Kỳ 4. “Kẻ ăn rươi người chịu bão”
Trong các
giải nghĩa tục ngữ, câu “Kẻ ăn rươi người chịu bão”, tôi chắc chắn người ta chỉ “tâm phục” cách
giải của Tuấn Công thư phòng1…
Còn “khẩu” thì hẳn nhiên cũng là thế, nhưng với riêng tôi gì thì cũng cứ phải
nói thêm… Người suy xét chẳng vì vậy mà nỡ nghĩ tôi chơi trò té nước… Kẻ dựa thời
có nghĩ là tôi a dua thì cứ phải chứng tỏ được tôi một giuộc với bọn người có
phẩm có hàm nhờ dựa vào “sư nói sư phải vãi nói vãi hay”.
Thực tình, tôi
được ăn món rươi đúng mỗi hai lần.
Đều là mỗi lần mẹ tôi cứ phải gồng mình… Bây giờ thì tôi mới ngộ ra được điều,
tự nhiên đối với muôn loài cũng có nghĩa là tự lo liệu nấy cái ăn. Nhưng, chẳng
hạn, với giống chim, trước khi làm được điều đó, chúng phải được chim mẹ tập
tành và cũng phải được kinh qua một vài trải nghiệm… Tập gì chứ tập được cách
ăn uống là khó lắm, chỉ cần sai một ly là đi cả dặm liền... Chả thế mà các nhà
động vật học chỉ căn cứ vào tập tính ăn uống là phân loại được ngay các cá thể
loài... Nhà xã hội học cũng vậy, lý giải hiện tượng ông Mạnh Tử, họ lấy lý do
thân mẫu ông Mạnh Kha phải ba lần chuyển chỗ kiếm sống là nguyên nhân căn bản. Trào
lưu hậu hiện đại với khuynh hướng phi truyền thống đã gợi ra nhiều suy ngẫm
khiến bao nhiêu phụ nữ làm mẹ đâu phải đều là bấy nhiêu người mẹ hiền!
Còn hồi đó,
tôi nhớ là mẹ tôi cứ lần chần “dòng” cho được khi bố tôi có ở nhà… Nhưng khi bố
có ở nhà thì lũ rươi lại lần khân
miết mà vẫn cứ chẳng chịu đùn lên(*).
Đến lúc chúng chịu đùn lên mà nhà hết
tiền thì cũng đành chịu. Người nhà quê chúng tôi chẳng ai lại đi ăn chịu món “sơn hào hải vị” chế từ rươi, trừ lũ “… rồng cuốn” với động cơ
chẳng chịu giống ai, cứ “ăn xong quẹt mỏ như gà” rồi cứ thế mà cứt trâu hoàn thổ...
Thế rồi “của
trời” thì là cứ phải đúng luật tự nhiên. Đúng với nó thì phải là “lộc bất tận
hưởng”. Tuy thiên chức “mưa móc” của Trời thì không đứa dám tranh, song đâu
phải vì vậy mà ấm no được “tưới tắm” cho ra tới tận cùng thiên hạ! Chả vậy mà
cứ sau mỗi bận “ăn tươi”, là bất kể già trẻ trong nhà, nhất là người lớn, đều
phải tăng nhịp độ “làm việc bằng hai”, chứ không thì… Đã không sở hữu được cái
“thắt lưng buộc bụng” thì thôi, …chứ còn như đã “mang lấy nghiệp”, mà không như
thế thì chỉ còn cách không trở thành lục lâm thảo khấu khiến khó nhọc triều
đình, thì cũng thành phường giá áo túi
cơm!
Cũng may là
dựa được vào cái sự “thắt lưng buộc bụng” ấy mà tôi mới sớm gia nhập được vào
đẳng cấp quý tộc! Mà, nếu đẳng cấp có nghĩa là “ăn cái đã, họa tính sau”, thì
tôi đã trở thành giai tầng thượng đẳng bởi món ẩm thực đệ nhất thế gian từ thuở nảo thuở nào, nghĩa là trước xa
tất cả lớp người thời thượng hiện nay với cung cách kiếm mồi theo lối “ăn trả
bữa”!
