Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

…, nhìn từ “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của John Locke (1632-1704) (*)

Nét tương đồng về thể chế chính trị giữa hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Việt Nam là đơn nguyên. Quyền lực bao trùm xã hội là quyền lực chính trị của đảng cầm quyền. Khi Hiến pháp quan trọng sau Cương lĩnh thì quan hệ giữa hai nước về phương diện quốc thể, thực chất là quan hệ giữa hai đảng. Thực tế cho thấy, việc đầu tiên sau khi Trung Quốc rút về chiếc giàn khoan HD 981 (Haiyang Shihua 981) là chuyến thăm “hữu nghị” của “đồng chí” Lê Hồng Anh thay vì “ông” / “bà” Trương Tấn Sang hay Phạm Bình Minh hoặc không thì ai đó được ủy nhiệm quyền chủ quyền trong quan hệ bang giao.

Quan hệ đảng phái không bao giờ không là quan hệ chính trị. Tuy vậy, nếu đảo lại mệnh đề này bằng phép suy diễn trực tiếp người ta sẽ không thể tìm ra một quan hệ ngoại giao không nằm trong quyền tài phán / bảo hộ của luật pháp quốc tế. Ấy vậy mà lại có, khi tìm nó trong quan hệ “láng giềng hữu nghị” Việt Nam – Trung Hoa. Chứng tỏ, khái niệm chính trị trong giáo trình triết học macxit là quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc và các quốc gia, cũng như thái độ của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước, là phản ánh đặc trưng hệ tư tưởng chính trị không thể nào là cái gì khác hơn là sự thể hiện trực tiếp và tập trung nhất lợi ích giai cấp thống trị, cũng thể như quan hệ bang giao quốc tế chỉ có thể đặc trưng bằng quan hệ lợi ích về mặt nhà nước. Trong trường hợp các lợi ích ấy xung khắc với nhau, quan hệ giữa những quốc gia ấy không thể ám chỉ bằng các mỹ từ hòa bình, hữu nghị.
Là bởi, về đối nội bất kỳ đảng phái chính trị nào cũng đều đại diện cho lợi ích kinh tế của một giai cấp xác định. Lợi ích của một giai cấp trong mỗi quốc gia không / chưa bao giờ có thể đồng thời là lợi ích của giai cấp đó trên phạm vi toàn cầu. Thực tế  cho thấy, các nước “đế quốc chủ nghĩa” từng chiến tranh với nhau đến mức có thể tiêu diệt luôn cả loài người. Cứu cánh nhân quần hay chủ nghĩa xã hội là rường cột của hữu nghị, hòa bình, bình đẳng và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia thì lại chưa từng xảy ra ở khu vực, không phải chỉ riêng gì Châu Á. Tương lai chắc chắn phải khác, là khi và chỉ khi lợi ích giai cấp nhân danh chứ không phải xướng danh được lợi ích dân tộc và nhận được sự ủy nhiệm trong quan hệ bang giao, khi nó được nằm trong quyền tài phán quốc tế.
Không ai bảo đảm bản chất xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa không là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Không thế thì những kẻ chống lại nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa, trước hết sao không phải là kẻ phá hoại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản! Trong các định nghĩa về pháp lý mọi hành vi phạm tội – chủ yếu ở sự xâm phạm luật pháp, việc hành động trái với quy tắc đúng đắn của lý trí suy cho cùng, đều là hành vi làm tổn hại tới đường lối lãnh đạo của Đảng, kể cả khi nó là hành vi mà người đảng viên cộng sản dù do bất kỳ lý do gì, thực hiện. Đó là quyền bình đẳng cao nhất mà người đảng viên có được khi mọi công dân đều có thể được xem xét kết nạp Đảng do “thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên,…”. Hiến pháp quan trọng sau Cương lĩnh xác thực điều này. Và cũng chính điều này, Điều lệ Đảng CS Việt Nam, không tác động được tới đối tượng các thành viên, mặc dầu cùng là đảng viên cộng sản, thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy là, đảng viên của đảng nào cũng thế, chỉ có quyền phục tùng “lợi ích dân tộc” của đảng ấy, lợi ích giai cấp quyết không vượt lên trên lợi ích dân tộc. Thực tế đã diễn ra “lợi ích giai cấp đến vạn đời cũng không thể đòi lại được” nếu không “giành cho được lợi ích dân tộc” đúng vào cái thời điểm giữa thế kỷ XX, ở Việt Nam.
Bởi Đảng CS là tổ chức chính trị xã hội với chức năng cơ bản của nó là thực hành trách nhiệm xã hội cả về đạo đức lẫn pháp lý trong việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện đảng viên, quy tụ và thể hiện được cao nhất ở mỗi đảng viên trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc. Trong đó cao nhất và tuyệt đối là nghĩa vụ chiến thắng các đối thủ chính trị ngoài đảng mình để trở thành người công dân số 1 trong mỗi tổ chức nhà nước cũng như  tổ chức chính trị xã hội ở mọi tầng cấp, mà trọng trách to lớn của họ là thực quyền nhân danh Đảng mình, mưu lợi ích cao cả cho toàn dân tộc. Vì vậy, lợi ích giai cấp đại diện cho cộng đồng quốc gia, nhất quyết phải nhân danh được lợi ích dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Không có thứ “đại cục” nào ở đây.
Vì lẽ đó, quan hệ bang giao trước tiên phải là quan hệ nhà nước về mặt lợi ích quốc gia. Trong trường hợp này, các hình thái quan hệ đạo đức phải phục tùng nó, bất kể nguyên tắc luật pháp nào cũng đều là những nguyên tắc đạo đức. Các nguyên tắc luật pháp quốc tế cũng vậy, nó bao hàm ý nghĩa đạo đức phổ quát toàn nhân loại. Nhưng nếu vì điều này mà coi tất cả các nguyên tắc đạo đức đều là những nguyên tắc luật pháp thì sẽ không hơn một mẹo diễn ngôn.
