Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Đàm đạo với Khổng tử

Canh một: “Xướng xuất”

- Hiền nhân! Chẳng hay, giờ này Ngài vẫn còn chưa an phận quy tiên?
- Ta còn quá nhiều duyên nợ với dương gian. Có lẽ sinh thời ta đã quá phí phạm thời giờ. Mải phục dịch cho các thế lực cầm quyền những mong gương sáng để đời, rốt cuộc làm ra rồi mà chẳng có kẻ soi. Còn dân tình thì chẳng câu nệ ý ta, chẳng kẻ nào cam chịu thiệt thòi để được “an bần nhi lạc.”

- Cũng đành thôi…, Ngài đừng quá khổ nhục tinh anh. Nước không có vua, khác nào con không có cha. Chẳng lẽ nào nhà không có nóc. Phàm là thần dân ai chẳng phải có bổn phận trung quân. Dân không an phận mà lại dám tranh thiên chức với Trời há sao không phải là trái đạo!
- Phải! Bá đạo! Nguyên nhân không do một sớm một chiều, tất cả đều bắt nguồn từ một mối: Trên chẳng chính ngôi! Đạo của ta, chỉ có Trời… Khiến thân phận ta như “chó nhà tang”!
- Ngài có thể bớt chút thời gian, dành cho hậu thế hiểu đúng ý người?
- Quả là học thuyết của ta là nhắm tới xây dựng một xã tắc vững bền. Ngoài đạo hiếu kính Trời, kính Tiên vương, thờ phụng Tổ tiên, báo đáp ông bà, cha mẹ, ta còn lấy Lễ để sửa sang “thập nghĩa”: “phụ từ/ tử hiếu, huynh lương/ đệ đễ, phu nghĩa/ phụ thính, trưởng huệ/ ấu thuận, quân nhân/ thần trung”; lấy Quân giả làm cây nêu để cây ngay cho bóng thẳng, làm cái mâm để tròn cho nước đầy, làm nguồn thanh cho nước trong… Ta gửi gắm hết vào bậc minh quân, lấy Nghiêu Thuấn ra mà làm cái quy, cái củ, cái ngay, cái thẳng những mong như “cây gỗ theo dây mà thẳng” chẳng hay “chó liếm mất mực” ,“tắc dân vô sở thố thủ túc”. Nay Đức Phật đã ngoảnh mặt với ta, còn ta thì cũng chả dám đến với Ngài, ngay cả với Lão Đam ta cùng đành không ngăn mà cách. Hổ thay!
- Chả hay Ngài đau đáu điều gì? Chẳng nhẽ phép trị quốc an dân của Ngài đã không dẫn dắt được các chính thể quân chủ?
- Không hẳn. Tất cả những kẻ lấy được thiên hạ đều nhờ được dụng phép của ta. Nhưng lấy thiên hạ mà không giữ thiên hạ, thành ra thiên hạ bị tước đoạt, ngay cả thờ cúng tổ tiên, điều ta kỳ vọng, cũng đã vì ta…
- Ôi! Tiền nhân xót xa tận thế chăng! Vãn bối có lời vấn an Ngài: Bản quán con đây 4000 năm vẫn giữ nguyên mộ Tổ, cứ mỗi độ Xuân về già trẻ lớn bé lại “hành hương” đấy thôi!
- Kẻ hậu sinh! Ngươi cũng chỉ mới biết đến vậy thôi! Cái đau của Lễ, ngươi đâu hiểu được. Thờ cúng tổ tiên là để bảo ban nhau, nghe trông, làm lụng cho nhau… Đến nông nỗi này, ta đã không bảo cho mà biết!
- Xin ngài hãy rộng lòng khai minh!
- Mọi việc đều phải chính danh. Danh bất chính, ngôn tắc loạn; lớn nhỏ việc nào cũng hỏng!
- Dám thưa…
- Anh hãy nghe ta.
- Hiểu rồi! Thưa hiền nhân. Chẳng phải là Ngài đã khuyên Lỗ Ai Công!
- Anh nhầm! Thành ra ta như đã nối giáo cho giặc! Đằng nào thì các chính thể quân chủ cũng đã chộp lấy làm nguyên lý cố cùng thiết chế độc tài! Đồ đệ của ta, ông Mạnh Kha, vì hiểu ta nên cũng bị lũ độc tài xếp chung cùng rọ.
- Có phải Đức Mạnh Kha bảo: Vua chuộng hiền tài, nhưng hiền tài thì vứt bỏ cái sự học của mình. Vứt bỏ thì “hiền tài” được vua yêu chiều như con hát?
