Lấy cảm hứng
từ “Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng
của Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy và ủy thác của nhân dân” với “chủ động “rút củi đáy nồi” và “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”
trong xử lý quan hệ với kẻ thù”, ông Nguyễn Phú Trọng đã đối xử với kinh nghiệm
truyền thống bằng “đánh chuột không để vỡ bình”.
Về văn cảnh
thì “rút củi đáy nồi” và “phải kiềng canh
nóng mà thổi rau nguội” với “đánh chuột không để vỡ bình” là cùng một ngữ
cảnh: chỉ dẫn cuộc đấu tranh với thù trong giặc ngoài. Còn về hoàn cảnh xuất
hiện sự kiện thì không phải cùng. Với ông Trương Tấn Sang là để “xứng
đáng với sự tin cậy và ủy thác của nhân dân”; còn với ông Nguyễn Phú Trọng thì là báo cáo với cử tri,
khu vực ông được bầu cử, với sự ủy nhiệm của nhân dân thông qua các cử tri khu
vực này mà ông nhận được sự ủy thác.
Điều này nên
phải rạch ròi. Đừng vì thế mà suy đoán rộng ra thành thái độ của Đảng ta trong
cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
“Rút củi đáy
nồi” và “Canh nóng thổi rau nguội” (đúng ra là “canh nóng thổi dưa”, ông Hoàng
Tuấn Công nếu thấy đúng thì ừ cho tiếng nha) là thể hiện cách ứng xử chừng mực
không làm cho địch tình trở thành quá trớn, khó kiểm soát. Phải biết tiến lui
đúng lúc nhưng dù thế nào thì cũng kiên quyết giữ thế tiến công chứ không vì
“rút củi” mà lại thành nhụt chí chỉ lo bảo toàn lực lượng để rồi rơi vào tình
cảnh thúc thủ, mà đắc tội với nhân dân trước “âm mưu diễn biến của các thế lực
bên ngoài”(?!).
Thế nên,
phải kiềng “Canh nóng thổi dưa” như một hàm ý, có khi nào nhỡ “rút củi” không
kịp thời, khiến nước “bùng” ra khỏi miệng nồi, lần sau hễ cứ thấy nước đun là…
lo thom thóp!
Còn “đánh
chuột đừng để vỡ bình” thì lại thể hiện thái độ thúc thủ của cơ quan quyền lực
cao nhất mà đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng trải lòng.
“Đánh chuột
vỡ bình” là tất nhiên. Tính tất nhiên này chỉ rõ hoặc đánh, hoặc không. Hai khả
năng có thể: 1) “chuột chết” mà “bình nguyên”, xác suất chân lý của kết luận
quy nạp luôn không bằng 1; 2) “Trạng chết thì Vua cũng băng hà”, xác suất chân
lý của kết luận này gần bằng 1. “Gần bằng” vì “ẩu”: đánh một đằng, mà lại tan một nẻo, chuột thì nhăn răng chuột cười,
bình thì tả tơi hoa lá! Tính ngẫu nhiên này để ngỏ cho hoạt động tự do sáng tạo
của con người: đánh chuột cứ đánh, giữ bình cố giữ; bằng không giữ nổi bình thì
cũng cứ… Đánh!
Hồ Chủ tịch
dạy “Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm càng ít, mà những tính tốt như sau
càng thêm. Nói tóm tắt tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng,
liêm” [t. 5; tr. 251]. Bởi chỉ “có chí công thì lòng dạ mới trong trẻo, đầu óc
mới sáng suốt để chăm làm những việc ích nước lợi dân” [Phạm Văn Đồng].
Sự nhạy cảm
trong việc nắm bắt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển bền vững trong “cuộc
chiến đấu khổng lồ” (Hồ Chí Minh) chống lại không phải chỉ cái tàn bạo mà cả những cái
cũ kỹ, hư hỏng đã khiến Cụ Hồ đòi hỏi “phải thay đổi triệt để những nếp sống,
thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm” [t. 8; tr. 493]. Là bởi, trong cái "xã hội miễn cưỡng”, “cái tốt mà lạ người ta có thể cho là
xấu, cái xấu mà quen người ta cho là thường… (nên) số rất ít người không theo,
khuyên mãi cũng không được lúc đó có thể dùng cách cưỡng bức bắt họ phải theo”
[t. 5; tr. 91].
“Cách mệnh
đến nơi” (chữ của Bác) là xây dựng lại xã hội, cũng là tổ chức lại đời sống
cộng đồng. “Là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất”, đòi hỏi phải
kết hợp tất cả các biện pháp, hễ “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm,
việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” [t. 4; tr. 57].
Khi ông đại
biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trải lòng về sự hiện hữu của một hệ thống các
mối quan hệ “lằng nhằng” với những “chân giò” và “nậm rượu”… như gợi cho chúng
ta một suy ngẫm: chúng ta chưa có xã hội. Đúng là chân lý bao giờ cũng tự tìm
đường đi cho nó. Ở ta mà có sự hiện hữu các mối quan hệ xã hội, thì sẽ không
bao giờ tồn tại được các mối quan hệ “lằng nhằng” với tính cách là quan hệ chủ
đạo kia; những mối quan hệ lấn lướt các mối quan hệ xã hội, trở thành chướng
ngại vô cùng lớn ngáng chân ta trên con đường xây dựng một xã hội giàu, mạnh, công
bằng, dân chủ, văn minh.
