Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Nhân một đảng viên "gạo cội" tự ra khỏi Đảng, bàn lại về suy thoái


Nếu viết bài để được đăng báo thì thế nào tôi cũng phải cố viết để được như thế này:
“Trong các văn kiện, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề cấp bách thứ nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 chưa chỉ ra được bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị là ai, ở đâu. Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục nhận định tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị diễn biến phức tạp, nhưng vẫn chưa chỉ rõ biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là gì.

Điểm mới của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII là đã chỉ ra cụ thể chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Có thể nêu một số biểu hiện như: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật” (PGS,TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký HĐLL TƯ).
Và đoạn 2 sẽ được sử dụng lại cho NQ T.Ư 4  khóa XIII vì có từ “điểm mới…” Đó là đặc quyền thể hiện sự phát triển mà chỉ có giới lý luận gia mới được phát hiện.
Vì lẽ đó, ngoài giới lý luận gia không ai khác dám bàn thêm về “nghị quyết lần này”, nghị quyết lần kia với các tính chất mới mẻ và phát triển, tựa hồ như đó là những vấn đề đã xong xuôi, lúc nó vĩnh viễn đi vào viện bảo tàng.
Tuy nhiên “suy thoái” bao giờ cũng là hiện tại, trừ khi nó dừng lại cũng tức là kết thúc. Nó chỉ có hai thì. Khi người ta nhận ra trạng thái suy thoái thì suy thoái đã len tới phòng ngủ rồi. Vậy suy thoái là một hệ luận. Phép tất suy chỉ sai trong mỗi trường hợp tiền kiện đúng, hệ luận sai!
Về phương diện khái niệm, “suy thoái” dùng để chỉ quá trình “suy yếu và sút kém dần có tính chất kéo dài” (từ điển Tiếng Việt, Văn hóa Sài gòn, 2005). Suy thoái đồng nghĩa với “diễn biến” với “chuyển hóa” đều chỉ về sự biến đổi mà triết học gọi là “vận động”. Nó cùng cấp độ nhưng không đồng nghĩa với “chuyển biến” theo hướng tích cực nên nó bao trọn nghĩa “thoái hóa”: (1) biến đổi theo hướng teo đi do kết quả của một quá trình không hoạt động lâu dài, không đảm nhiệm một chức năng nào trong cơ thể; cũng có nghĩa là (2) biến đổi theo hướng mất dần những phẩm chất tốt.
Trong trường hợp này, suy thoái đồng nghĩa với “tha hóa”. Ngoài nghĩa “biến chất trở nên xấu đi” thì tha hóa hàm nghĩa “biến thành cái khác đối nghịch lại”. Có lẽ Hegel là người sử dụng thành công thuật ngữ “tha hóa” để chỉ những chuyển hóa của những hiện tượng và quan hệ nào đó thành một cái gì khác với bản thân chúng. Điều này đã tạo nên cảm hứng cho Marx. Xuất phát từ chỗ cho rằng tha hóa là những biểu hiện của những mâu thuẫn của một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội. Nó do sự phân công lao động có tính chất đối kháng đẻ ra và gắn liền với chế độ tư hữu. Việc thủ tiêu tha hóa chỉ có thể bằng việc cải tạo lại toàn bộ hệ thống/ xã hội!
Việc chỉ ra suy thoái thuộc ba nhóm đối tượng… trước hết là một dạng hoạt động logic phân chia khái niệm mà dấu hiệu phân chia là ý thức đạo đức giai cấp…
“Ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là tồn tại được ý thức, và tồn tại của con người là quá trình sinh hoạt hiện thực của họ”, tức là thực tiễn. Thực tiễn sản xuất vật chất, thực tiễn chính trị xã hội, nghiên cứu và thực nghiệm khoa học… là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý.
Đó là cơ sở cắt nghĩa cho ý thức trong từng giai đoạn, thời kỳ. Nếu không có một ý thức chung cho tất cả các thời đoạn của lịch sử thì cũng là như vậy cho tất cả các giai cấp và mỗi một cá nhân. Vì vậy mới có ý thức hệ tư tưởng thống trị.
Tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp thống trị. Tư tưởng thống trị trong mỗi thời đại đều giữ lấy địa vị ngự trị bằng cách duy trì được cái trật tự hiện có trong đời sống vật chất, không để xảy ra sự xung đột gay gắt giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Sự xung đột giữa lực lượng sản xuất và quan hệ phân phối – hình thức biểu hiện công khai của quan hệ sản xuất, chỉ dấu an sinh của xã hội khi phát triển đến mức gay gắt là chứng tỏ những quan hệ ấy đã không còn là chiếc nôi cho sức sản xuất. Tiếng hát đưa nôi, hay ý thức cầm quyền sinh ra từ những quan hệ sản xuất đã trở nên lỗi thời ấy tất mất sức hấp dẫn, mất quyền độc tôn, nó bị đặt vào tính tất nhiên của sự phê phán, đối tượng trước hết của “vũ khí phê phán”.
Sự biến đổi trạng thái của ý thức không diễn ra một cách đơn nghĩa. Bên cạnh sự chuyển biến theo hướng tích cực với sự xuất hiện những anh hùng, vĩ nhân là sự teo tóp của những “bộ phận không hoạt động” với những cá nhân đang mất dần “những phẩm chất tốt”.
Suy thoái sử dụng với nghĩa tha hóa là một hiện tượng xã hội, đúng hơn là mang bản chất xã hội. Nó, như cách mà phương pháp luận macxit, là biểu hiện của những mâu thuẫn của những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, do sự phân công lao động có tính chất đối kháng đẻ ra và gắn liền với chế độ tư hữu.

“Bản thảo kinh tế-triết học 1844” đã chỉ ra phương thức khắc phục sự tha hóa của lao động, từ chỗ là kết quả của những hoạt động của con người biến thành cái thống trị và thù địch với bản thân con người, chỉ có thể là phải cách mạng hóa toàn bộ những cái hiện có.