Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

“Không biết” nhưng cũng cứ thử bàn…


Khảo sát toàn bộ tiến trình phát triển của con người từ thời “ăn lông ở lổ” tới hiện tại với những lối sống hiện đại và phức tạp, điều làm không ai không xúc động đến kinh ngạc là, hễ nơi nào mà con người sống cùng với nhau thì ở đó sẽ nổi lên mối quan tâm bao trùm của nhóm đối với giáo dục.
Và mối quan tâm này đã tăng lên tương ứng với tính phức tạp dần lên của nhóm với những thể chế đảm nhận nhiệm vụ giáo dục một cách rõ ràng và chuyên nghiệp.

Khởi nguyên của hệ thống giáo dục là lúc mà việc học hỏi của trẻ em chỉ trở nên khi giao thiệp với cha mẹ và các thành vên khác trong gia đình, thị tộc, bộ lạc, bộ tộc… Đó là những cách thức săn bắt để chuẩn bị thức ăn, chống chọi lại kẻ thù, phản ứng lại các rủi ro cứ luôn rình rập…, tức chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu đơn giản và cơ bản: cách thức để tồn tại được trong một thế giới mà con người chỉ mới chập chững trước ngưỡng của sự tự tìm kiếm bản thân.
Khi truyền thống và phong tục phát triển lên, thì sự giao thiệp đơn giản là con đường duy nhất để phát triển tri thức ấy ở trẻ đã không còn đáp ứng trước những đòi hỏi khẩn thiết của sự tự khẳng định mình. Đứa trẻ không thể học được tất cả những điều cần thiết theo cách thức “cầm tay chỉ việc”… Rốt cuộc “người già  phải vác gỗ đằng gốc”: tự hình thành nên chức năng xã hội truyền thụ cho “lũ nhóc” những truyền thống phong tục cùng những hiểu biết theo nhóm vào những thời điểm cụ thể. Theo đó, thời điểm quan trọng nhất trong đời sống xã hội của con người là lúc nó đến tuổi phát dục, khi đó nó được thừa nhận là thành viên trong nhóm. Nhiều bộ tộc hiện vẫn còn lưu giữ được cái nghi lễ kết nạp “vô tiền khoáng hậu” cho bọn trẻ chỉ được tổ chức sau những nỗ lực cá nhân đặc biệt của nó vượt qua được những bài “sát hạch”, mà ngôn ngữ bóng bẩy gọi là “trả thi”. “Điểm tốt nghiệp” khi được “hội đồng giám khảo” thông qua, mãi tới lúc đó cậu nhóc” ấy  mới được nói cho biết những điều bí mật mang tính bí quyết tồn tại của nhóm.
Giáo dục được trở thành mối quan tâm rõ ràng của nhóm.
Cùng với sự hình thành dần dần quá trình phân công lao động, một vài thành viên cụ thể của nhóm tự cố gắng để làm quen với những phong tục tập quán, truyền thống, thói quen… rồi tự giác làm những Socrates trước khi có Socrates: dành hầu hết thời gian cho việc bảo ban lớp trẻ. Nó đã xảy ra trong một thời gian dài và ở bất cứ lúc nào mà con người có thể dạy bảo nhau, trước khi việc đó được Khổng tử và một nhóm người học tập tập hợp lại. Những nơi được định rõ cho việc dạy và học đã dần được thiết lập. Những ngôi trường đầu tiên kiểu như Hàn lâm viện Plato, hay gần gũi hơn một chút: Quốc Tử Giám, đã được hình thành nên một cách cảm động như thế này!
Thường thường thì những “ngôi trường” cảm động ấy cũng là nơi các thành viên họp lại cho các hoạt động tín ngưỡng. Một sự thật khó bác bẻ là, đối với số người đầu tiên thì truyền thống, phong tục, hiểu biết và lối sống của những con người ấy được gắn bó một cách chặt chẽ với tín ngưỡng của họ. Việc tôn sùng các vị thần gắn với việc cổ xúy cho những việc làm phù hợp với  phong tục tập quán và truyền thống do các thần “làm ra” được trở thành nội dung của đức dục và phát triển. Giáo dục mang tính tín ngưỡng và mọi thứ cần học được tín ngưỡng hóa sự chấp thuận tín ngưỡng đã đưa lại kết quả là thầy giáo là người có quyền lực về tín ngưỡng, khiến nơi dành cho việc học cũng đồng thời là nơi “nhang đèn” một cách rất thoải mái và tự nhiên.
