Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

VỤ ĐỒNG TÂM VÀ PHÉP SUY LÝ TỐ NHÂN (đoạn1)

Phiên xét xử sơ thẩm vụ “Giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, ngày  09/01/2020”, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nếu không thẳng thừng ngược đãi các ý kiến tranh tụng tại tòa thì sẽ không có hôm nay: phiên tòa phúc thẩm - cơ hội để các “bị cáo” tìm lại chính mình. Chính cái lẽ tự nhiên hay đúng ra là quyền được “đúng người đúng tội” mới là cách để khỏi nói rằng, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, tại phiên xét xử kia, đã không đạt được điều nó muốn, thành thử nó cũng chả muốn điều nó đã đạt được!

Hàm ý tiền giả định của điều này chính  là “Cái phù hợp với luật là nguồn gốc của việc nhận thức cái gì là quyền hoặc, nói đúng ra, cái gì là hợp pháp” (Hegel). Cái là hợp pháp đương nhiên là cái trạng thái trật tự. Hegel dùng từ tự do hành động để chỉ về một trạng thái xã hội, ở đó “không có sự kiểm soát để sắp đặt con người hay tài sản của mình, nhưng anh ta không được tự do hủy diệt bản thân, hay làm việc đó cho dù là đối với một sinh vật bất kỳ nào thuộc tài sản của anh ta, trừ khi cần đến việc này vì những điều còn cao đẹp hơn là bảo toàn sự tồn tại đơn thuần của nó” (John Locke).

Để phân định với tình cảm đạo đức, lý trí luật pháp giành lấy bổn phận huấn thị cho tất cả mọi người, với những tính cách tinh thần khác nhau, có ý chí pháp luật không như nhau nhưng không thể không tham vấn nó, rằng tất cả là bình đẳng và độc lập với nhau. Không ai được phép làm hại đến sức khỏe, tự do, hay tài sản của người khác. Không phải chỉ vì không chắc chắn rằng, những lý lẽ tranh tụng tại tòa là sai trái mà tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên xét xử sơ thẩm không biết phải làm sao nếu không có nó. Việc dập tắt những ý kiến phản biện nếu không muốn để chứng tỏ những chứng cứ dùng để bác bẻ mà tòa định đưa ra không yếu hơn “lời biện bác của quỷ” mà chỉ vì thứ lý lẽ bệnh hoạn của thành phần “bất hảo” không bao giờ được tòa án bảo vệ là thiếu công bằng. Đây là hậu quả của sự thiếu vắng một quy tắc hay một nguyên lý căn cơ khiến hiện tại cả phía này hay phía kia đành luẩn quẩn trong mớ xúc cảm xã hội đậm đặc những thành kiến. 

Thành thử mà những cảm nhận của công chúng không được phép tham gia tranh luận về tính chân lý của một ý kiến nhân danh thì ở họ cũng chẳng còn gì để được gọi là chút thái độ khoan dung đối với việc phủ nhận tính hữu ích của nó. Một tuyên cáo dành cho ý kiến không được tòa án bảo hộ, hay với những người có ý kiến tương tự mà bất cứ ai cũng có thể bị từ chối bảo hộ, sẽ không còn gì để có thể được bảo chứng. Không có người làm chứng tại một phiên tòa, thì lý lẽ của anh có thể là đúng nhưng chỉ biết mỗi chứng lý của phía mình và nếu cũng không thể bác bỏ được lý lẽ đối kháng; nếu anh cũng không nắm rõ thực chất của những lý lẽ ấy là gì, thì lập trường duy lý đối với anh chỉ có thể phải là đình chỉ việc phán xét.

Là bởi, trong tất cả các trường hợp bài bác, chỉ sự chống báng tự do ý kiến một cách có trật tự, mà tòa án, ngoài nó ra, không nơi nào những sinh mệnh chính trị được luật pháp bảo hộ mạnh mẽ và hiệu quả, là hành vi nhạo báng nặng nề nhất đối với con người. Khóa mõm con vật thì đương nhiên phải là do những tác hại từ bộ hàm của nó, bịt mồm con người vì trí tuệ của nó được coi là hành vi trái với đạo lý: “Dân chủ là làm cho dân chúng được mở miệng” (Hồ Chí Minh).

