Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Chào năm học mới, với…

Vài gợi ý cho sự tự nhận biết ở một sinh viên học nghề dạy học qua một bài trả thi

Phần chung
Hình thức trả thi cho những học phần lý thuyết thường là tự luận. Tuy không phải ai đi dạy cũng đều biết ra đề, nhưng đó không phải là tất cả, cho nên gì thì gì việc đầu tiên, sau khi nhận đề thì vẫn cứ phải là… không phải đem cất!

Phân tích đề
- Định nghĩa: là hoạt động tư duy về chính công việc mình làm.
- Yêu cầu của đề.
+ Đáp trả bằng âm thanh chuỗi, chuỗi âm thanh mà mình bằng cách nào đó ghi chép được do ông/ bà thợ dạy “chổng khu” đọc… cho chép (!?).
+ Lý giải bằng thứ ngôn ngữ có được nhờ vào sự biến đổi thông tin nhận được từ mọi nguồn, trong đó là nguồn trực tiếp bởi người giảng viên bộ môn?
Nói gọn lại, yêu cầu của đề là nhằm đánh giá năng lực của Con Vẹt hay khả năng biến hình các biểu tượng chứa trong ngôn ngữ thành kỹ năng hành vi.
- Dạng đề (theo chữ của người học, gồm dạng “kín”/ “hở” hay dạng “thẹn thò” (!).
+ Loại dạng đề “đóng” thì dung lượng lý thuyết nên có, chiếm “tỷ trọng” bao nhiêu? Nếu phải huy động thêm kiến thức thì sẽ là những tri thức “hàn lâm” gác trên gác bếp (!), hay chỉ là những tri thức mà mình bắt buộc đã tích lũy được, nói cho nhanh, tri thức phổ thông cơ bản tính đến thời điểm hiện tại!
+ Dạng đề “mở” thì có nên “sao chép” từ một nguồn tài liệu nào đó? Nếu nên, thì có cần phải bỏ qua phần lỗi chính tả và/ hoặc ngữ pháp, do sự “tam sao thất bổn” mà ra? Hay là nó vẫn “kiêu kỳ” đòi hỏi một cách nghiêm túc sự sáng tạo của người trả thi? Nói “sáng tạo” cho có vẻ “kiêu sa” chứ thực ra nó chính là những ý tưởng mới nảy sinh do hoàn cảnh “thi thố”/ thúc bách (?!), cho nên, đừng có dè dặt với từ đó. Tuy nhiên, dẫu có thế nào thì vẫn cứ phải “có bột mới gột nên hồ”, không dưng mà có “hồ” thì chỉ là thứ “nổi loạn” của ý thức!
Người học, khi nhận được thông tin môn thi với dạng đề “hở” thì phải kiên quyết ngăn chặn sự tư thông hỉ hả giữa “bụng” và “dạ”: Sướng ghê, thay vì phải học thứ của nợ này, từ nay thì tha hồ “chát chít” với game online!
+ Dạng đề nào thì đặt ra yêu cầu “phát triển”, và phát triển tất nhiên là vô cùng (!). Thế nhưng có “vô cùng”  đến “mức” nào thì cũng không được vượt quá “tầm” kiểm soát của người “đọc” bài “cho” điểm!
- Thời gian dành cho làm bài
+ Là điều kiện biến đổi trạng thái “điểm khởi đầu” để đi đến “điểm khởi đầu đã được phát triển đầy đủ”… Nên chăng dành cho nó có đủ thời gian. Đã không thêm được cho nó chút thời gian, thì cũng đừng nên “véo bớt” của nó!
Không ngẫm ngợi điều này, lắm “khoa học gia rả” tán vượn/ tán hươu cho một vấn đề, như một con bệnh được ăn trả bữa đến mức nó chỉ còn xứng với cử chỉ “vuốt ve” duy nhất của “cục gôm” trong chiếc hộp đựng đồ dùng học tập của những cô bé học sinh Tiểu học!
+ Hình thức ngôn ngữ phù hợp cho mỗi nội dung trong đề tương ứng với thời gian đáng lẽ được “phân bổ”, chẳng hạn, với thời gian “t”, thì bằng thứ ngôn ngữ “nghệ thuật hội họa”, hay… “âm nhạc”… liệu có diễn đạt được hết ý của mình không? Hay, nên dùng thứ “ngôn ngữ học thuật”, cùng với phép logic quy nạp/ ngoại suy/ tương tự để tự chủ hơn khi phát triển ý tưởng cá nhân!
