Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

“Rút củi đáy nồi” và “Canh nóng thổi dưa” (*)

Theo nghĩa đen “rút củi đáy nồi” cũng tựa hồ như “cơm sôi nhỏ lửa”; “canh nóng thổi rau nguội” [Trời ạ, thổi dưa!] cũng không khác bao nhiêu với “phải cung rày đã sợ làn cây cong” vậy!
Đó là kinh nghiệm dân gian nếu vận dụng vào phép dụng binh thì không được quá nôn nóng cũng như “tẩu hỏa…”. Đó là điều tuyệt đối cấm kị trong chiến lược phòng thủ đất nước. Nếu học được những bài viết về quân sự của Ăng-ghen và vận dụng tốt phép biện chứng duy vật với khái nệm “độ” thì không có vấn đề gì. Trong khi cha ông ta xưa kia chỉ có duy một thứ công cụ “hòa rượu vào nước sông” nên chỉ biết tin vào mình, đặng lấy “chí nhân thay cường bạo”.

Nhưng để được như vậy thì phải cố gắng rèn dũa thuật binh đao (học tập lý thuyết và rèn luyện kỹ năng) – kỹ chiến thuật. Phép dụng binh, phải tiến lui đúng lúc, không lửa đổ thêm dầu cũng không vì do hấp tấp nhỡ húp phải ngụm “canh nóng” mà cứ gắp một đũa dưa là cứ phải ghé miệng, phùng má ra để thổi phù phù…
“Dưa muối” và “rau nguội” hơi bị khác đấy!
Khác là bởi, vì kẻ thù của chúng ta nham hiểm và độc ác quá! Ứng phó với nó “rất mệt”: phải lấy nhu mà thắng cương cường chứ không thì là đem trứng ra mà chọi với đá!
Kẻ thù của dân tộc chúng ta đều là thế cả: “lấy thịt đè người”. Đã lấy “nhục” đè “nhân” thì hoán đổi sinh mạng vài chục vạn sinh linh cho một cuộc xâm lăng sẽ là không có vấn đề gì. Với những cái đầu sinh ra là để dành cho việc dạy học “các chú” “nước nhỏ dân ít” thì đó là “Thế Thiên”. Bởi được cả đôi đằng: “đè” bẹp được người bằng… “thịt”, vừa đỡ được vài chục vạn miệng ăn khi năng suất lao động gắng lắm thì GDP cũng chỉ 1 US Mỹ một ngày (!). Số này có sống thì nó cũng chỉ làm đủ ăn cho nó là cùng, không thì… thì cũng phường ăn tàn phá hại cả.
Chúng là đầu mối của vạn sự rắc rối: tư tưởng công thần ỷ thế buôn gian, bán lậu; không thế thì cũng thành bọn anh / chị tại các địa phương, thấy kẻ nào mạnh (các quan lại, chẳng hạn) thì chửi, thấy đứa yếu (thứ dân) thì bắt nạt; trộm cắp rồi sinh loạn… Việc sử dụng bọn này đi cướp nước người cũng chỉ là nhờ việc “khai thác và phát huy” cái bản tính thâm căn cố đế này; vì chúng sẽ vừa được không bị đói, do cướp, vừa được thỏa mãn thói ngang tàng ô hợp, hiếp và giết… Chả thế mà Cụ Hồ khăng khăng đuổi bằng được quân Tưởng và miễn cưỡng chấp nhận quân đồng minh…
Với chúng ta là thế, không còn lựa chọn, vì một nghĩa sỹ hy sinh sẽ kéo theo bao nhiêu thân phận số kiếp “không trọn làm người”: cha mẹ già không có chỗ tựa để được trọn đời; trẻ thơ cút côi không có chỗ “ấp lạnh, quạt nồng” để thành cứng cỏi; những kẻ góa bụa không có chỗ đỡ đần sớm tối… làng nước thiếu người lực lưỡng hộ đê mỗi khi thủy điện xả lũ (!), hay các công việc thổ mộc khác, vân vân.
Nên “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, mà mưu kế bảo sinh toàn mạng. Hơn nữa đấu tranh chống xâm lăng thì còn để làm điều gì khác cơ chứ! Nhưng trước khi đánh chúng thì vệc trước hết là “gảy đàn” để lui chúng, mà Thạch Sanh đã chẳng làm thế là gì. Khi chúng chịu lui thì có chút ít gì, ngay cả “niêu cơm” thì cũng dành cho chúng no nê để chúng xéo. Cứ phải là no nê cho chúng về. Hết thì “thí” tiếp. Còn người thì còn của, đếch tiếc!
Nhưng không vì thế mà “canh nóng thổi dưa”. Thấy chúng hung hăng mà nảy sinh tâm lý sợ sệt. Chỉ lo phòng thủ mà tự thủ tiêu ý chí kiên quyết, chủ động, bất ngờ tiến công. Muốn vậy thì phải tinh (tinh nhuệ). Châu chấu đá voi thì phài rất thành thục động tác. Muốn thành thục được thì phải năng rèn. Muốn năng rèn thì tướng sĩ phải đồng lòng vua tôi phải đồng thuận. Lấy tình cha con, huynh đệ mà đối đãi với nhau, dạy bảo nhau. Tướng nghe lời khôn, sĩ vâng điều phải.

Được như thế thì địch có “rắn” mấy cũng phải rục, nọ cần nước sôi mà còn chất thêm củi!




(*) x. tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2014/28599/Vi-nen-doc-lap-tu-do-cua-dat-nuoc-vi-su-toan.aspx