Trong tất cả các vị Hoàng đế độc tài thời cổ đại, thời mà một nghĩa nào đó vẫn là dã man khi cần đến thể chế độc tài, thì Marcus Aurelius vị hoàng đế thứ năm, đấng quốc vương chuyên chế vào bậc nhất lại giữ gìn được, không chỉ những tài năng phán xử minh bạch nhất, mà cả một trái tim dịu dàng nhất – điều ít được chờ đợi từ nền giáo dục “khắc kỷ”: thản nhiên chấp nhận mọi biến cố cuộc đời mà vị quốc vương này đã suốt đời được thụ hưởng!

Điều không lạ lùng ở vị hoàng đế được truyền ngôi từ người cha nuôi Pius Antonius này là ở chỗ độc tài mà không “ngán” sự “đẩy tới các trường hợp cực đoan” để chấp nhận nó. Việc làm đó, giống như để đặt ra một tiền giả định về một thứ lý lẽ nào đó, đã không xuôi cho trường hợp cực đoan thì cũng sẽ chẳng bao giờ nên cơm cháo gì đối với bất kỳ một công việc nào khác!

Kinh nghiệm loài chẳng để lại gì ngoài triết lý về trạng thái mông muội sinh ra từ thiếu hiểu biết, đặc biệt là những hiểu biết luật lệ mới là căn nguyên sâu xa của tội phạm. Các cơ sở tôn giáo từ chối một nghi lễ sám hối cho kẻ đắc tội đại hình thì tòa thế tục mới phải thi hành bổn phận đưa về cho tội phạm cơ hội tự thanh tẩy chính bản thân nó. Vì lẽ đó, mà tòa án tôn giáo mới lấy giáo lý làm luật lệ khi xét xử, còn tòa án thế tục mới lấy việc duy trì các nguyên tắc luật pháp để duy tu các nguyên lý đức hạnh. Việc bảo hộ chống lại sự chuyên chế của ý kiến và những cảm xúc đang thịnh hành chỉ thực sự cần thiết khi có sự bảo hộ chống lại sự chuyên chế của các nhà cai trị. Các bổn phận làm theo nghĩa vụ đạo đức của các chính phủ, các cá nhân là hình thành được các ý kiến chân thực nhất như chính bản thân họ; hình thành các ý kiến một cách thận trọng và không bao giờ áp đặt chúng cho người khác, trừ phi sự ép buộc ấy thuận theo tiếng nói của đám đông.

Khi một đám đông đủ lớn cùng nhất trí với nhau về việc hình thành nên một ý kiến chung, sự nhất trí theo nhóm trong khuôn khổ xã hội, sẽ làm hình thành một khuôn hình dựa vào hệ thống niềm tin đã được chấp nhận mà không hẳn đã được chấp thuận, nếu không có tính ép buộc. Nhưng giả định có tính tiên đề này phải là nhà cầm quyền đồng nhất được với dân chúng trong khi dân chùng còn chưa sẵn sàng hay chưa tích cực học được việc cảm nhận ý kiến của chính phủ là ý kiến của mình. Điều này hàm ẩn tiền giả định nhà cai trị chuyên chế thì bao giờ cũng tự cho mình quyền hành của một ông vua.

Nghĩa thông thường thì “chuyên chế” dùng để chỉ về một ông vua cai trị bằng bạo lực. Cai trị bằng bạo lực là hành vi soán ngôi, bởi dân chúng đâu có chuộng gì việc sử dụng bạo lực khi bạo lực chỉ làm được nổi mỗi việc đẩy thần công lý của họ ra đứng đường. Kẻ ăn mày, cũng có thể vì thế mà chết, vì sự thật có ăn đấy mà người ta vẫn chết. Nhưng không có niềm tin thì chẳng ai được quyền sống! Có thế thì mới cắt nghĩa được cho sự nghiệp giáo dục nhà nước. Suy cho cùng giáo dục chỉ là để thuyết phục toàn xã hội có một niềm tin vào công lý. Vậy thì, soán quyền, là tự ý cho mình cái quyền của một ông vua sẽ phải được coi là “không dạy dân để dân phạm tội mà giết, gọi là ngược; không răn bảo trước mà muốn thành việc ngay, gọi là hung; hiệu lệnh để trễ lâu đến kỳ thì thúc giục, ấy là thù hại; ban thưởng cái gì mà thu vào phát ra bủn xỉn, gọi là kẻ hữu tư” (Luận ngữ, Nghiêu viết, 22).

