Rồi chúng tôi gấp rút và khẩn trương chuẩn bị và thực hiện khoa mục luấn luyện cuối cùng: “Tiểu đội bộ binh vận động phục kích đánh địch ngoài công sự”. Buổi trưa chúng tôi ở luôn lại thao trường cho phù hợp với tình huống giả định. Chỉ các cô thôn nữ hái cà cứ giả vờ như là chúng tôi đã di chuyển đi bảo vệ mục tiêu khác. Các cô cứ hồn nhiên như không có chúng tôi! Có lẽ vì say sưa kể nhau nghe về một cái gì đó, nghe có vẻ to! Cứ thấy sau cái khoát tay là họ cười rồi họ đuổi nhau, họ thùm thụp đấm vào lưng nhau, khiến nhiều đứa tôi không nhớ nổi cái lưng mình! Chốc chốc lại một cô xốc xốc cái áo ngực. Có cô lại kéo xệch cái quần sang bên rồi phủi phủi cái mông. Tiếng phành phạch không vang nhưng cũng khá rõ giữa buổi trưa yên ắng lắng đôi tiếng ve vào hè. Mắt đứa nào đứa nấy cứ ráo hoảnh. Hễ ở đâu không có nghỉ trưa là ở đó chắc là chúng tôi. Cứ đầu bên này có tiếng nào “xuýt… oa” là đầu bên kia đáp trả ngay, “suỵt, khẽ chứ bay”!
Một đỗi thì chị nuôi quân gánh
cơm đến.
Chúng tôi lần lượt nhận mỗi nắm
cơm với mắm tôm rang khô và chả bông rồi đứa nào về chỗ đứa nấy. Tôi đứng nhai
cơm mà mắt không một phút, rời khỏi ruộng cà… Thì hình như tình hình… có ai véo
nhẹ vào đít! Rồi lập tức cái giọng nuôi quân nhỏ nhẹ bên tai: “Có cháy cơm đấy!”
Ôi… ôi… ôi! Suýt nữa thì đã rú
lên, tôi đã đoán trúng! Một tảng cháy cơm nguyên cả đáy nồi. Tình yêu như khói
thì cơm cháy cũng thế, không thể giấu được vào đâu... Tôi chia nhau ăn. Ngon!
Ngọt! Giòn! Tiếng nhai cháy giòn và vang. Vang vang đến tai lãnh đạo đơn vị hồi
nào không biết.
Tôi được chỉ định cho việc cọ
rửa soong nồi rồi đem trả bếp. Đây là lần đầu tiên tôi trả lời được câu hỏi thế
nào là niềm say mê công việc khi điều gì mình thích được bộc lộ hết ra… Bữa nay
đơn vị ăn tươi nên soong nồi cũng tăng món. Cái thú được ăn uống đầy đủ cứ phải
gọi là muôn năm. Mải mê thế mãi đến đỗi tôi quên cả chuyện họp hành.
Vừa dứt “Báo cáo! tôi đến muộn”
thì ngay một anh A trưởng đứng vụt lên, rồi:
- Tôi, tôi… thấy mình đã nói
năng không đúng lúc đúng chỗ. Thứ nhất là nói đùa, mà nói đùa ngay tại nơi trú
quân. Thứ hai là đã nói… sai, “Nồ.n cô gái con ông chủ nhà to như cái dép”. Tôi
xin nhận khuyết điểm chưa tốt…
Là cán bộ phân đoàn trưởng,
tôi nghĩ nhanh, mình cũng có phần liên đới. Cái hôm đó, chính tôi cũng có tham
gia. Chỉ là tôi không kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái ngay tại
chỗ mà thôi, tôi nói:
- Đùa thì đùa nhưng đùa cần phải
kín. Phòng khi nói có to thì còn kịp thời hạ xuống được ngay!...
Chưa dứt lời thì anh hạ sĩ trực
ban hôm nọ chặn ngay.
- Nói gì thì cũng phải nghĩ đến
danh dự quân nhân! Không a dua với cái sai. Cũng như đồng chí yêu nữ đồng chí
nuôi quân! Yêu như vậy là vi phạm “vệ sinh an toàn thực phẩm”. Để lúc kiểm điểm
đến đồng chí tôi sẽ nói. Ở đây tôi nhắc chung cho mọi người: “Con người ta chỉ
sống có một lần nên phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã
sống hoài sống phí”.