- Đề, có hay không được sử dụng tài liệu
+ Được! Trước một đề như vậy cần trả lời câu hỏi: Vị giám khảo này (tức người đọc bài và cho điểm ấy) “thích” thế nào? Nghe lại chuỗi âm thanh của chính mình, rồi nhẩm tính số định ngữ có “pha màu” thán ngữ: Hay quá! Đúng quá! Hết ý!... với thông điệp hàm ý “Đồng thinh tương ứng/ Đồng khí tương cầu”.
Đây là một cách “nịnh hót” thầy không hề úp mở, với động cơ “dìm hàng” nhau. “Em là em thuộc thầy không sót một câu, không sai đến từng con chữ, còn thì mấy người kìa kìa, …lời thầy y như nước, còn “bài trả thi” …, thầy thấy đấy, chẳng khác những chiếc lá khoai”.
Tâm lý chung, đã theo nghề “làm thầy” thì chẳng mấy ai muốn nhắc lại y nguyên những gì mình đã nói hay viết! Hơn nữa, nghe người khác lặp lại nguyên xi lời nói của mình, người biết tự vấn thường chạnh lòng nghĩ đến sự xỏ xiên, hơn coi sự đó là hành vi thể hiện tình tinh thần trọng đạo. Chớ có dại! Vì đó chỉ là thứ “Cáo mượn oai Hùm”. Thực tế vẫn còn cho thấy, lúc thì ông Mác nói này, nọ thì Lê-nin nói kia…, rốt cuộc đến việc làm thì cứ y chang, rặt mỗi thứ… từ trong bụng mèo, khi trời trở chứng!
Đã xem chân lý là bản thân của quá trình nhận thức thì nó phải được sử dụng và phát huy thứ công cụ “thăm dò khoa học”. Trong đó, dùng suy đoán đáp án là phương pháp suy luận giả thuyết, còn thực nghiệm là phương pháp logic dùng khi quy nạp suy luận. Người ta “… chỉ có thể thăm dò chân lý” (Popper). Tất cả những hình thức sắp đặt trước đều có thể và/ hoặc phải biến đổi tùy theo sự phát triển của học thuật. Có một sự tồn tại thực của thế giới bên ngoài, nhưng đó không phải là sắp đặt trước của tiên thiên, mà là kết quả dần hình thành trong nhận thức. Vì vậy, không có một sự sắp đặt sẵn mà “người dùng” chỉ còn duy nhất việc tỏ ra sự “thông hiểu”.
+ Không! Nếu thế thì đỡ phải lãng phí thời gian đắn đo lựa chọn. Công việc của người trả bài chẳng cần phải biết vị giám khảo kia sẽ nghĩ gì. Cứ căn cứ vào yêu cầu của đề mà thả sức cho ý tưởng tung hoành “như được nống vào đôi giày da nền nếp” (W. Goethe).

Khi đã đặt vấn đề ra đến “độ” này, thì cũng đành “tỉ dụ” một tý, cho nó khỏi bị mang danh nói không có cớ!

Phần cụ thể
ĐỀ THI HỌC PHẦN – HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
HỌC KỲ II NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn thi: Phương pháp DH GDCD 1; Số tín chỉ: 02
Dành cho ngành Sư phạm Giáo dục công dân; K 35
Thời gian làm bài 90 phút
Được sử dụng tài liệu khi làm bài
  Câu 1 (5 đ). Xây dựng một đoạn văn nhập đề cho bài học số 14, “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong đó thể hiện đầy đủ mục đích yêu cầu của bài học ấy.
  Câu 2 (5 đ). Trình bày những hoạt động cơ bản và cụ thể khi hướng dẫn học sinh tự học ở nhà qua việc giải các bài tập của bài học số 14 này.
  ****
- Được sử dụng tài liệu là để tham khảo, thu thập tư liệu (văn học, lịch sử…) nhằm vận dụng vào phát huy một ý tưởng. Khác với sao chép cop-py tài liệu.
- Dung lượng cho một đoạn nhập đề quyết không dài hơn bài học.