Chứng tỏ, công lý bị biến thành đứa trẻ bỏ nhà đi hoang là tại không có người trông coi pháp luật. Thành thử công lý thì phải dựa được vào những người sử dụng quyền hành. Nhưng không phải như chơi trò súc sắc! Chỉ ai, người sử dụng quyền hành một cách hợp pháp, khi đó công lý mới dám được nhân danh. Có được như thế sẽ không bao giờ gán cho là ngạo mạn khi con người và chính phủ đã hành động tốt nhất như có thể, đúng với khả năng thực tế để giành quyền tự xem xét ý kiến của mình là đúng khi hướng dẫn hành vi của người khác; và ngăn cấm những kẻ xấu làm bại hoại xã hội bởi những ý kiến mà chính phủ được dân chúng phê chuẩn cho đó là sai lầm và có hại.

Mới phải nói thẳng ra là thần linh công lý hay “thần linh pháp quyền” (chữ của Hồ Chí Minh) sẽ còn phải xấu hổ mỗi khi chứng kiến một khung cảnh tranh luận chính trị có phép tắc mà không dùng đến. Bởi “con người là một sinh vật chính trị” tức con người là con người chỉ khi nó hành động. Đã hành động thì không khỏi phạm sai lầm nên phải có chế tài. Thực tế con người là một sinh vật sai lầm cho đến khi anh ta nhận thấy được sai lầm. Sai lầm là một đặc ân mà “thần linh” ban cho con người nếu không muốn biến anh ta thành gã mù lòa chỉ thích hợp được với thứ công cụ mù quáng của tính tiền định. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” giờ này mới nhận được bộ y phục nhân văn: chỉ có sự không chịu nhận ra sai lầm chứ sai lầm không ai không có.

Để chịu nhận thấy sai lầm thì phải có sự chỉ bảo. Ý nghĩa của sự học hỏi ngoài cái nghĩa tự do tư tưởng để được trưởng thành nhà tư tưởng ra thì còn là, và đây mới thực sự đủ để một người bình thường có thể đạt được sự trưởng thành đầy đủ về tính cách, phù hợp với khả năng của nó. Thành thử mới sinh chuyện… hễ nơi nào có sự quy ước ngấm ngầm về thứ nguyên lý không được bàn cãi; nơi nào mà việc thảo luận chính trị những vấn đề trọng đại bị coi là cấm kị, thì nơi đó có thể, rất có thể trở thành miếng đất cho sự nảy mầm những nhà tư tưởng tương lai… Nhưng sẽ lại là nơi hoàn toàn chắc chắn về tính tích cực trí tuệ của dân chúng, người được gọi là đám đông vì sự thấp kém trí tuệ, mục nát ra! Chỉ bộ óc nặng nề với những định kiến mới không nhận ra điều gì khi quan sát, chẳng hạn, tâm lý kẻ tội phạm đứng trước “vành móng ngựa” lúc nó kịp nhận ra bài học làm người, dẫu phải chết nhưng được chết như một con người bởi lỗi lầm đã được nhận rõ ra!

Cứ phải nói ra là sứ mệnh của tòa chỉ là khôi phục lại cho đối tượng của pháp luật   cái vốn thuộc về nó nhưng do vì nỡ hành động một cách mù quáng mà thành chứng lý để phải về tay người giữ quyền công tố, ở mức cao nhất. Nói vậy để cái thường tình là phải có “đối chất” tự hiển lộ ra. Còn như nó đã không lộ ra thì chỉ một cách nói khác đi là tòa thế tục chỉ mới hoàn thành một trách nhiệm chả mấy nặng nề đối với thân phận con người: phủ định được một sản vật của tạo hóa! Nên chỉ đáng coi như một hành vi… như “muốn giết chó thì cứ vu cho nó có bệnh dại” (ngạn ngữ nước Pháp). Biết là “còn có nhiều sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”!

