Môn Lý luận và Phương pháp dạy học; Số tín
chỉ: 03
Đối với sinh viên Sư phạm Giáo dục công dân,
K 35
Câu 1(2đ). Phân tích các chức
năng của quá trình dạy học vận dụng vào môn Giáo dục công dân ở Trung học Phổ
thông.
Có ba chức
năng của quá trình này. Mỗi chức năng sẽ quy định việc giải quyết mỗi yêu cầu
khách quan của quá trình dạy học, tức nó “giải quyết nhiệm vụ” nào đó, khi gặp
những nội dung cụ thể của quá trình dạy học.
Chẳng hạn,
chức năng của “anh bộ đội Cụ Hồ”: chức năng chiến đấu, chức năng công tác, chức
năng lao động sản xuất. Trong đó chức năng cơ bản hàng đầu là chức năng chiến
đấu. Nhiệm vụ của anh bộ đội sẽ là gì trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống
quân xâm lược bành trướng? Cụ thể hơn, nhiệm vụ của anh bộ đội biên phòng; bộ
đội Hải quân; bộ đội phòng không, ra đa, tên lửa,... Khi hoàn thành tốt nhiệm
vụ ấy các anh, Quân đội Nhân dân ta, thể hiện đầy đủ bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ”
mà chức năng của Anh chính là sự phản ánh cái bản chất ấy.
Một ví dụ
khác, chức năng của bàn tay là cầm nắm,
vai trò của tay là lao động. Nhiệm vụ
của tay Anh bộ đội là “chắc tay súng”, tức
là nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc. Có chắc tay súng mới tiêu diệt hết kẻ xâm lược. Do
đó, hòa bình sẽ không có được nếu không có các anh. Có các Anh là có hòa bình.
Cuộc sống mới “Đời đời ghi ơn các Anh”; Nhiệm vụ của người đi học là chắc tay
bút “làm đòn xoay” thân phận của dân tộc, Bác đã từng nói vậy: “Non sông Việt Nam có… hay
không… là nhờ phần lớn công học tập của các em”. Chứng tỏ việc học tập là cơ
hội thay đổi thân phận nghèo hèn.
Để lao động,
mà lao động là sản sinh ra mọi giá trị, thì bàn tay mỗi người sẽ, trong khi thể
hiện chức năng của bàn tay, đảm nhận mỗi nhiệm vụ.
Vậy thì, khi
anh/ chị dạy Toán, Văn, Sử,… thì phải giải quyết được nhiệm vụ gì đối với công
cuộc tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Còn anh chị dạy học môn Giáo dục Công dân
ở THPT, thì khi môn học này tiến hành hoạt động “lao động” ấy, nó phải thông
qua anh / chị mà giải quyết nhiệm vụ gì.
Mà ai đã thể
hiện được ý này?
Chẳng có ai
phân tích được ba chức năng ấy và thống nhất chúng lại thành một chỉnh thể để
cho môn học GDCD ở THPT thực hiện nhiệm vụ của nó qua một nội dung nào cũng
được!
Câu 2(3đ). Phân tích mối quan
hệ giữa nguyên tắc dạy học đảm bảo tính khoa học và giáo dục, và nguyên tắc tính
vừa sức và phát triển trong dạy học môn Giáo dục công dân ở Trung học Phổ
thông, được minh họa qua một nội dung cụ
thể nào đó.
Chỉ cần nêu
khái quát nội dung của mỗi nguyên tắc dạy học, rồi thống nhất chúng lại, vì
chúng hợp lại thành một “hệ thống các nguyên tắc dạy học”.
Ai trong chúng
ta nhận ra các nguyên tắc này là sự thể hiện các chức năng của dạy học được
quán triệt vào dạy học môn Giáo dục công dân?
Vậy là hai
câu (1&2) này có thống nhất với nhau không nhỉ?
Nếu có, thì
“giải” câu này là có được câu kia. Câu 2 là kết luận của câu 1, hoặc câu 1 là
“cơ sở lý thuyết” của câu 2, hay là sự khái quát thành lý luận của câu 2.
Câu 3(5đ). Bản chất của
phương pháp dạy học thuyết trình ? Các kiểu
thuyết trình trong dạy học môn Giáo
dục công dân?
