Uy lực với sự bảo hành
Không chỉ
như “hổ đói đến bàn tiệc chậm” (chữ của Lenin), Trung Hoa cộng sản còn hung
hăng với “giấc mơ hoa” toan thay sắc cờ thế giới bằng màu xanh khói như y phục
Đức Giáo chủ “ngự lãm” nơi Cổng Trời Yên Ổn - Thiên An Môn. Trong tay “cây
búa”, ông chủ Trung Nam Hải, Tập Cận Bình đã dấy lên trên biển Thái Bình dàn
đồng ca “Giấc mộng Trung Hoa” để cuối thế kỷ này chủ nghĩa xã hội họa chăng có
được trên đất nước của ông, khi mà bây giờ, đảng của ông chỉ đáng gọi là một
đống xà bần (?!).
Khá là bóng
bẩy và láng nhẩy vì cần phải ẩn trong lớp bụi, bụi từ viên đá bị cưa dưới chân
tượng đài Lý Thái Tổ sáng 19/1/’14 (!); thứ bóng láng nhờ vào công nghệ gọt cắt
còn chưa bóc mẽ trước nền nhạc không biết thế nào là ầm ĩ và một nguồn sáng
nhòe nhoẹt bởi những cặp hình nhân dìu nhau lướt qua / lại dưới bóng tượng đài
như muốn pha loãng mọi thứ trên các tấm thân nhục cảm, trừ nơi vội quấn tã y
như sau kíp nhận ra Hoàng đế không hề có áo, kể cả quần (?!).
Đó là tấm
choàng đạo đức, sạch sẽ như vỉa hè sau cơn mưa, trên con cáo ngoại giao họ
Dương nặng mùi hù dọa “bài dạy học thứ hai” khi thẩm lậu cái “bốn không được”
vào xứ sở thiếu thốn uy quyền thần thánh nhưng dồi dào thứ quyền hành thế tục.
Những thập kỷ mà triết học và khoa học làm tôi tớ cho thứ đạo đức chính trị
khiến quá trình hiện đại hóa tiến triển một cách hoàn toàn thô thiển dựa vào
đục khoét và vơ vét cứ tự bóc dần ra qua sự kiện giàn khoan.
Cũng là điều
không khó khăn để không nhận thấy, thứ yên ắng vắng lặng phủ lên cuộc tình bị
đánh cắp dường như đã được thay bằng sự sôi sùng sục, kể cả thứ âm hưởng “rạo
rực” được nhìn nhận như tiếng “gà gáy khan” lúc quá Ngọ, đều là những thứ lâu
nay chả thế bao giờ. Nó lạ lẫm là bởi công việc tuyên tuyền dường như đã thay
cho tất cả. Một không gian chính trị không còn êm ả, cả không thể kiểm soát bởi
cuộc khủng hoảng giàn khoan! (x. VTV1, 20 g, 23/8/2014).
Mọi thứ đều
như bắt đầu rùng rùng khởi động. Cái tưởng như bất biến giờ như đang nhảy múa.
Thứ thiêng liêng phù phiếm như trong các hoàng tộc đang phải cởi bỏ bớt xiêm y.
Không chỉ giới quý tộc với một thứ uy quyền dựa trên “nòng súng” với hệ thống
giáo lý kẽm gai và một tôn ti trật tự “chỉ là xoay quanh chuyện ăn uống” (kinh
Lễ) mà cả giới tăng lữ với một sức mạnh chưa từng có chi phối được cả tục quyền
đã không thể mải mê kê gối ngủ bừa trên hỏa diệm sơn!