Tôi xông lên ngay như những vị
thần báo thù trong thần thoại:
- Bệnh đau dạ dày khiến tôi mới
phải tìm cơm cháy. Ở nhà chỉ biết mỗi rau, có đi đây mới biết thịt với rau là
thực phẩm. Rửa soong nồi tôi đã làm cẩn thận rồi mới đem trả bếp. Chữ vệ sinh
thì tôi giữ được, không mất, vẫn còn!
- Thôi, thôi… Được… được… được,
được rồi! – anh B trưởng “cup”: Các sai sót coi như đã được kiểm điểm!
Tôi bị phạt “vi cảnh”: Thức,
gác một đêm!
Đêm tháng Tư trong veo. Càng về
khuya trăng thượng tuần càng sáng… Ngắm chú Cuội ngồi gốc đa, tôi buồn bã… Giá
mà tôi như một vệt đen trong em cũng được, chỉ cần từ giờ đến sáng… Từ cuối
thôn, vài tiếng gà lác đác gáy khan…
Hình như có tiếng bước, không
phải tiếng chân người đốc gác! Tôi “cảnh giác” và nhận thấy ngay bộ ngực phụ nữ
mà tôi đoán là vú, áp nhẹ lên vai tôi.
Tôi đã một lần kinh qua trải
nghiệm… Nữ y tá đơn vị bị thương trong chiến đấu! Tôi có nhiệm vụ sơ cứu rồi
đưa thương binh về tuyến sau. Đám “quân xanh” nghe tin có nữ thương binh, nên
không chờ lệnh mà xông thẳng cả lên, “bắn” rất rát. Một tay tôi kẹp khẩu AK,
tay kia dìu, miệng nhả đạn “pằng pằng” về phía “giặc”. “Giặc” hỗn loạn, mạnh đứa
nào đứa nấy xông lên đòi bắt sống cho kì được nữ thương binh. Không còn cách
nào khác tôi cõng nữ thương binh chạy riết, nên biết đó là vú.
- Chứ…, tôi hỏi: không ngủ hay
sao mà lại ra đây?
- Em không…
Tiếng con gái hình như đẫm nước
mắt.
- Ừ, em không sao! Chỉ phải thức
gác một đêm. Nhưng mai lại được nghỉ, mà không phải cùng đơn vị đi gùi gạo và
chở củi cho bếp ăn.
- Không phải. Không phải vậy…
Em không ngủ được!
Em bị kiểm điểm để xảy ra cơm
cháy, ảnh hưởng đến khẩu phần ăn bộ đội. Lão hạ sĩ hôm nọ nói với lão kế toán:
“Coi như tiếp tay cho thế lực thù địch”. Em nói cháy đổ cho lợn mà lợn thịt đi
rồi thì đem cho anh. Lão điên lên hỏi: “Thế cái thằng thư sinh ấy đẹp trai hơn
tôi à”. Em bảo “Nó xấu hơn anh”.
Tôi hờn…
- Có vậy mà hờn! Cả hai người
cùng xấu! Anh hơn được cái bổ củi. Chắc phải làm lụng nhiều lắm… Sau này chắc
ai làm vợ anh… Sướng lắm đấy!
- Em tình nguyện ra chiến trường!
- Vâng! Nếu bị kỷ luật. Mà em
cũng đã xung phong đi phục vụ chiến trường!
Tôi đằng hắng, vẫn cái giọng
thì thào:
- Em cũng ra chiến trường. Tôi
buồn bã.
- Trời ơi, sao mà “em” mãi.
“Bò” thế chứ! Nghe này…
Tay em vân vê cái tai tôi…
- Tú…u… úc… úc… úc… Báo động
chiến đấu! Khẩu lệnh “báo động” lạnh lùng truyền lan rất nhanh theo tiếng còi
trực ban “chiến đấu” khiến xóm vắng giật mình bừng cả dậy.
Em hớt hải chạy đi. Tôi vội vã
chạy về… Em chạy lại: “Đi rồi, các anh đi rồi! Hức!”
Sau mệnh lệnh: “Đại đội tập hợp!”,
chúng tôi thành hai hàng rùng rùng chuyển động. Không ai được ra tiễn, trừ các
“chị nuôi”, có em tôi! Lần này thì tôi kiên quyết ngoái đầu nhìn lại, hình như
em buồn!
Tròn một năm sau tôi bị
thương, nằm viện. Tình cờ biết tin em chết trước khi biết tin em tình nguyện đi
phục vụ chiến trường tại một trạm quân y dã chiến. Giặc càn, em bị thương,
không kịp theo đơn vị nên để mất máu quá nhiều…
Ơi em… “muôn năm cũ, hồn ở đâu
bây giờ” (?!).