Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Nhân một đảng viên "gạo cội" tự ra khỏi Đảng, bàn lại về suy thoái (2)

Trái với “thịnh”, “suy” chỉ trạng thái ngày một sút kém so với trạng thái ban đầu. “Thoái” theo nghĩa trái với “tiến” là “lui” – di chuyển ngược trở lại phía sau, hướng về nơi/ điểm xuất phát.
Với nghĩa này, “lui” còn là “giảm” chẳng hạn, nạn tham nhũng đã lui, chẳng ai nói tham nhũng ổn định bao giờ trừ kẻ có học để ra làm quan. Mục đích học là để làm quan đó là suy thoái cũng như làm quan trước rồi mới đi học cách làm quan lại càng suy thoái sâu. Như thế, lui cũng còn là “lùi”, chẳng hạn Chủ tịch Quân ủy TƯ PLA Đặng Tiểu Bình tuyên bố “đạt mục đích” nên xuống lệnh rút quân khỏi Việt Nam (3/1979) thực chất là “lui quân” do bị quân và dân các tỉnh biên giới đã liên tục tiến đánh “đẩy lùi” các đợt tiến công ăn cướp của “bè lũ Bắc Kinh”.

Ngoài ra, “thoái” còn một nghĩa nữa là “hoàn trả lại”, chẳng hạn “giảm thuế, thoái tô” cho nông dân. Theo nghĩa này, tiếng địa phương, có nơi gọi là “thối”: tôi thối lại anh 3 ngàn với gói xôi anh đang có… vậy là anh có đủ 10 ngàn!
Đặc tính “đất bùn” của tiếng Việt đã khiến tiếng này đơn thanh mà đa sắc. Thành thử, nghe từ suy thoái ai ai cũng đinh ninh đó là thuật ngữ dùng cho “ám chỉ”. Cho nên, nơi nơi “chống suy thoái”, ngành ngành “chống suy thoái” mà hình như càng về sau tiếng nói càng vang, rõ là “lên cao mới biết trời cao” (thơ thả đêm Nguyên Tiêu Quý tỵ).
Chống suy thoái, trước hết nhằm vào triệt hạ nguyên nhân của suy thoái. Chẳng hạn, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê nin là để khắc phục tình trạng “phai nhạt lý tưởng, xa rời chủ nghĩa…” (?). Điều này chỉ có thể phải chấn hưng giáo dục. Vậy trước hết phải gõ đầu các vị đứng đầu các cơ quan chức năng bởi nghị quyết Đảng bao giờ cũng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tăng cường giáo dục và nâng cao giác ngộ chủ nghĩa…
Ấy thế mà chủ nghĩa… từ chỗ là một khoa học đầy tính cách mạng và sáng tạo bỗng nhiên dần biến thành đối tượng bị ghẻ lạnh nhất đối với con người mới xã hội chủ nghĩa. Khi thế “chẳng đặng đừng” thì “lộp chộp” (chữ của Bê-cơn): “đọc” từ nguyên bản tiếng Nga thì lại suy ra theo nghĩa tiếng Tàu. “Học” theo căn tự tiếng Tàu thì cứ như vào rừng nhác “thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm” thành ra tiếng nào nói ra cũng cứ phải như nói dối. Hóa ra cái dối là dễ thuyết phục hơn cả đối với xã hội kinh nghiệm chủ nghĩa! “Đặng Tiểu Bình một trí tuệ siêu việt” đã làm thổn thức bao trái tim sinh viên người Việt bởi “là một môn khoa học rất sâu sắc, là nghệ thuật rất phức tạp, chúng ta phải đào sâu nghiền ngẫm mới lĩnh hội được phần nào và vận dụng nó vào trong công tác thực tế của mình, bất cứ ai cũng có thể thu được lợi ích không nhỏ” (Nxb Lao Động).
Khỏi cần phải nói học tập nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê nin khi “Một trí tuệ siêu việt” đã thay thế hầu như tất cả.
Thực tế, chủ nghĩa Mác-Lê nin là học thuyết về sứ mệnh lịch sử giới của giai cấp vô sản hay công nhân công nghiệp. Nồi nào thì úp vung ấy. Ấy thế mà đem cái học thuyết cách mạng ấy vào giáo dục cho con người chỉ vừa thoát nạn mù chữ kể ra không dễ tý nào…
Nhưng đây cũng không hẳn là nguyên nhân!
Vậy nguyên nhân thực của suy thoái là gì?