Cũng chỉ là
tại cái Haiyang Shihua 981 không có não! Ngoài những chỉ dẫn bừa bãi… chẳng ra
đầu ra đũa, với thói hợm hĩnh quê mùa “được ăn cả ngã về…”, khiến cái mũi đục
không thiếu chỗ “nhè” đã “tương” ngay vào rốn núi lửa. Cái kim trong giẻ lâu
ngày là vậy. Có lẽ Haiyang Shihua 981 chết tiệt kia đã tung hê hết lên trên
những bờ cát tất cả những thây ma. Khó để có ai đó nghĩ “siêu thần” - Rammasun sẽ còn lại được chút
công việc gì thuộc về thiên chức! Không phải chỉ là sự bẽ bàng mà nó còn làm lộ
rõ sự thiếu hẳn tính chuyên nghiệp trong quản trị của những bộ óc được coi là
tinh hoa bậc nhất vũ trụ này!
Nhưng rất là
vừa đủ để không thể phủ mãi bóng lên cái sức mạnh vô địch của “dĩ hư truyền
hư”. Công bằng mà luận thì “dĩ hư truyền hư” cũng đã hoàn thành xuất sắc cái sứ
mệnh khó có bất cứ đối thủ tinh thần nào trong toàn bộ lịch sử đông tây kim cổ
có thể đảm nhận được. Chả gì thì nó cũng đã khiến cho khối kẻ tin vào cái phải
tin; giản đơn phải tin, chỉ vì nó là phi lý. Mà thật, đã chẳng ai mà “rỗi hơi”
với cái thứ “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông cùng với đường lưỡi
bò chín đoạn, kể cả khi nó có là mười, nếu…
Lẽ ra, thì
cứ là như thế… bất kể, hễ cứ lợi cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa quốc tế vô
sản! Một ý tưởng vằng vặc… trên thực tế thì lại là thứ chủ nghĩa Đại Hán soán
ngôi. Sự này đã khiến thiên hạ thúc thủ bởi niêu cơm của chính mình, thành thử
cả “anh em xa” lẫn “láng giềng gần” vẫn hoàn là đèn ai nấy tỏ.
Đúng ra “mõm
chó, vó ngựa nên kiềng”, thì lại tráo thành “tránh voi chẳng xấu…”. Nay thì đã
không còn cái mà nghệ thuật diễn ngôn với cách kiệm từ trong “giao kèo” ứng xử
với chỉ một cái… “nín” mà có được tới “chín điều lành”(!). Con dân đất Việt tự
nhiên mà học được cách nhìn vào “16 vàng” với “4 tốt” không hơn tờ vé số bán
dạo, không có giải nhỏ trong cái thị trường còn mải định hướng, để rồi mà nghẫm
ngợi tương lai. Thời gian tuy có sức lực làm cho tất cả “hóa bùn” song nó còn
một năng lực ghê gớm hơn nhiều, ấy là phát lộ mọi điều mà người ta thần thánh
hóa. Dưới ánh sáng của lý trí, nó đang dần mục ra và phân hủy.
Lý trí mạnh
hơn cái chết bởi nó biết tự tìm đường giải thiêng tất cả những gì chỉ được phép
tôn phò. Nó cắt nghĩa cho hiện tượng xã hội mà chính trị rất không muốn dựa vào
khái niệm mà tự nhiên học gọi là “hiện tượng tùy ý”. Một hiện tượng mà nó coi
mọi sự quả quyết trước đối với các hành vi sau một thời gian xác định là “đếm
cua trong lỗ”; và thái độ cố chấp trước tình hình một hệ thống từ trật tự bị
hoán đổi thông qua các bước rẽ với những chu kỳ bội là sự thiếu hụt tri thức,
không hơn ở bất cứ loài linh trưởng nào. Không một hệ thống hoàn hảo nào mà lại
không chịu sự quy định của chính nó ở các thời điểm trước, mà quan hệ giữa hai
thời điểm trạng thái được đặc trưng bằng phương trình chuyển động: Điều kiện
ban đầu được xác định có là thế nào thì bản thân hệ thống vẫn sản sinh ra hiện
tượng tùy ý.
Đó là lý do thường
xuyên mất kiểm soát của các thể chế chính trị có khuynh hướng độc tài, mà Trung
Hoa là khuôn.