Khổ nỗi là
gia cảnh tôi bấy giờ nghèo quá! Chỉ may được cái là cái nghèo chưa phải là đối
tượng xóa bỏ của thời kì “hòa bình lập lại”. Ở nhà quê, rau cháo ngày hai bữa
đã là may, huống chi thi thoảng cũng còn có được đôi ba bữa với miếng ăn có
tính “cây nhà lá vườn”, không tươm tất nhưng mà… sạch sẽ. Chưa ai bảo ăn món côn trùng hồi đó không là ăn sạch (?!).
Có thế mới không nên nỗi như đám “Trẻ con không được ăn thịt chó”, nếu ai đó có
đọc Nam Cao!
Có đọc Nam
Cao thì mới biết đến chuyện “người ta ăn hết mà không chừa một thứ gì!”. Ai chả
biết giống chó nuôi trong các gia đình nhà quê là giống chuyên dụng vào việc
dọn vệ sinh, nhưng hồi đó, việc sử dụng lại tất cả cái gì do con người thải ra,
mà giống chó chính là một gợi ý, đã chưa được thực nghiệm một cách đàng hoàng
để còn thực hành phân phối theo mức độ đóng góp. Thành ra, phận con cái vẫn cứ
phải chịu thiệt đủ đường, chẳng được chừa ra cho một thứ gì, mặc dầu chúng đảm
bảo trọn gói nguyên liệu đầu vào, còn
quá trình chuyển hóa từ m = E thì tự
động hóa hoàn toàn do công nghệ chuyển giao mà không cần tới năng lực tổ chức
quản lý sản xuất!
Cuộc sống
vốn phải như nó, tức tự vạch lấy đường. Bọn trẻ nhà quê chúng tôi cứ phải dựa
hẳn vào cái sự “tần tảo lần hồi” với bữa đực bữa cái để rồi mà “qua ngày đoạn
tháng”. Nhưng đâu phải chỉ có vậy, những sinh linh mang nặng kiếp người, kiếp người chịu bão quê tôi ấy, nhờ chắt bóp đến keo kiệt suốt cả cuộc đời vậy
mà cũng để dành ra được vài thứ. Có thứ chỉ dành sử dụng riêng cho đấu tranh địch ta, tựa hồ như con cái
lãnh đạo mỗi khi kết thúc nhiệm kỳ… Tôi lúc ấy, dẫu trọng lượng cả bì “không
thiếu một cân” tuy không đủ tháng thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, áp dụng cách
làm tròn thì thời gian cũng chỉ đáng hai lần mang thai của một sản phụ!
Rồi, những
lần về quê hiếm hoi, mẹ tôi kiên quyết thà thấy tôi “nước mắt rười rượi” còn
hơn cho tôi đụng đến món rươi, bởi chứng “ngã nước” tôi nhiễm
được từ những năm tháng gối súng nằm sương vật vã với cái đói cái rét… ở chiến
trường!
Tôi đành
“ngậm ngùi”…, lại cũng nhờ vậy mà để ra được cái nỗi niềm da diết với… rươi, như ai từng với “canh rau muống”
với “cà dầm…”! Rồi quá khứ cứ thế lùi dần, nhưng cảnh đời ngập ngụa trong những
cơn bão rươi thì…, thậm chí ngày càng
giống đường nhựa ở ta, tiền có rải như vỏ hến đến đâu thì cũng vẫn chỉ có lún
và hằn đến đó. Tôi đã chẳng khi khuây cảnh những con người quê tôi lam lũ, càng
không quên cảnh lũ trẻ chúng tôi lếch thếch kéo lê tuổi thơ vào “hương quýt”
mỗi khi trong chòm xóm có nhà nào xào nấu món rươi. Tất cả đều là một nỗi chán chường và ngờ vực…, kể cả các thứ
trò chơi! Từ đầu ngõ, lũ tôi cứ túm năm tụm ba “nhón gót” dòm vào…, thảng hoặc
có đứa, mà không hiếm khi, mất cả kiên trì mỗi khi gió thoảng đưa hương “vỏ
quýt”(*) là y như rằng nó văng đổng ra cả đống câu đại loại: Đm. Sao
mà thèm thế!…
Quả thật,
nếu có “tam khoái” thì chính là bởi có món rươi
này! Sướng nhất trần đời! Ai chưa qua chưa hẳn làm người! Tôi chỉ từng nghe chứ
chưa từng thấy chủ nghĩa xã hội sẽ rồi toàn đồ ăn ngon, mặc đẹp, nhưng đánh
cược với bất cứ ai có làm đến bí thư đảng, hiệu trưởng trường của bất kỳ đại