- Hoạt động cơ bản và cụ thể khi hướng dẫn học sinh học ở nhà (tự học) thì không nên “thảo luận nhóm” vì học sình thành phố khi “thảo luận nhóm” thì đã có đèn công cộng chiếu sáng mỗi khi đi về; có người nhà đưa đón; các tiệm “nét” đóng cửa sớm vì “em còn phải học bài”… Còn ở nông thôn, trước khi “làm học sinh” còn phải cho con gà con lợn ăn xong; đấm lưng cho cha; sắc thuốc cho mẹ; rửa ráy tắm táp cho đàn em đôi khi đông như cái nhà trẻ của… phường (!), rồi mới đến lúc tranh thủ học bài, mà lại là học bài Giáo dục công dân (!).
- Quan hệ giữa các nội dung trong đề thi hay tính chỉnh thể của mỗi khối kiến thức.

Về nội dung liên quan đến câu hỏi thi số 1 và toàn bộ đề
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân đối với Tổ Quốc, thể hiện tập trung tình cảm cao đẹp của con người, ấy là lòng yêu nước.
Nếu chỉ tập trung ca ngợi tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm là mới là yêu nước thì đã gây nên nỗi bất hạnh cho người dân của một đất nước không có lịch sử bị xâm lăng (!). Tức là, bảo cho họ biết rằng, họ không có lòng yêu nước. Để dễ hiểu điều này ta thử vận dụng phép ngoại suy, tình yêu đối với quê hương đất nước ví như tình yêu đối với cha mẹ. Thật là bất hạnh biết bao, cho kẻ nào, không có tình yêu đối với cha mẹ! Cho nên, để họ có lòng yêu nước thì cần phải có sự xâm lăng của bọn xâm lược (!). Vậy thì hạnh phúc lắm thay cho một dân tộc luôn bị và mãi trong tình cảnh bị xâm lược (!?). Và ôi thôi! Tương lai của nhân loại một khi chung sống hòa bình được trở thành hiện thực, thì lòng yêu nước sẽ tiêu biến mất đi, đâu còn!... Mà khi nó bị tiêu biến thì cũng có nghĩa là không còn lòng yêu nước dựa trên một chủ nghĩa dân tộc chân chính, một chủ nghĩa dân tộc biết cách tự bảo vệ bằng cách bảo ban nhau cùng mài giũa tinh thần tự tôn, để không dành cho bất cứ kẻ nào cơ hội được phép coi khinh coi thường dân tộc. Chỉ khi đó, con người sẽ biết cách tôn trọng quyền tự quyết dân tộc không chỉ đối với mình mà còn là đối với các dân tộc khác, là điều kiên tiên quyết cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Đồng nhất lòng yêu nước với tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm là một sự phiến diện có lợi cho bọn thù nghịch với dân chủ, người giáo viên Giáo dục công dân không được phép mắc mưu các “thế lực thù địch”.
Thì khái niệm lòng yêu nước (trang 96, SGK GDCD 10) chả nói như thế là gì?
Hồ Chủ tịch nói, dân tộc ta “có một lòng nồng nàn yêu nước”. Lòng yêu nước ấy đặc biệt biểu dương sức mạnh “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi”. Điều này có nghĩa là chúng ta là một dân tộc biết sống có trách nhiệm với Tổ tiên/ Đất nước. Một khi bị bọn cướp nước xâm lược, thì không một người đàn ông, đàn bà nào, người già/ con trẻ nào đang tâm để yên cho chúng dày xéo lên quê hương, đất nước mình, mồ mả ông cha mình, tổ tiên mình... Sách Ngữ văn 12, tập 1, có hẳn một bài về chủ đề yêu nước… Nếu đã học 12 thì không ai không biết vai trò lớn lao của Lòng yêu nước trong việc tổ chức cộng đồng dân tộc. “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh (…) Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ Có nội thù thì vùng lên đánh bại”.
Kẻ thù thì không chỉ “ngoại thù” mà còn là cả “nội thù”. Nội thù theo nghĩa rộng bao gồm tất cả những thế lực đối lập với văn hóa văn minh, là những giá trị mà một dân tộc có lòng nồng nàn yêu nước không thể không hướng tới. Chúng là đói nghèo, lạc hậu; là thói quen lười biếng, cẩu thả trong học tập cũng như trong các công việc khác, đặc biệt là lười suy nghĩ, lười đọc… nên không biết cách hành xử đúng. “Chúng” là tính tham lam biển lận, thói bủn xỉn hèn hạ, nạn ăn cắp của chung, bạo lực, xảo trá, phản bội v.v. và v. v, mà nếu cần “chỉ mặt đặt tên” cho nó thì cứ gọi chung bằng cum từ “bọn tham nhũng”. Gọi thế cho thấy rõ, kiên quyết đấu tranh “Phòng, chống tham nhũng” mới thực là “yêu nước nồng nàn”.