Và, đó mới
là cái “Phạm Thiên” để các hình thái cuối cùng tìm đến chính bản thân nó!
Vẫn biết giờ
này mà còn bàn về ngôn ngữ sẽ hoàn toàn bỏ ngỏ cơ hội thoát khỏi trạng thái “tằm”
trong ổ kén, khi hiện trạng an ninh bị giới thượng lưu chà đạp đến mức mà những
nỗ lực của Quốc vụ Viện – “gói” lưu giữ và phát tán ý chí của ĐCSTQ thông qua ngoại
giao con cáo Dương Khiết Trì chỉ là thứ hành vi “vơ bèo, vạt tép”. Nó gượng gạo
với cái thứ tôn ti được thiết định dựa trên thứ triết lý đạo đức “Muốn ác, phải
là kẻ mạnh” (chữ của Nam Cao). Thực ra thứ quyền lực chuyên chế chỉ là thứ mánh
khóe mà các thiết chế quân vương dìm các bức xúc xã hội trong những danh xưng
và sự lạm dụng trí tuệ phổ thông của đám đông vô thức với thói quen bỗ bã phục
tùng. Một thứ uy quyền trong cái quần thể thường xuyên thiếu bữa, đánh giá đối
thủ dựa vào quan sát trực giác để “rồi kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu
là y đánh” (Lỗ Tấn) không đánh chửi được thì chày cối: “Ai nhảy vào vườn nhổ
trộm cải nhà bà? Bao giờ nào?(...) Đây là của nhà bà đấy? Bà gọi lên xem nó có
thưa không” (Truyện AQ).
Việc Haiyang
Shihua 981 “trèo tường” như vào chốn “chùa chiền” mà lại còn nỏ mồm “thực thi
chủ quyền bình thường” đã khiến giới tinh hoa Trung Nam Hải như gái dở đi
hoang, rồi thì bị làng ngả vạ. Khi thì coi “chuyện ấy” nằm trong vùng lãnh hải,
hàm ý “vườn nhà”; phàm đã như không “hoang đàng” thì hà cớ phải huy động cả
hàng trăm tàu “hộ vệ” chỉ để nhằm chọi lại một vài phương tiện đáng lắm thì xếp
chúng vào dạng “thuyền thúng” chỉ vì chúng quá trầy trật với cái chức năng thực
thi quyền chủ quyền(!). Khi thì trong vùng 17 hải lý cách đảo Tri Tôn… Kể cả có
cách đảo Hải Nam
chừng ấy thì nó vẫn cũng vượt ra đến 5 hải lý, tức đã vẫn còn là vườn của “nhà
chùa”.
Trong cái
tạng thể “tẩu hỏa nhập ma”, đám tinh hoa trong giới tuyên huấn – thứ “nêm Hephaistot”
của “đặc sắc Trung Hoa” đã gân guốc đồng ca Haiyang Shihua 981 “nằm trong vùng
kế cận” (nghĩa là tính dôi vào cho nó 12 hải lý). Nhưng thêm vào 12 hải lý lại
nảy sinh vấn đề về thuế quan… Rốt cuộc, giới tinh hoa Trung Hoa chẳng vận được
cái gì kể cả luật lệ của kẻ ác để biện minh cho hành động của mình. Nó hoảng
loạn về ngay chính những hành vi của nó khi đối diện với phép hành xử văn minh
trong các công ước luật pháp. Như thế thì kể như chính thể Trung Hoa đã chối bỏ
văn minh nên trong cái nhìn của thế giới, nó rành rành là một chính thể bất
chính. Còn trong mắt người nhà quê An Nam, “ông anh / bạn vàng” cũng chỉ đáng
mặt gã láng giềng, không hơn / kém đứa làm nghề “khua khoắng”, vả lại…
“Ai ngờ
chẳng qua y chỉ là thằng ăn trộm mà lại không có gan đi ăn trộm nữa thì quả
thật không có gì đáng sợ” (Lỗ Tấn, Truyện AQ).