Cái bản chất
là cái quy định sự tồn tại và phát triển của sự vật. Vậy cái gì quy định sự vận
động của phương pháp thuyết trình trong dạy học? Vận dụng vào dạy học môn GDCD
ở THPT là “các kiểu” hay “hình thức” (cũng được), biểu hiện ra như thế nào?
Lấy một nội
dung nào đó của môn học này rồi cho các “kiểu” (mà có nhất thiết phải mọi kiểu
không, khi nội dung trả thi thuộc về phần chung trong cơ cấu chương trình kiến
thức nghề) “nhẹ lướt”, như “bè ai nhẹ lướt... trên bến... bến Đò Quan” ấy!
Ví dụ tôi
lấy một nội dung mà ai cũng biết (trừ bọn trẻ, khi chúng chưa “biết cách” giải
thích...): Tình yêu là gì? (một chủ đề của đạo đức công dân trong quan hệ hôn
nhân với hệ phạm trù đạo đức cơ bản: nghĩa vụ; lương tâm; nhân phẩm, danh dự; hạnh
phúc).
– Trình bày kiểu nêu và giải quyết vấn đề.
Thực chất là
giáo viên hỏi và tự trả lời: lời giải có thể chỉ là “vu vơ” nhưng mà là tất yếu
đối với các học sinh đang ngóng đợi. Khá bất ngờ đối với kinh nghiệm thông
thường ở người học!
Tại sao tuổi
kết hôn lại phải là từ 18 và 20? Hoàn thiện thể chất ư? Coi chừng tuổi 17 là
tuổi bẻ gãy sừng trâu đấy! Hoàn thiện về tâm hồn ư? Tâm hồn không chờ tuổi! Từ
18 và (từ) 20 không bao hàm nghĩa cứ 18 và 20 là kết hôn. Nó hàm nghĩa, vấn đề
kết hôn chỉ nên đặt ra từ độ tuổi ấy. Còn có kết hôn hay không phải căn cứ vào
bản thân mỗi người có đủ can đảm chấp nhận rủi ro đối với cuộc sống gia đình
khi tai họa ngẫu nhiên giáng xuống khiến chỉ có một người thôi, còn có được cái
khả năng cáng đáng toàn bộ gánh nặng kinh tế gia đình.
Nhất là đối
với người đàn ông…
Chẳng hạn,...
Một kinh
nghiệm thông thường, ngay khi mới lập gia đình, thời gian và năng lực của người
phụ nữ chủ yếu chỉ là dành cho việc sinh nở và nuôi dạy con cái.
Suy cho cùng
động cơ tiến đến hôn nhân chỉ là để sinh ra và nuôi dạy cho xã hội những người công
dân tốt!
Thực hiện
nghĩa vụ này, chỉ khi họ mãi mãi yêu nhau để luôn vượt lên được chính mình.
Nếu nghĩa vụ
của mỗi cặp vợ chồng là mãi mãi yêu thương nhau thì bổn phận của những người
yêu nhau là gì? Há không phải là để tiến đến xây dựng hạnh phúc với nhau!
Và để đến
với nhau, thì phải “biết cách nói không” qua “những điều cần tránh trong tình
yêu”. Nghĩa là, phải xây dựng được một “tình yêu chân chính”.
Vậy chỉ dấu
của một tình yêu ấy là gì?
Định nghĩa
tình yêu ấy xem nào!
Thực chất
của phương pháp dạy kiểu này là đặt vấn đề nghi hoặc, gợi mở giải quyết vấn đề
giảm dần tính hoài nghi mà tăng cường tính nghi hoặc; thường xuyên làm bối rối
sự thông thường ở học sinh, gây nên những sửng sốt, đưa học sinh từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác và cuối cùng về với điều giản dị nhất – điều mà con
người thường phạm sai lầm, bỏ qua trong trạng thái kiêu ngạo.
Một minh họa khác.
– Thuyết trình kiểu trần thuật
Gắn nội dung
dạy học “lương tâm” (chủ đề: nội dung cơ bản của đạo đức công dân) vào một câu
chuyện và lược thuật một câu chuyện về mặt ý nghĩa.
Chí Phèo
chết là thể hiện nhân sinh quan yếm thế ư? Nếu Chí Phèo vẫn sống thì Chí Phèo
là con người hay là con vật. Người ư? Chẳng ai là người mà không lao động bao
giờ. Chí làm người lao động thế nào được, khi hắn chỉ sở hữu mỗi cái sức lực đã
bị rượu tàn phá đến nỗi “Muốn ác, thì phải là kẻ mạnh. [mà] Hắn đâu còn mạnh
nữa” (!).