- Chí phải. “Phù Lễ, tiên vương dĩ thừa Thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình”. Cái tính người phát khởi là bởi cơ cấu tinh thần đáp trả lại cảnh giới. Nó đỏng đảnh như gái đến thì: lúc hỉ, lúc nộ, lúc ai, lúc lạc, lúc ái, lúc ố, lúc dục… Tính phát khởi chừng mực thuộc Đạo Trời; tính phát khởi thất tiết, vô chừng thuộc về tính khí con người. Lễ không phải chỉ là y phục, trang sức lộng lẫy; nhạc vì thế mà không chỉ là tiếng trống tiếng chiêng. Nó là sự tương giao của âm thanh mà tạo nên những tiết điệu du dương để điều cảm. “Nhân nhi bất nhân như lễ hà, như nhạc hà”, kẻ bất nhân thì không thể dùng lễ, cũng không thể dùng nhạc. Hiểu được tác dụng sâu xa của nhạc, Thánh nhân “Tri nhạc dĩ trị tâm” là để giáo hóa dân chúng, nên chính trị phải liên hệ với nhạc: “Thanh âm chi đạo dữ chính thông hỹ”. Cái cùng cực của Nhạc là hòa, “Nhạc giả vi đồng”. Kết hợp tính tình, trang sức, dung mạo là việc của lễ nhạc. Làm Vua phải sính nhạc. Quan lại Trung Hoa còn biết tuyển diễn viên, ca sĩ trong các đoàn hát làm hiền thê. Không phải chỉ xinh đẹp mà cái chính là biết hát. Ý chí của thế lực cầm quyền thì được làm ra ca từ, trái tim của kẻ cầm quyền làm thành ký tự âm thanh, con hát là thanh khí. Thánh nhân tấu nhạc nào thì lấy được lòng ấy. Nó khiến được dân quên điều họ ước muốn, hà tất phải biết họ muốn gì.
“Nhạc giả, âm chi sở do sinh dã”. Hi Lạp cổ thì khán giả hòa cùng gánh hát mà tranh biện với nhau cho tỏ đạo trời. Phương Đông thì người ta lắng Đạo Trời được Thánh nhân chế bản. Rốt cuộc, cũng chỉ có một người!
- Là ai, thưa Hiền nhân!
- Đôi tai anh thì nghe được những điều gì khác, khi anh không nói. Kể cả cha mẹ anh có muốn dạy bảo anh, còn phải hạn hết mức âm tần. Người ta không thể thương cho roi cho vọt khi nguồn phát chỉ còn là những lời thủ thỉ. Khi chính trị thủ thỉ thì nó là âm nhạc. Để “nghe êm tai hơn” mà thần khí sang sảng của Lý Thường Kiệt nhà ngươi, đã bị giáng từ  “sách trời” xuống làm sách bọn trẻ, hỏi còn chi nữa kiến văn? Tiếng cưa đá dưới chân đài Thái tổ Lý nhà anh, đang làm cho các bản bolero, valse sang trọng hơn cả Chí Linh sơn phú… Đó là chỗ chết của Lễ ta!
- Thưa, cái đó gọi là cách giữ nước.
- Đúng! Cách ta nói cho Lỗ Ai Công.
- Ôi, Hiền nhân! Vãn bối chỉ cầu Ngài dạy cho đệ tử, như Ngài đã từng, lúc sinh thời!
- Đó là lúc Vua Lỗ hỏi ta, có một câu nói nào làm cho mất nước ngay không? Ta bảo: một câu nói mà làm cho mất nước ngay e khó. Nhưng nếu có thì câu đó hẳn là câu: “Anh hãy nghe ta!”. Vậy mà, sự thật liền sau đó xảy ra. Ấy là, khi Chu Lệ Vương bỏ ngoài tai những lời gan ruột của Thiệu Mục Công: “Cấm nhân dân nói còn nguy hiểm hơn ngăn chặn dòng sông lớn. Nếu chặn dòng chảy, đê đập có ngày sẽ bị vỡ. Đê vỡ thì mối nguy hại với con người cực kỳ lớn. Với dân chúng cũng như vậy: không được nói thì oán hờn sẽ tích tụ trong lòng, một khi bộc phát ra sẽ vô cùng ghê gớm. Vì vậy, trị thủy không phải là chặn dòng, mà khơi đường cho nước chảy thông suốt, kẻ thống trị phải khơi đường cho dân chúng nói năng”.
