Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

LO CHO CON NGƯỜI...

Mai đây sẽ là ngày khai trường. Không biết có bao nhiêu bé trong diện “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Sao phải “tiếc”? Vì chỉ thấy những lời “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”.

Rõ là “tiếc” hay “mừng” ở đây mới là điểm nhấn đến cơ hội để trở thành. Nói theo ngôn ngữ sư phạm là cơ hội dồi dào cho sự “phát triển trí lực”. Những tưởng…, thôi thì chưa có được những trường tốp đầu như ở các nước tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì cũng phải giành được cho bọn trẻ mới chập chững đến trường những cơ hội như nhau để chúng có thể phát triển được cái nụ mầm mới nhú!

Oái oăm thay cho trình độ tổ chức của một hệ thống cứ phải tùy thuộc cả vào lượng thông tin của nó… Một hệ thống sau khi thu nhân được thông tin, trạng thái hỗn loạn vô tổ chức sẽ bị giảm thiểu hoặc tiêu trừ. Có lẽ vậy mà khi thấy “Có ông vua trẻ, xuất binh qua rừng…”, vị nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh chợt nhận biết được chính mình “… nên mộng ước thật bình thường”. Với tuổi thơ, mẹ hay cô cũng là mẹ, cô hay mẹ cũng là cô, chung tay nhóm lửa. Nói cho có tý văn hoa thì là nuôi hồn trẻ nhỏ qua những ký ức loài: “Xưa thật là xưa (…) Có-ông-vua-trẻ…”; để rồi “tôi không phải là vua”. Là “tôi” mới thực sự quan trọng… Với người trưởng thành thì “sống lo xứng phận thác giành tiếng thơm” sẽ như một tập quán! Đây mới là tiền đề cho những phát triển về nhân cách. Một nhân cách bình thường có thể chỉ “như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền”!

Loài người khôn ngoan khi coi giáo dục chỉ có thể phải là giáo dục nhà nước. Mới phải tưởng như quá xa xôi cái thời “Tiếng trống vang vang trong nắng/ Chị vào lớp học bước bâng khuâng/ Bao nhiêu năm tháng từng mơ ước/ Cắp sách tung tăng đến học đường/ Nhưng kiếp nghèo riêng chịu thiệt thòi/ Nhiều hôm cắt cỏ đứng ngây coi/ Xa xa cửa sáng vào nô nức/ Chị thấy xa xôi với những người…” (Đi học. ?).

Có chấp nhận được cái tính “khập khiễng” lại mới có được phép so sánh! Rồi thì mới biết đến sẽ có bao nhiêu đứa trẻ trơ trọi một mình khi cơn dịch biến covid vừa đi qua, khiến cả cha lẫn mẹ chúng đã không qua khỏi… Chắc chắn rồi chúng sẽ tiếp là những đứa rơi vào hoàn cảnh “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”! Thể như cái chuyện bầu cử ở ta, cuộc “bốc thăm” mà ai rồi cũng đều chọn được ra một người để bầu, và ai trúng cử cũng đều đến từ những người đầu phiếu cho mình!

Không vào trường này thì đã có trường khác! Chắc chắn có người nghĩ vậy! Tức là không học chỗ này thì học chỗ khác vì tự do là lựa chọn khả năng! Học nơi chuồng trâu mà cũng có người làm nên sự nghiệp vẻ vang đấy thôi! Chứng tỏ chỗ học hoặc “trường học” không hẳn cứ phải là một. Là “một” thì sao cứ phải ra nước ngoài học cho tốn kém thêm ra!

Trường học theo nghĩa chỗ học khi và chỉ khi nó mới tạo ra được những khác biệt. Học nơi chuồng trâu đã tạo nên một ông PTT, bộ trưởng Bộ GD&ĐT; học bằng đèn đom đóm đã tạo nên một vị CT nước; học trường Cấp Ba Nguyễn Gia Thiều đã tạo nên một ông Anh Cả… Có thể nhà thơ Tế Hanh cũng “trốn học” vì mải mê “đuổi bướm cầu ao” mà đã rất sớm “cầm súng xa nhà đi kháng chiến”.

Nói đến kháng chiến tôi sực nhớ… Năm 1976, ông thủ trưởng Ban Quân lực của tôi giao cho nhiệm vụ “thống kê” tất cả quân nhân có bằng tốt nghiệp “trung học phổ thông cấp ba”. Ông nói, chuẩn bị cho “ra quân đi học”. Ngoài các thông tin từ “bản trích ngang”, ông chỉ thị tôi phải đến từng đại đội “dò tìm” và “xác định” rõ từng người, quyết không bỏ sót! Không-bỏ-sót, ông dằn giọng, như một nghĩa cử nhân văn!

À, nhân văn là ở chỗ đưa đến cho mọi người quyền bình đẳng về cơ hôi phát triển. Ấy là tôi nghĩ vậy để tiếp cận nỗi “ham muốn tột bực” ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Những khi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó” (Hồ Chí Minh): mục đích cho mọi người “ai cũng có cơm ăn, áo mặc” để phát triển một thể chất lành mạnh; “ai cũng được học hành” để phát triển một trí lực dồi dào. Một đời sống tinh thần lành mạnh phong phú là tự do. “Con người tự do là tự do trong một cơ thể cường tráng” (Các Mác).