Cho nên, hắn mới chợt nhớ về cái thời với
những mơ ước bình thường như bao con người: chồng cày thuê cuốc mướn, vợ trồng
dâu nuôi tằm; khấm khá thì mua lấy sào vườn cho “trẻ mỏ” có cái rau, cái trái
thường xuyên; lấy cái rau cái cỏ nuôi con lợn lái làm vốn, cho “trẻ mỏ chúng nó”
có được đồng ra, đồng vào… cho việc ăn học, chẳng hạn!
Trạng thái
tâm lý ấy khiến hắn không là kẻ ác – là người lương thiện. Đó là con người sống
bằng lao động của chính mình. Thôi đành, cái xã hội đã tước đi cái quyền sống của
hắn, thì hắn có chết, cũng không có gì mới hơn. Nhưng chết đi hắn đem theo một
triết lý về bên kia – hóa giải kiếp sống ác – kiếp sống súc vật, được trở thành
người lương thiện…
Ở đây, một
câu chuyện tồn tại dưới môt hình thức nghệ thuật nào đó, không xa lạ với học
sinh được làm thành dữ liệu / tư liệu để phân tích, minh họa, khái quát hóa và
tổng hợp thành kết luận, xây dựng nên biểu tượng tri thức, để khắc sâu nội dung
tri thức trong bài.
– Thuyết trình phân tích
Kiểu thuyết
trình này dùng cho phương pháp dạy học trực quan với đồ dùng trực quan là các
sơ đồ, biểu đồ, công thức… nhằm vạch rõ hơn các đặc điểm, tính chất của từng
thành tố, từ đó lập luận logic để làm rõ bản chất của đối tượng dựa trên những
đặc tính có tính nhất thể…
Hãy tưởng
tượng trước mắt bạn là lược đồ phủ định
của phủ định. Bạn hình dung ra điều gì nếu không phải là bước phủ định thứ
nhất sự vật chuyển thành cái đối lập với nó; bước phủ định tiếp theo khiến cái
đối lập ấy lại chuyển thành cái đối lập với nó, và như vậy nó trở thành cái ban
đầu. Có phải vì vậy mà đặc điểm cơ bản của phủ định của phủ định là sự vật cuối
chu kỳ dường như lặp lại sự vật đầu chu kỳ, nên nó trở thành là khởi đầu cho
một chu kỳ biến đổi tiếp, trong đó, nếu có phải trải qua nhiều bước phủ định
như thế nào thì cũng chỉ bao hàm hai lần phủ định căn bản, dựa trên cơ sở làm
thay đổi chất lượng của đối tượng phù hợp với công thức chung: NÓ (ban đầu) –
KHÔNG PHẢI NÓ (cái đối lập với NÓ ban đầu) – NÓ (cái KHÔNG PHẢI NÓ chuyển thành
cái đối lập với nó thành NÓ).
Công thức
chung này nói lên điều này: cơ cấu của phủ định biện chứng gồm hai lần phủ định
– tức phủ định và phủ định cái phủ định
ấy – gọi là phủ định của phủ định; cơ chế của phủ định biện chứng là sự
chuyển hóa qua lại giữa cái khẳng định và
cái phủ định…
– Thuyết trình nêu giả định
Dùng khi cần
chứng minh bằng phản chứng. Dựa vào một vấn đề suy ra một phản đề. Học sinh sẽ
phải tìm kiếm các luận điểm với lập luận chặt chẽ về sự lựa chọn ấy. Khi này
học sinh sẽ phải vận dụng các thao tác tư duy phức tạp để phê phán, bác bẻ, bảo
vệ các quan điểm của chính họ từ đó vạch rõ nguyên nhân của khách thể.
Ví dụ, điều
gì sẽ xảy ra đối với “quyền tự do sản xuất, kinh doanh” mà không gắn với các
biện pháp chế tài? Phải chăng khi đó “mạnh ai, nấy liệu”! Điều xảy ra tiếp theo
sẽ là, giả định, các cơ sở sản xuất kinh doanh nước giải khát như nấm, mọc lên!