học…, thì cũng đừng hòng “màng” tới món cả
thèm nào khiến món rươi quê tôi
bị nốc-ao… Đó là dứt khoát! Dứt khoát… cho tới bây giờ hay bất kể lúc nào, chỉ
một thoáng ngạt ngào hương vỏ quýt
đưa là y như xưa, tôi lại trở về với “đẳng cấp” của mình… Và nỗi niềm thương mẹ
lại dữ dội bùng lên, liền bên là một cảm giác buồn, sao khi ấy tôi như chỉ biết
chúi đầu vào máng ăn mà chẳng hề nghĩ
đến cách nào chia sẻ món rươi xào với
mẹ!…
Những tháng
ngày quê tôi có rươi là cả những
chuỗi ngày khổ nhục đến hai lần, như chỉ dành cho những thân phận phụ nữ “trót”
sinh ra để làm mẹ, như mẹ của tôi…
Trên nắng,
dưới bỏng, giông ra, bão vào… mà trên hết cả là cái tệ “quan xa bản nha gần” và
trong tất cả là bọn trẻ nheo nhóc bị món “rươi xào” hành hạ… Cứ mỗi lần như
vậy, mẹ tôi lại hướng cặp mắt giàn dụa, buồn bã lên trời cho nước mắt khỏi chảy
ra mà nhận lấy từ bóng rươi(*)
một câu vỗ về: Bố tôi cùng những bạn chài, trong những chiếc “áo phao” ọp ẹp…(cứ
coi như đó là những con thuyền giã
của hợp tác xã !), nhất định sẽ trở về từ ngoài biển xa…
Ái ngại nhìn
lũ anh em tôi đang ngóng bố trở về để được mẹ cho cùng ăn món rươi xào, đồ, rán, sấy… nén tiếng thở
dài, mẹ tôi ngán ngẫm: “quấy như rươi !”.
Lời hứa hẹn đạo
đức thì cứ tựa bóng rươi… còn bên dưới
thì lại vẫn cũng chỉ là cái vùng quê tứ thời không còn mấy ai biết ngủ. Đàn ông
thì chỉ lo chống chọi ngoài biển khơi, người đàn bà và bọn trẻ chúng tôi, nhất
là những ngày bão rươi, chỉ biết che
mưa cho nhau ngoài bến sông, nghe heo may ù ù mà đoán già đoán non mỗi khi thấp
thoáng cánh buồm nơi cuối trời góc bể…
Ám ảnh cảnh
tượng tuổi thơ bị cái đói nghèo quấy
cho kỳ đục, cám cảnh mỗi lúc lũ trẻ
chúng tôi suy kiệt chỉ thèm có được món rươi,
tôi thấy vụt lên “đám hiệu phó”, mà nếu sang thì cứ phải gọi theo cách của Tây,
các “phó hiệu trưởng” trường tôi, đang mải “nhón gót” nhìn bí thư đảng, hiệu
trưởng trường xây bếp, lát sân, kê ghế, khuân bàn, lắp nhà thể thao, tỉa tót bonsai,
đón thầy cúng tế, phân bổ kẻ ăn người dựa, lập trung tâm ảo, rước công ty ma,
kê khống chứng từ, chuẩn bị “di chiếu” cho người thừa kế…
Tôi đành phải
xa chủ đề một chút để khỏi vạ tiếng khi
quân, khi gọi các phó hiệu trưởng trường mình là “đám”.
Bản chất 2 in 1 của cái gọi là thể chế chính trị bay tui là dân chủ hay chuyên chế? Là dân
chủ thì có đâu đến nỗi “tẩu hỏa nhập ma”, nhất là khi nó thấy con người ta cứ gắn
bó với nhau. Phải là chuyên chế mới cần có sự bảo hiểm chắc chắn cho sự bảo toàn của 2 trong 1! Kẻ cai trị chuyên chế bao giờ
chẳng biết vị tha. Nó sẵn sàng bỏ qua cho kẻ bị trị không yêu ông ta, kể cả có đào
đất đem chôn, miễn là họ không yêu thương nhau cùng bảo ban nhau mà tự bảo vệ. Chẳng
có nét xấu nào trong tình cảm con người lại được nền chuyên chế chiều chuộng
hơn là tính vị kỷ. Kẻ cai trị chuyên chế đã không đòi hỏi kẻ bị trị giúp nó dẫn
dắt công việc nhà nước thì thôi chứ còn để kẻ bị trị điều hành lấy công việc nhà
nước thì chỉ có thể là thời của loạn (!). Cho nên, khi gọi các “đồng chí” làm
công tác quản lý là ban giám hiệu như
một chỉnh thể, tôi phải đắn đo giữa hai thuật ngữ trung ngôn và thuật ngữ dành
để chỉ kẻ tiểu nhân có “dấu hiệu” rối loạn hành vi ngôn ngữ!
