Vào cái ngày tôi chợt thấy
trong người có cái gì là lạ… Thơ thẩn vườn nhà, nhìn đôi bướm thường cứ qua lại
bên này mà nay bỗng xốn xang… Nhìn sang cô bé cứ sáng sáng là gánh hàng cho mẹ,
giờ này rồi mà còn lần khân mải những đâu? Mà sao tôi lại chỉ nghĩ cái “lần
khân”… Lại còn lẩm bẩm đếm thời gian, mà lại còn đang nhẩm thì bị lôi ngay về bởi
cái giấy gọi đi bộ đội!
Mẹ tôi bảo:
- Mày lấy con cái Bướm không?
Mẹ cưới cho!
Tôi nói:
- Chị í lớn thế mà, lấy gỉ?
Mẹ tôi cụt hứng nhưng chắc là
không giận:
- Thôi vậy thì đi! Đi đi rồi về lấy…
Chứ còn sao nữa, việc nào ra
việc nấy! Tôi nhanh chóng hòa ngay vào cuộc đời binh nghiệp. Mới một tuần mà
tôi đã được cơ cấu làm Phân đoàn trưởng thanh niên. Thấy thế, bố tôi nói: “Có
phải vậy thì cứ để cho nó phấn đấu đi, …rồi lấy!”
Cứ thế mà tôi dầm mình trong
mưa phùn gió bấc. Ngày hai buổi thao trường, đêm đêm lại còng lưng cõng gạch đến
sụn cả hai vai… Giá mà không có các chị nuôi quân chắc tôi đã bỏ về. Với mẹ
tôi, tôi mà còn thì bà lại có thêm đứa con, chứ mất tôi rồi mà quanh năm cứ đầu
tắt mặt tối, không có lấy một ngày, gọi là ra khỏi làng thì “biển trời bao la”
cũng chẳng ý nghĩa gì; kể cả có là “gấm hoa” thì cũng chỉ đến vậy! Thật đáng
kinh ngạc với các “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Có Mẹ mất tới hai ba người con, thậm
chí bốn! Mẹ của một đồng nghiệp với tôi, sáu lần nhận giấy báo tử con mình. Nhận
giấy báo tử con ngay cả khi bà đang phải đợi tin báo tử chồng, tức… bất đắc dĩ
dự bị “vợ liệt sĩ”! Rồi thì cũng chỉ đến mỗi căn “nhà tình nghĩa”, mà dễ mấy ai
không có nhà có cửa đâu! Có người có hẳn hai, ba căn. Thậm chí bốn! Đất cát tuy
cũng không cứ phải có nhiều, nhưng cũng đủ bán cả cho những người nước ngoài cất
nhà nghỉ dưỡng!
Ba chị nuôi quân trong đơn vị
tôi như những nàng công chúa xứ “Ngàn lẻ một đêm”. Xứ đó, chắc cũng phải có mặt
Trời chứ sao không được nhỉ! Chắc chắn là có Trăng! Các chị nuôi quân của tôi đẹp
như Trăng. Kể cả Trăng non, kể cả Trăng già! Trong bộ quân phục màu lá cây phẳng
nếp như là, các chị hăm hở vào ra… Đôi quân hàm màu đỏ có hai ngôi sao đính
trên hai bên ve áo lúc nào cũng nhảy nhảy như những ánh Trăng. Ánh trăng trải
dài trên những cánh đồng nho bất tận có tôi ở đó.
Các chị cứ tíu tít giục nhau
vo gạo, băm rau… Rồi còn thoăn thoắt quẩy gánh cho lợn ăn, vãi cơm cho gà… Vất
vả là vậy mà chị nào chị nấy má đỏ hây hây, thân óng ả như những cô nàng kiến lửa!
Lại còn rất hay cười! Một lần tôi được phân công xuống bổ củi giúp chị nuôi chụm
bếp, anh hạ sĩ trực ban như sợ có kẻ cắp nên cứ phải kè kè… Ảnh quát tháo nhặng
cả lên, chẳng biết chuyện gì, ảnh quát luôn cả các chị. Các chị chỉ cười! Có
lúc các chị cùng nhau cười. Có khi cũng có vài chị bận bịu nên cũng chỉ còn một
vài chị cùng cười với tôi! Về cơ bản thì, nói chung, các chị mà cười là “quên tổ
quốc”!
Tôi thì không chê người cười
nên cứ được cử đi lấy cơm. Lần nào tôi cũng như lần nào: “chợ chưa họp mà kẻ cắp
đã đến”! Có lần một chị nào bảo tôi như vậy. Nghe hoài rồi tôi cũng quen! Không
quen sao được, như con lợn ấy, đã bị chọc tiết rồi thì còn sợ nước sôi gì nữa!
Ví lại “miếng ngon ai để đến trưa”!
Hễ đến chừng trực ban xem đồng
hồ và chuẩn bị gõ kẻng cơm là tôi đã lù lù trước kẻng. Giơ cái thẻ nhận cơm ra
là tôi bắt đầu tác nghiệp. Một lần, thấy một chị nuôi quân đang tất tưởi đuổi
ruồi, tôi vào gióng một:
- Chị mấy tuổi?
Không trả lời ngay, trong tay
chị là lăm lăm cái vỉ ruồi.
- Này… thì… chết… này. Phụp!
… mới quay lại tôi: “Đoán thử!”
- Đoán trúng, chị cho gì?
Chị nhìn tôi… giống cung phi
nhìn giám quan, đầy những cảnh giác:
- Cháy! Cơm cháy!
Cũng được! Tôi nghĩ. Lúc còn ở
nhà, nấu cơm mà nhỡ để cơm có cháy là mẹ tôi cằn nhằn suốt cả bữa: “Có mấy hạt
cơm thôi mà để dính bết vào nồi thế này rồi thì còn gì để mà ăn”. Còn thì ăn,
mà không thì chúng tôi chia nhau cơm cháy! Giòn! Ngon! Ngòn ngọt! Mà có phải
hôm nào cũng có cơm đâu! Vì không hôm nào cũng có cơm nên, về cơ bản, răng tôi
vẫn được bảo tồn. Chưa cùn! Sức nhai tốt!
- Em đã cháy rồi mà chị còn
cho cháy!
- Ấy sao nói gở vậy! Còn đi
chiến trường nữa đấy! Sao mà lại đi nói gở vậy…
Ừ nhỉ! Nếu mình chết thì chị sẽ
đi lấy ai nhỉ?
- Chị sợ không có ai lấy à?
Tôi buột miệng và hốt hoảng…
Gương mặt đang ửng hồng, đôi sợi tóc mây dính bệt nơi khóe mắt… “Tóc con gái
hay hay nhỉ, giống mà cũng khang khác với tóc mình”! Tôi còn đang nghĩ thì một
cánh tay chị… quệt ngang mày một cái, mặt tím tái:
- Này, cơm chia rồi đây. Lấy
đi mà về!
Tôi nhai cơm nhỏn nhẻn. Miệng
đăng đắng mà bụng thì nê nê… Mấy thằng ăn cùng tôi thì cứ hỉ hả mà chẳng hỏi
han gì… Được một lúc soong cơm hết nhẵn. Tôi rửa soong đem trả bếp rồi chuồn thẳng
không dám ngoái đầu…
(còn nữa)