Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Cùng tìm kiếm triết lý giáo dục cho chúng ta


Toàn bộ lịch sử tới bây giờ cho thấy điều gì nếu không phải là ngay từ đầu giáo dục là sự nghiệp của cộng đồng. Nếu vì lợi ích mười năm trồng cây, thì vì lợi ích trăm năm tất phải là “trồng người”. Đây là một minh định. Không cần phải qua nhiều trải nghiệm ai cũng đều nhận thấy, “Không có giáo dục con người chẳng khác nào cầm thú” (Mạnh tử).
Nếu không có giáo dục con người chẳng khác nào cầm thú thì con người chỉ là con người khi nó được bắt đầu bằng giáo dục và từ giáo dục. Xã hội với những con người là gì nếu không phải là một đời sống giáo dục với cả nghĩa toàn thể và mỗi một. Hoạt động kiếm sống thay vì kiếm ăn khi được xem xét là một hành vi văn hóa đầu tiên, thì con người chỉ là nó khi đồng thời và bắt đầu với hoạt động sản xuất ra của cải vật chất; sản xuất ra đời sống xã hội; sản xuất ra bản thân con người. Hoạt động mưu sinh đặt con người đối diện với thực tại. Quan hệ với thực tại đã làm nảy sinh nhu cầu thúc bách, không thể gấp gáp nhưng cũng không thể lườn khươn, dù cách nào thì con người cũng phải khẩn trương tìm kiếm được chính bản thân mình. Anh không thể trở thành người trừ khi anh hiểu được thế giới này. Những băn khoăn, trăn trở, thấp thỏm nảy sinh trong những con người Imanuen Kant: “Tôi có thể biết được gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng cái gì”, là sự thể hiện ba phương diện cơ bản nhất của mối quan hệ con người và thế giới: nhận thức; thực tiễn và giá trị, thấm đẫm tinh thần chủ nghĩa nhân văn. Đó là biểu hiện sự tự ý thức của con người về chính bản thân nó (Socrates). Và khi cái tinh thần nhân văn ấy trở thành khuynh hướng nhân đạo chủ đạo trong thời đại văn minh, mà “nếu như tồn tại một khoa học thực sự cần cho con người thì đó là khoa học mà tôi đang dạy, cụ thể là xác định cho con người một vị trí xứng đáng trong thế giới mà từ đó có thể học được cái điều mà ai cũng phải học để làm người”1 (Imanuen Kant).
Đây là triết lý giáo dục, một trong các khả năng mà con người nên / cần tìm kiếm trong hệ vấn đề phải suy tư cho giáo dục nước nhà.
Đổi mới giáo dục phải được dẫn đạo bởi triết lý về nó. “Triết lý giáo dục” hay “triết học giáo dục”, xin hãy tạm dừng việc quá câu nệ về tên gọi khi chưa xác định được nó về mặt nội hàm. Còn như vị thế, nếu nó có thấp hơn, thì chí đáng xếp sau “vấn đề cơ bản lớn của mọi triết hoc”, và phải giành được quyền ưu tiên vượt lên so với những vấn đề còn lại. Vấn đề “triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương” là không phải. Phân tích kỹ nghị quyết này chúng ta chỉ có thể nhận thấy đây là những chỉ đạo thể hiện chức năng và vai trò lãnh đạo xã hội về giáo dục của Đảng ta, mặc dầu nó là lý luận và tính lý luận rất cao nhưng không vì thế mà đồng nhất nó với triết lý giáo dục. Thực tế trong “trận đánh lớn” Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, người “xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương…”2, đã thể hiện ý chí quyết tâm “trong trận đánh lớn” là “sẵn sàng trả giá”, thực tế đã trả bằng việc ký ban hành quyết định kỳ thi Trung học Phổ thông 2015 (ngày 9/9/’14) trước một ngày cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiếp tục triển khai, không phải là “thăm dò”, mà “là quyết định lựa chọn” qua những trường đại học được ủy nhiệm, làm cơ sở dữ liệu. Chiều ngày 10 /9, các “cán bộ chủ chốt” của nhiều trường đại học vẫn được “gọi lên” trưng cầu thái độ chủ quan cá thể (có văn bản để ký xác nhận), vì “ngày mai (11/9) hết hạn…” sử dụng phiếu “thăm dò” (!). Một triết lý giáo dục không thể chuyển hóa thành những hành vi với tinh thần “sẵn sàng trả giá” nhanh đến thế được. Phải thận trọng, hết sức thận trọng chúng ta ạ. Hồ Chủ tịch từng dạy thực tiễn không có lý luận chỉ là thứ thực tiễn mù. Đừng nghe Mao, kẻ duy nhất không đội trời chung với lý luận, tất nhiên là lí luận nào, khi đồng nhất nó với thứ chất thải sinh học từ con người khi thực hiện quá trình trao đổi chất.