Một phiên tòa đại hình với 29 bị cáo, có già, có trẻ, có đàn ông lại còn có cả đàn bà, vậy mà lại chỉ một mực căn cứ vào “cáo trạng” để rồi bỏ qua hoạt động truy xét mà mục đích là vớt vát quyền con người đối với bị cáo “trót” phạm tội hay “lỡ” lần đầu thì lấy gì để gọi là công minh. Đã thế, hội đồng xét xử lại còn “chơi” luôn nghĩa vụ của các luật sư đối với các thân chủ của họ… Như vậy mà phiên tòa được coi là xét xử công bằng thì nơi nào mới có tình hình chỉ những đối tượng của pháp luật mới phải nhận những bản án “đúng người đúng tội”?

Xử tội một người vi phạm luật pháp hiện hành tức thị là đã thừa nhận có sự tồn tại của pháp luật bị vi phạm. Đây là căn cứ để thừa nhận, tại đó ít ra là có luật pháp dành riêng cho việc xét xử hành vi vi phạm này! Ở đâu không có luật pháp, ở đó mới không có luật pháp bị vi phạm, khi đó hội đồng thẩm phán sẽ là diễn đàn để người giữ quyền công tố thực hiện quyền lên án bị cáo, kể cả “cáo buộc ổ bánh mỳ thịt”, mà lúc làm ra nó, thợ làm bánh dẫu bị áp chế bởi các chế tài! Nhân danh người bị hại, người giữ quyền công tố có quyền theo đuổi đạo lý “con đau của xót”. Nhưng vì không có luật pháp nào có thể có được cái năng lực tự vận dụng, mà mọi hoạt động tố tụng mới phải đặt dưới sự xét xử công bằng của xã hội, của nhà nước cũng như của luật pháp! Điều này có thể đưa đến tình hình một công tố viên đã vì cấp trên thì không cần gì tới luật pháp, nhưng không thể có một vị phán quan nhân danh luật pháp mà lại còn nại ra ý kiến của đấng bề trên! Không một nơi nào ngoài tòa án, mới là nơi mà luật pháp có thể hiện diện hết ra được bản thân nó. Được như thế thì bị cáo mới nhận thấy, tức nhìn ra chính bản thân mình, về lại với chính bản thân mình.

Phiên tòa công bằng chỉ có thể là cấp chứng cứ cho việc suy đoán nên các luận đề phổ biến. Điều thực sự có ý nghĩa đối với nơi mà dân chúng phần đông vẫn cố chấp trong các lề thói và hủ tục, duy chỉ bằng cách từ những thấm thía và trải nghiệm qua mỗi phiên tòa mới “ngẫm đến ta”. Cứ thế này mà suy rộng ra, dân chúng ở bất cứ đâu hễ còn khuân “lệ làng” mà thách thức với “phép vua” thì đừng hòng có ngày thay đổi được thân phận. Cái gọi là nhân dân thực thi quyền lực không có nghĩa là sự cai trị tự quản, mỗi người tự quản lấy mình, mà là mỗi người bị quản lý bởi tất cả mọi người, chí ít thì cũng là ở bộ phận tích cực nhất. Vì vậy, sự giới hạn quyền lực của chính phủ đối với các cá nhân chỉ có ý nghĩa khi người nắm giữ quyền lực chịu trách nhiệm giải trình trước công luận mà hội đồng xét xử, tức tòa án, được phê chuẩn phải tự chịu trách nhiệm về các phán xét của mình.

Điều mà dân chúng “đi lên từ một nền tiểu sản xuất”, không được đào luyện trong môi trường pháp chế dân chủ tư sản, chỉ quen mỗi lối áp chế thực dân phong kiến lâu đời, chịu ngột nghạt với bầu không khí tâm lý pháp quyền rặt những ác cảm với giới cầm quyền… thực sự cần đến, để được giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp quyền chỉ là những trải nghiệm qua những cuộc tranh tụng ở các phiên tòa. Khi tất cả những nguyên tắc luật pháp mới được coi là nguyên tắc đạo đức cơ bản, thì mọi sự khước từ “quyền bào chữa” cho “bị cáo không hề được bào chữa” nhằm cố duy trì bầu không khí áp chế chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày tức 24 giờ thời lượng dành cho 29 bị cáo tội “giết người và chống người thi hành công vụ” đã không ngoài tác dụng gợi lại một sự liên tưởng tự do đến “Công lý nước Pháp”. “Ở Đông dương…”

“… có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An nam thì không có hội đồng bội thẩm, cũng không có luật sư người An nam. Thường thì người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện nào giữa người An nam với người Pháp, thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người” (HCM, tt.1.420).