạy học tốt như ngành đang truy cứu chưa hẳn đã phủ định đối với cái mà ta không đủ can đảm để gọi nó là hư hỏng. Bởi lẽ thứ nhất, phương pháp dạy học cũ là phương pháp gì. Bình tĩnh, xin đừng vội quy chụp nó mà thành vấn đề chính trị, vì nó sẽ không còn úp mở phủ định những thành quả của giáo dục dưới sự soi rọi của triết lý đổi mới. Đó là một vấn đề không dễ chịu đựng được. Thứ hai, không thể phát huy được trong một đội ngũ nhà giáo mà phần lớn trong đó đã mất hết tình cảm, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy không phải tất cả, nhưng trước hết là những “cây đa cây đề” của giáo dục, mắt chưa “mờ” chân chưa đến nỗi “chậm”, chỉ vì “bí” thời gian cho “công tác quản lý” nên chỉ nhận giảng dạy cho những lớp cán bộ quản lý, những lớp học cho người “cắp ô” hay “vừa làm vừa học”. Họ là các nhà giáo từ các trung tâm văn hóa và cổ kính như Hà Nội, tp HCM tỏa đi các tỉnh thành với dăm ba ngày một giáo trình, cơm bưng nước rót, đưa đón bằng máy bay, xế hộp, nếu không ở khách sạn từ ba/ bốn sao thì cũng phải từ nhà khách của tỉnh/ thành ủy…, cùng vợ, có khi cả con để kết hợp thăm thú danh thắng, thưởng thức sản vật... Khi vãn hồi thì quà cáp biếu xén, tiệc tùng đưa tiễn như đưa tiễn các phi hành gia lên quỹ đạo của sao Kim. Dạy học, thay vì “chổng khu” giữa cái thời lên ngôi của CNTT, họ ngồi cuối lớp với “điều khiển từ xa” và “đèn pin” bé xíu, họ dẫn người học lang thang trên cái màn hình “chớp chớp”… với những lớp học đông thì cũng một vài trăm nhưng chỉ đáng chật một góc hội trường, ít thì mươi/vài chục… tay thì chống nạnh mắt lim dim, miệng ngáp vặt. Người học có mặt chỉ cốt để điểm danh mà được đóng tiền cho nơi thu khỏi phải chịu “trách nhiệm hình sự” chứ học hành không có gì mới thì không đi học cũng chẳng có gì mới mẻ hơn.
Đã thế lại còn có ý tăng lương cho giáo dục. 24.300 – 9000 tiến sĩ sẽ là số lượng ùa vào bục giảng khiến nạn chia nhỏ học trò thành từng đám để đèn nhà rạng sáng, con em người lao động khi ấy chỉ còn “nước” oằn lưng ra mà trả tiền thầy.
Thì còn ai lo cho giáo dục toàn dân của họ. Khi nền giáo dục mà đáng lẽ những “người có máu mặt” nhất trong cộng đồng, những “nhà giàu” phải thể hiện trách nhiệm “lá lành” thì lại “đèn ai nhà nấy tỏ”. Một khi con em anh bằng con đường du học mà đã thụ hưởng được một nền giáo dục tiên tiến thì theo truyền thống “ăn cây nào rào cây ấy”, người dân chỉ còn nước oằn lưng mà lo cho sự nghiệp giáo dục đối với con em mình. Một người thu gom ve chai nuôi con ăn học đã đem những đồng Yên nhật mà mình gặp may đi cho người khác vì không biết phân biệt tiền thật với “kim ngân”, thậm chí cả vợ cùng chồng cũng không viết ra được cái tên của mình thay vì vẫn phải điểm chỉ tại cơ quan công quyền, vì không… biết chữ (!). Lạ lùng ! Đất nước “hiện đại” là thế, “văn minh” là thế, có một nền “giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc” là thế mà vẫn có người, mà là người thuộc thành phần cư dân đông đảo nhất và tiên tiến nhất, nhận trách nhiệm trực tiếp từ cộng đồng nuôi công dân ăn học, mà mình vẫn không biết đến cái chữ “bẻ đôi”. Cái thành tích xóa mù của ngành giáo dục lâu nay đúng bằng cụm từ “đáng ghi nhận”. Đã đói nghèo mà không tối tăm lạc hậu thì chưa có ai nói vậy bao giờ… Thảo nào mọi đích đến đều có chung cụm từ “thành tích đáng ghi nhận” sau mọi cố gắng đã thực sự “đi vào chiều sâu”.
Một bất ngờ của diễn ngôn. Người ta đổ tại cho giáo dục thiếu quy hoạch nên dẫn tới 72.000 cử nhân bị “ứ đọng” như “dưa hấu được mùa” mà không một mảy may băn khoăn với ý tưởng của công tác quy hoạch nhân sự bằng cách tây hóa bằng cấp làm cơ hội thăng tiến. Một kế hoạch ưu tiên người có tiền đương nhiên phải tước đoạt cơ hội phát triển cho đa số thanh niên vốn xuất thân từ đa phần dân “trồng dưa hấu” trăn trở với những huấn thị “nuôi con gì trồng cây gì” chứ ! Chỉ bởi “cửa khẩu Tân Thanh” chật chội, hơn nữa lại chỉ có “ba nhân viên thông quan” mà cả một vụ dưa hấu đem cho bò ăn trong khi con cái “nhà trồng dưa hấu” không gom đủ dăm chục triệu để lo lót lấy được một chỗ kiếm sống…
Tác giả “lát cắt Tụy” với “tối ưu toàn cục” - GS Hoàng Tụy hay nhà Quản lý giáo dục như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có lẽ đã rất vui khi giáo dục lần này “được lời như cởi tấm lòng”. Niềm vui của những người nặng lòng với đất nước và trách nhiệm nặng nề với thế hệ tương lai đã không hề có một mảy may hoài nghi Descartes về nội hàm thuật ngữ “đổi mới giáo dục và đào tạo” lại chỉ bao hàm mỗi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, một “thiên chức” dù có là cơ bản và quan trọng của một ngành: ngành giáo dục…
Giáo dục là công việc hệ trọng của cả cộng đồng quốc gia được ngành đứng hẳn ra “nhận khoán”.  Việc “nhận khoán” khiến ngành này sẽ như mọi lần tự bươn chải để đạt tới các thành tích “đáng ghi nhận” vào mỗi lần tổng kết phong trào. Và lần này có thêm là tổng kết nhiệm kỳ, không nhiều nhặn gì thì vẫn còn 3 năm nữa. Ba năm với quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị trong ngành cũng đủ làm nên cơm cháo, nọ phải cần nhiều…
Có điều thoát được ra khỏi tình cảnh như “gà mắc tóc” lại cần nhiều quyết tâm chính trị của Quốc hội, mà dân chúng thì lại chưa có được nhiều quyết tâm đến như vậy.


[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/170704/-bo-giao-duc-bao-ve-thu-luan-an-.html
[2]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/170368/bo-giao-duc-xin-34-nghin-ty-doi-moi-chuong-trinh.html