Thực tế, giàn khoan HD 981 là vi phạm luật pháp quốc tế chứ không vi phạm đạo đức chính trị. Vi phạm mà lại là không vi phạm đạo đức, nó phải chịu sự trừng phạt của luật pháp Việt Nam mà không chịu tác động của bất kỳ sự phê chuẩn nào nhận được từ ý chí của cơ quan lập pháp. Trong “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, J. Locke coi bất kỳ sự phê chuẩn nào nhận được từ ý chí của cơ quan lập pháp, được công bố chính thức, cũng không thể chạm được đến người lạ vì có được công bố chăng nữa, chúng cũng không thể buộc được anh ta phải nghe theo [§9]. Vì lý do đó, tuy HD 981 đã không là tuyên bố tình trạng chiến tranh đối với dân chúng thuộc “thẩm quyền tài phán” của thứ quyền lực chính trị được thiết chế hóa bằng ĐCSTQ, nhưng nó là như thế đối với dân chúng Việt Nam. Đơn giản nhân dân Việt nam cũng như dân chúng Trung Quốc đều cùng là nhân dân lao động. Dân lao động sẽ không bao giờ a dua với hành động gây chiến, họ muốn yên phận làm ăn, trừ khi họ bị lôi kéo bởi đường lối giáo dục thù hận. Thực tế đã là như thế. Một sự trải nghiệm mới tinh, về một cơ quan lập pháp như Quốc hội Việt Nam, những ngày đang diễn ra nghị sự là những ngày “Haiyang Shihua 981” thách thức với quyền lực chính thể nơi đây, nhưng đã không hề phản ứng như là một hành vi chứng nghiệm rằng, kinh nghiệm truyền thống không phải bao giờ xảy ra cũng đều như nhau về tính khả dụng.
Tuy nhiên hành vi vũ lực của nhà nước Trung Quốc đối với nhà nước Việt Nam qua sự kiện giàn khoan 981 quyết phải bị cản trở vì tất cả đều phải được bình đẳng và độc lập (không lệ thuộc) đối với nhau. Trong trạng thái ấy không ai được phép làm hại đến sinh mạng, sức khỏe, tự do, hay tài sản của người khác. Tại đấy không thể giả định bất kỳ sự lệ thuộc nào giữa những con người chúng ta, nghĩa là có thể trao quyền cho một người đi hủy diệt người khác, hoặc như thể một người nào đó được tạo ra là để cho người khác sử dụng, giống như những sinh vật ở hạng thấp kém hơn là dành cho việc sử dụng của sinh vật có lý trí. Nguyên lý bảo toàn thực thể khiến mọi sự tồn tại đều là để không với chủ ý thoát ra khỏi vị thế đó, nên với nguyên do giống vậy, khi sự bảo toàn của bản thân không dùng vào việc thi thố năng lực thể chất (thi đấu thể thao), thì ngoài bản thân mình người ta còn cần phải bảo toàn cho toàn thể phần loài người còn lại; và không thể lấy đi hay làm suy yếu đi sinh mạng hay những khuynh hướng nhằm bảo toàn sự sống, quyền tự do, thân thể hay tài sản của người khác, trừ khi là để thực hiện công lý với kẻ vi phạm [§6 ].
Và lý trí đó cũng thông điệp lại cho mọi bổn phận rằng tất cả mọi người có thể phải bị ngăn chặn để không đi xâm hại các quyền của người khác, gây phương hại cho người khác; và luật tự nhiên mang ý chí hòa bình và bảo toàn cho toàn bộ loài người, thì phải nhất mực tuân thủ. Cho nên, ai cũng phải thực quyền trừng phạt những kẻ xâm phạm đến luật của nó, luật mà tạo hóa dành cho con người ấy, đến mức có thể cản trở sự vi phạm này.
Nhưng trong trạng thái bình đẳng hoàn hảo đó, nơi mà mặc nhiên không có phẩm vị cao hơn hay quyền tài phán nào của người này lên người khác, thì bất kỳ điều gì có thể thực hiện như là hành động truy tố của luật tự nhiên, mỗi người nhất thiết đều phải có quyền để làm [§7].
Vì thế, trong trạng thái tự nhiên, một người có được quyền lực không từ ý chí của riêng mình, mà chỉ là sự đáp trả trong phạm vi của sự bình tĩnh lý trí và mệnh lệnh lương tâm, tương xứng với hành vi vi phạm, ở chừng mực nó phục vụ cho việc bồi thường và kiềm chế thiệt hại đối với bị hại [§8].
Bằng việc vi phạm luật tự nhiên, kẻ vi phạm đã tự tuyên bố mình sống bằng quy tắc khác thay cho quy tắc của lý trí và bình đẳng cộng đồng, vốn là tiêu chuẩn mà Thượng đế đã sắp đặt cho hành động của con người, vì sự an toàn chung; và do đó mà kẻ vi phạm đã trở nên nguy hiểm đối với loài người… đó là sự xâm hại chống lại giống loài, chống lại hòa bình và an toàn của giống loài vốn được trù liệu trong các quy tắc ứng xử hay công ước chung. Trong sự trù liệu này, mỗi người đạt đến sự bảo vệ này bằng cái quyền anh ta có nhằm bảo toàn cho loài người nói chung, để có thể ngăn chặn hay tiêu diệt những điều có hại đối với loài người,. Trong trường hợp thực hiện trách nhiệm đối với giống loài, không ai có quyền tước bỏ quyền trừng phạt kẻ vi phạm, và người thực thi trách nhiệm ấy, đồng thời là người chấp pháp của luật phổ quát [§8].
Cùng với việc phạm tội – hành động trái với quy tắc đúng đắn của lý trí, Haiyang Shihua 981 cùng với “bộ phận bánh lái” của nó tự nhiên thừa nhận rút khỏi những nguyên tắc của bản tính con người, và là một thực thể có hại khiến cho những thực thể khác ngoài nó nhận lãnh những thiệt hại do hành động xâm phạm của nó gây nên. Trong trường hợp này, người nhận lãnh thiệt hại, nhà nước Việt Nam, bên cạnh quyền trừng phạt chung mà nhà nước nào cũng có, nó còn có một đặc quyền nhằm tìm kiếm sự bồi thường thiệt hại từ kẻ gây hại. Đó là lý do đơn giản đối với ai nữa nhận thấy điều này là văn minh mà có thể liên kết với người bị hại và trợ giúp anh ta trong việc giành lại từ kẻ vi phạm, những đền bù thỏa đáng so với những tổn hại mà anh ta đã phải gồng mình…
Từ hai quyền, trừng phạt tội phạm nhằm kiềm chế và ngăn ngừa những hành vi tương tự và quyền tìm kiếm sự bồi thường thiệt hại của bị hại, thì việc cai trị, vốn bằng chức vị này mà có trong tay quyền trừng phạt của cộng đồng, có thể miễm trừ sự trừng phạt từ chính thẩm quyền của ông ta, nơi mà lợi ích công không cần thiết đòi hỏi thực thi pháp luật. Nhưng không vì vậy mà nó miễn trừ luôn được quyền hưởng sự bồi thường thỏa đáng của phía bên đã phải gánh lấy thiệt hại. Do vậy, người chịu thiệt hại vẫn được giữ quyền đòi hỏi bồi thường, nhân danh chính mình, chỉ anh ta mới có thể miễn trừ cho điều đó [§11].

