CHỈ LÀ THỨ ẨN ỨC BỊ DỒN NÉN
“Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ...” thì không phải riêng nhà nào mới có. Nhưng có là vơ tuốt ngay vào luật, coi như “cũng là bạo lực gia đình” thì “chồng” này phải được trở thành cái phổ biến.
Cái phổ biến hay phổ quát mới được
coi là bình thường! Để biến được những điều cá biệt tức nghịch thường thành cái
chung cái phổ quát, thì phải biết vận dụng “phép chuyển hóa giữa cái chung và
cái riêng” nhưng cái này thì lại phải có trình độ lý luận cao cấp mới làm được.
Giải thích lý do tăng giá xăng dầu người ta chỉ cần nói đó là chuyện bình thường,
là xong! Từ nay bỏ lệ “thu phí” chỉ “thu giá” đã làm xôm nghị trường Cuốc hụi
14 bằng luận điểm, rằng đó là bình thường! Sử dụng sân vận động nhàn rỗi, đồng
ruộng trống hoác trống huơ do quy hoạch treo vào việc chống ngập cho các đô thị…
cũng là việc bình thường. Cứ thế giới không làm được mà ta được làm là… bình
thường. Khai thác đúng mức chức năng của khách thể, mà không cần phải có chỉ đạo
gì sất cả, đều là chuyện bình thường. Chỗ “trống không” của “lu” để dùng vào việc
“chứa” mới có thể huy động nó vào việc “hứng” nước mưa… chả hiệu quả hơn so với
việc khai thác sử dụng phát huy sân vận động hay sao? “Cánh đồng Chum”, Siêng
Khoảng bên nước Lào ấy, có tới nửa năm là mùa mưa, vậy mà có bao giờ ngập đâu!
Mới có chuyện, rằng có một cán
bộ khu phố, sau khi được phóng viên phải dùng đến ngôn ngữ hình thể để “nói cho
mà biết” từ “mại dâm” có nghĩa là thế nào? Có nghĩa là những cấm đoán hạn chế hiện
nay, cứ mỗi khi màn hình xuất hiện “nhất nhân cường lưỡng nhân hỉ (/ một người
khỏe hai người vui)” là không còn hiệu lực. Cán bộ khu bèn tủm tỉm cười, mới bẽn
lẽn huơ huơ huơ: Mại dâm ở chỗ tôi thì chả có nhà nào không có!
“Nhà nào chả có” nghĩa là đâu
đâu cũng thế, tức là bình thường! Tự nhiên mà lại chả là bình thường thì còn
đâu mới là bình thường? Nhưng bình thường mà bước được vào luật là giả định phải
có tính chế tài. Có chế tài thì mới có hiệu lực pháp lý tức hiệu quả thực tế! Cho
nên muốn đưa “chồng” ra làm chế tài vì đã “không nói gì cả” mà lại còn nói “hàng
xóm xinh đẹp, chu đáo” là phải tính đến năng lực thượng tôn pháp luật. Nhất là
với nhóm đối tượng gồm những gã mày râu vui tính và phong tình để còn bảo hộ
cho nhóm quý ông, “chồng chính chủ” không trở thành “kép” phụ. “Xe không chính
chủ” là xe đi ké, khác với “đi nhờ chuyên cơ” nên ai cũng biết, “ngựa không
chính chủ” chỉ né được quyền sở hữu nhưng sử dụng như sử dụng tiền chùa thì
không phải ai cũng biết.
Luật đặt ra trước hết là để cấm.
Chứ “đặt ra” thì cứ “đặt” còn hiệu quả thực tế lại “không đạt được như mong muốn”
chỉ khiến các đối tượng thuộc pham vi điều chỉnh của luật thêm láu cá hơn lên
mà thôi. Hơn nữa, dân chúng thì lại quá quen với làm gì cũng cứ phải có “phong
chào”. Phàm đã theo phong trào thì mới nhờn luật. Cho nên lại cứ phải “xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật”. Không nghiêm thì mới lại không lòi được ra
vụ Việt Á! Cho nên phi vụ vống “phí” sách giáo khoa mà không nghiêm chắc mới
không lòi!
