Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Chuyện kể cuối tuần: Giờ Dần



Vừa lấy tay dụi mắt, vừa lạu bạu trong miệng, vừa nhảy xổ xuống giường, vừa huơ tay vơ đại chiếc quần vắt trên thành ghế, vừa kéo roạt dây kéo, vừa đay nghiến… như mưa ào hất ráo lên tôi.
- Ngủ thin thít cả đêm… Bảnh mắt ra rồi mà vẫn còn như trâu kéo gỗ…
Thực tình tôi bị kiếm cớ. Chứ ngủ gì nữa. Chẳng ai ngáy như trâu lúc mình đã thức. Chẳng ai mà không thức khi đã thin thít cả đêm! Từ nãy, tôi cũng đã không còn ngủ với người phụ nữ láng giềng, cứ vọng sang từ bên kia đường, nghe như cãi lộn.
- Đã bảo ở nhà rồi ngủ sớm… lại còn… “Anh đi chút rồi về, chỗ thân tình lâu ngày mới gặp…”. “Chút” gì mà tới một hai giờ sáng, lại còn kêu cửa…
- …
- Vẽ ra, “Hơn mười hai giờ!” (môi người phụ nữ ấy trề ra sang tận chỗ tôi nằm). Nếu không phải là một giờ kém cứ… giao tôi cho công an. Thề đấy. Lại còn bật “vê tê vê”… Rồi lại còn chốc chốc “dô!”. Thiên hạ chỉ còn mỗi “dô” là không còn ngần ngại thôi!
- Gớm, anh thì cái gì mà chẳng hay! Chỉ có vợ anh mới chẳng hay bao giờ. Thật khổ cho tôi. May mà đàn ông không cả như anh. Đến nước đó thì phụ nữa chỉ còn cách xếp hàng đi tu hết.
- Thì đó là lúc tôi còn trẻ, đẹp… Mà đâu phải riêng anh… Khối đứa điêu đứng vì tôi đấy… Bây giờ mà trở lại thời ấy, đố mà tôi nhận lời lấy anh…
Tiếng ọc ọc từ chiếc lavabo… Bên này, vợ tôi vừa ngoáy chiếc bàn chải răng lanh canh vào trong cốc nước, vừa khạc ọe ầm ĩ như người sắp đẻ con so… Tôi hoảng hốt: Chết tôi! Cái bình ga phải thay đã hai ngày…, chiều qua phỉnh miết mới chịu đi ăn quán. Tưởng rồi miễn trừ được lỗi không “đổi” bình ga, hóa ra đêm trằn trọc, trở mình là tôi lại phải nghe thở dài với cặp môi liên hồi như thạch sùng trong đêm tắc tắc.
- Chỉ số giá tiêu dùng… một bữa ăn…, bằng một bình ga đun cho cả nhà, …sáu tháng. Khiếp!
Coi chừng, cô ta mà bật bếp nấu sáng… Thì … cháy cả nhà! Tôi toát mồ hôi…
- Em, em… ra, ra với anh…
Cứ y nguyên bộ ngực thả rông, như thường khi ta vào “gúc gồ” gõ chưa kịp xong chữ “bà” là đã thấy…, vợ mình đè hết lên cổ.
- Em… Tưng tức, nhưng nhức trong đầu!..
Mới sáng mà đã nhức đầu, chắc là cả đêm tiếc tiền đi quán đây mà. Thương quá! Tôi bắt đầu nói về thơ. Đặc điểm của thơ ca cách mạng là chủ nghĩa anh hùng, mỗi nhà thơ là một chiến sĩ, họ bám sát trận địa tư tưởng và cất lên lời ca chiến hào…
- Cái chìa khóa xe đâu rồi? Vơ vội lấy chiếc chìa khóa… vợ tôi tanh bành hay tiếng phành phạch của cái xe vỡ ống xả, chẳng biết thế nào là ý tứ, cứ tự nhiên… show hàng. Một lúc, … chỉ thấy vẳng sang mồn một tiếng người phụ nữ hàng xóm, bền bỉ chưa thôi…
- Anh thì chỉ được cái… khéo “đánh bùn…” Thế mà không làm “ngoại giao”, mà lại đi làm dân vận... Có mà ma nó tin anh. Ấy, ấy! Đừng! Đừng! Kìa, chúng nó dậy cả rồi kìa…
Tôi thở phào!