Đến đây theo quy luật thị trường để đảm bảo có lãi cho nhà sản xuất kinh doanh
mỗi người sẽ làm gì nếu không phải chỉ còn là gian lận, giả, nhái? Sự này sẽ
mãi gia tăng nhưng không thể đến vô cùng… Kết cục sẽ là thế nào, nếu chưa cần
tính tới khả năng cuối cùng người tiêu dùng quay lưng lại với nhà sản xuất bởi
trúng độc… thì trong nội bộ các nhà sản xuất kinh doanh ấy chắc chắn sẽ có một
nhà không bị phá sản do sự gian lận đạt đến tột cùng mà đoạt hết thị phần của
tất cả những nhà sản xuất kia, nghĩa là chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nước giải
khát?
Như vậy có
phải là, quyền tự do kinh doanh không gắn với các biện pháp chế tài đã tước
đoạt quyền tự do kinh doanh của tuyệt đại đa số các nhà sản xuất nước giải khát
không?
– Thuyết trình theo kiểu quy nạp
Khi cần phải
tăng cường tính chính xác để tăng tính thuyết phục của vấn đề, giáo viên phải
lần lượt loại dần các mặt tương phản. Làm điều này giáo viên phải xác định các
tiêu chí so sánh từng mặt, từng thuộc tính… giữa các đối tượng dùng để so sánh.
Mặt khác giáo viên sẽ phải vận dụng phép thống kê để từng bước tổng hợp lại các
dữ liệu do sự phân tích để so sánh kia tách ra…
Ví dụ như
những người nghễnh ngãng, mắt lòa, mũi nghẹt, miệng chát, da dẻ sần sùi do bệnh
nấm da… sẽ cảm nhận thấy điều gì khi một em bé xinh xắn sà vào lòng họ với
hương thơm từ da dẻ đầy sức sống, và tiếng thỏ thẻ êm ái đến “tức cười”?
Đứa bé sẽ
chẳng còn gì để đáng yêu! Khi không có gì đáng yêu sẽ không có gì để đáng nhớ…
rồi sẽ không hoặc không bao nhiêu những việc cần phải được làm cho chúng.
Rốt cuộc, các
bé đối với người nhỡ bị khiếm nhược kia sẽ chẳng có ý nghĩa gì hoặc có thì cũng
chút ít nào đó thôi, trong khi chúng là “thiên thần”- một thông điệp hạnh phúc
của con người. Thế là cái hạnh phúc của người được ôm những đứa trẻ đã không
đến và ở lại với người không được may mắn ấy!
Vấn đề đặt
ra, để sống hạnh phúc con người có cần thiết phải bảo vệ và tăng cường sức khỏe
cho mình và cho cộng đồng? Làm gì để toàn bộ cơ quan nhận biết của con người luôn
được tinh anh nhạy bén?
Nhận định chung
Không thấy
cái sự học. Môn phương pháp bao giờ cũng là môn được tôn vinh trong hội thảo
nhưng bị khinh thường trong giảng đường! Thực tế sai lầm là từ phương pháp mà
nó thường được “đổ vấy” cho “kim chỉ nam”. Đó là điều khốn cùng của phương pháp
và phương pháp dạy bảo và học hỏi! Phương pháp biện chứng là một ví dụ. Không
khó khăn lắm để không nhận ra, người sính chữ nghĩa bao giờ cũng biết cách
tự cho mình tinh thông biện chứng pháp của Mác hoặc của Hê-ghen!
Bài tập thay
cho kiểm tra giữa kỳ, giao cho các anh / chị về tự học tự nghiên cứu với quỹ
thời gian bằng một học kỳ, thậm chí sau hè mới phải đem trả. Ở đây có sự sai!
Nhưng vì muốn “buộc” các anh / chị tự học. Đề bài là “một số mô hình dạy học”
(do tôi cung cấp tài liệu) anh / chị thấy mình nên phát triển theo mô hình nào?
Thì mô hình nào chả được. 2/3 cùng chọn một mô hình. Cái ngẫu nhiên mới lên
ngôi làm sao! Vì có một năng lực đông đảo ngang nhau, có khác chăng chỉ là về
hình thức diễn giải ngắn dài…
Nhìn chung, tôi trung trành với mục đích tôi đặt ra, có sự “tùy tiện” đấy: tạo cơ hội có
điểm cao để cải thiện điểm TBC của học phần. Tiếc là tôi không đạt được mục
tiêu: chọn mô hình nào? Tại sao chọn? Phù hợp với năng lực (tạm thời) hiện tại
như thế nào? Ý nghĩa phát triển của mô hình được chọn ấy?
Buồn thay!