Người Do Thái cổ đại đã cho thấy cái thực tế trên này. Ngôi trường của họ được đặt ở giáo đường mà các giáo sĩ đồng thời cũng là những trưởng lễ. Thậm chí cho đến sau này, khi giáo dục trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn so với vấn đề mang tính tôn giáo thì những người lãnh đạo đời sống tôn giáo vẫn cứ chiếm giữ vị trí chủ đạo trong giáo dục lớp trẻ, vì vậy mà đa phần nội dung “dạy học” là bản chất tôn giáo được trộn pha với khoa học như một thứ chất “phụ gia”… Khi ông Mặt Trời kiên nhẫn bóc tách được ra lớp sương tín ngưỡng phủ lên các nội dung dùng trong dạy học, thì một giới tự nhiên sơ sài theo đó lộ dần…
Khi các nhà tư tưởng hoặc triết học không thể không dành mối quan tâm đáng kể đối với giáo dục thì nội dung đưa ra dạy cho lớp trẻ bát đầu được đem ra cân nhắc kỹ càng, và khi đó, họ cũng tìm cách nào đó để tri thức có thể đến được với lớp trẻ của họ. Sự tìm tòi có tính tính toán này đã tự bao hàm trong nó sự toan tính tới mối quan hệ của giáo dục đối với các khía cạnh còn lại trong đời sống cộng đồng. Và thế là những vấn đề về mục tiêu hoặc mục đích của giáo dục, những phương pháp dạy học giáo dục, và những gì nên hay không nên dạy cho học trò dần trở thành niềm trăn trở của các thế hệ người biết tới trọng trách của bản thân
Thế là, giáo dục đã trở nên mối quan tâm ngày càng đầy đủ đối với các nhà tư tưởng cũng là mối quan tâm chủ yếu đối với các nhà triết học khiến cho vấn đề con người thực hành bước vào trung tâm vũ đài của triết học.
Nếu triết học cố gắng cho vấn đề nào đó là thực tại thì tiếp theo hẳn phải là bằng cách nào để mọi người được học có thể học đượctin tưởng rằng nó là có thực. Mọi triết lý sau khi đã hình thành luôn phải đối mặt với nan đề là làm cách nào khiến những người khác đều chấp nhận triết lý ấy như chính chủ thuyết của nó.
Những ngụy biện gia cổ đại chủ trương con người phải được đào tạo để tự lo được cho bản thân mình. Họ chú trọng gia công những kỹ năng biện luận có sức thuyết phục trước những bạn bè của mình để thắng lợi trong các vụ kiện cáo lôi thôi.
Họ đã tỷ mỷ và kỹ lưỡng để những người theo học họ có được cách xây dựng những luận cứ hợp lý, không thể bác bẻ và truyền tải chúng với chất giọng thu hút và một nhân cách đáng trọng để thu phục người nghe. Điều này bao hàm việc đào tạo suy luận logic, hiểu biết thành thạo luật lệ và những phong tục của cộng đồng, khai thác được những hiện tượng văn học nghệ thuật trong lịch sử để có thể làm tư liệu, luyện tập giọng nói cẩn thận để sử dụng đúng hoàn cảnh ngôn ngữ với một khả năng ngôn từ trôi chảy để thật sự chủ động, thoải mái và tự tin…
Không hẳn đồng tình với những nhà ngụy biện, nhưng Socrates cũng không hẳn không tin tưởng giáo dục sẽ khiến một người trở thành một công dân tốt hơn bởi thế mà thành một con người có hạnh phúc. Ông này luôn nhấn mạnh rằng, con người là thật sự với tư cách là một thành viên của nhóm, rằng cái thật sự cần cho nó là tri thức và tri thức đó sẽ đạt được nhờ vào việc xóa bỏ sự khác biệt mang tính cá nhân và khám phá ra những gì là thiết yếu mà tất cả con người trong sự quần tụ ấy chấp nhận một cách tự nhiên. Với việc khảo sát chủ đề một cách sâu sắc, Socrates đã phát hiện ra sự thật căn bản là phương pháp biện chứng. Phương pháp “Socratic bao gồm việc tiếp nhận mệnh đề rồi đưa ra và phân tích để phát hiện mâu thuẫn của nó, rồi tiếp sau việc nhận ra những sai lầm trong quan điểm của đối phương là đưa ra cho nó một loạt những câu hỏi “đỡ đẻ” để làm nổi bật những gì mà người ta đã tin là sự thật.