Một xã hội theo
đúng nghĩa, chỉ tồn tại các mối quan hệ xã hội. Các quan hệ này, dù có phức tạp
đến đâu cũng đều bị / được điều chỉnh bởi luật pháp. Cho nên, pháp luật sẽ “thúc
thủ” trước các mối quan hệ “lùng bùng” không rõ hình thù “bánh hú trao đi, bánh
bèo trao lại” dựa trên cơ sở “ơn ngãi” chứ không phải là “hạch toán” “lỗ lãi”.
Nền kinh tế tự túc và cống nạp (chữ của Trần Đình Hượu), phương thức phân phối
và cách thức hưởng thụ là “bổng” và “lộc”: tương ứng, tương cầu, tương giao,
tương thôi, tương ma, tương thế, tương thành với nhau, thì phải lấy “ân nghĩa”
ra mà đối đãi với nhau. Cho nên, lúc này “ông mất chân giò, [thì] bà thò chai
rượu” lúc khác!
Quan hệ cống
nạp, biếu xén, đút lót trước hết là quan hệ gia đình, gia tộc và cao hơn cả là
quan hệ quốc (nước) gia (nhà) mà Nhà nước là một đại gia tộc. Nhà nước chuyên
chế Phương Đông là một hình mẫu của kiểu
tổ chức xã hội theo kiểu công xã mà ta còn được thấy tính chất bảo tồn về mặt
lịch sử ở Bắc Hàn. Mọi thần dân chỉ là “người làm” cho gia tộc họ Kim, những kẻ
“trông coi” thì nhận “lộc” để hưởng “bổng”.
Đó là tính
chất của mối quan hệ gia đình-nhà nước. Lãng xã là một hệ quần thể các gia tộc.
Quận (quần chi /làm thành bầy), huyện (huyền chi /gắn bó lại) đều có
chung một nghĩa “gộp” chung các làng xã lại thành một đơn vị hành chính (không
phải đơn vị kinh tế) tiện đường cho việc huy động sức dân làm phu phen, tạp
dịch… và bộ máy trung ương chỉ bao quát đến quận, huyện; vua chỉ bổ đến chức
tri huyện còn bên dưới nữa… chào thua “lệ làng” bởi các thân hào – những bậc
đàn anh có thế lực: bô lão, thân sĩ, những dân anh chị “có máu mặt”...
Cách thức
sinh hoạt quần tụ theo họ hàng tông tộc, khiến làng thành các đơn vị tự trị mang tính tổ chức nhà nước một cách
hình thức, nên rất ổn định. Lý trưởng tuy là đại diện có tính chất nhà nước
nhưng việc công thì lại phải bẩm báo
với “tiên chỉ” thì mới được hành sự. Cho nên đánh chuột là không đánh được, mà
có đánh nhưng không vỡ bình, thì lại chưa từng ai nói bao giờ!
Là bởi, nhà
nước chuyên chế chỉ cốt sao giữ cho “bốn phương phẳng lặng…”. Tiên Đế đặt ra chế độ “hưởng
dân”, rồi sau đó thì cứ thế hưởng thôi. Tiếp sau vị vua sáng nghiệp là các “vua thủ
thành”, mà để "lưới rung" lên là “chết cả đám”. Cho nên, bất tài mới hữu dụng.
Người tài năng thì lo sửa đổi. Vua chuyên chế chỉ lo sử dụng người giỏi văn
chương chữ nghĩa, nói được cho dân tin để dân nộp thuế đầy đủ, đi phu đúng kỳ,
đi lính đúng đợt, là ổn! Điều này khiến ta thường không lấy làm lạ khi vua rất
chăm chút cho đám tuyên giáo, và dung dưỡng thói bạt mạng của đám hào trưởng và
đám quan lại địa phương. Đứa nào cứng đầu thì ban thêm cho nó vài tước, cần thì
gả con gái cho. Chẳng tiếc! Khi không cần nữa thì lấy lại, ví dụ như với Jang Song-Thaek, cũng chẳng mất gì!
Đánh chuột tất
phải vỡ bình. Đó là khí thế kiên quyết tiến công, “…Hà Nội, Hải Phòng và một số
thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân ta quyết không sợ. Không
có gì quý hơn độc lập tự do”, khi đó ta sẽ “xây dựng đất nước ta to đẹp hơn,
đàng hoàng hơn”.
Đến đây,
việc trở thành đơn giản hơn rồi. Có muốn xây dựng “Đời sống mới” như Cụ Hồ muốn
cho nước nhà thì “đập chuột”, mà không thì thôi!
Lũ chuột ăn
đêm cho nên ngày ngủ. Còn người hoạt động ban ngày nên không thể thức canh suốt
về đêm. Chuột và Người, về nguyên tắc không bao giờ thèm “nhìn mặt” nhau. Trừ
loài mèo có thể quan sát thấy cả hai, trừ khi nó bị biến thành biểu tượng hợm
hĩnh dùng cho trang trí ngày Tết, ngày này còn là “mùa cưới hỏi”/ mùa sinh sản, trong Tranh
Đông Hồ.