Cứ theo giáo
trình mà tôi giảng dạy hơn ba chục năm nay, phàm là một vật thì không thể cùng lúc
vừa thế này lại vừa thế nọ …Ấy thì tôi lấy dân
chúng mình ra làm ví dụ. Là chủ ông
thì không có khả năng thông hiểu, vì
hắn chả là đối tượng của công tác vận động, giáo dục, thuyết phục để nâng cao
dân trí, là gì! Còn là đầy tớ thì lại
quá sang, bởi “đầy tớ thằng khôn” thì
phải hơn đứt đứa làm thầy vạn đại đứa
dại đứa ngây, chứ còn gì nữa!
Khi kẻ cai
trị coi những người gốc gác nhà quê,
tức “những kẻ quê mùa cũng thành thí thức” ấy (!), định nắm quyền điều hành lấy
công việc nhà nước ở đây, nhằm cùng chung tạo dựng sự thịnh vượng là những “kẻ phá trường”, thì cũng bằng cách thay
đổi nghĩa tự nhiên của ngôn từ, thuật ngữ “an ninh nội bộ” tất phải gọi những
kẻ ẩn mình ấm thân “chờ thời đột nội” là những công dân tốt! Đó là một thỏa
thuận chính trị mà mỗi người vốn có với phần còn lại ngoài mình, và theo đó, mà
hình thành các nhóm có tính cộng đồng. Cái thường gặp, hay còn gọi là phổ biến,
và hầu như là không có ngoại lệ để sự liên hiệp này bị tan rã chỉ có thể là sự
xâm nhập bằng vũ lực từ bên ngoài nhằm chinh phạt cái thứ cộng đồng này. Trong
trường hợp đó, trường hợp tôi đang nói đây là khả năng duy trì và hậu thuẫn cho
nhau không còn nữa, thì cái liên hiệp thuộc về thực thể chứa đựng nó tất nhiên
phải không còn tồn tại. Mỗi người sẽ quay về với trạng thái vốn có với cái
quyền hẳn nhiên tự xoay sở và đem lại cho bản thân sự an toàn mà anh ta cho
rằng như vậy mới thích hợp. Khi đó thì không tài nào kéo nổi một con người ra
khỏi bản thân anh ta rồi đề nghị với nó quan tâm đến vận mệnh chung được. Khi
một cộng đồng chỉ còn là tổng lượng các cá thể, thì chẳng nhẽ chính quyền trong
cộng đồng đó lại là một chỉnh thể hữu cơ. Vì thế, quyền thế của kẻ đi bình định
thường vô hiệu chính quyền ngay từ cơ sở và xé nát xã hội như người kẻ quê chung đụng với nhau con lợn tết,
hồi còn dùng tem phiếu đại trà! Vả lại, cũng đáng tách khối quần chúng thờ ơ,
ngờ nghệch nơi đây khỏi sự bảo vệ và phụ thuộc vào cộng đồng là nơi vốn có
trách nhiệm phải bảo vệ họ trước chuyên chế!
Do hành vi
chinh phục có thể coi như một cuộc tiếm quyền, do vậy nó là một dạng hay biến
thái của sự bình định bên trong biểu hiện qua vai trò của các tổ chức xã hội bị
hoán đổi. Cấp ủy khi đó, tức cái đảng ủy mà tôi là thành viên trong đó, sẽ
không còn là một nhân tố đứng về phía thịnh vượng chung. Nó là gì, có phải là cái bình, đó là công việc của tôi mà tôi
đã và sẽ còn tiếp tục…
Và, cái tật
của kẻ chuyên quyền, đặc biệt là quyền lực trong đảng, đúng ra thì phải gọi nó
là kẻ phiếm quyền khi ngôi thiêng là
chiến lợi phẩm của sự dối trá, thì bao giờ cũng biết tận dụng cơ hội đặc cách phổ thông của cơ chế lo trước
vui sau thiên hạ mà thụ đủ thứ ưu ái vuốt ve, đem sự dửng dưng làm thành thứ
đức hạnh phổ quát.