Plato đã công phu xây dựng nên một kế hoạch nhờ đó con người được lựa chọn để được đào tạo cho công việc ở một trong các giai tầng cấp cao của nhà nước. Trong 18 năm đầu đời, đứa trẻ sẽ được đào tạo và rèn luyện chung về thể lực, âm nhạc, văn học, học cách đọc và viết, để chơi và ca hát cũng như tham gia vào các môn thể thao. Ông này đã rất nỗ lực sử dụng giáo dục nhằm mưu cho xã hội những con người đảm đương được nhiều nhiệm vụ khác nhau. Làm việc ấy, ông đã ngụ ý rằng giáo dục phải trở thành vấn đề quốc gia mà chức năng của nó là lựa chọn và đào tạo con người cho việc phụng sự và đảm đương những công việc của đất nước.
Aristotle cũng tin như vậy. Ông khẳng định rằng, giáo dục sẽ làm cho con người đảm nhận được những công việc thích hợp với một năng lực được đào taọ để đảm đương, do đó mà có được cái hạnh phúc, nên mục tiêu của giáo dục còn là phải làm cho con người có đạo đức tốt. Rằng giáo dục phải mang tính quốc gia và được kiểm soát bởi nhà nước.
Với người La Mã, thành công trong cuộc sống cộng đồng được quyết định bởi quyền lực, thứ mà một người có được để nói trước và gây được ảnh hưởng đối với quan điểm của công chúng, người có thể chế ngự cộng đồng bằng những chỉ bảo của mình, hòa giải cộng đồng bằng những phương pháp luật pháp và cải thiện trật tự công bằng phương pháp ban hành luật lệ.
Đến hồi con người “khôn ra” thì nó nhận ra nhu cầu đào tạo những nhà lãnh đạo tư tưởng, những người có thể giải thích đức tin Thiên Chúa cho cả một cộng đồng rộng lớn. Những ngôi trường “dạy bằng giáo lý vấn đáp” được hối hả nhưng không cẩu thả ra đời. Việc truyền thụ kiến thức được thực hiện bằng phương pháp biện chứng Socrates và Plato – hỏi và đáp, mà từ đây làm hình thành nên các nhà Biện giải. Những biện giải gia nào được đào tạo tại các ngôi trường dạy bằng giáo lý vấn đáp thì đã trở thành giáo viên chuyên nghiệp và Ơrigen đã trở thành nhà thần học vĩ đại chuyên gia giảng dạy đức tin Thiên Chúa.
Tính chất chuyên nghiệp trên đây đã khiến cho giáo dục trở nên phương pháp duy nhất để bảo vệ phong trào Thiên Chúa, một công cụ dành cho nhà thờ phục vụ Chúa. Giáo dục Thiên Chúa – một hệ thống nằm dưới sự kiểm soát của nhà thờ, đã được trau chuốt mà không hề có một đối thủ nào có thể cạnh tranh trong Đế chế La Mã bấy giờ.
Nhưng rồi trong suốt thiên niên kỷ đêm trường, khi ngọn đèn văn minh Âu Châu tàn lụi, mục tiêu của giáo dục Thiên Chúa về căn bản là cứu rỗi trong một thế giới đầy tham vọng và tội lỗi cũng đến hồi lay lắt qua ngày.