Không nhất thiết phải lập luận về điều ai cũng đều biết. Tổ hợp vị từ “suy thoái” trở thành thuật ngữ chuyên môn trong “Xây dựng Đảng” để chỉ về những biến đổi chất lượng đối tượng đảng cộng sản ở một “bộ phận không nhỏ đảng viên” của Đảng. Còn “thế nào là” và “khi nào thì”, về cơ bản NQTW 4/ XII đã định rõ cả “tính” và “lượng”. Nếu nó có gây ra chút rắc rối nào cho tư duy trong khi kiểm soát “hiện tượng” này thì, chung quy lại sự ấy là không thừa nhận “chuyên chính vô sản”. Không thừa nhận chuyên chính vô sản tức là không phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng và gia cố sự đối lập lại với quyền làm chủ của nhân dân.
Vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền lực thực sự thuộc về nhân dân đành nhẽ là hai vấn đề nhưng thống nhất. Tính thống nhất ấy khiến cho luận điểm về chuyên chính vô sản bao hàm các tiền giả định: Đảng không phát huy được vai trò lãnh đạo thì nhân dân lao động mãi mãi thân phận đầy tớ; quyền lực nhà nước không thuộc về tay nhân dân tức nhân dân không làm chủ xã hội, nếu nói khác là không có dân chủ thì vai trò lãnh đạo của Đảng mất hết toàn bộ ý nghĩa. Đây là luận điểm nổi tiếng của Đảng. Luận điểm này luôn đúng về mặt lý luận, không phải luận bàn…
Điều cần bàn ở đây là nền “dân trị” Việt Nam đã làm thay đổi các mối quan hệ giữa chủ ông và người đầy tớ như thế nào.
Trước hết, “dân trị” là một thiết chế xã hội của “xã hội công dân”. Khái niệm “xã hội công dân” không phải là phát minh của đảng nào mà nên dùng hay nên bỏ. Mác sử dụng khái niệm này khi “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”, một thứ triết học “lơ lửng” trên chín tầng trời trước một hiện thực vật chất bị chèn ép bởi vô số tàn tích phong kiến. Rằng, Hê-ghen thật sai lầm khi quan niệm  “gia đình” và “xã hội công dân” chỉ là những lĩnh vực khác nhau của “khái niệm nhà nước”, là những thứ do nhà nước tự “phân thân”. Nếu dùng thói quen đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm vào lật ngược Hê-ghen lại thì chúng ta chưa thể nói được điều gì ở đây Mác đúng hay Hê-ghen sai.
Cái thực tế mà Hê-ghen cố né nhưng hoàn toàn không thể tránh khi giải thích đời sống xã hội thì là phải thừa nhận sự tồn tại của con người. Có điều là Hê-ghen đã chỉ thấy con người là một tồn tại tự nhiên thuần túy và là những cá nhân cô lập nên khi được “giao phó những chức năng hoạt động” thì chức năng và quyền lực nhà nước không thể là “sở hữu tư nhân” tức phải là ý chí chung hay phải thể hiện được ý niệm phúc lợi!
Khắc phục bằng vũ khí phê phán quan điểm này Mác coi “tính cá thể đặc thù là tính cá thể của con người, và những chức năng, lĩnh vực hoạt động của nhà nước là những chức năng của con người”; “bản chất của con người đặc thù (…) là phẩm chất xã hội của nó”. Các chức năng của nhà nước không gì khác hơn là “những phương thức tồn tại và hành động của những phẩm chất xã hội của con người” cho nên chỉ có thể phải căn cứ vào những phẩm chất xã hội của con người để hiểu những con người được “giao phó những chức năng hoạt động” vì “lợi ích chung” hay quyền lực nhà nước.
Điểm khác biệt căn bản ở đây, giữa Mác và Hê-ghen về bản chất con người là phẩm chất xã hội chứ không phải là tính tự nhiên, do đó sự khác biệt về bản chất của xã hội so với tự nhiên là ở mức độ tham gia đông đảo của những cá nhân vào công việc xã hội, tức là thực hiện quyền lực nhà nước.
Vì xã hội là hệ thống những hoạt động của con người mà tính thống nhất hệ thống là ở những phẩm chất xã hội của con người. Cho nên mới có chuyện vượt lên các nhà tư tưởng tiền bối, Mác lấy xã hội làm đối tượng giải thích lịch sử mà làm rõ cho bản thân nhiệm vụ làm rõ phẩm chất xã hội của con người để phân định các chức năng, phương thức hoạt động của con người thành các lĩnh vực khác nhau thể hiện sự tương tác giữa họ với nhau, khiến xã hội với tư cách xã hội là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa người và người.