Khi siêu bão
Haiyan “dự tính” một kế hoạch chi tiết cho sự đổ bộ vào đất liền thì Bộ Giáo
dục và Đào tạo cũng ung dung chuẩn bị và thực hiện “Hội nghị nhà giáo tiêu biểu
2008-2013” cho vẻn vẹn… những 160 nhà giáo! Qua kênh truyền hình đúng lúc
“giờ vàng” (17/11/2013) tôi thấy bí thư đảng hiệu trưởng chúng tôi còn mải chăm
chú hướng lên cái bục nơi chuyên phát tín hiệu mà thuật ngữ văn hóa lễ hội gọi
là diễn văn… thì theo thói quen, âu cũng chỉ là một cử chỉ tự nhiên dựa vào
cơ chế phản xạ có điều kiện do P.I. Pavlov phát hiện, tôi “nhoáy sang
kênh”, thấy chềnh ềnh cái Công điện 1816/CĐ TTg, 7/11/2013 của Thủ tướng Chính
phủ!
Sao lại không,
… thì nhà giáo mà cứ phải là bí thư đảng, hiệu trưởng còn được nữa là! Tôi là
giáo viên, nếu châm chước được cho tôi cách xưng về mình (!), chỉ với 32 năm
trong nghề tính tại thời điểm, nhận công điện của Thủ tướng qua tivi, và cũng
qua màn hình, chứ lại không phải tivi (?), không nhón gót nhưng nghển cổ dòm
vào cái “Hội nghị nhà giáo tiêu biểu 2008-2013” mà nhẩn nha nhẩm tính toàn bộ
số giờ dạy của hiệu trưởng trường tôi, trong suốt 3 năm, không bằng tôi “đánh
vét” một vụ. Mà chỉ là vụ 3 thôi nhé!
Tức là vụ hè. Suốt 32 năm, chả có “tuần chay” nào mà tôi không “có nước mắt”!
Còn như
“Trong 5 năm trở lại đây (2008 - 2013): Đối với giáo viên mầm non và phổ thông”
thì tất nhiên là tôi không… nhưng, “Đối với giảng viên: giảng dạy tốt, đạt danh
hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ hoặc tương đương trở lên; có công trình, đề tài
nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ có giá trị, có sáng kiến
kinh nghiệm được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.”2 thì ở đây
ai chẳng như tôi, hoặc tôi chẳng như ai, với tất cả mọi người!
Thế mà tôi
thì phấp phỏng ngồi đây nhận chỉ thị chống bão Haiyan từ Thủ tướng, còn đồng
chí bí đảng của tôi thì yên vị giữa tháp ngà ngất trời trong lòng Hà Nội, chứ
không phải là Thủ Đô (?), thấp thỏm chờ nghe “Tổ Quốc gọi tên mình” (!).
Ấy thế mà
hiện tượng “kẻ ăn” với chả “người
chịu” lại được nhà ông Hoàng Tuấn Công cân nhắc đi cân nhắc lại(*),
vì coi chúng không hề có tồn tại mối quan hệ sản sinh! Cứ tựa hồ như cái bần
hàn của con người ta, nhiều lắm thì cũng chỉ là thứ đáng khinh! Không phải sự
túng quẫn nó bắt con người ta cam chịu, mà chẳng qua là những tư tưởng mỹ miều
nó xui, khiến cho con người ta có được mà thôi! Chẳng phải vì không có chức
quyền mà thèm thuồng ham hố sự vinh danh để thành nổi tiếng. Trái lại, chính kẻ
chức quyền mới cần nỗ lực nhồi sọ cho con người ta cái thứ ý thức đức độ như
thứ “bóng đi trên trời”(*)
chứ chẳng phải đó không là thứ phiếm
quyền chủ nghĩa!
