Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Nhân một đảng viên "gạo cội" tự ra khỏi Đảng, bàn lại về suy thoái (3)


Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với sự ấy là sự độc tôn lãnh đạo toàn diện xã hội Việt Nam mà không chia sẻ với bất cứ ai đã chứng tỏ điều gì, nếu không phải là chủ nghĩa Mác chưa từng, và mãi sẽ như vậy, là kinh thánh.
Vào nửa đầu của thế kỷ XIX, Châu Âu rung chuyển với những cuộc đấu tranh của lực lượng lao động công nghiệp chống toàn bộ chế độ sở hữu tư sản cùng thứ giáo dục quan phương.
Những cuộc đấu tranh ấy lúc đầu đã không được vấn an bởi lực lượng khoa học tự nhiên hùng hậu do nền sản xuất công nghiệp mang lại, trái lại nó đối lập lại với khoa học một lực lượng đang thực hiện sứ mệnh giải phóng sức sản xuất bằng việc thẳng tay đập phá các thiết bị sản xuất.
Chủ nghĩa Mác là một nỗ lực để khắc phục tình trạng lao động bị tha hóa.
Được phong trào công nhân Châu Âu nồng nhiệt đón chào, ngọn cờ tư tưởng chủ nghĩa Mác nhanh chóng chiếm ngôi vị thượng phong và đồng thời với việc giai cấp công nhân nhanh chóng xiết lại đội hình và tuyển chọn ra trong đội ngũ những người tiên phong giương cao ngọn cờ ấy, “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” nhanh chóng “ám ảnh Châu Âu”.
Đảng cộng sản các nước Châu Âu cứ thế lần lượt ra đời đưa giai cấp vô sản nước mình bước lên vũ đài chính trị với bản cương lĩnh tóm tắt “xóa bỏ chế độ tư hữu”. Mục đích của xóa bỏ nó là để giành lấy vai trò chủ nhân chân chính cho tất cả lao động toàn bộ những sản phẩm sản xuất được tạo ra từ đôi bàn tay mình.
Khi Châu Âu còn hết sức bận rộn với công việc đó thì xứ Đông Dương, vả cũng không riêng xứ Đông Dương là chỉ có những người “nhà quê”... Và người “nhà quê An Nam” tuy vẫn đóng vai trò chính trong sản xuất vật chất nhưng lại ngập chìm sâu trong vũng lầy nô lệ. Nguyễn Ái Quốc bấy giờ đã rất kiên quyết trong đấu tranh với Quốc tế Cộng sản khi quốc tế ấy còn chưa sẵn sàng, thậm chí cũng không chịu chuẩn bị cho việc công nhận một phong trào dân tộc thuộc địa gắn với chủ nghĩa xã hội.
Ông cho rằng, sẽ là một hành vi “quá đáng” nếu đem người “nhà quê” An Nam ra để so sánh với người nông nô Phương Tây. Phong trào dân tộc ở các nước Phương Tây gắn với sự nghiệp của giai cấp tư sản, trong khi xứ An Nam, khi các quan hệ kinh tế còn chưa hình thành, chính những người “nhà quê” đã đóng vai chủ yếu trong sản xuất và do đó quy định các mối liên hệ khác về cộng đồng ngôn ngữ và lãnh thổ… và do đó mà họ đã có lịch sử.
Quả là “quá đáng” thật! Với sứ mệnh cao cả là giải phóng xã hội, giải phóng con người, giai cấp công nhân Châu Âu thông qua các “đội tiền phong” của mình vẫn không chịu nhìn nhận lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người “nhà quê” An Nam. Lịch sử ấy buộc phải tự vạch lấy đường đi để hòa cùng dòng chủ lưu của thời đại mới được mở ra từ sau Cách mạng Tháng Mười, đưa lại sự ra đời của một chính đảng – “Đảng của nhân dân Việt Nam” (Hồ Chí Minh): Đảng lao động, Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ.