Điều này chỉ được nói ra một cách rõ ràng trong “Hệ tư tưởng Đức”, thành thử khi “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”, Mác chưa định hình một cách cụ thể về xã hội dân chủ, về nhà nước thực sự mang bản chất sâu sắc thực sự nhân dân. Nhưng điều này hoàn toàn không hề cản trở quan niệm khoa học về phẩm chất xã hội của con người mới là cơ sở của nhà nước. Con người trong tư duy triết học Mác là con người hiện thực mà trong tất cả các hoạt động sống của nó đã quy định nên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó là nhà nước, một chế độ chính trị của xã hội.
Mác viết: “Còn trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước thể hiện ra là một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân. Trong chế độ quân chủ, chúng ta có nhân dân của chế độ nhà nước, trong chế độ dân chủ, chúng ta có chế độ nhà nước của nhân dân (…). Ở đây, chế độ nhà nước – không chỉ tự nó, xét theo bản chất của nó, mà còn xét theo sự tồn tại của nó, theo tính hiện thực của nó – ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực”.
Không gì thuyết phục hơn rằng chính Mác là người đem lại cho khái niệm “xã hội công dân” một cơ sở xã hội chắc chắn. Rằng, chế độ xã hội dân chủ, một chế độ xã hội văn minh ra đời chỉ khi lật đổ được chế độ quân chủ lỗi thời. Rằng, quy luật tạo dựng nên cái xã hội nói chung là gia đình, xã hội công dân quyết định nhà nước, quyết định chế độ chính trị, chứ không “tréo ngoe” như xã hội Phổ bấy giờ đang được chống lưng bởi thứ triết học nhà nước của Hê-ghen.
“Con người bao giờ cũng là bản chất của tất cả các tổ chức xã hội”, ở một chỗ khác – Mác viết , “những tổ chức xã hội này lại thể hiện ra tính phổ biến hiện thực của con người, do đó cũng là cái chung của mọi người”. Như vậy, xã hội chỉ là sự thể hiện bản chất con người, “khách thể hóa” bản thân con người, nó được tạo nên bởi tính đồng nhất về chất của mọi quá trình, mọi sinh hoạt xã hội với tính cách là sản phẩm của hoạt động con người. Đến đây, người ta thấy ở Mác: xã hội công dân trước hết là cái lĩnh vực hoạt động của đông đảo nhân dân lao động, trước hết là lĩnh vực các quan hệ sản xuất, cơ sở của nhà nước. Đây là điều có ý nghĩa phê phán đối với quan niệm lỗi thời, chỉ thấy “xã hội công dân” là “lĩnh vực của sở hữu tư nhân” (Hê-ghen) mà bỏ qua hầu hết khối đông đảo thần dân của nhà nước là quần chúng nhân dân, là người lao động.
Vậy “xã hội công dân” là sản phẩm của lịch sử. Nói cách khác, nó là lịch sử phát triển đến một giai đoạn nhất định trong đó các quy luật xã hội đến lúc phải bộc lộ ra như là những hoạt động có ý thức của con người. Với những xã hội trong đó “những người không cảm thấy mình là người thì sẽ trở thành sở hữu không thể tách rời của những ông chủ của họ, giống như lứa nô lệ hay lứa ngựa mới sinh. Những ông chủ cha truyền con nối – đó là mục đích của toàn thể xã hội này”. Đó là trật tự của “thế giới làm mất tính người”, do “nguyên tắc duy nhất của chủ nghĩa chuyên chế khinh miệt con người, là con người bị làm mất nhân tính”.
Với một xã hội mà tính người là tính chủ thể của nó thì “phải chặn ngang cái yết hầu của thế giới súc vật thụ động, hưởng lạc một cách vô nghĩa của bọn philixtanh” cho nên, không phải là “bảo với thế giới rằng: “đừng đấu tranh nữa”; [mà là] “chúng ta đem lại cho nó khẩu hiệu chân chính của cuộc đấu tranh. Chúng ta chỉ giới thiệu cho thế giới thấy rõ là nó đấu tranh cho cái gì” mà “việc thủ tiêu chế độ tư hữu về mặt chính trị không những không xóa bỏ chế độ tư hữu mà thậm chí còn giả định chế độ tư hữu”.
Việc “giải phóng chính trị, tất nhiên, là một tiến bộ lớn, nhưng “thật ra nó không phải là hình thức cuối cùng của sự giải phóng con người nói chung”.
(còn nữa)