Đã lâu, thậm
lâu, trước công nguyên dễ tới bốn, năm trăm năm… Uể oải trong vai pháp quan
nghe cuộc đối chất giữa lý trí sáng suốt
và nhận thức mờ tối, Democritus phán
nhanh mà không cần thái độ của bồi thẩm đoàn: quan hệ giữa hiện thực và tư
tưởng không phải là thứ quan hệ sinh sản, nó là thứ quan hệ bắt chước. Ông nói
“Nghệ thuật là bắt chước”, rồi tới luôn: “Người khôn ngoan nên phải vui với cái
có”. Khổng Tử cũng không vừa. Cứ như ông thì phải là “An bần nhi lạc”. Chỉ
Lão-Trang là hớt ha hớt hải, nhưng mà là lo
bò trắng răng khi ra sức can ngăn để có “thuận theo tự nhiên” mà vô vi thuần phác. Không nên can dự mà vui
vẻ hòa đồng, biết chấp nhận như “vạn hóa” vào tất cả. Ngủ rồi thì Trang Chu hóa
bướm hay ngược lại, cũng chỉ bấy nhiêu! Bởi nhiều kỵ húy (lễ) thì nghèo, nhiều
khí giới thì loạn, nhiều tài khéo (trí tuệ) chỉ làm cho xảo trá tăng lên, pháp
lệnh nhiều bởi không dư dả thứ của cải hiếm hoi…, bảo sao không nảy sinh ra lắm
trộm nhiều cướp3 (?!).
Thì ra cổ
nhân còn là người biết nhồi sọ. Lấy cái kẻ
ăn với người chịu mà móc lại với
nhau, cho chúng phân bua với nhau một tý, xem cái nào sinh ra cái nào, cái nào
hoạt náo cái nào thì có đến… móm răng rốt cuộc rồi cũng sẽ trơ ra… còn lợi!
Thế mới thấu
đạt đến cái độ thâm túy của nhà folklore “tay ngang” Hoàng Tuấn Công. Quan hệ
sản sinh trước hết là một quan hệ nhân quả. Thay vì “kết quả” dù có hàm nghĩa
như là hậu họa thì ông Hoàng Tuấn Công chỉ giữ ý kiêng khem cho hợp ngôn với từ “hậu quả” (!). Có thế thì mới thấy
công tác cán bộ với chính sách quy hoạch nguồn và hoạch định chức năng hoạt
động cho các “thành phần nhân tố” nó kín kẽ còn hơn cả rừng tục ngữ ở ta! Ai chứ, tôi là “Tôi thấy ở Hàn Quốc
người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền,
vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?”4
Chẳng nhẽ
“Mũi dại lái phải chịu đòn” (?). Ý này, đã nhiều lần được Cụ Hồ dẫn ra để dạy
bảo công bộc của chế độ ta5. Tôi nói thêm, Ông Nguyễn Sinh Hùng chả
bảo là Quốc Hội là do dân, quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai!
Ngôn ngữ
hiện đại với hệ thống ngữ âm giàu tính ước lệ của các cơ quan tuyên giáo đã thẩm
vào tận thôn cùng xóm vắng khiến cái thực trạng xã hội bấy nay vốn kèn cựa mãi
với lý tưởng được cất kỹ trong cái hệ thống ngữ âm đầy tính ước lệ ấy bỗng trở
thành người bạn đường của nhau như như con
rươi và cái bóng(*)…
Không ai chịu nhìn thấy khi nhóm người này được thực thi tất cả các quyền lợi
thì nó cũng đem cái gồng gánh tất cả mọi nghĩa vụ chất hết lên vai số còn lại
kia. Trong cái ngữ cảnh folklore mà tôi đang đề cập, kẻ ăn thì chắc hẳn là chẳng có lỗi gì, cứ coi như lúc tôi từng được
ăn món rươi khoái khẩu mà không nghĩ,
nhỡ bố tôi cùng những người bạn chài của ông… Ít ra thì cũng còn là với mẹ tôi,
quanh năm đầu tắt mặt tối cũng chỉ vì chút hạnh phúc nhỏ nhoi của lũ anh em
chúng tôi. Đạo đức không thể bắt lỗi những đứa trẻ chúng tôi khi ấy được sinh
ra mà lại chẳng có gì để chén! Người chịu
mới có lẽ vì thế mà không bao giờ thấy mình bất hạnh mỗi khi được tham gia vào
hoạt động trao đổi theo cơ chế thị
trường… phi lợi nhuận này! Để có được
một bữa ăn tươi cho con cái, nói bằng thứ ngôn ngữ nhà quê là cải thiện, nhờ Trời (!), đời có quăng
quật thế nào cũng cứ đổi! Người ta phải không hề thấy nhục nhã, chẳng hạn, thế
hệ ông cha vì miếng cơm manh áo không chỉ cho mình!