Ừ mà, không biết sao thơ ca hồi đó hào hùng khí thế thế nhỉ. Bây chừ nghe lại vẫn thấy rạo rực thế nào. Thơ đương đại, “Lên cao mới biết trời cao / khổ đau mới biết đồng bào khổ đau”(1) nghe cứ tưởng sao sao! Nhãn quan là nhãn quan, ra-đa là ra-đa… Cứ phải dựa vào ra-đa để “quan sát” nhân quần… thì “phán” bừa chứ đâu có “đoán”. Đôi lúc đạt được vài tứ, “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót / thương con thuyền cuối bãi đứng chơ vơ”(2) thì lại…
Hừm! Ôm vợ mà “giật” như thế, thì vợ nó không ghét cho mới là lạ. Cứ vài lần như vậy thì “thương thuyền” thì ra “thương lái” còn đâu thơ! Nhưng, câu thơ trau chuốt, ý thơ bóng bẩy chắc là không đến nỗi chỉ có ở kẻ ăn ở “hai lòng”.
- Đứng trên góc độ công tác tuyên giáo mà nói… á, thơ… á, là phải… á, “hàm ý”… á, “kín đáo”… á, “ám chỉ”…á, thì “cái này” đã chỉ ra được, tuy không phải cả hai cái, nhưng cũng được một cái, là cái thằng Hoàng Sa, nghe qua loa vậy là cũng phù hợp được với “tiến trình phát triển và định hướng thơ hôm nay!”(3).
- Chứ không dậy để rồi ăn sáng... Rồi còn về ngoại!
Vợ tôi gắt lên “đồng thời” với việc dứ dứ hai túm bún, khẩu phần bữa sáng của mỗi đứa… Ừ thôi cũng được! Cứ chia chác như vậy để phận ai nấy lo, lại có cơ sở mà xác định sự chăm lo cho nhau nhằm giảm thiểu những lần tôi “quên” khi tiện miệng đánh luôn cả hai suất. Một lần như vậy, vợ tôi cười hấc hấc: “Nếu tính bình quân đầu người thì “một người khỏe…, em đang vui!”       
Theo “lịch tuần” gia đình thì sáng nay cả nhà sẽ về “ngoải”. Thằng nhỏ đã được vợ tôi ý tứ gửi cậu nó đưa về từ hôm qua. Không biết, đêm qua ngủ với cậu hay với ông bà. Trẻ con gì mà mới đụng nhẹ một tý là thức giấc. Sáng ra lay mỏi cả tay, gọi hôi cả miệng mà chỉ cộc lốc mỗi câu, “Người ta còn ngủ”… Ép mãi mới chịu dậy. Dụi mắt chán rồi lại kêu đau đầu. Tấm tức mãi mới chịu thay đồ đến lớp. Dỗ như dỗ… vong rồi mới chịu ngồi lên xe. Lên xe rồi là miệng bô bô suốt cả chặng, thậm chí cô ra đón vào lớp rồi mà vẫn không thôi. Có bận làm tôi ngượng chết cả người…
- Con thách bố nha, bố con mình ôm nhau như…ứ này thì gọi là gì?
- Là cái… Mẹ mày… Im cho bố lái!
- Chính xoác! “Gậy ông đập lưng ông”… mẹ bảo thế. Hôm mẹ bảo ai giống ai thì ngủ với người ấy. Nhưng con giống bố. Mẹ thua, “Vậy để cho bố con mày ngủ với nhau”… Đêm đó bố ôm con ấm ơi là ấm… Sáng ra mẹ kêu nhức đầu, nói… “Gậy ông đập lưng ông”. Rồi, mẹ bảo, “Mày giống bố mày…, để yên cho mẹ còn mặc quần cho!”
Cái thằng, cũng lạ, đi học rồi mà chẳng ý tứ gì cả. Nghĩ đến vợ…“thấy lòng giật thót / thương con thuyền…” (!). Đồng chí Trưởng ban hồi còn làm Tổng biên tập, thi thoảng cũng cố nín tiếng thở dài ý tứ như vậy... Phải rồi, ta viết bài phê bình trên tập san Văn nghệ kỳ này, về “Lập trường giai cấp trong thơ phướn hiện nay, tầm nhìn đến hết quý IV của niên kỷ này” làm quà chúc mừng, chắc đồng chí sẽ nhớ…
- Em ơi, cứ thư thả trang điểm… Anh chờ!
Tôi dắt xe xuống lề, bóp bóp cái thắng, nắn nắn cái phanh. Tiếng gã đàn ông nhà đối diện đang xịt nước cho mấy dò phong lan, miệng ngậm thuốc lá điện tử lập là lập lòe trong sương sớm y như là ma trơi, hàng ria mép lười biếng ỡm ờ, xác xơ như con ghẹ đực.
- Chào hàng xóm anh hùng. Đêm qua ngủ ngon chứ?
- Chẳng nhẽ lại không! May quá, tôi định chơi lại gã: “Chẳng nhẽ như ông ấy à”.
- Tốt, tốt, tốt! Khá… kha, kha, hà hà !!! Tôi cũng vậy dạo này cũng ngủ được… (Với cách nói uyển chuyển của người chuyên làm công tác vận động nhân dân), gã hì hì: “Yểm” xong mươi lăm vại “bia vỉa hè” về là… ngủ thẳng cẳng.