Đầu thời đại Phục hưng, một vấn đề tất nhiên hiển hiện là thái độ hoài nghi về tất cả cố gắng để chứng minh cho những học thuyết của Nhà thờ. Người ta bắt đầu sự tìm kiếm rộng rãi một nền giáo dục có thể giúp con cái đi theo cha ông trong việc buôn bán hoặc để thành công trong các mục tiêu thương mại mà chúng đeo đuổi. Những trường học để đào tạo những người trẻ tuổi nhằm phục vụ trong những ngành nghề kinh doanh do những hiệp hội buôn bán lập ra, ra đời. Đó là những trường học của những người thị dân, dù vẫn chịu chi phối bởi những tín ngưỡng tôn giáo nhưng mục tiêu chủ yếu của nó là mang tính hướng nghiệp. Tính chất này đã dần dẫn con người ta tìm thấy được một sự phát triển hài hòa về trí óc, thể chất và nhân phẩm theo cách giảng dạy của người Hy Lạp cổ. Những ngôi trường giống như của Vittorino xứ Manta lần lượt ra đời ở Plorence, Padua Pavia, Milan, Ferrara và những nơi phố thị khác của Italy như một sự thách thức cụ thể đối với quyền uy giáo hoàng trong giáo dục.
Phong trào cải cách tôn giáo đã chủ trương mỗi người nên biết cách đọc Kinh thánh và diễn giải nó theo sự hiểu biết cá nhân. Một giáo dục dành cho tất cả mọi người được khởi xướng từ Luther King, tuy vẫn còn dấu ấn tôn giáo nhưng rõ là cần thiết cho tư cách cần có để trở thành một công dân.
Francis Bacon đặt ra yêu cầu đối với việc suy nghĩ rõ ràng và chính xác trong cái thời đại ông như một sự giải thoát trí óc khỏi tất cả các định kiến. Cùng lập trường này,  R.Descarte tỏ thái độ hoài nghi về những điều cổ nhân truyền tụng thường không chắc gì có cơ sở, về những cảm nhận của giác quan thường hay sai lạc, về những điều con người nhận định một cách mơ hồ… Bằng những trải nghiệm cá nhân từ những bất mãn với chương trình giáo dục phổ thông đã “làm ông dốt thêm”, Descarte đã tích cực đề xuất trong triết học một thái độ hoài nghi khoa học để dùng nó như một nguyên tắc kiểm định lại tính xác thực của tri thức, của thực tại. “Bởi chúng ta sinh ra như con trẻ và thường phê phán sự vật nhờ giác quan trước khi ta sử dụng được lý trí, cho nên ta thường bị các định kiến làm ta xa cách sự thật của lý trí. Những định kiến này có thể khử trừ loại bỏ, một khi ta (thử) hoài nghi tất cả”. Đó là cách để gạt bỏ những vùng đất lủng, mềm, lổn chổn mà đứng trên một nền đất vững, vì tri thức không phải là tự thân, mà mục đích của nó là tăng cường vai trò của con người thống trị thế giới. Việc truyền thụ tri thức cho lớp trẻ thông qua các trường học sẽ phải được bắt đầu từ việc suy nghĩ tại nơi mà thế hệ đi trước đã bỏ lại, chứ không phải là để lại như trong“ phép Tiên vương”. Vì vậy, Bacon coi giáo dục sẽ phải là sự truyền thụ tri thức của quá khứ, tri thức được tích tụ của xã hội giờ đây có được mục đích rõ ràng là để dành cho sự tự do của lớp trẻ. Thomas Hobbes cũng vì thế mà đã tha thiết một cách rất lạc quan rằng, kẻ thống trị có quyền quyết định thể loại giáo dục thích hợp cho dân chúng, và thần dân phải chấp nhận hệ thống giáo dục được thiết lập trong đó mỗi đứa trẻ sẽ phải được đào tạo để nhằm mục đích phụng sự quốc gia.
