Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

KINH NGHIỆM TỪ CÁI LOA LÀNG

Quan liêu là một lối sống mà nhà Nho cực ưng cái bụng. Triết lý an nhàn của nhà Nho coi  “vô vi” cũng là không làm gì để giữ cho được yên chỗ. Yên chỗ là “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Huấn lệnh ban ra bất kể đầu đường xó chợ nào thì nó cũng đều lần tới được. Mẹ mõ vừa gõ vừa rao: “lệnh ông không bằng cồng bà” là cái chỗ đó!

Được cái mẹ mõ thường thì là vú rất to. Dù gì thì “mẻ” cũng là người duy nhất trong làng được “mở” trong một cái xã hội “đóng”. Mõ quyền như thế thì ngực ắt phải nở ra gấp hai ba lần. Gì thì gì, thích ngực nở ở đàn ông là một cái thói. Nghe tiếng mõ biết là có mẹ mõ sắp qua, cánh đàn ông nheo mắt làm hiệu cho nhau. Rồi lặng lẽ rủ nhau kéo đi trông xem mẹ mõ! Chúng chầu chực có khi là cả buổi may ra thì gặp được. Thói nhà quê là cứ phải như thế: “gần nhà xa ngõ”; nghe tiếng rao là liền tưởng… mẹ mõ đã tới, đâu như… chỉ vài con ngõ nữa thôi là đến ngõ nhà mình! Nhưng rồi có khi, đáng nhẽ đến ngõ nhà mình, thì “mẻ” lại “quành” sang nẻo khác! Thế là toi cái cơ hội được “cập nhật” tình hình. Cánh đàn ông chép miệng!

Bây giờ có điện có đóm rồi thì cánh đàn ông cũng đỡ mất công chầu chực. Muốn xem trông cái gì thì cứ “bật” cái là có ngay. Nhiều nữa là khác! Rồi lại sinh ra cái tật “kén cá chọn canh”. Ngồi đâu cũng không chịu yên… Tay thì bấm loạn cả lên, mắt thì đảo lên đảo xuống.

Có khi là cả ngày, thường thì là cả buổi… Hỏi, có gì mới? Giả nhời, chẳng thấy cái gì! Thế rồi cơ hội lại vụt qua nhanh. Chẳng biết đâu mà ứng xử. Nhất là mỗi khi có chuyện bầu bán. Không biết người nào tốt người nào xấu cứ nhắm mắt mà gạch bừa.

Người Nhật thoạt đầu cũng có “thiên tính” ấy. Cùng thoát thai từ xã hội Nho giáo thì không giống cánh ắt cũng phải giống lông! Chỉ có điều là khi đi vào hiện đại hóa thì người Nhật bèn ngăn chặn từ đầu. Cái lúc mà láng giềng rộ lên, rằng người Nhật là chúa lùi xùi về chuyện ăn mặc. Đàn ông lùi xùi thì còn thể tất. Chứ đàn bà mà ăn mặc lùi xùi thì ai coi cho; rồi thì là người Nhật rất chi keo kiệt, suốt đời sống trong ốc đảo nên chẳng nói nổi một từ nước ngoài, ngại giao tiếp, mà cũng chẳng giao tiếp được với một ai. Đã thế lại còn không bao giờ “bố thí” được cho kẻ khác một “cắc”! Và, điều này mới tai hại này: rằng, người Nhật thì tối ngày chỉ biết chúi mũi vào mỗi chuyện làm ăn. Ý ám chỉ người Nhật chỉ biết mỗi làm kinh tế!

Những điều này làm “đau” người Nhật lắm. Họ quyết định công bố toẹt nó hết ra! Thông qua hệ thống loa phường, suốt mấy tháng liền, “quanh đi” thì cũng chỉ chuyện ăn mặc lùi xùi, “quẩn lại” thì cũng chỉ ba cái trò “của mình thì giữ bo bo”… Người Nhật dần cảm nhận ra danh dự  “xứ mặt trời mọc” thực sự tổn thương khi bị hạ thấp xuống ngang hàng thế giới động vật.

Nếu chỉ biết mỗi làm kinh tế thì con người chả khác gì con vật. Thậm chí còn không bằng con vật nếu chỉ “bóc ngắn cắn dài” đến đỗi nguồn thặng dư dành cho việc chăm sóc trẻ em, nuôi dưỡng thân già, đôi khi để cứu hộ cộng đồng, đụng vào cái gì là thiếu cái ấy! Con ong làm mật còn biết yêu quý cái hoa. Cái kiến xây tổ làm nhà, đào hào mà vẫn còn biết chừa ra cả những lối đi cho gió…

Thật! Nếu chỉ mỗi biết thuần làm kinh tế thì thà đừng tiến hóa thành người. Nên người Nhật mới cùng dạy bảo nhau và quyết tâm thay đổi.

Không lâu sau đó, người lạ từ những cảm nhận là lạ, sang liền tất thảy đều “ngạc nhiên chưa?”. Trên tất cả các sân ga hàng không ở khắp địa cầu, cứ người nào ăn mặc đẹp nhất, trang nhã và lịch thiệp, không mấy sang chảnh mà lại… đậm đà quyến rũ… thì là người Nhật. Có ai thuê mang vác đồ đạc lên phòng ở khách sạn mà “boa” hậu hĩ, mà không phải chỉ hậu hĩ… lại còn có những từ ngữ dành để cảm ơn rất đỗi chân thành, thì đó là người Nhật! Người Nhật nói tiếng Anh… như gió, nên giành về mình hầu hết các hợp đồng có hiệu quả kinh tế rất cao. Luôn thắng thầu hầu như tất cả các công trình văn hóa trên khắp hành tinh. Còn trong tất cả các cuộc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật trứ danh, hiếm khi người ta thấy người Nhật trở về tay trắng!

Văn hóa mới thấm đẫm vào tất cả những gân thớ quen thuộc của xã hội nho giáo Nhật Bổn. Công lớn thuộc về hệ thống loa phường. Thông qua hệ thống loa phường, thay vì khoe khoang thanh thế, chế tạo kít-tet, cổ xúy công đức xây chùa, tô tượng, đúc chuông, người Nhật dường như chỉ biết “Cần phải làm cho ách áp bức hiện thực càng nặng nề hơn nữa, bằng cách gắn vào nó cái ý thức về sự áp bức; càng phải làm cho sự nhục nhã càng nhục nhã hơn bằng cách công bố sự nhục nhã ấy [...] cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ phải nhảy múa lên bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của chính bản thân chúng”.

Thế là họ lại chia tay được với quá khứ rất đỗi nhẹ nhàng.

 

 

------

Trong bài có sử dụng ít tư liệu lấy từ bài giảng “Ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội VN hiện đại” (chép tay) của GS Trần Đình Hượu.