Cái chuyện “suốt ngày khen
hàng xóm xinh đẹp, chu đáo” chứng tỏ “nội trị” là có vấn đề. Cứ suy ngược phát
là ra được ngay! Thật chứ, đi đâu về, mở cửa chỉ thấy toàn những là thê thảm:
lù lù một khối sư tử đá, sàn nhà bừa bộn, cơm nước không ai nấu… thì biết ngay
là đã vào nhầm nhà! Vào nhầm thì phải im. Ai lại hét toáng lên thì có mà hàng
xóm nó sang hôi của ngay liền!
Nói đến sức trẻ là muốn nói đến
lợi thế về hình thể. Hoạt động phong trào mà không phát huy được nó thì không
có hiệu quả. Sự duyên dáng thường xuyên được mơn trớn bởi những tờ giấy khen
thì mới có tình hình… “với việc chung cháy nồng như nắng Hạ; với chủ nghĩa cá
nhân như mùa Thu quét lá; với kẻ thù như băng giá đêm Đông”. Sống với tình “… đồng
chí ấm áp như mùa Xuân” thì mới quen dần thói bỏ cả cơm nhà, để mặc cha mẹ
chong đèn ngồi đợi!
Lấy vợ lấy chồng thì rồi cũng
sinh con. Dường như đã có sẵn lực lượng bảo mẫu “đỡ đần” cho việc bảo toàn hình
thể… Sáng sáng điểm trang vội vàng để còn tới cơ quan, trưa dùng cơm với đối
tác, chiều tiếp khách bộ ngành… đến mức quên cả việc con bú bằng gì nếu như có
dzú. Lâu lâu mới nghĩ đến quyền sở hữu với sử dụng thì cũng mất khả năng phân định
chính chủ với không chính chủ thành thử “cơm
treo” thì cứ treo “mèo nhịn” thì cứ…
đói!
“Một vừa hai phải” thì còn tạo
ra được “muối”… Khi liều lượng tăng lên và diễn biến theo luật lượng-chất thì
đó lại trở thành sự đầu độc thị hiếu tiêu dùng và xâm hại đến sở hữu tư nhân nấp
dưới cái ô tiết độ. Rồi mới sinh chuyện so kè, với hàng xóm thì vợ nào chả là “vợ
người áo gấm xông hương”…
Thì ra “bạo lực gia đình” là một
“giá trị” chỉ đơn thuần do thói quen làm luật khiến sự giải thích mà lý trí
thèm khát ý nghĩa cứ muốn nhất định buộc ràng cho đối tượng cần được trở thành
“nhất thiết có kẻ thù”.
Những gã đàn ông bị bỏ quên
như con nghiện hễ thấy có… ăn lại thèm. Tỉnh rượu, rời bỏ gấu bông là lại lạu bạu
chuyện nhà hàng xóm:
- Mịa! Thằng chả ở bển đã “ăn
không nên đọi” lại còn “nói chẳng nên lời” thế mà cơm ăn bữa nào cũng có canh
nóng! Có khi lại còn có cả xị rượu ngâm chuối rừng uống khỏi đái đường. Chỉ có
mỗi việc vợ sai dắt xe ra đưa xe vào, lần nào cũng bị cong cớn “hùng hục như
trâu húc mả”. Thế mà lại có cô vợ hơi bị xinh. Lại còn đáy thắt lưng ong. Hèn
nào mà biết chiều chồng lại còn khéo nuôi con! Một đứa như nó mà lại khỏe. Cần
gì lắm!
Hễ những điều không được phép
nói ra thì mới tìm ra cách để tự thổ lộ! Bạo lực nằm ở đây, ngay chỗ những ẩn ức
cứ phải bị dồn nén.