Thế mà lúc
“ăn mày gặp chiếu manh” thì chẳng buồn nhớ tới ai, người trồng cây sung…, nhưng hễ khi cần phải “mọc
mủi sủi tăm” là y như lũ chuột chũi vừa chạy, vừa đi, miệng ra rả oán thán cha
ông đớn hèn mà rồi để dớp lại dài dài
cho con cho cháu!
Cả một bọn
“có máu mặt” đáng bậc tiên chỉ, chức danh này, học vị nọ chen lấn chỉ để được xếp
bằng tròn trong cái chiếu “Hội đồng khoa học công nghệ” cốt chỉ là để thông qua
lấy được cái đề tài khoa học “Chiến
lược phát triển Trường Đại học Quy Nhơn…” cấp trường mà “chia” nhau 80 triệu! Vì
80 triệu này mà cái Luật Giáo dục Đại học, khi không quy định cho khoa Kỹ thuật & Công nghệ “chủ quản”
ngành Công nghệ Xây dựng Chiến lược phát triển Nhà trường Đại học Quy Nhơn bất
chấp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, cũng vào sọt rác6.
Một chiến lược cứ từa tựa như cái biểu trưng
thái cực với hai con nòng nọc đang ngậm
đuôi nhau do gã thợ nề mỗi lúc nông nhàn, bồi lên cửa miếu thờ thần hoàng làng
vậy... Nó được “trí tuệ” nghĩ đúng vào lúc như lúc “Trang Chu hóa bướm”. Một
thứ nghệ thuật bắt chước. Nhà lãnh đạo cần phải suy đoán kết quả hành vi ngay
cả khi buộc phải chuyển dịch cơ cấu khớp gối và vai khi di chuyển trong xế hộp!
Nó được nghĩ ra vào mỗi đầu nhiệm kỳ để kéo dài nhiệm kỳ khỏi bị “hụt” hơi. Một
chiến lược mà chỉ cần “vỡ chữ”, làm khoa học mà không “vỡ chữ” thì chỉ có làm
đĩ, là nhận ra ngay cái phương châm và thủ đoạn toàn cục cần được vận dụng với
việc tìm tòi hệ thống quy tắc chỉ đạo trong đó bao hàm mục tiêu thực tiễn chủ
yếu, là khác biệt nhau7. Nó tựa hồ như một cát tuyến được định hướng đến thiên
đường với một đằng là bước đi vốn có của con người; sau bò lết là lúc vịn
thành giường, khi hai chân thò ra từ hai vai, nếu quan sát từ bên trên, là khi
nó đã biết từ chối gập thân để trở thành người có sức mạnh…
Rốt cuộc rồi
thì cũng chỉ có người dân mới cần phải “chấp hành tốt”…, vì luật pháp dẫu có
mặc áo rách thì nó vẫn cứ là đức hạnh. Cái “Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học
công nghệ cấp trường (5/2013)” do ông trưởng phòng TĐL lập nên thực chất là hội đồng đảng ủy với chức năng mới mẻ mà
người ta gán cho nó, đã chắc gì đã ai hiểu được! Một sự phiếm quyền mà lại vứt
bỏ chủ nghĩa phiếm quyền! Thẩm định chiến
lược phải là người có tầm lãnh đạo vì nhà lãnh mới có tầm chiến lược. Ấy là
cái năng lực phán đoán tình thế một cách khoa học, hà tất phải ra ngõ mới biết
được thiên hạ (!); nâng cao năng lực điều hành kinh tế, hơn nữa lại là kinh tế
tầm nhìn, vị tất phải như các nước văn minh người mẹ đi làm, trẻ con đi học
trên các tầu cao tốc…; nâng cao khả năng ứng phó với tình hình phát sinh cũng
là vị tất, vì điều đó đã được đảm bảo bởi những kẻ thạo nghề phù thủy như NQC,
VND; thay vì nâng cao năng lực cầm quyền theo pháp thì đã dung dưỡng cái thói
hợm mình và vuốt ve bằng tiền những người lười biếng; không ngừng nâng cao năng
lực nắm bắt tình hình cũng vị tất, khi chỉ cần biết cách chăm sóc “Con la của
Giáo hoàng”8 (Alphonse Daudet).