Phòng và chống tham nhũng mới là yêu nước đầy đủ thì mỗi người cũng phải biết tự nâng mình lên: chăm chỉ học hành, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường, tăng cường thể chất, không hoang phí, nhất là hoang phí thời gian và các nguồn tài nguyên, khoáng sản của quê hương mình, không sa đà vào các thú vui tầm thường đê tiện: cờ bạc, cá độ, nghiện hút, kể cả nghiện chơi game online… Những thứ cần “chống” mà chống không nổi, cái phải “phòng” mà phòng không nên, chính là mảnh đất màu mỡ mà bọn tham nhũng… không cần bỏ công tưới tắm, chăm sóc; còn bọn “ngoại thù” cũng chẳng mong mỏi gì hơn!
Và đấy không phải là nội dung của xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ Quốc, cũng là thể hiện “không yếu” hơn tinh thần đấu tranh chống xâm lược, thì nó là gì?
Thế mà bài viết chỉ hoặc thuần túy nói về chống ngoại xâm hoặc huyên thuyên yêu nước là yêu cây đa cây đề, yêu con đò con giang, yêu bánh đa bánh đúc… Đãnh nhẽ đó cũng là yêu quê hương đất nước dưới góc nhìn nghệ thuật. Yêu như thế, “Giáo dục công dân” không tiếc, nhưng buồn!
Nó buồn, vì thầy cô dạy Giáo dục công dân “chơi” “lộn sân” với các thầy cô dạy văn chương trong nhà trường. Chơi trên một sân chơi không “chính chủ” đã không thể tốt hơn “chính chủ” lại còn làm bôi bác xúc phạm văn chương… chỉ đem lại hậu quả khiến các học trò của mình… “vỡ rốn”.
Vì nó thiếu. Thiếu cái “Ai trồng cây sung cho nàng ăn quả, ai trồng cây sả cho nàng gội đầu” (?). Ai? “Ông lái đò” mệt mỏi! Cũng chẳng vì miếng cơm manh áo mà cầm lòng nấn ná, uể oải “nằm không thuyền đợi khách”. Nhưng còn vì những thân phận tất bật lỡ làng nên phó thân cho hơi khuya lạnh lẽo, phong kín buồn “để gió lén mơn râu” (!). Ai, bánh đa bánh đúc, sớm chợ trên, chiều chợ dưới lần hồi gầy dựng nên Thánh Gióng, âm thầm tần tảo nuôi những kiện tướng thể thao, những nhà khoa học, những nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc; “những người trồng lúa cho quê hương”, những người trồng dưa để nuôi con mình ăn học…
Hãy đọc lại bài thơ “Đất Nước” của chương trình ngữ văn 12 để biết (!), chứ không phải lặp lại “Nào, chúng ta giở trang này, bày trang kia” rồi lại, nào bắt đầu... y như là quyền tự do ngôn luận chỉ quy cho được vậy!
Hãy xem thử mục tiêu của bài học “lặn” trong đoạn văn này (chú ý các yếu tố kích thích hứng thú học tập).
Tránh nhiệm và bổn phân của người công dân có nhiều…, song cao quý và thiêng liêng nhất là được sống hết mình cho quê hương, đất nước. “…Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời…” (Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm).
Người học sinh sẽ góp gì cho “Đất Nước muôn đời”, khi sự học tập là cơ hội duy nhất cho sự đổi thay thân phận cuộc đời của cá nhân cũng như thân phận của mỗi quốc gia, cộng đồng, dân tộc? Ai vẫn từng dạy ta “… dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu… là nhờ phần lớn ở công học tập của các em”?
Yêu quý quê hương đất nước; biết tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc; có ý thức vươn lên trong học tập rèn luyện để “Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân…” đó chính là sự biểu hiện tập trung của “Lòng yêu nước” phẩm chất cao quý nhất của con người, và đó cũng chính là nội dung cơ bản  của nghĩa vụ “Công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”.