Để cổ vũ cho ý tưởng này, Locke đã tán thành quá trình rèn luyện thể chất để cơ thể trở nên cứng cáp mà nhờ đó có được một tinh thần khỏe khoắn có thể chịu đựng được gian khổ và sự căng thẳng trí óc kéo dài. Đứa trẻ phải được “trưng” ra trước thế giới đầy bí ẩn của nó vì đó là cơ hội để nó tiếp nhận được nhiều cảm giác làm xuất hiện các ý tưởng, bởi “trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức” (Einstein). Việc học hành của trẻ phải được chăm chút bởi những gia sư và nó cần được cảm nhận rộng khắp xã hội như là những phương pháp dành cho quá trình đào tạo để khi thành người thì lúc nào nó cũng tự lo được cho chính bản thân nó: ngoan đạo, đủ trí thức đáp ứng được những yêu cầu của môi trường chung quanh.
Dường như tranh luận với Locke, Jean Jacques Rousseau chủ trương giáo dục là mang tính bảo vệ, một biện pháp chở che cho trẻ trước những ảnh hưởng của xã hội, cái chỉ làm cho cái tôi tự nhiên thực sự của nó hư hỏng. Ông cảnh tỉnh con người khi đang dần thoát khỏi những ràng buộc của nhà thờ thì lại tự nhả tơ để nhốt mình trong những ràng buộc xã hội. Chủ trương của ông là con người không chỉ được giải thoát khỏi những ràng buộc tôn giáo mà còn phải được giải thoát khỏi nhiều đòi hỏi của xã hội như là một nhu cầu để chối bỏ bất công!
Trong một khảo luận nổi tiếng “Émile hay là về giáo dục”, Rousseau đã giới thiệu một triết lý và phương pháp giáo dục để có thể hình thành “người công dân lý tưởng”,đủ sức khỏe nghị lực tinh thần để có thể đương đầu với mọi thử thách cuộc sống. Rousseau nghiêm khắc cảnh báo người lớn là những chuyên gia về giáo dục, về một quảng đời nguy hiểm nhất của đời người: từ lúc sinh ra đến tuổi dậy thì, là mưu toan thủ tiêu đứa trẻ để biến nó thành một nhà trí thức với “cặp kính” dày cộm của Aziz Nexin! Ông đã nhân danh bọn trẻ mà khẩn khoản, “Hãy để tuổi thơ chín dần trong tuổi của nó”.
Tuổi thơ chỉ có thể chín dần, khi đứa trẻ hoàn toàn có một đời sống quan sát, cảm thụ theo “lý trí con trẻ”, và cũng vì vậy mà người lớn không cần phải đề phòng đâu xa hơn là cảnh giác với chính con quỷ ngụ trong thân xác mình.
Theo Rousseau, “Các năng lực đầu tiên hình thành và tự hoàn thiện dần trong chúng ta là các giác quan”. Định nghĩa về con trẻ chỉ cần chỉ ra thuộc tính năng lực tự quan sát và lý giải một cách trẻ con thế là đủ. Học thầy không tày học bạn, trong đó có những người ban lớn đang thông điệp cho nó định hình những kỹ năng làm người mới ý nghĩa làm sao. Và bọn trẻ con chúng ta thiệt thòi quá thế nào! Khi người lớn trong giáo dục của chúng ta đang âm mưu thay thế chức năng vai trò của mình bằng công nghệ máy tính bảng, tức hoán đổi vai trò nhà giáo dục bằng thứ đồ chơi xa hoa.
Johann Bernhard Basedow tìm cách đưa ý tưởng này của Rousseau vào hoạt động giảng dạy chỉ với nhấn mạnh hội thoại và kịch. Những quan tâm của trẻ được xem xét chu đáo như là một trường học “lấy trẻ em làm trung tâm”. Người ta chỉ dạy những điều mà trẻ em thích thú và tiến đến mối quan tâm của trẻ hưng thịnh lên.