Rốt cuộc rồi Chu Lệ vương đành phải, sau đó 3 năm (841 tr.CN), tháo đến đất Trệ mà chết. “Hữu quốc giả bất khả di bất thận, tịch, tắc vi thiên hạ lục hỹ/ người có nước không thể không thận trọng, …thiên hạ giết chết”. Phàm đã lệch lạc thì chính trị sẽ hà khắc. “Hà chính mãnh ư hổ” mà Thành Thang mới đuổi Kiệt; Vũ Vương mới diệt Trụ. Tiếc thay sự nghiệp của Văn Vương không khởi sự từ Lệ Vương lại kết cục từ Chu Lệ, khởi cùng với việc U Vương bỏ đất tổ mà về Lạc Ấp.
- Vâng, vậy là đệ tử con được khai tâm đôi chút… Phàm chỉ còn “Anh hãy nghe ta” thì “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” khi đó phàm điều người muốn, không làm lại làm điều người không muốn, thế còn“thử chị vị dân chi phụ mẫu” được sao? Giữ dân phải “như bảo xích tử, duy dân kỳ khang nghệ”, điều dân thích, mình thích; điều dân ghét mình ghét. “Dân dĩ quân vi tâm, dân dĩ quân vi thế. Tâm dĩ thể toàn, diệc dĩ thể thương; quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong.”
- Thế mà, nhà ngươi thi nhau xưng tụng biết địch biết ta… Chả hóa ra điều ta cảnh tỉnh con người lại được con người hiếu đáp thành Phép tiên vương, kia đấy!
- Xin Quý nhân, đừng quá giận cá… Hiền đệ chân không tới đất thật nhưng cật quá cách xa giời… có đâu một cử chỉ của tiện dân mà đem lại vinh quang hay chuốc họa cho cộng đồng được.
- Ta nói vậy là bởi ta nhiều lắm cũng chỉ chỉ cho một góc, còn ba góc kia thì phải suy xét cho ra. Có đâu ta phải vã bọt cho mép cho cái thứ hạng chỉ chờ lặn mặt trời là lục tục rủ nhau về chuồng, để sáng ra mà rộ lên rồi bảo nhờ vào ta cả gáy!
- Vâng! Vậy cũng chẳng còn mấy canh giờ. Thầy có câu nói nào nói ra mà giữ được nước.
- Cũng chính là câu nói ra làm cho mất nước!
- Thật là phúc họa bất định! Thưa Đức Khổng, có khác nào hành vi được quan sát từ lão nông của con quỷ trong một câu chuyện của Andersen: cũng chỉ cái “thổi” mà khi thì làm cho cái nguội tan đi, lại lúc còn làm cho cái nóng đông lại?
- Phải rồi. “Có hóa mà không phải là khác nhau gọi là một cái thực”. Mất nước là mất “quân quyền”. Chứ anh tưởng là vua yêu nước lắm sao? Khi biết “Thương yêu dân chúng, kính trời xanh” thì hà tất phải hỏi câu nói nào làm cho mất nước! “Anh hãy nghe ta” tất mất quân quyền; anh không cứ phải nghe ta, khiến ta phải biết đến điều thích, điều ghét của anh, thì được dân quyền. “Hữu quốc giả bất khả dĩ bất thận”, theo ý dân, không trái mệnh Trời, dân lấy thân mình ra mà làm phên giậu. Vua mà cứ theo ý mình, thì chỉ được mỗi mình mình… Thế có phải là dại dột?
- Tuyệt quá, lũ hậu bối chúng con chắc là sáng ra nhiều rồi. Nhưng, dám thưa! Ngài chỉ mới chỉ ra cách không đánh mất hoăc giữ lấy dân… Thế còn có câu nói nào nói ra mà lấy lại được nước?
- Có niềm tin thì mới có lòng can trường, có can trường thì mới có sức chịu đựng vì thực hành đức nhân thì không thể dễ dàng cũng như thận trọng và khiêm tốn mỗi lúc thành công. Đến như Lão tử cũng còn “Thị dĩ thánh nhân; khứ thậm, khứ xa, khứ thái / Ấy nên thánh nhân, lánh xa những gì thái quá”. Đó chẳng phải là lúc Nhà Trần các người biết đến điều thích, điều ghét của dân sao?
- Nhưng hậu duệ của Ngài, đại ca Tập Cận Bình đã đoạt quyền xướng xuất.
- “Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”. Ta không nắm quyền xướng xuất để các người chỉ đi tới chuồng gà. “Bất nghịnh trả, bất ức bất tín, ức diệc tiên giác giả, thị hiền hồ.”
“Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã.”
- Xin Đức ngài bớt giận…

- Không, ta biết… Ta chỉ duy trì nguyên tắc của Đạo ta. Đạo của người quân tử phải lấy chính trị làm căn cơ. Chính trị căn cơ thì phải Phi Lễ: không nghe, không xem, không nói, không làm những điều trái lễ!