Câu 2 của đề thi là đoạn kết có hậu của phần nhập đề. Khi giảng bài, tôi luôn nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa mở bài và kết luận. Rằng, điểm khởi đầu là điểm cuối ở dạng tiềm tàng, còn điểm cuối chính là điểm khởi đầu ở trạng thái phát triển đầy đủ. Cho nên, vị tất đã phải giảng giải hết tất cả các nội dung có sẵn trong bài, người dạy học có thể và cần biết cách hướng dẫn người học sinh “tự thu hoạch”.
Câu này, chỉ ai đã có sự học hành cẩn thận thì khỏi cần phải thêm bớt gì. Cụ thể, tại các trang 18, 41, 53, 82, 90, 99, 122, 156, 166, 183, 192, 203 sách Ngữ Văn 12, tập1, có riêng mục Hướng dẫn học bài dành cho người học, mà chúng ta đều qua lớp 12 THPT cả (tức là có học bài theo các hướng dẫn ấy) lẽ nào lại không vận dụng nó vào hướng dẫn “học sinh giả định” của ta…
Vậy thì, hoạt động cơ bản khi hướng dẫn học sinh tự học (tự học ở đây là học ở nhà đấy) mà đáp án của các bài tập của bài học chính là nội dung cho hoạt động này (chứ không phải là trả lời các bài tập ấy; cái chết của sự “Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải…” là vậy đấy: không làm sản sinh thêm một tý giá trị nào!).
1. Thế nào là lòng yêu nước? Em nghĩ gì về truyền thống yêu nước của dân tộc ta?
- Định nghĩa (SGK), qua thơ trích đoạn của Chế Lan Viên hàm chứa những nội dung đạo đức nào? Em nghĩ gì khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết, “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ… [với] những cuộc đời đã hóa núi sông ta”, và “Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi (?)” (SGK Ngữ Văn 12, tập 1, tr. 118-122).
2. a) Thay vì Hùng nên làm gì, thì: Em! Em sẽ làm gì khi gặp hoàn cảnh ấy? Có phải vì mọi hoạt động của chúng ta đều phải phục tùng và dành ưu tiên cho việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng tự vệ cho Tổ Quốc?
2. b) Một người bạn tốt, không phải là người chỉ biết chằm chặp vào sự a dua, kể cả khi bạn mình có ý định tốt. Đằng này, người bạn ấy lại có ý định thoái thác trách nhiệm đối với quê hương, khi quê hương đang cần đến bạn bằng việc cấp kinh phí cho bạn đi học. Một lời khuyên nếu chưa đạt hiệu quả, thì quyết phải là một đòi hỏi nghĩa vụ đạo đức đối với người bạn kia không?
2. c) Tiến đã làm đúng! Nếu em, em có lựa chọn nào khác không?
3. Gợi ý tìm hiểu: Các hoạt động, các phong trào có khả năng lôi cuốn khối đông đảo thanh thiếu niên tham gia như rèn luyện thể chất; cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng xuất; đền ơn đáp nghĩa; giữ gìn, bảo vệ an ninh, an toàn khu dân cư/ cộng đồng; chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; vệ sinh nơi sinh hoạt/ cư trú… Ý nghĩa của các hoạt động đó góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc với nội dung cụ thể nào?
4. Tương tự như câu 3. Cụ thể hơn bằng cách yêu cầu học sinh chọn ra một hoạt động nào đó mà chỉ ra mức độ “đóng góp phần vào…” với lượng hóa giá trị (ví dụ: phong trào “đền ơn đáp nghĩa” có ý nghĩa động viên an ủi, bù đắp tinh thần…; giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng…; thể hiện tình cảm yêu thương, đùm bọc (!); trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc… Ý nghĩa phê phán đối với bọn người đang làm cho Tổ Quốc ngày càng suy kiệt bằng hành vi tham nhũng của y; thông điệp nhắn gửi tới những thanh thiếu niên vô cảm, thứ thanh thiếu niên không chịu bất cứ hoạt động nào ngoài việc chăm sóc bộ lông của chúng).


Nếu có cách nào để chuyển những dòng chữ xanh trên này vào tờ giấy dùng cho làm bài trả thi học phần, liệu sẽ tốn bao nhiêu tờ giấy như vậy cho một môn thi và cho toàn bộ khóa trình học đại học?