Nhưng sẽ là
rất đáng sợ, thậm chí đến kinh hoàng một khi “con lợn đã bị chọc tiết sẽ không
còn biết sợ nước sôi” (ngạn ngữ Trung Hoa).
Sự phản tỉnh
Khủng hoảng giàn khoan là ở chỗ cái được chính là cái
mất; mà cái mất lại chính là cái được. Trong đó người có lợi lớn nhất tức được
đền bù nhiều nhất là những người chân lấm tay bùn, tức “kẻ nhà quê” người đã “bị
mất” nhiều nhất. Chưa bao giờ dân chúng được nhiều như bây giờ, đó là cái cuối
cùng họ mất. Những giá trị gọi là thiêng liêng cao quý lâu nay đã khiến họ
thành con tin, giờ đang sụp đổ; những gì “vàng ngọc” đang rơi rớt dần từ trên
vai trên cổ họ; những gì là “sắt son”
thành “hoang đàng” lạc điệu… Tất cả cuốn xéo cùng giàn khoan. Điều mà
Thượng Đế cũng bất ngờ.
Là thời kỳ làm mưa làm gió của “Giấc mơ Hoa” trước cơn
thịnh nộ của “siêu
thần” - Rammasun... Giờ thì dân chúng có căn cơ để có thể tin được
vào những lời tuyên thệ nhậm chức của các vị tổng thống phương tây, chẳng hạn:
“Chúa phù hộ cho chúng ta” như Obama nói với công dân nước Mỹ. Khi “đường dây
nóng” đóng băng, khiến nhà ngoại giao Dương Khiết Trì phải vận dụng toàn bộ hệ
cơ xương của ông ta trong vai con suốt chỉ; và khi con thuyền ĐNA 90152 chết
chìm trên cái ngư trường truyền thống, không phải bởi thiên tai... là khi dân
chúng được tự do sửa soạn cho cuộc sống của chính mình. Với tâm thức người Việt
“cả đời ông đời cha đã đánh giặc theo nhau” thì không một sỉ nhục nào sánh nổi
mức tày đình của tội báng bổ Tiên tổ.
Hẳn không một dân chúng nơi nào ngoài dân chúng oằn
lưng trên dải đất hình “chữ et” có thể nhận biết hơn, Haiyang Shihua 981 là mối
đe dọa thường xuyên và tiềm tàng những đòi hỏi sinh sống tối thiểu của con
người sở tại. Cái mức sinh sống này là “ngưỡng” hay “đáy” mà dưới đó toàn bộ
chất lượng sinh hoạt, bảo hiểm, thân phận cũng như sự gắn kết cộng đồng có tính
chất xã hội của bản thân và gia đình mỗi con người trở nên thê thảm. “Đỏ lò thì
lo, tắt lò thì đói” đã và vẫn là cơ sở hợp lý duy nhất đối với tuyệt đại cư dân
trong một xã hội “còn xơi” mới có được một thứ năng suất lao động cao hơn như
trong “một xã hội công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Chừng nào còn chưa được một mức năng suất lao động ấy,
thì rủi ro vẫn cứ là thường trực trong mỗi nếp nhà. Là thứ “bạn đường” truyền
kiếp mà chỉ có sự may mắn được bảo hộ bởi triết lý “ở hiền gặp lành” mới họa
hoằn có được một cơ may vượt qua thân phận con người! Cũng vì lý do đó, không
một con dân nào trên cái dải đất hình “chữ et” này, lại một giây phút lơ đãng
ngẫm ngợi về tương lai. Mà càng nghĩ ngợi thì lại càng không làm được gì để
thay đổi cuộc sống ngoài sự lựa chọn cách thức “hợp lý của hành vi” hơn là một
“hành vi hợp lý” đối với các ưu tiên và giá trị “tay làm, hàm nhai”.
