Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Luận về cái ngã

Trong vạn sự “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật” (tục ngữ), thì cái nết chấp ngã là cái chết không bao giờ nhắm mắt được cả.
Vì chấp ngã là căn nguyên của các thói hư: ngã mạn, tự phụ, kiêu hùng, tự tôn, tự đại… và rất chi là hay tự ái, tự ái đến mức cao đạo. Cao đạo sinh ra càn rỡ. Càng cao càng càn; càng càn càng tự ái; càng tự ái, càng càn rỡ.

Đó là nghiệp chướng. Nghiệp chướng cứ thế như côn trùng. Không chỉ hóa sinh trong nội chính mà còn lây lan khủng khiếp ra khắp cộng đồng!
Kẻ có tính chấp ngã (chỉ khác nhau về mức độ), luôn bị cái tôi u mê che khuất. Ở kẻ có biểu hiện rõ nhất thì thứ bệnh hoạn tâm hồn: Nó không bao giờ có sự học hỏi nơi người khác. Nó chẳng chịu nghe ai nên chỉ một sở thích duy nhất là người ta phải nghe nó. Càng nhiều người phải nghe nó, nó càng phấn khích. Càng khoái càng ham, càng ham càng tham. Càng tham càng sợ. Càng sợ người nghe mình ít dần nó càng cố tỏ ra người nghe theo nó cứ đông lên. Đông mãi! Sốt ruột, nó phải ép người ta nghe. Càng ép người ta lại càng không nghe. Càng không càng ép; càng ép càng không. Đó là hậu họa mà chấp ngã đem đến cho đời.
Vua Lỗ Ai Công hỏi: Có một câu nào nói ra có thể làm cho mất nước được không (hàm ý mất ngai vàng). Một câu nói ra mà làm cho mất nước ngay thì cũng khó…, rồi Khổng Tử lưỡng lự, nhưng nếu có một câu như vậy thì nó chính là câu “Anh phải nghe ta”. Mạnh Tử góp thêm, vua thì rất thích dùng hiền tài nhưng lại cũng rất đòi anh phải bỏ cái sự học của anh đi mà nghe theo ta!
Lich sử Trung Hoa có tới… cả rừng thảm họa do thói chấp ngã của các đấng quân vương các bậc thánh đế háo danh, hám tiếng… Quan Công thời Tam Quốc chỉ vì kiêu ngạo mà khinh địch, cậy tướng ở xa triều đình mà chẳng còn phải nghe ai, để Kinh Châu rơi vào tay địch đưa thời kỳ bi đát của nhà Hán đến hồi vô phương cứu vãn.
Cái tôi chấp ngã ở kẻ bình dân ít học, võ biền thì ít họa hại, có chăng thì cũng chỉ ít người xung quanh phải gánh chung quả báo. Cái này ở nơi kẻ có chút ít học hành thì rất mạnh mẽ. Thường thì học càng cao, càng đến độ dường như là tinh thông sách vở thì lại càng thiếu tính khiêm cung, không tự xét mình, nên cứ “bạo hổ bằng hà” mà trở thành kẻ kiêu hùng, gây họa cho đời nhiều hơn là mang lại lợi ích.
Năm Gia Tĩnh đời Minh, Hàn Lâm học sĩ Từ Tồn Trai đánh rớt một thí sinh chỉ vì câu “Nhan Hồi Khổng tri trác”. Khi biết đó là câu của Dương Hùng trong Pháp ngôn được thí sinh kia viện dẫn, ông đã xin lỗi và sửa điểm khiến thí sinh kia đã đỗ thủ khoa!
Hành vi trên chỉ là một hiện tượng hiếm hoi bởi hoàn cảnh xã hội là chế độ phong kiến. Vì thế mới có định nghĩa chế độ phong kiến là chế độ thối nát là do nó biết cách chiều chuộng thói ảo tưởng ở mọi chủ nhân của chế độ tông pháp. Chừng nào thiên hạ còn “hải đễ lao châm” nết sống khiêm cung ở bậc đế vương, các đấng hiền nhân chừng ấy đời người còn lặn ngụp trong bể khổ trầm luân. Đây không chỉ là một định mệnh, trước hết nó là một kinh nghiệm hiện vẫn còn đúng. Bao lâu con người còn cách nhìn đời như vậy, bấy lâu đời còn chỉ thất vọng ê chề!
Chấp trước là cha sinh, chấp kiến là mẹ dưỡng của chấp ngã. Người đã chấp ngã tự trong thâm tâm có biết mình sai vẫn quyết không chịu tổn thương cái tôi nơi nó. Thậm chí, nếu có quyền lực, nó sẽ huy động đến hết để thỏa mãn dục vọng chấp ngã cá nhân. Kẻ chấp ngã không bao giờ lại đi nhận mình kém tươi hơn người, kém sang hơn bạn.
Có một vị thí sinh dựa vào Oán mộ chương trong “Mạnh Tử” viết: Vi Thuấn dã phụ giả, dã mẫu giả liền bị chủ khảo phê “bất thông” và đánh hỏng. Thí sinh kêu oan vì câu ấy lấy trong chương Đàn cung của Lễ Ký. Quan giám khảo đòi nọc cổ xuống đánh vì “chẳng nhẽ chỉ mi, còn ta không đọc Lễ Ký hay sao”.