Đó là tính chất “đặc thù” của cách mạng thế giới tại nơi mà “giấy khai sinh” cấp cho “giai cấp tư sản dân tộc” sau khi đã “chứng sinh” cho giai cấp công nhân!
Giai cấp công nhân, những nông dân mặc áo xanh do chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp, đã phải sớm gánh vác sứ mệnh to tát xây dựng quốc gia văn minh bằng cách phát bỏ đi những “lũy tre làng” cùng với việc lật nhào các “dinh thự”, “biệt phủ” của chủ nghĩa quan liêu.
Có lẽ “khó con đầu giàu con út” là một định mệnh. Định mệnh ấy đã buộc giai cấp công nhân phải gánh chịu tất cả sự thiệt thòi. Nó phải hy sinh rất nhiều những người con ưu tú, những đảng viên trung kiên, cho sự nghiệp giữ nhà kể cả với “gã láng giềng tốt bụng”. Song cũng chính cái định mệnh đã tránh được cho nó sự phân hóa trong nội bộ với sự hình thành nên “tầng lớp công nhân quý tộc” (Mác) thì đã lại sinh ra cho nó “giai tầng quý tộc” trong đảng chính trị.
Khiến nó giờ đây chỉ còn là lực lượng đối lập với “những nhúm, những bộ phận, những tầng lớp công nhân, cứ khăng khăng giữ mãi những truyền thống (những thói quen) của chủ nghĩa tư bản và tiếp tục thái độ đối với Nhà nước Xô viết như đối với nhà nước cũ: cung cấp cho “nó” lao động với số lượng càng ít càng tốt, với chất lượng xấu nhất, và lấy của “nó” càng nhiều tiền càng tốt…” (Lê nin TT,37, 108).
Nó phải lang thang, cứ sau mỗi lần tết nhất lại tỏa đi các đô thị phía nam và thu nạp thêm những ngư phủ mất biển vào làm công cho các ông chủ người nước ngoài và “cắn răng” để cho các ông chủ nước ngoài “chỉ định” về lại nơi “chôn rau” nếu là lao động nữ ngoài 30 tuổi!
Giờ đây, giai cấp công nhân Việt Nam chẳng khác gì các “Mẹ Việt Nam Anh hùng” khốn khổ: Mất đi người chồng cho kháng chiến gian lao, những đứa con cho “công cuộc kháng chiến thần thánh”. Còn bây giờ thì là những đứa cháu cho việc học những “bài học” từ người Tàu…
Đặt ra vấn đề, nhưng chưa có thời gian lúc nào dành cho việc “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học Phương Đông”, ngoài câu cảnh báo “Chúng ta phải coi chừng”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ để lại cho những người cộng sản cái chỉ dấu phân biệt tính chất của đấu tranh giai cấp. Tại đấy, “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở Phương Tây” cho nên có mở rộng đấu tranh giai cấp đến đâu thì cũng phải đến mức thừa nhận quyền dân tộc tự quyết. “(3) Trong chủ nghĩa dân tộc có cả lòng căm ghét bọn xâm lược Trung Quốc và người Ấn Độ sinh cơ lập nghiệp ở trên đất nước này. (4) Nó có xu hướng hợp pháp hóa các hình thức biểu hiện và yêu sách của nó. Một mặt, chính quyền nhượng bộ. Mặt khác, lớp thanh niên từ bỏ phương pháp tiến hành những cuộc nổi dậy bột phát của lớp người đi trước (…). Trong khi lớp người già muốn độc lập ngay thì lớp trẻ yêu sách những thiết chế chuẩn bị cho độc lập” (Hồ Chí Minh toàn tập, 1, 466).
Lớp trẻ, những người lao động công nghiệp, trong khi tìm đến “yêu sách những thiết chế chuẩn bị cho độc lập” họ dần nhận ra “lớp người già” không ra giá cho “độc lập”.
(còn nữa)