Đặc tính nông nghiệp này của cư dân Việt Nam
khiến họ có làm gì thì cũng phải giữ được miếng cơm, dẫu cực nhọc thế nào thì
con trẻ đến bữa cũng quyết không trở nên nỗi thiếu đói. Triết lý giản đơn mà
căn bản “trời sinh voi, trời sinh cỏ” là một bảo hiểm về lâu dài. Và họ không
có lựa chọn nào ngoài sự có công ăn việc làm để nuôi nhau.
Thế mà, cái mõ của ĐCSTQ lại hòng lay động cái tâm
thức người dân từ bỏ mọi trách nhiệm nhân luân để làm cái “bốn không được” nhằm
giữ yên “đại cục”. Chỉ tiếc là dân chúng đầu tắt mặt tối đã chưa sẵn sàng tiếp
nhận được tri thức về các phạm trù kinh tế chính trị học. Sau thời gian dài
quen thụ hưởng sự phục vụ miễn phí của chủ nghĩa xã hội với những “lời ca tiếng
hát” từ các đội văn nghệ quần chúng, họ chưa thể sớm nhận thức được thứ lợi
nhuận xã hội xã hội chủ nghĩa mà “cuối thế kỷ này” hứa hẹn!
Với người An Nam, sự an toàn sinh sống là một điểm
nhìn mà từ đó họ “phóng chiếu” và lựa chọn các giá trị an sinh. Họ sẵn sàng an
phận với “giấc mơ con” hơn là gia tăng tối đa mức thu nhập “viển vông”, dẫu chỉ
đáng xếp vào mức thu nhập trung bình! Vì đất đai thì cứ mất dần bởi phương thức
sinh hoạt “nhộn nhịp” “người khôn của khó”. Còn bây giờ thì lại đến lượt biển,
nơi mà 50 trong trăm con đi theo Cha làm chài lưới cho cả nhà! Và trong tất cả,
đó là giới thượng lưu không được xâm phạm vào nguồn dự trữ sinh tồn mà cha ông
của họ đã bền bỉ lận lưng cho họ. Hơn nữa, giới này còn phải có bổn phận đạo
đức và nghĩa vụ pháp lý bảo đảm duy trì nhu cầu tối thiểu đó của thần dân vào
những khi đói kém nữa cơ.
Đó là một sự thu xếp để đổi lấy ở dân chúng một sự
chấp nhận hiện trạng “trên dưới phân định”. Cái mà tây phương gọi là cách mạng,
với chỉ dấu thành lập cơ quan lập pháp; đông phương vua chúa gọi là nổi loạn
khi dân chúng bị ngược đãi, bị hành xử trái khoáy với bổn phận tự nhiên, thì
với dân chúng An Nam, họ coi đó như là “phản ứng hợp lý” bởi thói quen tâm lý
của thân phận “thảo dân”: con cái thực hiện bổn phận với “bề trên”, mà có “hỗn
hào” lắm thì cũng chỉ đôi ba câu ta thán, quá quắt lắm thì mới chỉ ở mức “lăng
loàn”… Động cơ mà người phương tây gọi là dân chủ và bình đẳng thì người nhà quê
xứ An Nam chưa cần khi những bảo hiểm rủi ro vẫn phải gửi gắm cả vào “Ơn Trời
mưa nắng phải thì”, vì không như thế “ngao chết hàng loạt [như] ở Tiền Hải”,
thậm chí cả khi “dưa hấu được mùa” nhưng không tương thích với quy mô cửa khẩu
Tân Thanh, họ chỉ có cửa đi ăn mày… Phản ứng hợp lý của dân chúng khi “của đi
thay người” là sự im lặng của “bề dưới” trước sự “ăn ở chính ngôi”.
Nhưng khi cướp làng nước họ, tức là thách thức đến sự
bảo hiểm đối với con cái họ, lúc đó họ buộc phải “ba bảy cũng liều”.
Đó là “sóng”. Sóng thì không chừa lại gì cả… Lãnh tụ
của họ, Cụ Hồ Chí Minh đã nhân danh họ, xác quyết điều này.