Johann Fredrich Herbart, người theo khuynh hướng duy giác, coi cảm nhận là nguồn gốc duy nhất của tri thức. Với ông, trí óc tiếp nhận và tổ chức những cảm giác, cho nên môi trường mà ở đó đứa trẻ được đặt vào là rất quan trọng. Hệ quả của vấn đề đã dần đưa ông này đến việc nhấn mạnh vị trí của người thầy trong hệ thống giáo dục. Đó là con người mà trong một phạm vi rộng lớn quyết định tới cảm giác mà đứa trẻ tiếp nhận. Một người thầy thông minh, khôn khéo sẽ giúp cho đứa trẻ nhận được những cảm nhận đúng đắn, và do đó sẽ có được một tính cách phát triển.
Giống như một người làm vườn, người thầy giáo mới là người cho phép và giúp đỡ trẻ em khiến sự phát triển tự nhiên của trẻ thành điều có thể (F.W. August Froebel). Một đứa trẻ cần phải được trang bị cho nó khả năng tự điều chỉnh bản thân trước xã hội theo cách mà cả những cảm nhận về xã hội và cá nhân nó sẽ mang tính hữu ích trong sự phát triển một cá tính hoàn toàn. “Tính xã hội của giáo dục – Giáo sư Hồ Ngọc Đại quả quyết, là điều kiện cơ bản để xử lý cái gọi là định mệnh gia đình. Không ai có quyền chọn cha mẹ để sinh. Bù lại, tính xã hội của giáo dục tạo ra mặt bằng chung với những cơ hội phát triển như nhau cho mọi người, mà trên thực tế là tạo ra sự phân hóa do chính các cá nhân tự tạo ra trong cuộc sống của họ (…). Tương lai của mỗi người tùy thuộc vào chỗ, có xác định được mỗi việc làm, mỗi hành vi cư xử ở mỗi thời điểm là đúng hay chưa đúng”.
Nên chăng bỏ qua các yếu tố xã hội, khi một đứa trẻ sẽ không được giáo dục một cách hoàn toàn mà không tính tới những giá trị của xã hội? Khi đó cái bản ngã (ego) sẽ không còn là cái tự ngã (id) được nhân hóa. Trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ, thay vì hoàn toàn bị dẫn dắt vào khoái lạc, cái Ego bị chi phối bởi nguyên lý “thích ứng với thực tại” sẽ điều khiển các dục vọng khoái lạc tự nhiên buộc phải kìm nén để tham gia vào tiến trình xã hội. Theo Freud, cái Ego phải như một viên “trọng tài” phân xử giữa những đòi hỏi bạt mạng của Id và sự kiểm soát của thế giới bên ngoài. Không như thế, hệ quả sẽ là những chấn thương lâm sàng mà hệ lụy đưa lại sẽ là những nhân cách méo mó. Đó chính là lúc cái siêu ngã được hình dung như là những phản xạ đạo đức (lương tâm) sẽ không có được như cái trạng thái “hòa giải” để cho cá nhân có được cái trạng huống tinh thần ổn định. Mọi lo lắng, mặc cảm như Oedipe, cùng với những dằn vặt day dứt, cắn xé của lương tâm sẽ trở nên thường trực và biến mọi con người thành Radion Raxconicov bởi tính bạc nhược của cái Ego.
Vấn đề cá nhân và nhóm đã thực sự trở nên và bây giờ thì càng trở thành vấn đề chủ yếu trong triết lý giáo dục hiện đại. Những trường học công đã được xã hội thành lập và được bảo chứng bằng những khoản thuế do nó đóng góp. Bởi thế mà xã hội đã thừa nhận tính thực tế của giáo dục đối với sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát được nó. Hơn thế, xã hội đã không hề lơ mơ để ngỏ cho các “sẵn sàng trả giá”, mà trái lại càng phải được tăng cường kiểm soát thông qua việc định rõ những gì cần được đưa vào trong nhà trường, không phải chỉ là nội dung và hình thức giảng dạy mà còn là ở nguồn vật tư kỹ thuật, nơi có chứa cả mã độc. Còn những người, do sự phân công lao động xã hội mà có được cái thiên chức chăm lo cho giáo dục, trong đó, đặc biệt là người thầy giáo, thì nhất quyết phải được chứng thực bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về tay nghề”.