- Chứ, cô mình không hờn ư? Tôi hỏi rất khẽ.
- Chậc! Đằng nào chả thế... Sáng sáng nhà ai chả vậy! Để phỉ chí tang bồng “đội ngũ” chuyên gia “rút ruột công trình” ấy, thì có mà sức như Lao Ái… rồi cũng chỉ đáng cơ cấu vị trí ngồi… bắt chuồn chuồn!...
Thì ra sáng sáng nhà nào cũng giống sáng nhà mình... Thế mà đến cơ quan, không mấy anh không cố gắng tỏ ra mình luôn được cấp đầy đủ cơ số máu cho cả hai cái… Không có chuyện trên bảo dưới không thuận. Nghĩ một đằng, nói một nẻo! Cũng may mà còn có định hướng, chứ không… thì cũng chẳng biết đâu lối mà lần!
- Thôi. Đi đi anh! - Tiếng vợ tôi nhỏ nhẻ, thằng Tít nhà mình gọi qua máy của cậu nói, bố mẹ mà không đến ngay thì Chủ nhật sau nó không về ngủ với cậu nữa. Chắc nhớ mẹ…, tội nghiệp con tôi!
Rồi lạu bạu “Xôi hỏng bỏng không”.
Tôi nghĩ, cũng hơi quá đáng nếu ví von như vậy. Thực tình cũng là tại cả ở cô ả! Lựa gì mà lại đi chọn tiếng bành bạch của xe qua ống xả hơn là thơ… Nên, nếu có thể thì phải nói lại là “được voi đòi tiên” đã có “thơ” rồi lại còn muốn cả “bún”. Nhưng mà thôi, tôi chả nói!
- Mà anh cứ theo đuôi hàng xóm thì không chừng có ngày… em “dí” cho hết đường. “Uống như hũ chìm”. Cứ “của chùa” là nã… Một, hai, ba… “dô”! “Dô riết” rồi bị biến dạng cơ sở sinh học… Em có con bạn, khóc suốt. Hỏi ra thì là chồng nó bị biến đổi gen. Biến đổi gen là gì ông xã… Ừ, lão uống rặt thứ cồn không do ta sản xuất. Thảo nào, trông lão y như là… ioocsai.
Nàng hào hứng hẳn lên, rồi ghì chặt lấy tôi, rồi cà lăm, lăn tăn và tưng tửng. “Ông xã à… anh uống không… không… không gì,… à không bảy (07) do tỉnh mình sản xuất a; …vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm a; …vừa sạch sẽ vỉa hè; …gì nữa, … về nhà đái… á, … À, khỏi đái đường… Hiểu rồi! “Độc nhân cường, lưỡng nhân hỉ”… là gì? Hai người vui!... Nhiều thế a! Khỉ ạ, chỉ được cái tầm bậy!
Tiếng ríu rít của vợ ở sau xe, tiếng phành phạch của xe dưới gầm gác-ba-ga của vợ… Tôi khe khẽ hơi xoay người: “Im cho anh lái”, rồi nhẹ nhàng gỡ bớt tay vợ… Vợ tôi tên Dần. Khi mới yêu nhau tôi chẳng biết gì. Lúc hôn nhau tôi gọi: Chu Thiên Dần! Cuối cùng đúng. Cho nên, giờ Dần là giờ Hoàng đạo của vợ mình. Chiều nàng, tôi thường để mặc cho cô ả muốn làm gì thì làm, chỉ e nàng… hơi ốm.
Tiếng loa công cộng văng vẳng lại một làn điệu dân ca, mỗi lúc một rõ. Hình như là điệu “Quân tử phu dịch”.
Bữa qua, bữa qua mới… Xách rá đi vay… Mà nay công việc, (công việc) đủ đầy. Tuy còn sót. Một trăm tám tư phần vạn…(4) Nhưng chỉ nay mai. Khởi bước sang Hàn. Ngoại tệ đưa về…, xây trường tương lai… Anh ơi, (chứ) giáo dục lên đời… Đời ta chung sức, đời con rạng ngời, i… hi… hi, í… i.
Tôi biết, tóc vợ tôi phơi phới ở sau tôi… Hồn tôi cũng thế, cứ chơi vơi! Rồi thủng thẳng, thơ tôi thung thăng vắt vẻo.
“Trời hôm nay cao thế
Do không phải xe thồ
Nếu không thì ta đã
“Biết đồng bào khổ đau”

………………
1;2 Thơ phướn trong Ngày thơ Việt Nam. Nguyên tiêu, Nhâm Thìn.
3 Xem, Tạp chí Thơ – Hội NVVN số 1&2/ 2012.
4 Chỉ số tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta hiện là 1,84%, dẫn từ http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20140910/ti-le-that-nghiep-184-tinh-theo-thong-le-quoc-te/643645.html