Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

ĐI VÀO LÒNG NGƯỜI

Triệu Cao liên tục thay đổi tư thế. Hết ngồi rồi lại nằm, lại ngồi… lại nằm… mà cũng không sao nguôi ngoai nỗi nhớ cún cưng. “Không biết mấy hôm nay rồi, bọn cẩu tặc có cho nó ăn uống gì không, hay lại cho nó đi vào lòng chúng rồi nữa”.

Nghĩ đến đó lão xót cả ruột. Cứ mỗi lần mất chó, lần nào cũng như lần nào, lão cũng cứ phải bỏ ăn bỏ uống, thậm chí bỏ cả vào chầu. Từ cái đận lão “xin được dâng lên cho bệ hạ một con ngựa tốt”, vua Nhị Thế đã cãi lại rằng “đó là hươu”, lão mới nói với đám đại thần “ai nói hươu” thì ngồi lại với vua, thế thôi mà cả đám liền kéo nhau về hết nhà lão họp.

Rồi “trâu buộc chỗ nào nát rào chỗ ấy” lão lại phải nai lưng ra tiếp đãi… Có hôm thịt hẳn một con chó, rượu hết mấy vò. Lần ấy, không thấy thừa tướng đến chầu bọn đại thần “quen mui” lại mò đến…

Trong lúc đang buồn vì mất thú cưng nhìn bọn đại quan ăn uống như ăn cá hấp nấm… “Hay là bọn này” - lão nghĩ! “Một mất mười ngờ”, tội chết! Lão thương xót nhìn lũ đại quan mà thấy bứt rứt… “Ái biệt ly khổ”, … “oán tăng hội khổ”, thầy Tử Thanh Thịch dặn đi dặn lại lão chớ có mà chuốc thêm cái sầu cái khổ vào mình!

Rồi từ bận ấy, thú vui “thú cưng” từ chó lão chuyển hẳn sang mèo, lão nuôi mèo cảnh. Nhưng chứng nào thì lại tật ấy, bọn “cẩu tặc” cũng chuyển từ trộm chó sang lần lượt bắt trộm mèo. Sao cứ nhất thiết phải ăn trộm mèo? Bỏ nghề “miu tặc” chuyển sang ăn thịt heo có được không? Đi hỏi, …thầy bói phán:

- Ngài thật mát tay! Nuôi gì tốt nấy. Nuôi chó nuôi mèo thì thành thịt béo. Thịt béo đem nuôi thiên hạ, thiên hạ trở nên thông minh sáng láng cả da…

Bực mình. Nghĩ đến lũ đại quan phùng má ăn thịt chó nhà lão mà ghét. “Thế thì ông nuôi chuột, chúng mày ăn cho biết”. Lão liền nghĩ và nghĩ liền tay gầy dựng ngay một đàn chuột.

Công nhận thầy bói nói đúng! Đàn chuột của lão lớn như thổi. Con nào con nấy di chuyển cứ vù vù, sinh đẻ vô tội vạ, chúng kéo nhau ra sống vạ vật đầy cả ngoài sân. Hôm nào lão mở nhạc là bọn chúng kéo hết vào nghe, đến đỗi lão không có lấy một chỗ mà ngồi…

Nhưng rồi bọn chúng thành có trật tự. Lão bèn bắt chước vua Lỗ hầu chêm rượu cho chuột uống, giết trâu mổ bò cho chuột ăn, lại thường xuyên tấu nhạc cửu thiều cho chuột nghe, chuột vui… Kết quả con nào con nấy to như con voi. Lại nghĩ, vua Nhị Thế lúc nào cũng xưng “cô” với lão, lão bèn chọn một con to nhất, tập cho nó. Rồi đợi ngày tiến vua.

Lão bắt thằng hầu suốt ngày ôm con chuột vào lòng. Ăn với chuột, ngủ với chuột. Nghe nhạc cũng với chuột. Thậm chí trả lương cho nó lão cũng tính cả lương của chuột vào đó!

Từ ngày đó, con chuột chỉ nằm trong lòng thằng hầu. Nhìn cảnh đó lão cũng nguôi ngoai ít nhiều khi thương đến những con mèo bị bắt trộm chỉ vì luôn sà vào lòng chủ rồi ngủ luôn!...

Để thăm dò khuynh hướng của quần thần, Triệu Cao lại lần nữa dứt con chuột ra khỏi lòng thằng hầu, dâng lên Nhị Thế, nói:

- Thần xin dâng lên bệ hạ một con mèo tốt.

Vừa thoạt nhìn Nhị Thế biết ngay là con chuột. Lấy đâu ra mèo mà mõm nhọn thế này, liền cười lớn, nói:

- Thừa tướng lại lầm nữa rồi. Lần trước khanh gọi hươu là ngựa. Sao giờ lại gọi con chuột là con mèo?

Triệu Cao vẫn kiên định rằng đây là mèo! Nhị Thế hỏi các quan xung quanh. Người nói chuột kẻ nói mèo. Rộ cả lên. Nhưng có lẽ nhớ lần dở hươu dở ngựa, tất cả lại “thin thít như đít thày bói”.

Nhị Thế cả kinh tự cho mình là lú lẫn bèn cho gọi quan thái bốc đến. Quan thái bốc từ từ gieo quẻ rồi phán:

- Bệ hạ khi tế tự trời đất, tôn phụng tông miếu quỷ thần đã chưa trai giới đến chốn đến nơi nên thần linh nổi loạn… Nay bệ hạ cho dọn dẹp hết bình cổ lọ sành lấy chỗ cho mèo thư giãn đặng xua chuột ra khỏi đầu là bệnh không chữa chạy cũng tự khỏi.

Nghe xong vua bảo thả mèo ra. “Mèo” thấy được thả nó liền tót vào lòng vua ngồi.

Vua hoảng hốt:

- Thế này là thế nào, Triệu Cao?

- Bẩm bệ hạ… Bệ hạ thấy đấy, nó đang đi vào lòng người đấy thôi!