Tuy vậy, bị trừng phạt và khả năng bị trừng phạt không phải là một. Sứ mệnh của luật pháp là ngăn chăn mọi khả năng bị trừng phạt trở thành hiện thực. Song không vì thế mà nó không chọn trừng phạt. Sự cần thiết phải trừng phạt HD 981 không thể không là biện pháp ngăn chặn khả năng bị trừng phạt.
Như vậy, chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, không phải là chuyến công du, mặc dầu ông là nhân vật số hai trong đội ngũ những nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Chữ ký của ông không có con dấu của Nhà nước Việt Nam, nghĩa là chữ ký ấy không bình đẳng về mặt trách nhiệm trước các công ước quốc tế về luật pháp, và là không mang ý quyền tài phán trong bang giao.
Hiện thực đang diễn ra sự ầm ĩ của truyền thông Trung Quốc đối với tinh thần chủ yếu của chuyến đi này, còn tình hình Biển Đông đã không vì lý do gì mà trở nên ấm áp, ngoại trừ việc nhà đương cục Trung Hoa tiếp tục khai thác du lịch với việc đưa tiếp du khách ra Hoàng Sa(**) như một thông điệp phát ra tình hình bang giao giữa hai nhà nước Việt-Hoa là “vũ như cẩn”!



(*) Nhà xuất bản tri thức, 2007. Những [§x] là những tiết được dẫn ra theo tinh thần hoặc lược trích.
(**)http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/195608/tq-khong-duoc-dua-du-khach-ra-hoang-sa.html