Trong nghệ thuật tác chiến hiện đại, người cầm quân phải cho “lùng sục” trên màn hình ra-đa / vệ tinh và loại cho được các mục tiêu nhiễu loạn bằng việc khóa chặt mục tiêu trước khi “bấm nút” tấn công. Bộ trưởng hình như mới chỉ nghĩ đến việc làm giảm hao phí “năng lượng” cho người học và gia đình họ. Đành rằng đó là tuyệt đối cần thiết bởi đây là “gánh nặng” khi năng lượng không thể không chuyển hóa thành khối lượng được quy đổi thành tiền. Cất đi cái gánh nặng ấy, liệu có một sự đảm bảo nào cho các bậc phụ huynh giảm thiểu được nỗi âu lo mà không cần phải nỗ lực lo toan nhiều hơn cho con em mình, khi chúng chỉ còn duy nhất một cơ hội thách thức sự tự khẳng định bản tính cá nhân! Và liệu sẽ không xảy ra tình trạng các “chi hội” phụ huynh đồng loạt ra đồng để tăng “nguồn thu” cho người đi thi, thay vì lục tục kéo nhau cả về địa điểm thi “chung chi” cho “thầy/cô” coi và chấm? Ai sẽ đảm bảo rằng lực lượng an ninh không phải chấp nhận rủi ro khi tăng cường trách nhiệm ít nhất lên hai lần nhằm loại bỏ bớt bọn “thầy cò” như một nỗ lực để bảo toàn cho người dân chân lấm tay bùn chút gia sản buồn trong các tụ điểm nhà hàng, khách sạn!
Giáo dục của chúng ta bấy nay chỉ mới “trọng trí” và yên tâm là sẽ có được những nhân cách siêu phàm. Thực tế cho chúng ta thấy điều gì khi mọi hiện tượng nảy sinh đều làm phát sinh tiêu cực! Đương nhiên thì là đương nhiên rồi. Nhưng cái tiêu cực ấy luôn sẵn sàng nghiến nát cái tích cực ở bất cứ lúc nào, nơi nào, thì không thể “đương nhiên” được. Đổi mới căn bản và toàn diên giáo dục và đào tạo là lựa chọn tính đương nhiên phải là cái này kia, không phải là giá nào cũng được!
Vậy thì, cái phải làm trước tiên là “khóa chặt mục tiêu” cái đã! Sau đó, “các cháu” của Ngài Bộ trưởng sẽ được dẫn đường bởi “công nghệ vệ tinh”, với trình độ tác chiến cá nhân đã được nâng cao, cùng kỹ năng chiến thuật mới do hoán đổi được quan niệm về người học từ đối tượng nhào nặn sang thực thể tự ý thức trách nhiệm công dân, kiểm soát thế trận, mà tự do quyết định chiến trường.
Đó là cái mà Kant ao ước được xác định cho con người một vị trí xứng đáng trong thế giới mà từ đó có thể học được cái điều mà ai cũng phải học để làm người”.
Dẫu là cái khoa học mà “[Kant] tôi đang dạy” trên kia là triết học, song không phải vì thế mà những vấn đề thực tại còn lại ngoài “Kant tôi” ấy kia không phải là triết học cũng như không phải không là triết học. Phép trừ tự nó không phải là phép toán (thao tác), nhưng bản thân “4 + 5” mới chỉ là ám chỉ tổng của hai con số, còn việc chỉ ra số nào là tổng của chúng chính là nhiệm vụ của triết học – triết lý về tập hợp các suy lý tổng hợp!
Không ai không triết gia, khi triết gia nào cũng chỉ là người biết bắt đầu từ việc đếm đi rồi thì đếm lại các nút thắt hay cái gì đấy tương tự để rèn dũa cho mình cái kỹ năng ban đầu ý niệm về thời gian… Dường như ai cũng có một ngày, tựa hồ như cái ngày một cô bé, cậu bé quyết định đập “con heo đất” khi đã quả quyết số tiền mà nó “gom góp” bấy nay đã hoàn toàn đủ để tặng mẹ bông hoa ngày 8/3. Điều gì sẽ xảy ra nếu có ai đó dạy được cho bé để bé học được cách nhẩn nha “nhẩm” trên các đốt tay số tiền bé gom được..., rồi thay vì cộng, bé nhân với tổng số ngày mà bé đang cứ thấm thỏm trông cái ngày 8/3 ấy đến gần! Tình yêu đối với chính bản thân mình trong tâm hồn con trẻ sẽ thế nào khi nó đến lúc vỡ òa bởi chợt nhận ra, bây giờ thì không chỉ “tặng được” hoa cho “mẹ của em ở nhà” mà nó còn có khả năng “được tặng” hoa cho cả “mẹ của em ở trường” trong cái ngày 8/3 bằng số tiền nó dành dụm!
Đó là sứ mệnh của giáo dục, thông qua dạy học để tất cả đều trở thành có thể!
Và để cho tất cả những điều đều trở thành có thể, thì “điểm khởi đầu ở dạng phát triển đầy đủ” phải được trở nên là “điểm cuối ở dạng tiềm tàng ”. Giáo dục, thông qua hoạt động hữu cơ của sự dạy và học sẽ phải được như hoạt động làm vườn với nước, phân, cần, giống…
Giáo sư Hồ Ngọc Đại coi đây là năng lực kiểm soát toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm. Mà tự do không bao giờ là cái gì có thể hơn.                

------------------------------
1.Lịch sử triết học. PGS, TS Nguyễn Hữu Vui. Nxb CTQG, 1999, 384.
2  “…Các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo thì nhiều nhưng gần đây nhất là Nghị quyết 29. Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta", http://vtc.vn/bo-truong-gd-dt-viet-nam-da-co-triet-ly-giao-duc.538.485978.htm