Chỉ bằng một vài lời lẽ khéo léo của những kẻ làm trò ảo thuật, mà Đại học Quy Nhơn
mất đứt 80 triệu Việt Nam
đồng! 66 trang giấy A4 “đâm toạc” 160 tờ giấy bạc 500… Giá bình quân mỗi trang (bằng chữ… một triệu, hai trăm, mười hai
ngàn đồng… không chẵn) kể cả khi nó còn trắng hếu như… đít ếch9, vẫn bằng nửa tháng tiền lao động khởi điểm của
một cử nhân!
Bỏ đi thì tiếc!
Cầm “bản
quy hoạch” là sản phẩm đầu ra10… như tấm thông hành, Đại
học Quy Nhơn liệu có chắc chắn được ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Thiện Nhân, và
Đức Giáo chủ Vũ Hoàng Hà, qua đội ngũ kế cận do các ông quy hoạch là Phạm Vũ
Luận và Nguyễn Văn Thiện, cho tham gia vào cái thị trường mà toàn bộ thị phần do
các ông ấy kiểm soát?
Một thứ đặc
trưng “kinh tế và chính trị của thời kỳ…” lên ngôi thứ chủ nghĩa phiếm thần
luận!
(Kỳ 5. Pháp sư với thuật
giả kim)
………………………….
1 (và các (*) cùng nguồn) xem. http://tuancongthuphong.blogspot.com/2015/07/ke-ruoi-nguoi-chiu-bao.html
3.x. Lịch sử triết học Đông phương,
Nguyễn Đăng Thục, Tp Hồ Chí Minh, 1981, t2.
4. x.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141001/dan-gop-tien-de-xu-ly-no-xau/652834.html.
5. Nguyên văn “Chính phủ làm hại dân,
dân có quyền đuổi chính phủ”.
6. x. Luật Giáo dục Đại học, Chương V:
Hoạt động khoa học và công nghệ.
8. Giáo hoàng Bonitax có một con la rất
đẹp. Cả Avignon trọng vọng nó. Là cách để được đấng bề trên để mắt tới..
Tixte Veden một thằng oắt trâng tráo bị
cha nó tống khứ… Một hôm nó sán lai ca tụng con la mà được Giáo hoàng nhận vào
“Trường dạy thánh ca”, nơi chỉ dành cho con cái quý tộc và cháu các Hồng y.
Tixte đã lập mưu như vậy.
Nó ra sức chăm sóc con la nên càng được
lòng Giáo hoàng. Để càng được đức ngài để mắt tới, Tixte lập mưu đưa con la lên
gác chuông để rồi săn đón tìm cách đưa
con vật này xuống. Cùng với việc uống rượu vang của con la và hành hạ nó. Con
la đã mang nặng mối hận thù…
Bonitax quyết định thưởng công cho Tixte
về những gì ngài này trông thấy với “cục cưng” của mình. Cử Tixte đi học ngành
ngoại giao tại triều đình Naple.
Bảy năm sau hắn trốn về vì cơ hội tiến
thân do cái chết của Đệ nhất giáo chủ ở Avignon …
Giáo hoàng Bonitax chấp nhận cho Tixte, bất chấp cả các Hồng y…
Tixte xuýt xoa và đòi gặp con la… Buổi
nhậm chức sắc, nó tiến đến và vuốt ve con la cốt để Giáo hoàng lại thấy. Và
ngài này đã thấy một cú đá của “thú cưng” làm Tixte tơi bời!
Tính chất học thuật của một đề tài khoa
học không coi thường các chi tiết: “tên đề tài”
(… đến năm 2015, … đến năm 2020); cách đặt vấn đề, kết luận; bối cảnh
không-thời gian (thực trạng và các chủ trương lớn của Đảng và NN - NQTW 8; thời
gian triển khai và kết thúc (1/’12 – 12/’12), nghiệm thu công trình (5/’13); quyết toán công trình (4/’12); đơn
vị quản lý chuyên môn và Luật Giáo dục; tác giả công trình (chuyên môn/ nghiệp
vụ hay nghiệp vụ chuyên môn)… để tỏ tường tính cấp thiết hay tính hối hả của đề
tài khoa học công nghệ.