Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG

Khi coi tôn giáo trước hết là đức tin thì mới xứng đáng nhận được quyền tự do tín ngưỡng, và đó là quyền tự nhiên.

Nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo vượt lên trên cả các nhu cầu về ăn, mặc, ở. Vả lại khi nó vượt lên trên tất cả các nhu cầu vật chất là khi không ai đâu còn nghĩ ra từ “cấp bách” để chèn vào giữa “nhu cầu” và “ăn”, “mặc”, nhất là “ở”! Thế nên càng văn minh hơn lên thì nhu cầu niềm tin càng trở nên tập trung. Và sự này biểu hiện ra bằng sự di dần từ tôn giáo đa thần, mỗi thần có một sức mạnh khác nhau, trở nên tôn giáo độc thần với một vị thần toàn năng cao cả gánh vác trách nhiệm lo toan thống nhất cho tất cả mọi người.

Người Do Thái cổ đại là một trong số ít người đầu tiên và sớm đưa ra quan niệm rằng chỉ có một đấng thiêng liêng sáng tạo tối thượng. Và họ nhanh chóng giải quyết chế độ hưu trí cho các vị thần khác khi đã đến tuổi nghỉ hưu và cũng không tuyển thêm thần.

Người Hy Lạp cổ thì vẫn tin vào nhiều thần. Nhưng rồi văn minh hơn lên thì họ cũng dần lãng quên các vị thần thuộc về các thế hệ trước. Số ít các vị  thần đang tại vị được người Hy Lạp tin rằng đây là những người thiết lập nên một cộng đồng. Họ dùng phép ngoại suy để coi con người như thế nào thì thánh thần cũng như thế. Thành thử các thần cũng sáng uống, chiều say, ca hát inh ỏi cả đêm lẫn ngày, thấy gái cũng chọc ghẹo, nghĩa là rượu chè gái gú cũng có nhưng… kín! Các thần cũng kèn cựa nhau vì bổn phận lo toan. Do kèn cựa mà cũng sinh ra chạy chức chạy quyền. Các nữ thần đi tắm mặc dầu không tắm ở bãi tắm Cửa Lò song cũng cởi ngực… Giải thích hiện tượng này người Hy Lạp cổ không dùng ngoại suy mà chạy theo thuyết nhân văn. Cái thuộc về người thì cũng thuộc về thần. Sấm truyền từ ông thần Zeus thì cứ coi như vậy!

Người Ấn cổ mới nghĩ ra cách làm hài lòng các thần. Họ dùng logic theo loại mà phân chia thế giới thần linh thành 3.333 ngôi vị. Mỗi vị ứng với một hiện tượng nào đó của thiên nhiên. Đứng đầu là ba ngôi tối linh Brahman, Veshnu, Shiva phụ trách ba thì sáng, trưa, chiều tối rồi tổ chức “luân chuyển”! Theo đó, từ bộ sưu tập Rigveda với các ca khúc dùng khi cầu nguyện thức ăn, gia súc, mưa thuận, gió hòa an toàn, sức khỏe, con cái, vân vân… họ rút ra thành các “tuyển tập” Samaveda chuyên dùng vào mỗi khi thực hành các nghi lễ. Để tiện hình dung thì nên thế này: Đại hội LH hội VNHT HN vừa đây khi hát những khúc ca tế lễ, đến vị thần nào thì “chiếu” vị thần đó lên trời. Mới không có lẫn! Vì các nghi thức tôn giáo bao giờ cũng do một số các vị thần chuyên trách điều hành. Mùa nào thức nấy cũng tức là thần thích gì thì cúng nấy. Có người làm thơ để cúng! Lơ mơ thế nào được!

Điều này muốn nói rằng, bất cứ nghi thức tôn giáo nào cũng là bộc lộ sự thống nhất các quy ước để phù hợp với các thế lực đang chi phối con người! Như vậy để phải nói rằng điều cốt yếu cho mỗi “cộng đồng người được hình thành về mặt lịch sử” là vấn đề tôn giáo. Luật do nhà nước ban hành thì gọi là luật thế tục. Luật do tự nhiên ban ra trở thành tập quán sinh hoạt của cộng đồng coi như là luật tôn giáo. Tôn giáo không cho con người được bẻ cong các Luật tự nhiên. Ví dụ luật tự nhiên: con người có gia sản riêng! Bảo vệ luật tự nhiên thì phải bảo trợ cho giới tăng lữ mà không được phép xúc phạm đến họ. Nhà tu có làm gì quấy quá với luật tự nhiên được tôn giáo hóa, thì tòa án thế tục mới được quyền phân xử! Quyền lực thế tục cũng toàn quyền nhưng phải thấp hơn thần quyền. Ví dụ, Thượng tọa Thích Thanh Từ bị xúc phạm thì chiểu theo luật đạo Bà-la-môn, kẻ xúc phạm đến ông sẽ bị rót dầu sôi vào lỗ tai! Có vậy thì kẻ cầm đầu “Thiền am bên bờ vũ trụ” bị bỏ tù cũng là “phù hợp với quy định của pháp luật”!

Qua ngả Trung Quốc, phái Thiền tông đến Việt Nam làm thành Phật giáo Việt Nam. Do nhiều lý do khác nhau: đường xá xa xôi; Nho giáo, Lão giáo chèn ép và kèn cựa mà tông phái này cũng đành phải “thế này thế nọ”. Từ cái ngày chùa chiền mọc ra như nấm, có hẳn một bộ phận chuyên lùng các cách lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước để lập đàn gọi hồn, áp vong, thu tiền và hình như để  có tiền uống rượu! Rồi cũng có anh bắt chước Quan Công mỗi khi đứng hầu Lưu Bị bằng cây “quyền trượng” như một ông linh mục Thanh Giáo. Thành ra có một bộ phận cộng đồng có đạo mà thành ra không có.

Có mà như không coi như không. Nghĩa phàm tục thì đó là cái trạng thái lộn xộn. Lộn xộn có nghĩa là tư duy không có ý tưởng. Không có ý tưởng tức là không có thế giới quan triết học. Suy cho cùng thì trị lý xã hội chỉ là giáo dục con người. Không có triết học thì không có giáo dục nhà nước. Vì giáo dục là một trong những vấn đề cơ bản của triết học. Chứ không lẽ giáo dục mà lại như “đẽo cày giữa đường”.