Thói đời, cho đến bây giờ vẫn vậy. Mình thế này, chẳng nhẽ lại thua hắn kia sao? Thế là đời lại phải mỉm cười, thôi thì vì danh giá của kẻ bề trên mà đời có thêm một kẻ bị ép uổng nữa cũng là thường, đâu đến nỗi “mất nước” nói như ông Khổng-Mạnh được
Nhưng rồi Mao Trạch Đông và lũ lâu la hậu duệ đã đánh mất nước Trung Hoa văn hóa từ chính tay họ! Ngày xưa Chu Lệ Vương đã bỏ ngoài tai những lời gan ruột của Thiệu Mục Công: “Cấm nhân dân nói còn nguy hiểm hơn ngăn chặn dòng sông lớn. Nếu chặn dòng chảy, đê đập có ngày sẽ bị vỡ. Đê vỡ thì mối nguy hại với con người cực kỳ lớn. Với dân chúng cũng như vậy: không được nói thì oán hờn sẽ tích tụ trong lòng, một khi bộc phát ra sẽ vô cùng ghê gớm. Vì vậy, trị thủy không phải là chặn dòng, mà khơi đường cho nước chảy thông suốt, kẻ thống trị phải khơi đường cho dân chúng nói năng”.
Rốt cuộc rồi Chu Lệ Vương đành phải, sau đó 3 năm (841 tr.CN), tháo đến đất Trệ (Sơn Tây bây giờ) để mà ngỏm củ tỏi ở đó. Cái chết đáng kiếp này đã làm rộng rãi thời kì hoang tàn đổ nát của nhà Chu, qua Tuyên Vương, đến U Vương (467 tr. Cn) thì rụi hoàn toàn…
Kẻ hiểu biết Phật tính là kẻ biết nghe những cảnh tỉnh thường xuyên của thời, biết sống thuận với thời, thuận lẽ nhân quả, theo sự biến chuyển của trời đất mà làm chủ lấy thiên hạ. Thiên hạ đã muốn phế nhà Hán – Thục Hán, chọn nhà Ngụy, Tấn mà có cố cưỡng thì cũng không chỉ hại đến thân, cũng còn gieo họa cho người thân của mình. Quan Bình nếu đã chẳng chết vì tay Lưu Bị thì cũng chết vì tay Khổng Minh bởi Quan Công chết là không giữ được cho tập đoàn Lưu Bị, thì cũng chẳng giữ được cho chiến lược “liên Ngô kháng Tào”.
Lịch sử đất nước chúng ta không thiếu gì những hình ảnh đáng cho chúng ta suy nghĩ. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, thì Lê Lợi chúa là hay nghi kỵ, đó là tật cố chấp. Nhưng cái chấp ngã ở ông được hóa giải dần khi ông biết đến ý trời mà thương yêu dân chúng. Không ai không nghĩ Trần Thủ Độ trước hết là một con người võ biền, nhưng lịch sử đã không cố chấp khi ông lại là người biết đặt lợi ích dân tộc lên trên. Khi nói về các triều đại phong kiến mà cá nhân các ông nói trên kia đã in đậm dấu ấn của mình, lịch sử và nhân dân cũng biết rành rọt phân minh đề cao công trạng gìn giữ độc lập chủ quyền, cho nên cái chấp ngã ở các ông theo đó mà được tiêu biến. Thế mới thấy, nghiệp kiếp không phải là khó giải. Phật Giáo, một học thuyết từ bi cứu thế, lấy pháp độ tha nhân mà đứng hẳn về phía kẻ yếu để hóa giải mọi tội lỗi của con người.
Thứ chấp ngã làm cho con người u mê vọng tưởng. Nó biểu hiện ra ngoài là tính cách chấp trước. Người đã chấp ngã thì không có việc gì mà nó không chấp bởi nó luôn được “quy chiếu” từ cái tôi hoàn hảo do nó tự nghĩ ra. Tính chấp trước ở con người ta chỉ có thể bị kìm hãm để không phát tán tai họa ra cộng đồng khi con người đó thực tâm trọng đạo. Đại phu Thập Bì liền thưa, khi được Ngụy Huệ vương hỏi: “Thần có nghe dân chúng nói về Đại vương nhân từ độ lượng, hay bố đức và gia ân”. Huệ vương cả mừng: “Như vậy ta quả là với đời, có nhiều công đức”.
“Cái công đức ấy của Đại vương rồi sẽ đưa đến ngày mất nước”, Đại phu Thập Bì tiếp: “Làm vua mà quá nhân từ độ lượng nên sẽ ít trừng phạt; hay gia ân thì chỉ có ban thưởng mà không bảo ban dạy dỗ kẻ tôi tớ làm con người. Nhân từ độ lượng quá đến mức kẻ có tội cũng không dám trừng trị; thích gia ân thì đến lúc kẻ không có công cũng được ban thưởng, mà ban thưởng đến quá mức kham nổi của ngân khố thì không mất nước mới là lạ”.
Quá ư dồi dào tính chấp trước, chỉ để thỏa chí danh thơm dứt khoát chuốc họa vào thân, phải trả giá về mặt đạo đức.
Đạo làm người thì phải bao dung. Muốn có đức độ thì phải từ bỏ cái tôi chấp trước. Việc này phải dựa vào sư nhận xét việc sáng suốt, không được đắc chí mà vội vàng suy đoán quy chụp linh tinh. Nắm quyền thưởng phạt công minh mà điều hành thiên hạ khiến kẻ bất tài không dám tranh công, khiến kẻ có công cũng không dám nhận quá. Không mua sự tận tụy bằng kim tiền; không đổi sự trung thành bằng cách phóng tay gia ân bổng lộc.